Nghị luận xã hội: Tác hại của công nghệ đối với cuộc sống sau này của học sinh

Ngành công nghệ ngày một phát triển và dần dần trở thành một chất "gây nghiện" vô hình ở trẻ. Nhiều trẻ không được bố mẹ hoặc người lớn chỉ dẫn đã trở thành nạn nhân của "kẻ săn mồi" internet và một số trẻ khác thì nghiện video game, làm cho chúng không có thời gian để tiếp xúc, kết thân, vui chơi với các trẻ khác – điều này thật sự nguy hiểm vì sẽ làm ngày càng tăng tỷ lệ các trẻ bị trầm cảm, cô đơn và tự ti khi trẻ giao tiếp bên ngoài xã hội.

Để có những sự uốn nắn, can thiệp kịp thời và giáo dục tốt tâm lý cho trẻ, chúng ta hãy xem xét một số tác động tiêu cực, tích cực của công nghệ đối với trẻ em và cùng thảo luận về những gì cha mẹ có thể làm để giảm thiểu các tác động của công nghệ đối với con trẻ của chúng ta:

1/ Tác động tiêu cực:

a/ Ảnh hưởng đến sức khỏe:

Trên lý thuyết thì công nghệ không phải là "chất" trực tiếp gây ra vấn đề sức khỏe ở trẻ em, nhưng sử dụng quá mức và tập trung quá nhiều vào các thiết bị này có thể dẫn đến thói quen không lành mạnh, ảnh hưởng không chỉ ở thể chất mà còn là tinh thần của trẻ.

Trẻ em dành nhiều thời gian xem truyền hình, chơi video game

(Ví dụ, nếu để trẻ hàng giờ ngồi trên máy tính chỉ để chơi game, và bạn là phụ huynh vì nuông chiều trẻ, sợ trẻ khóc lóc, đòi quấy thì bạn đã vô tình đem thiết bị công nghệ làm hại khả năng hoạt động của trẻ. Bạn sẽ làm trẻ ít vận động, trẻ không còn thích di chuyển nhiều nữa; điều này có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề sức khỏe khác.)

Thời gian trước màn hình thiết bị tỷ lệ thuận với bệnh béo phì: Trẻ em dành nhiều thời gian xem truyền hình, chơi video game, sử dụng máy tính liên tục, dành ít thời gian tập thể dục, và có xu hướng thích ăn đồ ăn nhẹ, đồ ăn nhanh nhiều chất béo sẽ làm các chất béo tích tụ trong cơ thể và các con bạn sẽ tức khắc bị bệnh béo phì. Béo phì có thể dẫn đến các bệnh như tự ti, trầm cảm, tiểu đường, và các bệnh này không những tốn kém để điều trị mà còn hết sức nguy hiểm khi tuổi đời của các em còn quá nhỏ.

Khắc phục:

Bố mẹ nên lập thời khóa biểu cho con và hướng dẫn con mình thực hiện theo lịch trình đã đề ra, trong đó có những khoảng thời gian dành cho việc tập thể dục nâng cao sức khỏe (như cho trẻ ra công việc chơi với những đứa trẻ khác, gửi trẻ đến các trung tâm thể dục, tập võ, múa hát nhằm giúp trẻ có thể vận động nâng cao thể lực…).

Bác sĩ tâm lý Douglas Gentile thuộc trường đại học Iowa, Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về thời gian trên màn hình và tác động đối với trẻ, có ý kiến như sau: "Theo tôi những nghiên cứu sau này cần phải chú ý tới là khi cha mẹ bắt đầu thiết lập những luật lệ từ khi trẻ còn nhỏ và khi trẻ lớn hơn thì có thể là trẻ sẽ có khả năng tự giác, tự kiểm soát thời gian của mình tốt hơn vì chúng học được điều là không nên nhìn vào màn hình liên tục kể từ khi chúng tỉnh ngủ, và phải giữ thời gian này cân bằng với các thời gian khác trong ngày."

