Nội dung, nghệ thuật, chủ đề của phần trích tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân

1. Xuất xứ

Tác phẩm này được in trong tập tuỳ bút Sông Đà. Tác phẩm mới đầu cũng có tên là Sông Đà, nhưng đến năm 1982, khi cho in lại trong tập II bộ Tuyển lập Nguyễn Tuân, tác giả có sửa và đổi tên thành Người lái đò Sông Đà.

Tuỳ bút Sông Đà là kết quả của nhiều dịp Nguyễn Tuân đến với Tây Bắc trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc năm 1958 của ông. Sông Đà là bức tranh sinh động, hấp dẫn về cảnh và người Tây Bắc. Phong cảnh Tây Bắc dưới ngòi bút Nguyễn Tuân vừa hùng vĩ, uy nghiêm, vừa tuyệt vời thơ mộng. Bên cạnh thiên nhiên, nhà văn đặc biệt chú ý "phát hiện" những điểm quý báu trong tâm hồn người chiến sĩ, người công nhân đi mở đường. Ông ca ngợi những con người đang dũng cảm một cách thầm lặng, khắc phục mọi khó khăn gian khổ để xây dựng cuộc sống mới ở nơi vùng cao heo hút này. Tác phẩm thể hiện rất rõ những nét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám.

Tùy bút

2. Nội dung chính

a. Hình ảnh sông Đà hiện lên dưới ngòi bút Nguyễn Tuân nổi bật ở hai khía cạnh dường như đôi lập nhau: hung bạo và trữ tình. Rất hung dữ, hiểm ác, gây hại cho con người, nhưng ngược lại đó là công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hoá, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, tạo nên chất men say cho sự sông của con người.

Tâm điểm dữ dội của sông Đà là ở những con thác. Nước dữ đã đành. Đá cũng dữ. Nhờ những câu văn trùng điệp của Nguyễn Tuân mà chúng ta có thể cảm nhận được điều ấy: "Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm". Nguyễn Tuân có những cách so sánh thật độc đáo và táo bạo: "Nó rông lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vấu rừng tre nứa nồ lửa đang phá tuông rừng lửa...". Hoặc những cách nhân hoá sắc sảo: "mặt nước hò la vang dậy... ùa vào bẻ gẫy cán chèo", sóng nước "sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền", "cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè"... Hình ảnh những cái thuyền bị hút nước nuốt chửng, hình ảnh cái hút nước như một cái giếng xây bằng nước sông đang xoáy tít... tạo nên ở người đọc một cảm giác hết sức mạnh mẽ. Sức mạnh hoang dã của thiên nhiên qua miêu tả của Nguyễn Tuân, cứ như một trận động rừng, động đất hay nạn núi lửa thời tiền sử.

Mặt thứ hai của sông Đà là trữ tình. Để lột tả đặc tính này của sông Đà, Nguyễn Tuân rất tâm đắc với những so sánh. Mỗi so sánh thực sự là một phát hiện của nhà vàn trước đối tượng thẩm mĩ của mình. Sông Đà dưới con mắt Nguyễn Tuân là "áng tóc trữ tình (...) ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân"; rồi lại như "một cố nhân" trong nỗi niềm du khách, như "cái miếng sáng loé lên" trong trò chiếu gương của con trẻ, như "một bờ tiền sử", như "một nỗi niềm cổ tích ngày xưa"...

Vẻ đẹp ngôn ngữ của Nguyễn Tuân không phải đơn thuần là thứ trời cho. Nó là sự khổ công trong lao động nghệ thuật, là sự quan sát công phu và tinh tế. Ai có thể quan sát sông Đà được tinh tế thế này: mùa xuân thì "dòng xanh ngọc bích", mùa thu thì "lừ lừ chín đỏ", giữa hai mùa ấy là cái "màu nắng tháng ba Đường thi". Sông Đà ám ảnh và trở thành nỗi nhớ thật da diết với mỗi người là vì thế.

b. Những tác phẩm, người lái đò sông Đà được thể hiện như một người lao động, đồng thời như một nghệ sĩ. Để bộc lộ hết những phẩm chất của nhân vật, Nguyễn Tuân đã đặt nhân vật vào một cuộc giáp chiến căng thẳng với con sông hung dữ. Hình như Nguyễn Tuân miêu tả sông Đà là để ngầm đề cao chính ông lái đò tài ba, nghệ sĩ.

Đối điện với những "thạch trận trên sông", với những cửa sinh, cửa tử, với đủ các lối đánh: vu hồi, du kích, mai phục, giáp lá cà,... ông đò cũng hợp sức để tạo nên thế cưỡi hổ tung hoành: nắm chặt, ghì cương, bám chắc, phóng nhanh, dè sấn, chặt đôi,... Người lái đò ở đây vừa có tư thế của một anh hùng, vừa có phong cách của một nghệ sĩ tài hoa, tài tử. Trong tác phẩm, dưới con mắt của Nguyễn Tuân, chuyện chở đò lại trở thành một nghệ thuật cao cường và hết sức tài hoa.

Người lái đò đối đầu với thác ghềnh cuồng bạo mà rất bình tĩnh, ung dung: xử lí các tình huống nguy hiểm vừa dũng cảm, vừa quyết liệt, vừa thông minh, táo bạo như một viên tướng giỏi trước trận đồ bát quái với vô số quân tướng thù địch nham hiểm, quái ác. Cái chết lúc nào cũng tưởng như kề bên, thế mà khi vượt thác xong lại ung dung "đốt lửa trong hang đá, nướng ông cơm lam, bàn tán về cá anh vàng, "chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi". Trước thác ghềnh bạo liệt, ông lái đò lạnh lùng, gan góc nhưng lúc bình thường lại nhớ tiếng gà gáy, như bao người lái đò sông Đà khác ông cho bu gà buộc vào đuôi thuyền để "có tiếng gà gáy đem theo, nó đỡ nhớ nương ruộng bản làng mình".

c. Nguyễn Tuân thường nhìn con người và thiên nhiên trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, đồng thời thường cảm nhận thiên nhiên và con người ở phương diện thẩm mĩ, tài hoa. An tượng rất đậm mà các trang văn của ông mang lại là: thiên nhiên là sản phẩm nghệ thuật vô giá, lao động sáng tạo cũng là một nghệ thuật vô giá.

Người lái đò Sông Đà

3. Nghệ thuật

Bài tuỳ bút mang vẻ đẹp tổng hoà của nhiều nét văn hóa. Những kiến thức liên ngành đa dạng: lịch sử, địa lí, võ thuật, điện ảnh, hội hoạ, điêu khắc,... tạo nên bề dày uyên bác và nâng cho đôi cánh tài hoa của nhà văn bay bổng. Nhờ sự quan sát tĩnh tế, nhờ những tưởng tượng phong phú, đầy sáng tạo và nhờ những hình ảnh so sánh táo bạo, tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng sâu sắc về tài sử dụng ngôn từ của nhà văn.

4. Chủ đề

Người lái đò Sông Đà là một bút kí tài hoa. Bài kí cho ta cảm nhận về một Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng nhưng cũng rất dữ dội, khắc nghiệt. Người lao động nơi đây gắn bó với con sông, với vùng đất ấy đã gan góc, thông minh, vật lộn với thiên nhiên, với những thế lực thực dân phong kiến đen tối để tồn tại và chiến thắng.

Leave a Reply