Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

A. MỞ BÀI

Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

Vui hôm nay nhớ lại ngày xưa ấy.

C1. Đất nước đã thống nhất hơn ba mươi năm qua nhưng niềm vui hòa bình và tự do vẫn đong đầy trong mỗi người chúng ta. Sống giữa những ngọt bùi của tiện nghi vật chất hôm nay, có khi nào con người lại vô tình quay lưng với quá khứ gian khổ mà đầy nghĩa tình không? Nguyễn Duy, nhà thơ quân đội, từng trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ đau thương và oanh liệt, đã thức tỉnh mọi người về một lẽ sống đẹp thủy chung son sắt với bài thơ Ánh trăng thật nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

C2. Đã từ lâu, ánh trăng là đề tài muôn thuở của thi nhân trong sáng tác, là nguồn cảm hứng bất tận của văn nghệ. Có lẽ, ít ai có thể quên được ánh trăng huyền ảo u uất trong thơ của Hàn Mặc Tử, vầng trăng bí ẩn trong Nhớ rừng của Thế Lữ, một chị Hằng xinh đẹp lãng mạn của thi sĩ Tản Đà, hoặc ánh trăng tri ân tri kỉ của Bác Hồ ngay trong ngục tối. Nguyễn Duy cũng có bài thơ Ánh trăng thật độc đáo. Nét độc đáo chính là ở chỗ tác giả viết về ánh trăng mà nói chuyện đời, chuyện nghĩa tình với thiên nhiên, với quá khứ. Bằng giọng điệu tâm tình thủ thỉ, bài thơ cứ thấm dần, thấm dần vào tâm hồn người đọc, khiến mỗi người như nhà thơ phải “giật mình” nhìn lại chính mình.

B. THÂN BÀI

1. Giới thiệu chung:

Bài thơ là sự kết hợp khéo léo giữa tự sự với trữ tình, tạo cho bài thơ dáng dấp của một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian. Giọng điệu tâm tình, nhỏ nhẹ nhưng lắng đọng được thể hiện bằng thể thơ năm chữ.

2. Phân tích luận điểm:

a. Luận điểm 1: Cảm xúc của tác giả về ánh trăng trong quá khứ (khổ 1, 2)

- Mở đầu bài thơ tác giả đối thoại với chính mình và thủ thỉ với bạn đọc. Dòng cảm xúc trữ tình của nhà thơ cũng tuôn chảy theo những lời tự sự:

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

Cảm xúc của tác giả về ánh trăng trong quá khứ

Ngôn ngữ thơ thật mộc mạc, giản dị nhưng lại là sự rung động thật chân thành của một khoảnh khắc tâm tình, của một người lính từng trải, đứng giữa hôm nay mà nhớ lại ngày xưa ấy. Cái ngày xửa, ngày xưa lăn lộn, gắn bó, hòa vào thiên nhiên “Trần trụi với thiên nhiên. Hồn nhiên như cây cỏ"... vầng trăng là kỉ niệm đẹp, là đất trời quê hương, là tuổi thơ nghịch ngợm, là những năm tháng gian khổ ở rừng, bom đạn có thể phá hủy đi tất cả, nhưng vẻ đẹp của ánh trăng thì làm sao hủy diệt được?... Trăng và người là đôi bạn tri kỉ. Ai lại nỡ quên “cái vầng trăng tình nghĩa” ấy?

b. Luận điểm 2: Cảm xúc của tác giả về cái vầng trăng trong hiện tại (khổ 3, 4, 5, 6).

- Khổ ba mở ra một khoảnh khắc tâm trạng:

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường.

Cái tưởng “không thể” lại trở nền cái “có thể”. Nhà thơ tưởng không bao giờ quên cái vầng trăng tình nghĩa ấy. Thế mà ánh đèn đủ màu của phố xá phồn hoa đã khiến cho người ta có thể quên đi tất cả, cố ý quay lưng với tất cả. Hoàn cảnh tác động đến con người, làm thay đổi tình cảm con người, “có đèn quên trăng” là điều dễ hiểu. Nhưng cái chính là tác giả đã khui đúng vào niềm trắc ẩn trong người đọc, khui đúng vào cái tình nghĩa, cái thủy chung vốn có của con người. “Vầng trăng đi qua ngõ - như người dưng qua đường” câu thơ viết như không (không biểu cảm) mà ta lại nghe xót xa, nghẹn ngào lắm!

Cái sự quên nhớ ấy xưa nay trong thơ đã nói nhiều. Tố Hữu cũng đã nghe Việt Bắc hỏi mình trong những ngày sắp về chuẩn bị tiếp quản thủ đo Hà Nội (1954):

Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng

Phố đông còn nhớ bản làng

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng.