Một điều nữa bạn nên hiểu tâm lý của trẻ là càng cấm đoán, bạn sẽ càng rắc rối bởi vì nếu bạn làm như vậy, chúng sẽ tìm cách để sử dụng bằng được các thiết bị điện tử trong tình trạnglén lút, thậm chí có thể gây hại nhiều hơn về sức khỏe và thị giác của trẻ.

Một trong những lý do chính tại sao trẻ em dành nhiều thời gian hơn với công nghệ, là vì cha mẹ quá bận rộn với công việc hằng ngày mà quên để dành thời gian với con cái. Những hoạt động bổ ích như dẫn trẻ đi bơi, chơi bóng bàn hay bóng đá, đi bộ trong công viên, chơi với thú cưng, đạp xe đạp với bố mẹ,…hoặc hơn nữa bố mẹ tạo ra các cuộc thi vật lý giải trí tại nhà nhằm mục tiêu chính là để tìm cách nâng cao khả năng sáng tạo và "đánh lạc hướng" trẻ thoát khỏi đam mê quá nhiều vào công nghệ.

b/ Ảnh hưởng về tư duy:

Một tác động khác không mấy tốt hoặc có thể nói là dẫn đến tiêu cực của công nghệ đối với trẻ em hiện nay là xu hướng thiếu kiên nhẫn. Từ sự sẵn có, cách tìm kiếm nhanh chóng của những điều mà một giáo viên muốn ở trẻ biết cách sử dụng tư duy để suy nghĩ, giải quyết một vấn đề thì ngược lại trẻ lại dựa dẫm vào những cái đã có sẵn thông qua mạng internet, trẻ em ngày nay thực tế đang học theo phương pháp dạy của "tiến sỹ Google"; điều này quả thật không phải là một điều tốt khi trẻ đang trong độ tuổi dần phát triển trở thành người lớn.

Mất thời gian cho các thiết bị công nghệ có thể lấy đi sự bổ ích từ các hoạt động khác như học tập, tập thể dục, hoặc các hoạt động đội nhóm để nâng cao kỹ năng giao tiếp xã hội. (Ví dụ, trò chơi video game của những năm trước đây từng hướng trẻ tìm tòi, hào hứng và chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành, nhưng trò chơi ngày nay có thể mất vài tuần hoặc thậm chí cả năm để hoàn thành, chưa kể các game online theo thời gian thực sẽ là "chất gây nghiện" không khác gì một chất kích thích có thể khiến trẻ mất ăn, mất ngủ và lúc nào cũng muốn lao vào những trò chơi ảo trên internet).

Bên cạnh đó nếu quá lạm dụng Internet trong giải trí thì ngoài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng thì việc thường xuyên chơi Game online - loại hình giải trí thu hút rất đông người tham gia, đặc biệt là giới trẻ dẫn đến việc nghiện game khi chơi quá đà, các em sẽ trở thành "con nghiện" quên cuộc sống thực của mình, sa đà vào cuộc sống ảo giác và tìm mọi cách để thỏa mãn cơn nghiện của mình ngay cả phải thực hiện những hành vi tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật và phạm pháp hình sự.

c/ Những ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ trong gia đình:

Tác hại của công nghệ đối với cuộc sống

Hầu hết các bậc cha mẹ có ít thời gian hơn với con cái của họ, vì họ phải làm việc, và sau một ngày bố mẹ sẽ trở về nhà và họ sẽ có rất ít thời gian để vừa làm công việc nhà, vừa trò chuyện hay chơi với con. Vì vậy, vào cuối ngày, thường trẻ chỉ thấy thoải mái khi chơi game, xem truyền hình, chat với bạn bè trên facebook, truy cập những trang web có nội dung không lành mạnh trong khi bố mẹ phải nấu nướng, giặt giũ, chuẩn bị bữa tối. Dần dần chúng cảm thấy không thể thiếu và rời xa được những thói quen này; cảm giác gần gũi, trò chuyện với bố mẹ sẽ dần mất đi. Đến lúc đó thì trẻ sẽ thụ động, thậm chí việc nghe lời bố mẹ sẽ là một điều rất khó khăn cho bất kỳ bậc phụ huynh nào.

