Nhà thơ Tố Hữu có hỏi: Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn? Anh (chị) hãy trả lời câu hỏi đó

GỢI Ý

Học sinh phải đảm bảo các ý chính sau:

- Giải thích khái niệm sống, sống đẹp: sống có mục đích, có hoài bão, có ước mơ, có lí tưởng và có ý chí, nghị lực để thực hiện hoài bão, lí tưởng của mình. Sống đẹp không chỉ là sống có ý nghĩa cho bản thân, mà còn cho gia đình, cho những người xung quanh và cho xã hội.

Sống đẹp

- Quan niệm về biểu hiện của sống đẹp:

+ Sống có ước mơ, có hoài bão, có lí tưởng.

+ Sống có mục đích, có ý chí, quyết tâm để thực hiện mục đích.

+ Sống là biết cống hiến: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. (Tố Hữu)

+ Sống biết trân trọng, nhân ái, vị tha... với tất cả những gì xung quanh mình.

Có thể minh hoạ bằng tấm gương có lẽ sống đẹp như: Bác Hồ, anh Trỗi, Tố Hữu, Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc,... vấn đề là phải thể hiện rõ những biểu hiện của lẽ sống đẹp qua những tấm gương đã chọn để minh hoạ nhằm làm nổi bật lập luận của người viết.

- Bàn về lẽ sống đẹp trong xã hội hiện nay - gắn với thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thời đại bùng nổ thông tin, thời đại hợp tác hoá toàn cầu, thời đại giao lưu mở cửa bắt tay với bạn bè năm châu.

BÀI LÀM

Tùy vào suy nghĩ của từng người mà sống đẹp được cảm nhận theo nhiều cách khác nhau, nhưng dù thế nào thì nó cũng mang một ý nghĩa tốt đẹp. Sống đẹp là sống có mục đích, sống có tình cảm, có lí tưởng, sống vì mọi người,... sống đẹp là mang lại niềm vui cho người khác mà không phải vì một lợi ích cá nhân nào, cũng không phải để mọi người chú ý khen ngợi, sống như thế chỉ với một mục đích sống tốt đẹp, giúp ích cho đời mang lại niềm vui cho mọi người. Trong kho tàng ca dao - tục ngữ, cha ông ta từng thiết tha sống đẹp. Đến thời đại chúng ta, Tố Hữu cũng tha thiết kêu gọi bằng câu thơ Ôi! sống đẹp là thế nào hỡi bạn?

Sống đẹp là sống có mục đích, sống có tình cảm, có lí tưởng

Nguyễn Hữu Ân - chàng trai vào đời bằng nghĩa cử đẹp như trang cổ tích, đã dùng gần hết chiếc bánh thời gian của mình để thăm nom, chăm sóc cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối; một em học sinh vùng núi hằng ngày cõng bạn bị cụt hai chân đến trường ròng rã bao năm liền... Không chỉ có vậy, ta còn thấy nó qua những câu chuyện phương Đông trong nhị thập tứ hiếu,... Nhưng ngày nay không ít người chỉ biết sống cho riêng mình, không cần quan tâm đến mọi người, thậm chí họ còn sẵn sàng chà đạp lên cuộc sống của người khác để kiếm lợi ích cho bản thân mình. Đó là một trong những quan niệm sai lầm về lối sống, đó là một lối sống ích kỉ và nhỏ nhen, nếu như không sớm khắc phục thì hậu quả sẽ không tốt cho thế hệ con cháu sau này, nó biến mọi người trở nên vô cảm và khi đó cuộc sống sẻ rất tẻ nhạt, buồn chán... Để cho xã hội tốt đẹp hơn, trước hết ta phải làm đẹp con người đã, làm đẹp ở đây không phải là đi thẩm mĩ để đẹp dung nhan mà là làm đẹp nhân cách con người. Ta phải rèn luyện tính tự lập hòa đồng biết yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh mình dù đó là một việc làm rất nhỏ. Suy nghĩ trong từng lời nói, cử chỉ sẽ giúp ta rèn luyện phẩm chất tốt đẹp hơn.

Sống đẹp là một chuẩn mực cao nhất trong nhân cách con người, câu thơ của Tố Hữu có tác dụng gọi mở, nhắc nhở chung cho mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay phải biết giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc như Lá lành đùm lá rách, Nhường cơm sẻ áo, cùng nâng đỡ tâm hồn, nhân cách của nhau để cuộc sống ý nghĩa hơn, góp phần xây dựng một đất nước văn minh giàu đẹp.

Leave a Reply