Nội dung chính, nghệ thuật, chủ đề của văn bản Nhìn về vốn văn hóa dân tộc (Trích Đến hiện đại từ truyền thống - Trần Đình Hượu)

I. VỀ TÁC GIẢ

Trần Đình Hượu (1928 - 1995) quê ở Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An. Từ 1963 đến 1993, ông giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông chuyên nghiên cứu lịch sử tư tưởng và văn học Việt Nam trung cận đại. Tác phẩm tiêu biểu: Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930 (Chủ biên, 1988), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995), Đến hiện đại từ truyền thống (1996),... Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000.

Trần Đình Hượu

II. VỀ TÁC PHẨM

1. Xuất xứ

Nhìn về vốn văn hoá dân tộc được trích từ phần II của tiểu luận về vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc (in trong Đến hiện đại từ truyền thống).

2. Nội dung chính

Nhìn về vốn văn hoá dân tộc giúp độc giả có một cách nhìn đúng đắn, điềm tĩnh và văn hoá dân tộc, đồng thời đưa ra những nhận định mang tính chất bao quát về bản sắc văn hoá Việt Nam.

- Đoạn 1 (từ đấu đến "gần gũi với nó"): Tác giả đặt vấn đề cấp thiết, đó là cần phải nhìn nhận, đánh giá về vốn văn hoá dân tộc trong khi chờ đợi những kết luận của các nhà chuyên môn.

- Đoạn 2 (tiếp theo đến "kích thích của đô thị"): Tác giả đánh giá chung về, văn hoá dân tộc và lí giải nguyên nhân làm nảy sinh những đặc điểm đó.

+ Trần Đình Hượu khẳng định: nền văn hoá của ta không có những công hiến lớn lao cho nhân loại hay có những đặc sắc nổi bật. Nhận xét đó của Trần Đình Hượu có cơ sở lí luận và thực tiễn vững chắc (Thần thoại của ta không phong phú; tôn giáo và triết học cũng không phát triển. Người Việt Nam không có tâm lí cuồng tín tôn giáo mà cũng không say mê tranh biện triết học. Các tôn giáo đều có mặt, nhưng thường biến thành một lôi thờ cúng, ít ai quan tâm đến giáo lí. Không có một ngành khoa học, kĩ thuật nào phát triển đến thành có truyền thống;... Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc ta có một ngành văn hoá nào đó trở thành đài danh dự, thu hút, quy tụ cả nền văn hoá). 

+ Tác giả cho rằng: đặc điểm văn hoá trên đây có liên quan đến sự hạn chế của trình độ sản xuất của đời sống xã hội; đến khuynh hướng, hứng thú, sự ưa thích của người Việt Nam. Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá của dân nông nghiệp định cư không có nhu cầu lưu chuyển, trao đổi,...

- Đoạn 3 (phần còn lại): Chỉ ra một số biểu hiện cụ thể của văn hoá Việt Nam.

+ Ít tinh thần tôn giáo, coi trọng hiện thế, trần tục hơn thế giới bên kia.

+ Ý thức cá nhân và sở hữu không phát triển cao.

+ Ưa chuộng con người hiền lành, tình nghĩa; không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng; chống ngoại xâm liên tục mà không thượng võ. Người Việt Nam ca tụng sự khôn khéo, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.

+ Thích cái xinh khéo, chuộng màu sắc dịu dàng, thanh nhã, chuộng cách ứng xử hợp tình, hợp lí, trang sức áo quần hướng vào vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng...

+ Coi trọng thế hơn lực, quý sự kín đáo hơn sự phô trương, sự hoà đồng hơn sự rạch ròi...

- Kết thúc bài viết, Trần Đình Hượu nhấn mạnh: con đường hình thành bản sắc văn hoá không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa những giá trị văn hóa bên ngoài.

Đến hiện đại từ truyền thống

3. Nghệ thuật

- Cách trình bày chặt chẽ, sắc sảo, có căn cứ sáng rõ và linh hoạt, lôgic thể hiện được tầm bao quát lớn.

- Thái độ của người viết khách quan khoa học, khiêm tốn tránh được sự cực đoan thái quá.

4. Chủ đề

Những đoạn trích nêu bật những nét đặc thù văn học Việt Nam. Nó thể hiện những nhận thức đúng đắn của tác giả về những đặc điểm cơ bản của vốn văn hóa dân tộc, từ đó góp phần tìm ra con đường "đến hiện đại từ truyền thống".

Leave a Reply