Phân tích bài thơ Con cò của nhà thơ Chế Lan Viên

A. MỞ BÀI

Có khi nào ta tự hỏi: Mình khôn lớn như hôm nay là nhờ đâu? Sự bươn chải của cha hay dòng sữa ngọt ngào của mẹ? Và hẳn là trong sự yêu thương chăm sóc ấy không thể thiếu lời ru của mẹ trong những buổi trưa hè oi ả, những đêm trường thao thức. Lời ru cứ nhẹ nhàng, êm ả đi vào giấc ngủ nồng, theo bước chân con đến tận chân trời. Lời ru sâu lắng, bền chặt của tình mẫu tử thiêng liêng bất diệt.

Phân tích bài thơ Con cò của nhà thơ Chế Lan Viên

- Chế Lan Viên, nhà thơ trữ tình nổi tiếng, đã mượn hình ảnh con cò trong lời ru của mẹ để gửi gắm những triết lí sâu sắc vào bài thơ Con cò thật xúc động. Tiêu biểu nhất vẫn là đoạn thơ sau.

- Trích đoạn thơ.

Con cò làm tổ trên cành tre, kiếm ăn trên cánh đồng, bay lả bay la... đã trở thành bạn của người nông dân trong cảnh chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa. Hình tượng con cò đi vào ca dao Việt Nam cổ truyền như một biểu tượng của người nông dân lao động vất vả, cần cù trên đồng ruộng, nơi bờ sông bãi bến kiếm ăn. Từ cảm hứng trữ tình trong ca dao về con cò, Chế Lan Viên đã sáng tác bài thơ Con cò. Bài thơ mang âm hưởng hát ru, ru con qua hình tượng con cò nhưng chở nặng suy ngẫm và triết lí về cuộc đời, ve tình mẹ con. Và có lẽ đẹp nhất, xúc động và tiêu biểu nhất vẫn là đoạn thơ sau.

- Trích đoạn thơ.

B. THÂN BÀI

1. Con cò trong lời ru của mẹ (Khổ 1)

- Xuyên suốt bài thơ, Chế Lan Viên đã mượn hình ảnh con cò để tạo nên khúc hát ru cảm động tuyệt vời. Bởi trong ca dao, hình ảnh con cò nhỏ bé, mỏng manh bước thấp, bước cao trên các bờ đê để kiếm ăn chính là hình ảnh người nông dân lao động kiếm sống, người phụ nữ một nắng hai sương vất vả cực nhọc vì chồng vì con:

Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

Đó chính là hình ảnh người mẹ nhọc nhằn vất vả, lam lũ kiếm ăn nuôi con cái. Hình ảnh cò mẹ thà chết trong còn hơn sống đục để đau lòng cò con... cùng với hình ảnh trong câu thơ của Trần Tế Xương đã làm xao xuyến lòng người:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Tuy chưa hiểu và cũng chưa cần hiểu, chưa thể hiểu nội dung của câu ca dao, lời hát ru, nhưng điệu hồn dân tộc cứ thấm dần vào tinh thần của bé, nuôi dưỡng tâm hồn của bé bằng âm điệu dịu dàng, ngân nga của tình mẹ bao la tình yêu và sự che chở của mẹ hiền: “Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ”.

Con cò trong lời ru của mẹ

Đoạn thơ khép lại bằng điệp ngữ thanh bình của cuộc sống bình yên nhưng lại mở ra một tình cảm: Tình mẹ yêu con là một sự bảo đảm cho giấc ngủ và hạnh phúc của con sau này:

Con chưa biết...

Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân.

2. Hình ảnh con cò và lòi ru của mẹ trên đường đời của con (Khổ 2)

Cánh cò từ trong lời ru của mẹ đã đi vào tiềm thức của tuổi thơ trở nên gần gũi thân thiết và sẽ theo con người trong suốt cuộc đời, trên mỗi chặng đường. Hình ảnh con cò trong ca dao đã tiếp tục sự sống của nó trong tâm thức con người.

Hình ảnh con cò trong ca dao, qua sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú và độc đáo của tác giả như bay ra từ câu ca dao để sống trong tâm hồn con người, theo cùng và nâng đỡ tâm hồn con người. Lúc em ngủ, cò là lời ru của mẹ:

Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!

Cho cò trắng đến làm quen

Cò đứng ở quanh nôi.

