Nội dung chính, nghệ thuật, chủ đề của bài thơ Việt Bắc

1. Xuất xứ

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, hoà bình được lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng. Lịch sử đất nước sang trang. Cách mạng Việt Nam bước vào một thời kì mới. Hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn khó khăn, tháng 10-1954, các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Nhân sự kiện có tính chất lịch sử này, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc.

Việt Bắc là một đỉnh cao của thơ ca cách mạng Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác phẩm được chia làm hai phần:

- Phần đầu tái hiện giai đoạn gian khổ nhưng vẻ vang của cách mạng và kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc nay đã trở thành những kỉ niệm sâu nặng trong lòng người.

- Phần sau nói lên sự gắn bó giữa miền ngược với miền xuôi trong viễn cảnh đất nước hoà bình và kết thúc là lời ca ngợi công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng đối với dân tộc.

Núi rừng Tây Bắc

2. Nội dung chính

a. Việt Bắc ra đời vào thời điểm giao thời của lịch sử và của lòng người, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, khi Trung ương Đảng và Chính phủ rời căn cứ địa Việt Bắc về Hà Nội. Giữa lúc ấy, mọi sự có thể sẽ rất dễ đổi thay. Cuộc sống yên vui dễ làm người ta quên đi những tháng năm kháng chiến gian khổ, dễ quên đi nơi đã đùm bọc chở che cho mình. Vào đúng thời điểm nhạy cảm ấy, bài thơ ra đời như một lời nhắn gửi chân thành về tình nghĩa và sự thuỷ chung.

Chọn hình thức thể hiện nghệ thuật là lối đối đáp "ta" - "mình" của ca dao giữa người đi (anh bộ đội miền xuôi) và kẻ ở (nhân dân Việt Bắc), bài thơ đã vượt ra khỏi những cảm xúc riêng tư. Cái khúc giao duyên tâm tình kia lại đang chuyển tải một vấn đề rất lớn của đời sống cách mạng, đó là vấn đề ân nghĩa thuỷ chung của cách mạng với nhân dân.

b. Đoạn trích nằm trong cấu trúc chung của phần mở đầu và phần một của bài thơ niềm hoài niệm về một Việt Bắc gian khó và nghĩa tình trong kháng chiến. Bài thơ được triển khai theo hình thức đốì đáp giữa người đi và kẻ ở. Tứ thơ này gần gũi với ca dao. Nó là hình thức của kiểu đôi đáp giao duyên truyền thống. Tuy nhiên trên cái nền truyền thông quen thuộc ấy, bài thơ vẫn truyền tải được một vấn đề tư tưởng lớn lao như đã nói ở trên.

c. Bài thơ mang hình thức lối đối đáp "ta" - "mình" của ca dao. Tuy nhiên, việc sử dụng hai từ này trong bài thơ khá linh hoạt. Mình có khi chỉ người cán bộ miền xuôi, ta chỉ nhân dân Việt Bắc:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Nhưng cũng có khi ta lại chỉ người đi, mình chỉ kẻ ở:

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...

Trong trường hợp khác, hình thức biểu đạt kiểu ca dao đó còn linh hoạt hơn:

Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình.

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu...

Có thể nói việc thay đổi liên tục ý nghĩa biểu đạt của hai từ ta và mình là một sáng tạo táo bạo của nhà thơ. Hai từ này có khi hình thành một cuộc đối đáp thực sự giữa người đi và kẻ ở, song có khi nó chỉ là sự phân thân tự vấn của người đi để đáp lại nghĩa tình sâu nặng của kẻ ở. Sự giao thoa đó vốn dĩ đã tạo nên một cảnh tiễn biệt dùng dằng thương nhớ. Sau nữa, nó góp phần làm cho cả một bài thơ dài không bị nhàm chán. Đặc biệt, nó tạo nên độ sâu về tư tưởng cho thơ.

d. Tâm trạng bao trùm phần đầu của bài thơ là nỗi nhớ. Trong đó, những kỉ niệm kháng chiến hiện về tươi rói trong hồi tưởng của nhà thơ. Sự hồi tưởng được hình thành từ những câu hỏi - đáp. Theo đó, Việt Bắc hiện lên với tất cả những nét đặc trưng, với tất cả những yêu thương, gian nan, tình nghĩa.

Mình về mình có nhớ ta

Việt Bắc dễ nhận nhất, dễ nhớ nhất là những ngày "Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù". Thời gian, không gian mờ trong sương khói hoài niệm. Thiên nhiên rất đặc trưng, nhưng cái gợi nhiều nhớ nhung nhất chính là những ngày gian nan, đắng cay mà tình nghĩa với "bát cơm chấm muôi", "bát cơm sẻ nửa", "củ sắn lùi", về trong kỉ niệm còn có hình ảnh con người:

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô.

Hai chữ "cháy lưng" đủ nói lên bao xót thương cũng như ân nghĩa mà người cán bộ miền xuôi dành cho người mẹ Việt Bắc. Khó khãn gian khổ như vậy nhưng với cách mạng, với kháng chiến, đồng bào vẫn một lòng son sắt thuỷ chung. Lời nhắn gửi sau đã nói lên tất cả:

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son.

3. Nghệ thuật

Có thể coi Việt Bắc là một điển hình mẫu mực của thơ ca cách mạng. Tiếng thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu đậm đà tính dân tộc. Ở Việt Bắc, tính dân tộc trong nghệ thuật thơ Tố Hữu thể hiện ở lối kết cấu đậm chất ca dao, ở giọng điệu lục bát điêu luyện, ngọt ngào. Nhờ thế mà chẳng những bài thơ nói được những vấn đề có ý nghĩa lớn lao của thời đại mà nó còn chạm được đến vào chỗ sâu thẳm nhất trong truyền thông ân nghĩa thuỷ chung ngàn đời của dân tộc ta.

4. Chủ đề

Việt Bắc là một câu chuyện lớn, là một vấn đề tư tưởng được diễn đạt bằng một hình thức nghệ thuật mang tính riêng tư. Bài thơ gợi về những ân nghĩa, nhắc nhở sự thuỷ chung của con người đối với con người và đối với quá khứ cách mạng nói chung.

Leave a Reply