Nội dung và nghệ thuật của bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca (Thanh Thảo)

Trước Cách mạng tháng Tám thơ Việt Nam đã một lần cách tân. Sự cách tân ấy cho ra đời "một thời đại mới trong thi ca". Sau Cách mạng tháng Tám, thơ Việt Nam đã trở thành một bộ phận lớn trong đời sống tinh thần của đất nước. Trong cả hai cuộc chiến tranh, thơ đã trở thành sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam.

Tuy vậy, bởi quá bận bịu với chiến tranh, nền văn học của dân tộc dường như dẫm chân tại chỗ về mặt thi pháp. Bởi thế, chiến tranh kết thúc, các nghệ sĩ của chúng ta bắt đầu nghĩ đến sự đổi mới, cách tân văn học. Trong khoảng từ 1980-1985, tất cả các thể loại văn học bắt đầu có sự chuyển hướng để tìm đến sự đổi mới, trong đó có thơ.

Thanh Thảo là một gương mặt đầy tâm huyết cho sự đổi mới thơ Việt. Ông đi tìm kiếm những nhân cách tài hoa, những nhân cách bất khuất, những suy nghĩ phóng khoáng như Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Pa-xtéc-nắc, Lor-ca..., hay ông đến với những người vô danh, lặng thầm mà bất diệt. Ông cho đó là những "giọt sương lặn vào lá cỏ", "vẫn long lanh bình thản trước vầng dương" (Bùng nổ của mùa xuân).

Thanh Thảo trăn trở, thể nghiệm những cách viết mới, kiếm tìm những thi liệu mới, ngôn từ mới để giải phóng sự kiềm toả của thơ trước cảm xúc sôi trào.

Theo Thanh Thảo, cấu trúc của thơ phải là Khối vuông ru-bích. Đó là khuôn hình khước từ khuôn mẫu có sẵn để giải phóng cho sự ràng buộc của cảm xúc trong thi tứ, mở rộng chân trời tưởng tượng cho thơ.

Thanh Thảo đã thành công. Thơ ông đã được công luận chú ý và đón nhận.

Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca là nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng của Tây Ban Nha. Do được uống, tắm trong dòng suối văn hoá dân gian Tây Ban Nha nên sáng tác của Lor-ca mang đậm chất Tây Ban Nha. Lor-ca đã hát lên sức sống bất diệt của một dân tộc cao thượng và tài hoa. 19-8-1936, Lor-ca bị phe phát xít Phrăng-cô thủ tiêu trong cuộc nội chiến đẫm máu. Ngưỡng mộ Lor-ca, Thanh Thảo viết bài thơ này và in trong tập Khối vuông ru-bích.

Thanh Thảo

1. Cảm nhận chung về bài thơ

a. Bài thơ viết về người nghệ sĩ - chiến sĩ Lor-ca; bày tỏ sự ngưỡng mộ của nhà thơ về người anh hùng, người nghệ sĩ của đất nước Tây Ban Nha.

b. Hình ảnh xuyên suốt bài thơ là tiếng đàn: tiếng đàn "bọt nước", "tiếng ghi ta nâu", "tiếng ghi ta lá xanh", "tiếng ghi ta tròn bọt nước vã tan", tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy", "tiếng đàn như cỏ mọc hoang".

c. Kẻ thù giết được Lor-ca nhưng không giết được tiếng đàn ghi ta. Tiếng đàn đã biến thành đau thương thù hận, biến thành bi phẫn và sức mạnh. Tiếng đàn và trái tim của người nghệ sĩ đã hoá thân vào nhau, trở thành khúc hát muôn đời: li-la li-la li-la!

2. Nội dung

- Bài thơ là bản nhạc về khúc đời bi phẫn của Lor-ca. Viết về Lor-ca, Thanh Thảo chọn hình ảnh tiếng đàn ghi ta làm biểu tượng. Viết về tiếng đàn, mặc nhiên tác phẩm phải được thể hiện bằng các yếu tố âm nhạc. Yếu tố âm nhạc trong bài thơ được tạo nên bởi các yếu tố giai điệu và tiết tấu.

- Lor-ca là nghệ sĩ hát lên tiếng hát của dân tộc mình để giãi bày những khát vọng, mơ ước, đam mê của một dân tộc tự do, phóng khoáng. Cả bài thơ là tiếng đàn ghi ta đang hát, đang rỉ máu, đang tan ra trong không gian, đang lắng lại trong tâm tưởng của những ai yêu thích tự do. Tiếng đàn trong bài thơ hiện lên với nhiều cung bậc, nhiều màu sắc, nhiều âm vang. Nó chất chứa khát vọng tự do, ước mơ phóng đãng; Nó nghẹn ngào trong đau thương, bi phẫn, nó rỏ máu trong cuộc đời, nó lang thang đi khắp mọi nơi trên trái đất để rồi cuối cùng người nghệ sĩ ấy "Ném lá bùa cô gái Di-gan vào xoáy nước", "Ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt" và trở thành bất tử.

