Nội dung chính, nghệ thuật, chủ đề của bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường

I. VỀ TÁC GIẢ

Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 tại thành phố Huế, quê ở Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Viết văn, làm báo từ những năm sáu mươi của thế kĩ XX, Hoàng Phủ Ngọc Tường có phong cách độc đáo và đặc biệt sở trường về thể bút kí, tùy bút. Ông đã được nhận nhiều giải thưởng: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Tác phẩm chính: Văn xuôi: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (1986), Hoa trái quanh tôi (1995), Bản di chúc của "Cỏ lau" (1997), Ngọn núi ảo ảnh (1999); thơ: Những dấu chân qua thành phô' (1976), Người hái phù dung (1992)...

Nét đẹp con gái Huế

II. VỀ TÁC PHẨM

1. Hoàn cảnh sáng tác

Ai đã đặt tên cho dòng sông? rút từ tập bút kí cùng tên, được Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tại Huế tháng 1-1981.

2. Nội dung chính

a. Vẻ dẹp của dòng sông Hương

Từ góc độ thiên nhiên, Hoàng Phủ Ngọc Tường quan sát thấy vẻ đẹp của sông Hương hiện ra khá đa dạng và đặc sắc:

+ Lúc ở rừng già: phóng khoáng và man dại, rầm rộ và mãnh liệt như một "bản trường ca của rừng già".

+ Khi ra khỏi rừng: vẻ dịu dàng và trí tuệ của "người mẹ phù sa".

+ Lúc qua hai dãy đồi sừng sững như thành quách: dòng sông mềm như tấm lụa, với vẻ đẹp biến ảo "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím".

+ Khi qua vùng ngoại ô Kim Long: vui tươi hẳn lên.

+ Khi đến thành phố, sông Hương uốn một hình cung rất nhẹ làm cho dòng sông mềm hẳn đi và trôi đi chậm, thực chậm như một mặt hồ yên tĩnh.

Vẻ đẹp dòng sông được miêu tả bằng một tình cảm thiết tha với Huế, với một vốn văn hoá phong phú và một vốn ngôn từ giàu có và đậm chất thơ.

- Từ góc độ văn hoá, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận thấy vẻ đẹp của sông Hương gắn với âm nhạc cổ điển Huế. Từ sông Hương, tác giả cũng liên tưởng đến Nguyễn Du và Truyện Kiều. Nguyễn Du từng có thời làm quan ở Huế và từng bao năm lênh đênh trên dòng sông này, vì thế Hoàng Phủ Ngọc Tường có căn cứ để suy đoán có lẽ Nguyễn Du đã diễn tả điệu Tứ đại cảnh của Huế qua tiếng đàn của Kiều.

Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng có một dòng thi ca về sông Hương, một dòng thơ không lặp lại mình, biểu hiện nhiều vẻ qua thơ của Tản Đà, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Tố Hữu...

- Từ góc độ lịch sử, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng sông Hương từng soi bóng kinh thành Phú Xuân của Nguyễn Huệ, từng chứng kiến bao cuộc khởi nghĩa. Nó sống hết lịch sử bi tráng cửa thế kỉ XIX với máu của những cuộc khởi nghĩa và từ đấy sông Hương đã đi vào thời đại Cách mạng tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển...

- Với trí tưởng tượng sáng tạo và tài hoa, tác giả đã ví sông Hương với hình ảnh cô gái Huế dịu dàng, kín đáo mà sâu sắc và rất mực chung tình, lại có lúc ví nó với cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại...

Bài kí cho thấy: Hoàng Phủ Ngọc Tường yêu tha thiết, đắm say cảnh và người xứ Huế.

Cô gái Huế

b. Nhân vật trữ tình

- Nhân vật tôi hiện lên trong tác phẩm thể hiện sự hiểu biết phong phú, có chiều sâu về lịch sử, địa lí sông Hương, văn hoá Huế và nhiều lĩnh vực khác.

- Đó cũng là một cái tôi tài hoa với khả năng quan sát, liên tưởng tinh tế, lời văn phong phú, ngôn ngữ giàu chất thơ,... Bài viết cũng toát vẻ đẹp nhân cách của nhân vật trữ tình thể hiện ở sự trân trọng, giữ gìn những nét đẹp văn hoá truyền thông và một tình yêu tha thiết với cảnh sắc quê hương.

3. Nghệ thuật

Bài viết thể hiện lối hành văn phóng túng, tài hoa, giàu tri thức văn hoá - lịch sử; ngôn ngữ giàu chất thơ. Các biện pháp ẩn dụ, so sánh, nhân hoá,... được sử dụng linh hoạt và hiệu quả gắn với những liên tưởng bất ngờ, thú vị. Bút pháp kể và tả được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tài tình.

4. Chủ đề

Với một văn phong mượt mà, giàu hình ảnh và sức gợi, đoạn trích thể hiện sự cảm nhận của tác giả về vẻ đẹp, chất thơ từ cảnh sắc thiên nhiên của sông Hương, bề dày lịch sử, bề dày văn hoá của Huế đến tâm hồn của con người vùng cố đô này, từ đó khơi gợi tình yêu tha thiết, sâu lắng và niềm tự hào lớn lao của nhà văn đôi với dòng sông quê hương, với xứ Huế và với đất nước.

Leave a Reply