Nội dung và nghệ thuật bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo

Thanh Thảo thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông có tiếng nói riêng được công chúng đón nhận kể cả thơ viết về đề tài chiến tranh và hậu chiến. Ông là một nhà thơ có khao khát cách tân nghệ thuật. Thơ ông có chiều sâu suy tưởng nhưng cách biểu đạt thì rất phóng khoáng. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” nằm trong mạch cảm hứng viết về các nghệ sĩ lớn của Việt Nam và thế giới. Những bài thơ thuộc đề tài này cho ta thấy vốn kiến thức sâu rộng đồng thời khát vọng vươn tới những đỉnh cao của văn chương. Bài thơ có sự gặp gỡ của người nghệ sĩ Việt Nam với người nghệ sĩ được coi là nghệ sĩ bậc thầy của thế giới. Người đọc cảm nhận được một sự cộng hưởng của những khát vọng sáng tạo, một khả năng nhạy cảm sâu sắc và một thế giới nghệ thuật của Lorca, một suy nghiệm thâm trầm về nỗi đau và niềm hạnh phúc của những cuộc đời đã dâng hiến trọn vẹn cho cái đẹp.

Nội dung và nghệ thuật bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo

Bài thơ có một sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, giữa thơ và nhạc, giữa màu sắc thơ viếng phương Đông và chất bi tráng trong nhạc giao hưởng phương Tây, giữa hệ thống thi ảnh của Lor-ca và hệ thống thi ảnh của tác giả (theo Nguyễn Văn Phương).

Sáu dòng thơ đầu, những hình ảnh tương phản gợi lên không gian văn hóa đặc thù của Tây Ban Nha. Giữa không gian ấy nổi bật hình tượng người nghệ sĩ lãng du có tâm hồn phóng khoáng, tha thiết yêu đời yêu người nhưng lại đang hướng về miền đơn độc đi theo tiếng gọi huyền bí nào đó. Hệ thống hình ảnh của đoạn thơ có sự gợi tả lạ thường. Những tiếng đàn đi liền với những âm li-la, li-la. Đó là tiếng đàn, là nghệ thuật của Lorca có nhạc có thơ. Lor-ca là nghệ sĩ trình tấu xuất sắc ghi ta và dương cầm. Đọc thơ Lor-ca thường thấy hình ảnh một chàng kị sĩ đi mải miết, vô định dưới vầng trăng, khi đỏ, khi đen, khi rạng ngời, khi u tối, khi nồng nàn, khi buốt lạnh. Và không gian của một vương quốc đẹp nhất với những đấu sĩ dũng cảm khoác trên mình tấm áo choàng đỏ, với hình ảnh những cô gái Di-gan phóng khoáng man dại, trẻ trung, với màu xanh huyền hoặc của những rừng ôliu. Đặc biệt là tiếng đàn ghita nức nở làm tan vỡ cốc rượu bình minh, âm thanh nức nở của một con tim bị tử thương bởi năm đầu kiếm sắc, không gì có thể bắt nó im tiếng. Rõ ràng thi liệu trong thơ Lor-ca đã được vận dụng nhuần nhuyễn trong thơ Thanh Thảo. Thanh Thảo đã nhập vào thế giới thơ của Lor-ca đề hòa với thơ mình. Tất cả những thi liệu của Lorca đã được nhà thơ tổ chức lại và cây đàn ghi-ta đã nhập vào hình tượng của Lor-ca. Cây đàn là tiếng lòng, là linh hồn và cũng là số phận của Lor-ca. Bài thơ đã làm sống dậy hình ảnh người con của một đất nước, một dân tộc yêu nghệ thuật thơ ca, yêu chuộng tự do, phóng khoáng. Hình ảnh đấu trường còn gợi lên đấu trường chính trị ở Tây Ban Nha. Đó là khát vọng dân chủ dối với nền độc tài Tây Ban Nha và khát vọng cách tân nghệ thuật của Lor-ca với nền nghệ thuật già nua của Tây Ban Nha. Và cái cảm giác đơn độc luôn luôn hiện diện.