- Tây Ban Nha là quê hương của cây đàn ghi ta (Tây ban cầm). Tiếng đàn ghi ta của Lor-ca là âm hưởng đất nước Tây Ban Nha, tiếng của tâm hồn con người Tây Ban Nha hào hoa và dũng khí, tiếng của khát vọng và niềm tin. Tiếng đàn trong bài thơ mang đậm sắc thái văn hoá Tây Ban Nha - nền văn hoá hiệp sĩ và nghệ sĩ.

3. Nghệ thuật

- Thanh Thảo là nhà thơ có lối viết mới lạ. Bút pháp tượng trưng được nhà thơ sử dụng xuyên suốt bài thơ.

- Tượng trưng là một trường phái của thơ ca Pháp và châu Âu ở những thế kỉ XVIII - XIX. Thơ tượng trưng đã đạt được những thành tựu lớn với những tên tuổi lẫy lừng như Bô-đơ-le, Véc-len... Họ trở thành những cột mốc của thơ ca nhân loại.

Thơ tượng trưng bày tỏ những ý tưởng, khát vọng qua những hình ảnh mang tính ước lệ. Các nhà thơ tượng trưng lấy sự tương đồng, hài hoà giữa con người với vũ trụ làm tiêu chí của việc phản ánh.

Đọc thơ tượng trưng, người đọc sẽ "thiếu đi một chút rõ ràng nhưng được thêm nhiều mơ mộng". Mỗi tác phẩm viết theo lối tượng trưng sẽ đem đến cho người đọc sự kích thích và liên tưởng rất sâu xa vào sự thể hiện.

- Thanh Thảo đã triệt để sử dụng bút pháp tượng trưng vào bài thơ. Những hình ảnh trong bài thơ đầy chất gợi làm tăng thêm độ mở của sự tiếp nhận: Đó là sự lạ hoá các yếu tố có sẵn bằng việc giấu đi những điều được hiểu:

- Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

-Tây Ban Nha hát nghêu ngao

- áo choàng bê bết đỏ

- bầu trời cô gái ấy

- giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng

- đường chỉ tay đã đứt

- dòng sông rộng vô cùng

- Nhưng các hình ảnh lại luôn luôn được hiểu ra một cách phong phú hơn nhờ sự chuyển đổi cảm giác:

- tiếng ghi ta bọt nước

- tiếng ghi ta nâu

- tiếng ghi ta lá xanh

- tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy

- Phần cuối của bài thơ, thi sĩ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với Lor-ca qua sự bất tử mãnh liệt của tiếng đàn. Những câu thơ không chỉ là hình ảnh mà là cảm xúc, là dũng khí. Những câu thơ vật vã trong nhịp điệu, trong âm vang, trong câu chữ.

Châu Âu

4. Nhận xét chung

- Thực ra, viết theo lối tượng trưng, sự ước lệ để các hình ảnh tạo sự dồn nén về cảm xúc đã là bút pháp cổ xưa của nhà thơ phương Đông. Nhưng với các nhà thơ tượng trưng của phương Tây thì đây là điều mới. Thơ tượng trưng châu Âu đã kết hợp được cái ước lệ dồn nén nhưng lại có độ mở vô cùng về cảm xúc bởi nó không bị ràng buộc vào tính ước lệ như thơ Đường luật của Trung Quốc hay thơ hai cư của Nhật Bản. Các hình ảnh được thả sức vô bờ vì thơ không bị ràng buộc ở niêm, luật và số câu, số chữ. Đây chính là sức mạnh của thơ tượng trưng châu Âu - ta đã từng gặp ở thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Đình Thi...

- Thanh Thảo đã viết về tiếng đàn của người nghệ sĩ tài hoa Lor-ca, ngưỡng mộ về cuộc đời này, nhân cách này. Tiếng đàn là âm vang trong tâm hồn người nghệ sĩ - hình ảnh bi phẫn của cuộc đời Lor-ca là bản anh hùng ca về một dân tộc tài hoa và khí phách, hào hoa và bi tráng. Hình tượng Lor-ca và cây đàn như một tượng đài được đặt trên cái phông vĩ đại: nền văn hoá Tây Ban Nha.

- Đàn ghi ta của Lor-ca là bản đàn ghi ta bằng thơ về khúc đời bi phẫn đau thương nhưng oanh liệt của người nghệ sĩ - chiến sĩ Tây Ban Nha hiến mình cho khát vọng tự do. Bài thơ có cách thức, âm điệu và bút pháp khá độc đáo, lạ lùng nhưng vẫn gần gũi và hồn nhiên với bạn đọc. Điều đó nói lên sự cách tân thơ Việt Nam là một ýêu cầu tất yếu để thơ ca chúng ta hoà nhập được vào nền thơ hiện đại của thế giới nhưng không mất đi bản sắc riêng của dân tộc.

Leave a Reply