Nhà văn Đức F. Sile có nói: Tình yêu là niềm say mê đem lại hạnh phúc cho người khác. Trình bày suy nghĩ của anh (chị) khoảng 200 từ về ý kiến trên

GỢI Ý

I. Mở bài

- Đã có nhiều định nghĩa về tình yêu nhưng chưa có một định nghĩa nào thật toàn vẹn.

- Ý kiến của F. Sile về tình yêu được xem là một tư tưởng khai sáng về tình yêu và từ xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị: Tình yêu là niềm say mê đem lại hạnh phúc cho người khác.

Tình yêu là niềm say mê đem lại hạnh phúc cho người khác

II. Thân bài

a. Tình yêu là một niềm say mê nhưng vấn đề là say mê cái gì, say mê như thế nào để niềm say mê đó trở thành tình yêu.

- Say mê vật dục, danh vọng, con người trở nên thấp hèn. Thứ say mê đó chỉ gọi là dục vọng chứ không phải tình yêu.

- Lòng ham muốn người khác giới chỉ gọi là tình dục chứ đâu phải tình yêu.

b. Tình yêu là niềm say mê đem lại hạnh phúc cho người khác:

- Khi yêu một người nào đó đến mức tha thiết, người ta sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của mình để người mình yêu hạnh phúc. Một người mẹ yêu con sẵn sàng làm tất cả để con trưởng thành. Một người bạn yêu bạn của mình là người luôn ở bên cạnh bạn, sẵn sàng sẻ chia những nỗi muộn phiền của bạn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào...

- Tình yêu không đơn thuần là tình cảm giữa nam và nữ mà còn mở rộng ra với tất cả mọi người (giữa bạn bè, đồng nghiệp với nhau, giữa những người cùng một đất nước, dân tộc, màu da...).

c. Liệu có cơ sở nào cho một tình yêu như vậy không?

- Tình yêu cao thượng chỉ đến từ những trái tim rộng mở, giàu tấm lòng. Cho đi một cách tự nguyện mà không hề tính toán, vị kỉ.

- Tình yêu gắn với nhu cầu khẳng định mình trước mặt người khác. Nếu yêu một người họ sẵn sàng làm tất cả để xứng đáng với người yêu, để mang lại hạnh phúc cho người được yêu và cũng là sự khẳng định mình.

- Tình yêu còn là sự quan tâm, là tinh thần trách nhiệm với hạnh phúc của người yêu cũng như với chính mình.

- Đôi khi không được đền đáp xứng đáng cho nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu, nhưng tình yêu có thể đem lại hạnh phúc cho cả hai phía nếu như có một trái tim vị tha và ngược lại sẽ đem lại những hệ quả không tốt.

d. Niềm say mê đem lại hạnh phúc cho người khác có ích lợi gì?

- Con người sẽ sống trong một môi trường tràn ngập tình yêu thương.

- Xây dựng một môi trường sống lành mạnh, tốt đẹp, xoá đi nỗi cô đơn cố hữu ở mỗi con người.

III. Kết bài

- Ý kiến của F. Sile thật có giá trị: dựa trên cơ sở con người là mục đích chứ không phải phương tiện mưu lợi; nó phê phán chủ nghĩa cá nhân vị kỉ; mở ra một cái nhìn mới về tình yêu, từ đó góp phần vào đời sống tâm hồn mỗi con người nên vẫn được ủng hộ và chấp nhận, không hề bị thui chột mà ngày càng toả sáng.

Con người không thể nào sống thiếu tình yêu

BÀI LÀM

Bên cạnh nhịp sống đang trôi chảy cùng những thứ vật chất vô tri vô giác, con người còn có một thế giới của tâm hồn, của những cảm xúc thăng hoa, đó là thế giới của tình yêu thương, sống trên đời này con người không thể nào sống thiếu tình yêu, tình yêu tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để con người vượt qua những khó khăn trong đời sống hằng ngày. Ý kiến của F. Sile về tình yêu được xem là một tư tưởng khai sáng về tình yêu và từ xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị: Tình yêu là niềm say mê đem lại hạnh phúc cho người khác. Tình yêu bắt nguồn từ cái nhìn đầu tiên của đôi trai gái rồi những cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, từ sự quan tâm hết mực, thương yêu hết lòng một ai đó hay đôi khi nó chỉ là một sự gần gũi, cảm thông chân thành. Tình yêu còn là một niềm say mê, gắn với sự say mê và tình yêu chỉ thực sự nồng nàn, cháy bỏng khi con người tha thiết với nó. Một sự hi sinh không nề hà, một tấm lòng vị tha, chân thành, cao thượng... làm nên một tình yêu đẹp, một tình yêu không có sự toan tính, vị kỉ, tầm thường. Thế nhưng con người cần có một sự say mê cái gì, say mê thế nào cho thoả đáng, cho một niềm say mê trở thành tình yêu. Say mê tiền bạc, danh vọng, địa vị hay say mê hưởng thụ những phút giây lạc thú chỉ càng làm cho con người trở thành nô lệ của đối tượng đam mê và dục vọng của chính mình. Càng đam mê vật dục, danh vọng con người ta càng trở nên hấp hèn, sự đam mê ấy gọi là dục vọng chứ đâu phải tình yêu.

Leave a Reply