Mười hai dòng tiếp theo, hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” và ở đoạn sau là “bê bết máu” còn nói lên sự bạo ngược của bọn phát xít. Chúng đã nhẫn tâm giết chết một người nghệ sĩ đang độ thanh xuân và đó cũng là sự tàn phá nền văn minh của nhân loại. Một cái chết tức tưởi, một sự kiện thảm khốc kinh hoàng. Các hình tượng được sắp xếp một cách ngẫu hứng, đan cài theo lí thuyết liên văn bản. Nhờ vậy tiếng hát yêu đời của người nghệ sĩ lang thang được Thanh Thảo gợi lên tha thiết hơn, giữa tan nát vùi dập và những ám ảnh luôn dày vò người nghệ sĩ đã trở thành sự tiên tri sáng suốt. Những hình ảnh, biểu tượng trong thơ Lor-ca đã được làm mới để được bộc lộ cảm nhận về thơ Lor-ca và thân phận của những người nghệ sĩ là nạn nhân của bạo lực. Cảm xúc mãnh liệt cùng với các hình ảnh cùng hệ thống liên tưởng đã diễn tả âm thanh tuôn trào, sôi động của tiếng đàn. Tiếng đàn như tiếng kêu cứu của con người trong phút giây cận kề cái chết. Tiếng đàn có màu sắc, có hình thù, có sinh mệnh. Đây là sự cảm nhận của nhà thơ hiện đại Việt Nam về tiếng đàn xưa của người nghệ sĩ thiên tài. Tố Hữu cũng đã từng viết:

“Tiếng đàn xưa đứt ngang dây

Ba trăm năm lại càng say lòng người”.

Tiếng đàn ở trong bài thơ không còn là tiếng đàn cụ thể nữa mà là sự sống phong phú muôn màu hiện hình trong thơ Lor-ca và là không gian văn hóa đặc thù nuôi dưỡng tâm hồn chàng nghệ sĩ và bầu không khí chính trịTây Ban Nha. Hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ” nói về cái chết của Lor-ca và hình ảnh một đấu trường đẫm máu - đấu trường chính trị. Ở đây có sự đối lập giữa người nghệ sĩ yêu đời với bãi bắn, máu chảy. Đó là sự đối lập giữa cái đẹp và cái tàn bạo “chàng đi như người mộng du” gợi cho ta một sự phi lí không thể hiểu nổi. Những thi liệu của thơ Lorca mà truy nguyên ra là của những bài dân ca An-đa-lu-xi-a đã được tái sinh trong thơ Thanh Thảo tạo hiệu quả nghệ thuật rất cao. Các từ “miền đơn độc” “chếnh choáng”, “mỏi mòn” đã tạo nên một tầng nghĩa, nói lên sự mệt mỏi, bất lực của con người khi đối diện với cái phức tạp, phong phú của đời sống. Cách dùng từ của Thanh Thảo cho ta thấy cảm giác ấy không chỉ có ở Lor-ca mà nó mang tính phổ quát.