- Nếu hoàn cảnh sống làm cho con người mau quên đi quá khứ “cái vầng trăng tình nghĩa” những năm ở rừng ấy thì đó cũng là điều tự nhiên, càng tạo điều kiện cho tác giả chiêm nghiệm lẽ đời. Nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở đây, nó được đẩy lên khi:

Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung của sổ

đột ngột vầng trăng tròn.

Chi tiết “đèn điện tắt” có thể xem là tình huống độc đáo của câu chuyện nhỏ mà tác giả kể lại, là tác nhân quan trọng để từ đó tác giả bộc lộ cảm xúc của mình. Mỗi ngày vầng trăng đi qua ngõ, tác giả xem như người không quen biết. Nhưng khi tất cả bao trùm trong bóng tối, cửa so mở ra, căn phòng tràn ngập ánh trăng, đột ngột và bất ngờ! Chính vầng trăng xuất hiện bất ngờ trong bối cảnh ây gây ấn tượng mạnh, thổi bùng nỗi nhớ về một thời máu lửa chưa xã nhưng đã mờ nhạt trong kí ức nhà thơ.

Cảm xúc của tác giả về cái vầng trăng trong hiện tại

- Thiên nhiên luôn tạo cảm giác tươi mát. Vầng trăng là hình ảnh của sự tươi mát đó, là bạn tri kỉ của nhà thơ suốt tuổi nhỏ và thời chiến tranh. Trong phút chốc, sự xuất hiện bất ngờ của vầng trăng giữa thành phố làm sống dậy trong nhà thơ bao kỉ niệm ấm áp nghĩa tình của những năm tháng gian nan mà hào hùng. Quá khứ ùa về, chan chứa đầy ắp trong tâm tưởng. Chẳng có giọt nước mắt nào tràn mi nhưng nỗi nhớ ấy cứ rưng rức trong lòng tác giả.

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng.

Khổ thơ cho ta một cảm nhận thật nồng ấm: vầng trăng không chỉ có vẻ đẹp bình dị và vĩnh hằng của thiên nhiên mà cao hơn thế, nó là biểu tượng của tinh thần lạc quan trong sáng trong cuộc chiến đấu gian khổ, hiểm nguy mà nồng đượm nghĩa tình và sáng ngời chân lí.

- Mở đầu bài thơ là vầng trăng tri kỉ trong kí ức của tác giả, khép lại bài thơ vẫn là vầng trăng ấy, nhưng có chiều sâu tư tưởng, mang nặng triết lí:

Trăng cứ tròn vành vạnh.      

Trăng tròn trịa như quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên chẳng thể phai mờ. Người chiến sĩ cầm súng bảo vệ quê hương đã ngã xuống trên đất mẹ quê hương, họ nào có tính toán thiệt hơn, phải chăng “ánh trăng tròn vành vạnh” là biểu tượng cho sự cống hiến không mệt mỏi, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của bao chiến sĩ, đồng bào:

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

Nỗi ăn năn của nhà thơ là một nỗi ăn năn đầy tính nhân bản, thức tỉnh tâm linh, làm đẹp tâm hồn nhân cách con người. “Ánh trăng im phăng phắc” không nói mà nói bao điều, nhắc nhở nhà thơ (và cả mỗi chúng ta): con người có thể vô tình lãng quên, thờ ơ quay lưng với thiên nhiên, với những hi sinh mất mát của thời chiến tranh.

Nhưng thiên nhiên và nghĩa tình trong quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.

* Bài thơ đâu chỉ lời tâm sự, là tiếng lòng của tác giả, là sự tự vấn lương tâm mà còn là lời nhắc nhở với mỗi con người về lẽ sống chung thủy với chính mình, với dân tộc. Đừng bao giờ quên quá khứ gian khổ hào hùng của đất nước - Nguyễn Duy đã tự nhủ với lòng như vậy đấy.

C. KẾT BÀI

C1. Bài thơ đã khép lại nhưng lẽ đời vẫn còn vấn vương cùng người đọc. Đâu chỉ là chuyện ánh trăng mà là chuyên con người, con người của quá khứ và hiện tại.

C2. “Cái giật mình” của nhà thơ Nguyễn Duy trước “ánh trăng im phăng phắc” khơi gợi bao suy tưởng về tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Đây là phẩm chất và truyền thống đẹp của dân tộc Việt Nam ta tự bao đời nay cần được phát huy rộng rãi.

Leave a Reply