Những khám phá và phát hiện riêng của Nam Cao và Kim Lân về đề tài người lao động qua hai truyện ngắn Chí Phèo, Vợ nhặt

Người lao động là đề tài từ lâu đã được các nhà văn giàu tâm huyết khám phá. Đã có biết bao nhà văn thành công với đề tài này cùng những tác phẩm như truyện ngắn Làng của Kim Lân, Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn,...

Nam Cao và Kim Lân cũng là những con người luôn trăn trở cho số phận của người dân lao động. Chí PhèoVợ nhặt là hai tác phẩm tiêu biểu của họ. Đọc Chí PhèoVợ nhặt ta sẽ thấy những khám phá, phát hiện riêng của hai nhà văn về đề tài người lao động.

Đề tài người lao động qua hai truyện ngắn Chí Phèo, Vợ nhặt

Cùng là những truyện ngắn xuất sắc của văn học hiện thức, Kim Lân và Nam Cao đã có chung điểm gặp gỡ về đề tài sáng tác. Từ đề tài ấy, hai nhà văn đã phản ánh số phận của người lao động cũng như phát hiện, khám phá vẻ đẹp trong tâm hồn của những con người khổ cực ấy.

Cùng nói về số phận của người lao động nhưng mỗi nhà văn lại có khám phá và phát hiện riêng. Nói về số phận của Tràng cũng như những người trong xóm ngụ cư. Kim Lân đi sâu vào hoàn cảnh giữa mùa đói năm 1945. Tác giả đã cho ta thấy một hiện thực vô cùng khốc liệt, những số phận hết sức khổ cực vì miếng cơm, manh áo. Cái đói đã vào xóm ngụ cư từ lúc nào, những người từ Thái Bình lũ lượt dắt díu nhau về, tiếng quạ réo, mùi đông giấm và mùi thây người chết bốc lên nồng nặc. Khung cảnh ấy đã phản ánh hoàn cảnh của con người lúc bấy giờ. Trước đây, chiều nào đi làm về Tràng cũng đùa nghịch với đám trẻ, nhưng trong cái lúc đói khổ này, cái xóm ngụ cư giờ chỉ hiện ra những khuôn mặt hốc hác và u tối Tràng đi xe thóc cho liên đoàn. Trong một lần tình cờ gặp gỡ, chỉ bằng vài câu nói đùa Tràng đã lấy được vợ, nói đúng hơn là nhặt được vợ. Và người đàn bà “vợ nhặt” ấy cũng chỉ vì bốn bát bánh đúc mà theo Tràng về. Dường như, trong cái đói khổ, thân phận của con người không bằng cọng rau, cái rác, bị rẻ rúng đến mức đáng thương, tội nghiệp.

Khác với Kim Lân, viết về người lao động, Nam Cao không đi sâu vào miêu tả miếng cơm manh áo, mà cái ông quan tâm là sự tha hóa trong phẩm chất của con người. Chí Phèo bước ra trang văn của Nam Cao bằng tiếng chửi. Chí chửi đời chửi trời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi tất cả cha mẹ đứa nào đã sinh ra Chí. Tiếng chửi ấy là tiếng chửi của một con người trong lốt quỷ, một con người khao khát thèm được giao tiếp, một con người đã mất đi cả nhân hình và nhân tính. Đó mới là số phận mà Nam Cao quan tâm. Chí Phèo cũng từng là người lương thiện làm thuê, bá Kiến đẩy Chí vào tù, nhà tù thực dân ấy đã nhào nặn ra, biến Chí thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí sống duy nhất bằng nghề “rạch mặt ăn vạ”. Cái nghề làm cho khuôn mặt Chí ngang dọc không biết bao nhiêu là sẹo. Về nhân hình? Chí là một sinh vật lạ, về nhân tính, Chí là một con quỷ dữ. Nam Cao đã chạm vào nơi nghiệt ngã nhất của con người, đó là sự tha hóa, biến chất. Tràng của Kim Lân chịu đói, chịu khổ cực nhưng vẫn còn được làm người, còn nhặt được vợ. Đằng này Chí Phèo bị cả xã hội từ chối. Họ từ chối bằng cách không giao tiếp với Chí, không chấp nhận Chí là người.

Từ số phận nghiệt ngã của người lao động, Kim Lân và Nam Cao đã khám phá và phát hiện ra những vẻ đẹp trong tâm hồn của những con người tưởng như đã không còn lối thoát cho cuộc sống.

