Nghị luận VH: Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong hai tác phẩm Vợ chồng A Phủ ( Tô Hoài) và Vợ nhặt ( Kim Lân)

Nhân vật chính là những người lao động vốn có cuộc sống rất cực khổ, bất hạnh. Mị, A Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo khổ bị bọn thống trị mà đại diện là thống lí Pá Tra đè nén, áp bức. Mẹ con Tràng, người vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên đều là những người dân lao động bị cái đói khủng khiếp đe dọa cướp đi sự sống. Tuy vậy, ở những nhân vật nói trên không bao giờ mất đi niềm hi vọng vào tương lai, họ luôn tiềm ẩn một sức sống vô cùng mãnh liệt.

Bên cạnh những nét tương đồng, mỗi nhân vật trong tác phẩm có số phận, mang một vẻ đẹp tâm hồn khác nhau. Điều này thể hiện cách cảm nhận, khám phá độc đáo riêng, giàu ý nghĩa của từng cây bút trước hiện thực đời sống. Mặc dù họ cùng viết về một đề tài theo một mô tuýp gần gũi.

Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

Trong "Vợ chồng A Phủ" Tô Hoài đã khắc họa số phận của đôi nam nữ người H - Mông (Mèo) ở vùng núi Tây Bắc trong thời kì kháng chiến chống thực dân.

Mị - một cô gái xinh đẹp, chăm chỉ, yêu đời, được nhiều chàng trai theo đuổi nhưng do món nợ truyền kiếp của bố mẹ, Mị bị bắt cóc về làm dâu nhà thống lí. Thời gian đầu, bị làm con dâu gạt nợ, Mị đã phản kháng, tính ăn lá ngón tự ử nhưng vì thương cha đành chấp nhận cuộc sống nô lệ. Từ đó, Mị sống cam chịu, sống vô cảm, không còn ý thức về thời gian. Ở đây, đoạn đời tăm tối của Mị được Tô Hoài khắc họa chân thực, cảm động. Nhà văn không chỉ dừng lại ở đó mà còn phát hiện niềm ham sống, khao khát hạnh phúc của người đàn bà tội nghiệp này bằng việc miêu tả sinh động sự hồi sinh của Mị.

Mùa xuân, những hình ảnh tươi trẻ, những âm thanh rạo rực của mùa xuân đã làm sống lại tình yêu đời trong tâm hồn của Mị. Nhờ sự tác động của men rượu, Mị hồi tưởng lại dĩ vãng tươi đẹp, cảm thấy tâm hồn mình phơ phới, Mị chuẩn bị đi chơi như một con người tự do. Nhưng rồi A Sử trói đứng Mị, khát vọng sống của Mị bị chà đ5p rất tàn nhẫn.

A Phủ cũng là một nô lệ trong nhà thống lí. Người thanh niên khỏe mạnh, dũng cảm, chỉ vì đánh con quan mà đã bị phạt vạ và trở thành người tôi tớ gạt nợ cho bọn chúa đất chỉ vì để mất con bò, A Phủ đã bị Pá Tra trói đứng ở góc nhà, chỉ còn chờ chết. Qua cảnh phạt vạ, cũng như qua số phận của nhân vật này, Tô Hoài cũng đã lên án tội ác dã man của bọn chúa đất phong kiến miền núi đương thời.

Vì cùng cảnh ngộ, vì thương người, Mị đã vượt qua nỗi sợ hãi cố hữu để cắt dây trói cho A Phủ, cũng là Mị đã tự giải thoát mình. Hai người chạy đến Phiềng Sa, tham gia du kích.

Như vạy, nhờ sức sống tiềm tàng, khát vọng tự do đã khiến cho hai nhân vật này thoát khỏi cuộc đời nô lệ, tìm đến cách mạng và cách mạng chính là con đường duy nhất để giải thoát, giải phóng cuộc đời cho họ.

Vẻ đẹp người phụ nữ VN qua Vợ Nhặt - Kim Lân

Vợ nhặt của Kim Lân, các nhân vật trong truyện được đặt trong một tình huống rất bi đát, khốn cùng. Họ bị cái đói rình rập, cướp đi sự sống bất cứ lúc nào. Đấy là tình cảnh chân thực của hàng triệu người lao đọng ở Bắc Bộ trong nạn đói năm Ất Dậu 1945. Vào thời điểm này, đứng trước hoàn cảnh như vậy, Tràng - một người nông dân nghèo xơ xác, xấu trai, ế vợ, người xóm ngụ cư bỗng nhặt được vợ như cái rơm, cái rác bên đường. Khi có vợ, Tràng buồn, vui lẫn lộn, đêm tân hôn diễn ra trong ngày đói.

Người vợ nhặt là một người phụ nữ đáng thương đến nỗi không thấy tác giả nói về lai lịch, gốc gác, quê hương, ngay cả tên gọi cũng không có. Cuộc sống chỉ vì nghèo đói nên thị đã đánh mất những phẩm chất vốn có của người phụ nữ. Với chi tiết này, "ăn một mạch bốn bát bánh đúc", Kim Lân đã khắc sâu nỗi cơ cực, cơ nhục của người đàn bà này, thị trở thành người đói nhất trong những người đói, người đáng thương nhất trong những người khốn khổ nên chấp nhận theo không về làm vợ Tràng. Nhưng khi về làm vợ Tràng cũng là một quyết định táo bạo.

Từ đó trở về sau, tính cách của người vợ nhặt đã dần dần thay đổi. Do đó, trên đường về nhà, nét duyên dáng cố hữu của người con gái đã trở về với thị. Và khi về đến nhà Tràng, cô trở nên e thẹn, rụt rè. Đến bữa ăn sáng đầu tiên chỉ có cháo cám và cháo loãng, cô im lặng chịu đựng. Và đặc biệt khi nghe tiếng trống thúc thuế, thị đã ý thức cho Tràng về hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới.

Cũng như Mị và A Phủ đến Phiềng Sa rồi đi theo du kích, những người trong gia đình Tràng trước hoàn cảnh bi đát, họ đã hướng về Cách mạng, hướng về Việt Minh, bởi lẽ, chỉ có Cách mạng mới làm thay đổi được thân phận của họ.

Không chỉ dừng lại ở việc phản ánh chân thực nạn đói khủng khiếp năm 45, Kim Lân còn khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của người lao động, đó là dù rơi vào hoàn cảnh vô cùng bi đát, họ vẫn hướng tới cuộc sống gia đình, vẫn cưu mang nhau, vẫn tin ở tương lai.

Leave a Reply