Nổi bật và bao trùm trong bút pháp nghệ thuật của bài Việt Bắc là tính dân tộc hết sức đậm đà, nhuần nhị. Hãy chứng minh

Thể thơ lục bát truyền thống đã được vận dụng trong một bài thơ dài, vừa tạo ra âm hưởng thông nhất mà lại biến hoá đa dạng, linh hoạt. Xuân Diệu nhận xét: "Không phải một cây bút trong tay Tố Hữu nữa, mà nhiều ngọn bút nở cùng một lúc, bút tả tình, bút tả cảnh, bút tả người. Người ta thấy văn chương cách mạng, văn chương nói chiến đấu gian khổ, quyết tâm cũng lại là cái văn chương chí nghĩa, chí tình, cái văn chương nên thơ, nên nhạc" (Xuân Diệu). Câu thơ lúc thì dung dị, dân dã gần với ca dao, lúc thì cân xứng, nhịp nhàng, trau chuốt mà trong sáng, nhuần nhị đến độ cổ điển.

Núi rừng Việt Bắc

Chất liệu văn học và văn hoá dân gian được vận dụng phong phú, đa dạng, đặc biệt là ca dao trữ tình. Cùng với nó là những lối nói giàu hình ảnh, các cách chuyển nghĩa truyền thông (so sánh, ẩn dụ; tượng trưng, ước lệ) được sử dụng thích hợp, tạo nên phong vị dân gian và chất cổ điển của bài thơ. Rất nhiều cặp hình ảnh sóng đôi trong những mô tip của ca dao, dân ca đã được vận dụng một cách tài tình để biểu hiện những quan hệ tình cảm mới của đời sông cách mạng, làm cho nó mang một ý vị dân tộc thật đậm đà. Đó là những cặp hình ảnh, như: mây núi, sông - nguồn, cây - núi, mái đình - cây đa, đền - trăng..., và nhiều cặp hình ảnh mới được nhà thơ sáng tạo theo mô hình ấy: "miếng cơm chấm muối, mỗi thù nặng vai", "Trám bùi để rụng, măng mai để già", "Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhoà". Ở phần 2 của bài thơ - lời hẹn ước về tương lai, ta lại gặp bóng dáng của nhiều bài ca dao về các sản vật của mỗi vùng quê, thậm chí nhiều câu thơ Tố Hữu đã thực sự trở thành những câu ca dao mới của loại này, như:

Ai về mua vải Hương Canh

Ai lên mình gửi cho anh với nàng

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông

Áo em thêu chỉ biếc hồng

Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm tươi.

Lối đối đáp trong ca dao, dân ca được vận dụng sáng tạo, đưa người đọc nhập vào không khí đầy ân tình, thiết tha của một cuộc chia tay, có lưu luyến bùi ngùi với bao nhiêu kỉ niệm còn nóng hổi, nhưng không hề có nỗi ngậm ngùi. Bởi đây là cuộc chia tay trong niềm vui thắng lợi, trong sự trưởng thành của cách mạng, chia tay mà vẫn đinh ninh "Ngược xuôi đối mặt một lời song song", và cuộc từ biệt được kết thúc bằng lời hẹn ước đầy tin tưởng về sự gắn bó mật thiết của miền ngược - miền xuôi trong tương lai.

Một thủ pháp nghệ thuật độc đáo làm giàu thêm tính dân tộc trong ngôn ngữ của bài thơ là việc sử dụng sáng tạo cặp đại từ mình và ta, nhất là từ "mình".

Trong tiếng Việt, từ "mình" dùng để chỉ bản thân (ngôi thứ nhất), nhưng cũng còn chỉ đốì tượng giao tiếp thân thiết, gần gũi - chĩ người bạn đời yêu mến (ngôi thứ hai), thường là chỉ dùng trong các quan hệ tình yêu, vợ chồng. Trong bài Việt Bắc, "mình" chủ yếu được dùng ở nghĩa thứ hai. Điều đó tạo nên quan hệ gắn bó của hai nhân vật đối đáp. Nhưng có chỗ lại là chỉ ngôi thứ nhất: "Ai lên mình gửi cho anh với nàng" và có những lúc biến hoá, chuyển hoá đa nghĩa, vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, hoà nhập làm một như trong các câu: "Mình đi, mình có nhớ mình" và "Mình đi, mình lại nhớ mình".

Cũng có thể thấy sự chuyển nghĩa ở đại từ "ta". Trong bài thơ, "ta" là ngôi thứ nhất, nhưng "ta" trong nhiều trường hợp là chỉ chung hai người, chỉ "chúng ta". ("Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây", "Lòng ta ơn Bác đời đời").

Gạch Bát Tràng

Nhưng tính dân tộc của bài thơ Việt Bắc không phải chỉ ở hình thức nghệ thuật, mà còn ở chiều sâu tư tưởng - cảm xúc, thống nhất hài hoà với nghệ thuật biểu hiện ấy. Bài thơ là khúc ca vừa hào hùng vừa thắm thiết của thời đại cách mạng, kháng chiến, nhưng cũng là khúc tâm tình thiết tha, sâu nặng của cả dân tộc. Mọi quan hệ, mọi tình cảm của con người trong thời đại cách mạng - sự gắn bó của người cán bộ kháng chiến với Việt Bắc, của nhân dân Việt Bắc với cách mạng, với Bác Hồ, đã hoà nhập, nối tiếp truyền thống ân nghĩa, thuỷ chung trong đạo lí và lối sống, trong tâm thức của dân tộc từ ngàn xưa. Bài thơ Việt Bắc thêm một lần nữa cho thấy sự thống nhất chặt chẽ của hai yếu tố, hai nguồn mạch cách mạng và dân tộc tạo nên sức mạnh to lớn và sức chinh phục rộng rãi của thơ Tố Hữu suốt một thời kì dài.

Leave a Reply