Thị Nở chính là chiếc cầu nối đưa Chí về với cuộc đời

Nam Cao đã nhìn thấy sự hồi sinh nhân tính của Chí. Sau đêm gặp Thị Nở, Chí dường như trở thành một con người khác. Chí thấy lòng mơ hồ buồn và Chí như một đứa trẻ lần đầu tiên khám phá ra những âm thanh đã quá quen thuộc trong cuộc sống. Chí Phèo tưởng như mãi mãi sống trong lốt quỷ nhưng Nam Cao đã để cho Chí được hồi sinh. Thị Nở chính là chiếc cầu nối đưa Chí về với cuộc đời. Chí vùng mình cởi bỏ lốt quỷ để làm người. Và đỉnh cao của sự hồi sinh ấy là khát vọng được sống lương thiện, khát vọng có một gia đình hạnh phúc với Thị Nở. Thị Nở như liều thuốc giải độc cho tâm hồn Chí. Nam Cao đã nhìn thấy Chí hồi sinh, để cho Chí được hồi sinh, đó chính là niềm tin và tấm lòng nhân đạo nhà văn dành cho nhân vật của mình.

Nếu như Nam Cao đã phát hiện ra sự hồi sinh nhân tính trong tâm hồn Chí thì Kim Lân lại nhìn thấy những vẻ đẹp lấp lánh tình yêu thương của những con người nghèo khó dành cho nhau: Tràng, người đàn bà “vợ nhặt”, bà cụ Tứ và cả xóm ngụ cư. Trong cái đói ấy, họ vẫn mở lòng ra đón nhận, yêu thương, cưu mang và đùm bọc lẫn nhau. Vì khát vọng hạnh phúc mà Tràng bất chấp nỗi lo toan cơm gạo, vẫn đưa người “vợ nhặt” về nhà. Nhìn thấy cảnh tượng ấy cả xóm ngụ cư tăm tối ấy như có một cái gì đó tươi sáng hơn trên những khuôn mặt hốc hác. Họ vui vì Tràng đã lấy được vợ nhưng họ cũng lo vì “không biết Tràng có nuôi nổi vợ mình qua cái đói này hay không”. Và tình yêu thương giữa con người với con người, sự cưu mang, đùm bọc được Kim Lân khắc họa qua những hành động của bà cụ Tứ. Thoạt đầu, bà rất ngạc nhiên, nhưng sau đó, bà cảm thấy buồn và lo lắng cho số phận những đứa con của mình. Nồi cháo cám mà bà gọi là “chè khoán” ấy đắng nghẹn cả cổ ba con người trong cảnh đói khổ và cũng nghẹn lại ở cổ nhà văn. Kim Lân cười với niềm vui nhân vật và nấc theo những tiếng thở dài. Trên khuôn mặt của bà cụ như có cái gì đó tươi sáng, rạng rỡ hơn ngày thường bởi trong lòng bà tràn ngập niềm vui và tình yêu thương.

Cả Nam Cao và Kim Lân đã phát hiện ra vẻ đẹp của Thị Nở và người đàn bà, “vợ nhặt” Thị Nở là người xấu ma chê quỷ hờn ở làng Vũ Đại. Không những xấu xí, thị còn dở hơi. Thế nhưng bên trong cái ve ngoài xấu xí, đần đần ấy là một trái tim nhân hậu. Hơn thế nữa, nhà văn đã để cho Chí nhận xét rằng dường như, thị cũng có duyên. “Bát cháo hành” mà thị nấu để Chí ăn cho khỏi ốm giống như một liều thuốc hóa giải tâm hồn Chí. Và thị đã chẳng tự hào “không có thị thì hắn chết chắc”. Đúng vậy người đàn bà ấy có một số phận kém may mắn, ngoại hình xấu xí nhưng tâm hồn lại vị tha, nhân hậu.

Người “vợ nhặt” là hiện thân của cái đói, thân phận của thị bị rẻ rúng, quần áo rách tả tơi, ngực xẹp lép, Thị theo Tràng về, lấy Tràng rồi và ở con người tưởng như chỉ vì miếng ăn ấy cũng toát lên những phẩm chất tốt đẹp. Đó là vẻ đẹp lẩn khuất mà người thường khó mà phát hiện ra được, chỉ có Kim Lân, bằng con mất độ lượng giàu tình thương mới có thể thấu suốt thị cũng như những người đàn bà khác. Khi đã có chồng rồi, Thị cũng biết lo lắng cho gia đình. Khi Tràng mua dầu từ chợ thị đã nói “gì mà hoang thế”. Lời nói tưởng như đơn giản nhưng lại thể hiện sự quan tâm của một người vợ khi mới về nhà chồng. Và vẻ đẹp lẩn khuất của người đàn bà ấy thể hiện rõ nét qua công việc khi sáng hôm sau về nhà chồng.

Tràng thấy Thị không còn cái chao chát như hôm trước mà trở nên đúng mực. Vườn tược đã được quét dọn, cái ang nước được múc đầy và mấy cái quần áo cũng được xếp đặt gọn gàng. Sự đảm đang của thị chính là vẻ đẹp giản đơn, đời thường mà Kim Lân muốn cho độc giả thấy.