Khắc phục:

Cha mẹ nên dành nhiều thời gian với con cái sau khi đi làm về, học tập cùng con, cùng con chơi game hoặc lên internet tìm hiểu những kiến thức mới, giải thích cho con những điều hay, lẽ phải,…; Bạn sẽ tạo ra một mối liên kết mạnh mẽ giữa bạn và con cái của bạn, để chúng cảm thấy tự tin, gần gũi, biết chia sẻ nhiều điều hơn trong học tập, cũng như trong cuộc sống. Vì vậy, cái bạn nhận lại là thật sự lớn lao và đầy tình cảm, ngay cả khi con bạn đọc một cái gì đó trên internet chúng sẽ tham khảo ngay ý kiến của bạn và cần bạn giải thích cho chúng hiểu rõ hơn.

d/ Rủi ro đến từ những Internet:

Trẻ em là những người sử dụng internet thường xuyên nhưng lại không có đủ kiến thức để phòng tránh các mối nguy hiểm trên internet. Hiện nay có rất nhiều những clip video quảng cáo và các trang web hài hước tạo ra để giải trí cho đại bộ phận người trưởng thành, tuy nhiên, trẻ con chỉ cần "Google" các trang web là có thể tiếp xúc với những hình ảnh xấu này. Các hành vi nguy cơ như sử dụng ma túy, uống rượu, quan hệ tình dục không được bảo vệ được quảng cáo tràn lan trên các trang web như vậy, do đó, một đứa trẻ sẽ nghĩ rằng những gì chúng nhìn thấy là tốt và bình thường của cuộc sống, chúng sẽ bắt chước và học đòi theo trong khi chúng ta không hề hay biết.

Khắc phục:

Cha mẹ cần lưu ý hành vi của trẻ kể cả khi online hay offline. Trong trường hợp vô tình trẻ em làm những gì chúng nhìn thấy thì bạn có thể ngăn chặn ngay truy cập của một số trang web mà có thể có hại cho trẻ. Nếu bạn không có kinh nghiệm, không rành kỹ thuật, bạn có thể thuê một người biết về chuyên môn để hướng dẫn bạn.

Hãy chắc chắn rằng con bạn chỉ dùng internet cho mục đích học tập và trao đổi tài liệu với bạn bè và thầy cô.

e/ Kỹ năng xã hội kém:

Nhiều trẻ đang dành phần lớn thời gian chơi điện tử, xem truyền hình và sử dụng các mạng xã hội như facebook, zalo, viber,…và chỉ như đối thoại một mình.Vì vậy, chúng chỉ dành rất ít thời gian để giao tiếp với các bạn đồng trang lứa hay bạn bè ở lớp. Nếu một đứa trẻ có kỹ năng xã hội kém, nó sẽ cảm thấy rất khó để giao tiếp với mọi người, nhất là khi chúng ở vào độ tuổi trưởng thành, và điều này có thể gây hại cho cuộc sống của chúng trong thời gian dài. Những người sống tách biệt, không xã hội khó có thể kết hợp với cuộc sống xã hội và trong nhiều trường hợp họ sẽ có cảm giác trầm cảm, cô đơn. Đến khi gặp phải khó khăn họ không thể nhận được sự giúp đỡ nào mà chỉ nghĩ "quẫn" dẫn đến những hậu quả thật đáng tiếc.

Khắc phục:

Cha mẹ nên đưa con của họ chơi với những bạn bè, những đứa trẻ hàng xóm cùng lứa ít nhất một - hai lần một tuần, khuyến khích trẻ kết bạn trong khi học ở lớp, ở trường và nói với bạn bè là trẻ có thể mời bạn bè về nhà để bố mẹ có thể biết những người bạn của trẻ.

Leave a Reply