Những tiếng đàn đi liền với những âm li-la, li-la

Phần còn lại của bài thơ, tác giả suy tưởng về sức sống kì diệu của thơ và sự trường tồn của nghệ thuật chân chính. “Không ai chôn cất tiếng đàn” được bật ra từ lời thỉnh cầu của Lorca trong bài thơ “Ghi nhớ” (khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta) và lấy làm đề từ cho bài thơ của Thanh Thảo. Đây là sự đau đớn trước cái chết bất ngờ, thảm khốc của một thi sĩ vĩ đại của mọi thời đại. Tiếng đàn là nghệ thuật phi vật thể. Tiếng đàn của người nghệ sĩ thiên tài trường tồn với thời gian và bản thân nó là tự nhiên không phụ thuộc vào chủ quan của con người. Nó còn sống mãi lan tỏa sâu rộng. Đó là sự bất tử của nghệ thuật chân chính. Hình ảnh “giọt nước mắt”, “cỏ mọc hoang”, là cảm giác đau xót, bơ vơ, côi cút giữa mênh mông hoang vắng. Giọt nước mắt như vầng trăng kia thao thức và hoang lạnh hơn bao giờ hết. Những hình ảnh được sắp xếp theo cấu trúc gián đoạn, nó tác động vào nhau gợi bao sự suy tư ở người đọc. Và phải chăng còn là nỗi đau xót của Lor-ca khi không ai hiểu được ông “hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta” ông không muốn một ngày nào đó ông trở thành bức tường kiên cố ngăn cản các thế hệ nghệ sĩ đi tới.

Khổ thơ cuối cùng nhịp điệu trầm lắng, tiết tấu chậm rãi, sâu lắng diễn tả sự suy tư của nhà thơ và tuân theo quy luật của cuộc sống. Tác giả như lắng lòng mình để chiêm nghiệm một sự siêu thoát, một sự hóa thân. Trên dòng sông của cuộc đời, trên chiếc ghita màu bạc, Lor-ca huyền thoại đi vào cõi vĩnh hằng. Đây là định mệnh nghiệt ngã của người nghệ sĩ. Lá bùa hộ mệnh của cô gái Di-gan nào cứu được sinh mệnh con người dù có sức mạnh thần diệu. Chàng ném đi tức là chủ động trước cái chết của mình. Chàng vẫn sống trong cõi khác, không bận tâm đến máu lửa xung quanh. Chàng đang mải mê đeo đuổi ý nghĩ của mình. Chàng hoàn toàn chủ động và những kẻ giết người kia mới là bị động. Các hình ảnh tưởng như rời rạc nhưng lại được tắm trong mạch cảm xúc dâng trào và sự suy tư triết học thì chúng lại ăn ý với nhau biết chừng nào và khẳng định ý nghĩa cuộc đời của những con người đã “tử vì đạo” tức là dâng hiến cho nghệ thuật và sự bất tử của thi ca. Trong bài thơ, chuỗi âm thanh xuất hiện hai lần. Đó là sự cấy nhạc vào thơ, “mỗi bài thơ là một bản nhạc bằng lời”. Thơ đi liền với nhạc. Nếu không có chuỗi âm thanh ấy, bản thân bài thơ đã toát lên nhạc điệu rồi. Chuỗi âm thanh như làm mờ đi giới hạn, làm nhoè ý nghĩa của các hình ảnh, nhưng mặt khác lại liên kết chúng thành một chỉnh thể để biểu hiện cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ. Các hình ảnh có tính sắp đặt ngẫu hứng tưởng như lộn xộn mà lại nằm trong một trường liên tưởng để người đọc hiểu được nhân vật trữ tình dù không có giọng tự sự liền mạch. Những suy nghĩ về sự bất trắc của nghệ thuật đầy trí tuệ lại được hòa vào nhạc để tác động vào người tiếp nhận theo kiểu tượng trung. Li-la còn gợi cho người đọc liên tưởng đến một loại hoa có màu tím mê hoặc từng là đối tượng của nhiều thi phẩm, họa phẩm kiệt xuất của nghệ thuật phương Tây. Đó phải chăng là âm thanh mô phỏng tiếng ngâm mê đắm của nôt nhạc ghìm dưới tay người nghệ sĩ tài hoa. Và phải chăng cũng là một chùm hợp âm kết thúc phần diễn tấu.

Bài thơ rất mới, rất độc đáo. Bài thơ là một món ăn tinh thần lạ và không dễ nắm bắt mà lại lôi cuốn người đọc. Bài thơ là sự suy nghĩ về thơ về đời, về quan hệ giữa thơ và đời, về người và thơ.

Leave a Reply