Tương lai của vợ chồng Tràng có lẽ sẽ tươi sáng hơn khi đi theo cách mạng

Phản ánh số phận của người lao động, hai nhà văn đã lên tiếng tố cáo xã hội thực dân lúc bấy giờ đã đẩy con người ta vào cái đói khổ và đau đớn hơn là khi số phận con người bị tha hóa. Chính xã hội cường quyền đã đẩy Chí vào số phận tha hóa và bá Kiến đại diện cho cái xã hội xấu xa ấy. Chính bá Kiến và nhà tù thực dân đã nhào nặn Chí thành con quỷ của làng Vũ Đại. Nhà tù là nơi tiếp nhận con người khi con người ta có tội và trả người ta ra khi đã làm người lương thiện. Đằng này, nhà tù thực dân đã tiếp nhận Chí khi Chí vô tội, lương thiện và trả Chí ra khi đã là một thằng du côn, lưu manh. Nam Cao muốn lên án xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy số phận người lao động đến bước đường cùng.

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn không miêu tả tiếng trống thúc sưu, thúc thuế. Không nói đến cảnh bắt bớ người “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố) nhưng từ cái đói năm 1945 ấy Kim Lân đã lên án tội ác của kẻ thù, quân phát xít Nhật, chúng làm cho người dân lao động không chỉ có xóm ngụ cư mà ở tất cả mọi nơi đều đứng trên bờ vực của sự sống và cái chết, khi cái đói đe dọa con người.

Truyện ngắn Chí PhèoVợ nhặt được viết bằng hai bút pháp nghệ thuật khác nhau, hiện thực phê phán và hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vì vậy trong Chí Phèo, Nam Cao đã không mở cho Chí một con đường sống. Chí chết ngay trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời. Cái chết của Chí cho thấy xã hội không chấp nhận Chí và số phận của người lao động trong sáng tác của Nam Cao thường như vậy, bế tắc và không lối thoát. Thế nhưng, Kim Lân đã mở cho người lao dộng của mình một con đường sống bằng hình ảnh đám người đi trên đô Sộp phá kho thóc Nhật hiện lên trong đầu Tràng. Tương lai của vợ chồng Tràng có lẽ sẽ tươi sáng hơn khi đi theo cách mạng, đó là một cái nhìn đầy nhân đạo của nhà văn.

Phát hiện, khám phá vẻ đẹp phẩm chất của người lao động, Kim Lân và Nam Cao đã cho ta thấy tài năng nghệ thuật dộc đáo của hai nhà văn đó là nghệ thuật xây dựng và mô tả diễn biến tâm lí nhân vật. Nam Cao rất thành công trong việc xây dựng nhân vật điển hình. Và Chí Phèo là người đại diện cho người dân lao động bị tha hóa, phải chấp nhận một cuộc sống không được làm người. Bằng việc miêu tả tinh tế những diễn biến tâm lí của Chí Phèo cũng như Tràng và người đàn bà “vợ nhặt”, hai nhà văn đã cho ta thấy vẻ đẹp trong tâm hồn họ, những khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc đáng trân trọng.

Sở dĩ hai nhà văn có những khám phá, phát hiện riêng về người lao động bởi đặc trưng của văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung và do cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Văn chương đòi hỏi sự sáng tạo nói như Nam Cao: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Hơn nữa, bản thân người đi sau không muốn lặp lại người đi trước và càng không bao giờ muốn lặp lại chính mình. Bởi vậy, tuy cùng khai thác đề tài về người lao động, nhưng Nam Cao và Kim Lân lại tìm cho mình những lối đi riêng biệt, những khám phá và phát hiện riêng.

Như vậy, qua truyện ngắn Chí Phèo và Vợ nhặt, Nam Cao và Kim Lân đã khám phá, phát hiện ra những số phận và cả những vẻ đẹp phẩm chất khác nhau của người lao động. Những khám phá ấy cho ta thấy cái nhìn nhân đạo mới mẻ của cả hai nhà văn. Nam Cao và Kim Lân đồng cảm với số phận người lao động, phát hiện ra những phẩm chất tốt đẹp, ngợi ca khát vọng hạnh phúc của họ đồng thời lên tiếng tố cáo xã hội sâu sắc. Ngày nay đọc Chí Phèo và Vợ nhặt, ta vẫn thấy mới mẻ và sâu sắc.

Khép những trang văn của Kim Lân và Nam Cao, số phận của người lao động vẫn mãi ám ảnh và day dứt trong lòng người đọc. Thế nhưng những phát hiện và khám phá vẻ đẹp nhân vật của hai nhà văn đã cho thấy cái nhìn đầy nhân đạo và tài năng nghệ thuật độc đáo của hai nhà văn.

Leave a Reply