Người Nga có câu nói: “Nếu có hai cái bánh mì, tôi sẽ bán một cái để mua hoa hồng. Cả tâm hồn cũng cần phải được ăn uống”. Suy nghĩ của anh (chị) về quan niệm sống trên đây

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Giải thích

- Bánh mì là một cách diễn đạt nhằm chỉ những giá trị vật chất thiết yếu đến sự sống của mỗi con người, đó là cái ăn, nơi ở, cái mặc... và có thể là những tiện nghi phục vụ cho nhu cầu đời sống của mỗi cá nhân trong những hoàn cảnh cụ thể cho phép.

- Hoa hồng là những giá trị tinh thần, là nhu cầu tinh thần, tình cảm của con người trong cuộc sống, là những sáng tạo mang giá trị tinh thần của con người trong sự sống đúng với ý nghĩa cao cả của nó.

- Ý cả câu: Vật chất và tinh thần cần được cân bằng, hài hoà trong cuộc sống.

Vật chất và tinh thần cần được cân bằng, hài hoà trong cuộc sống

2. Phân tích, chứng minh

- Câu nói trên nên hiểu một cách linh hoạt: “nếu có hai cái...” mới có quyết định “sẽ bán một cái...”, nghĩa là nhu cầu vật chất cần và đủ, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, thì nhu cầu tinh thần cũng nên được chú ý song hành với nhu cầu vật chất.

- Tinh thần của câu nói trên nhấn mạnh ở vế sau: “Cả tâm hồn cũng cần được ăn uống”. Vì sao?

- Tâm hồn có vị trí rất quan trọng trong đời sống của con người. Tâm hồn cũng cần được nuôi dưỡng để ngày càng giàu có hơn, phong phú hơn. Thật đáng sợ nếu đời sống tâm hồn nghèo nàn, cằn cỗi.

- Tâm hồn sẽ làm nên những nét đẹp nhân văn trong mỗi con người. Thế giới tình cảm của con người với thiên nhiên, môi trường sống, và nhất là với cộng đồng sẽ làm nên giá trị đích thực của cuộc sống, ý nghĩa của cuộc đời.

3. Bình luận

- Có thể lấy những ví dụ từ quan sát ngoài đời sống, hoặc từ trải nghiệm của bản thân để làm rõ: Nếu chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, những ham muốn cực đoan về tiền tài, địa vị... con người sẽ ra sao? Dễ bị rơi vào lối sống ích kỉ vô cảm, thậm chí là bất hạnh, đau khổ. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của vật chất trong đời sống hằng ngày của con người.

Tinh thần và vật chất

- Có thể quan niệm sống ở mỗi thế hệ có thay đổi, có khác biệt. Nhưng, trong đời sống hàng ngàn năm của con người, vẫn có những giá trị vĩnh hằng: khát vọng về cuộc sống với nhu cầu ngày càng cao, kể cả vật chất và tinh thần, đó mới là “chất lượng sống” thật sự.

- Có thể phê phán một số biểu hiện của một bộ phận nhỏ trong xã hội hiện nay, những người có cái nhìn mang tính thực dụng khi đánh giá về con người, về tài năng và phẩm hạnh, về vẻ đẹp tâm hồn, khi đưa ra tiêu chí chỉ mang giá trị vật chất để “xếp loại đẳng cấp”.

4. Liên hệ bản thân

Cần bộc lộ quan điểm cá nhân, hoặc bài học rút ra cho bản thân, nhận diện đầy đủ về lẽ sống, tầm quan trọng của việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tự làm giàu có thế giới tâm hồn, đặc biệt là trong hoàn cảnh xã hội hiện nay.

Leave a Reply