Có hình ảnh cánh cò trắng bay lả bay la trong lời ru của mẹ, con như nhìn thấy cò đứng ngay bên làm bạn, làm mẹ đưa em vào giấc ngủ nồng nàn. Cánh cò đã trở thành bạn đồng hành của con người trên suốt đường đời từ thuở ấu thơ trong nôi:

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi.

Đến tuổi cắp sách tới trường:

Mai khôn lớn con theo cò đi học

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân.

Và đến lúc trưởng thành:

Cành cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà

Và trong hơi mát câu văn.

Cánh cò và tuổi thơ, cánh cò và cuộc đời con người, cánh cò và tình mẹ, rõ ràng ở đây đã có sự quyện hòa, khó phân biệt. Cái màu trắng phau phau trong sạch của cánh cò, cái dịu dàng êm ả của cánh cò bay lả, bay la cứ như thế gắn với cuộc đời con người trên mỗi bước đường lớn khôn, trưởng thành. Con đắp chăn hay đắp cánh cò? Hay đắp lên mình tình mẹ âu yếm chở che ấm áp như tấm chăn, rộng mở như cánh cò? Cánh cò bay theo chân con tung tăng đến lớp, cánh cò lại che, lại quạt hơi mát vào câu thơ, câu văn con vừa sang tác. Chế Lan Viên có lối tưởng tượng và liên tưởng thật kì lạ đến ngỡ ngàng mà vẫn thật quen.

3. Hình ảnh con cò với lời ru và tình mẹ yêu con (Khổ 3)

Hình ảnh con cò với lời ru và tình mẹ yêu con

Trong cuộc đời, con người có nhiều mối quan hệ tức là cũng có nhiều tình cảm nhưng tình mẹ là tình cảm không gì thay thế được. Thuở còn nằm nôi, ngoài dòng sữa ngọt ngào cho con giấc ngủ “chẳng phân vân”, mẹ còn cho con lời ru dịu dàng, lời ru bắt nguồn từ tình yêu con sâu sắc. Nên khi gặp hoạn nạn thì vòng tay mẹ lại dang ra đón lấy con. Lúc vui hay lúc buồn, lúc con thành công hay thất bại, con khỏe mạnh hay đau ốm me luôn là bến đỡ bình an để con cập bến. Tình mẹ luôn thủy chung son sắt, chở che, dõi bước theo con. Nếu con cò theo suốt chặng đường cuộc đời của mỗi con người thì hình bóng của người mẹ gắn bó với con chẳng khi nào rời. Con đã đón nhận lời ru một cách vô thức, lời ru của mẹ có con trâu, cái kiến, củ khoai... nhưng cánh cò bay lả bay la êm ả, nhẹ nhàng cứ in sâu mãi trong lòng của trẻ thơ từ lúc nằm nôi cho đến khi trưởng thành. Con cò luôn sát cánh bên cuộc đời con. Cò mở rộng tâm hồn trái tim con; cánh cò trắng phau, bóng cò rộng mở luôn trải xuống đời con:

Dù ở gần con

Dù ở xa con

Lên rừng xuống biển

Cò sẽ tìm con

Cò mãi yêu con.

Mỗi câu thơ chỉ có bốn chữ và từ “dù”, “cò” cứ lặp đi lặp lại tạo nên một điệu ru, khúc ru êm đềm sâu lắng nhẹ nhàng. Năm câu thơ thấm thía đi vào lòng người. Tình mẹ thật mênh mông, rộng lớn và vĩ đại biết bao! Chế Lan Viên mở ra một không gian nghệ thuật “lên rừng xuống biển” giúp ta cảm nhận được nghĩa tình sâu nặng của mẹ. Con cò trở thành biểu tượng đẹp và thiêng liêng cho tình mẹ lên thác xuồng ghềnh, dù gần con hay đi đến bất cứ phương trời nào, mẹ luôn dõi mắt bên con. Và để khái quát tình cảm thiêng liêng dạt dào ấy, nhà thơ viết:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.

Câu thơ giàu tính triết lí, suy ngẫm. Và có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm nhận điều ấy khi sống trong tình yêu của mẹ. Từ lúc còn nằm nôi, cho đến khi trưởng thành, khi gặp sóng gió của cuộc đời, mẹ vẫn là cho dựa an toàn nhất của con. Trái tim, tấm lòng mẹ luôn dành trọn cho con niềm tin yêu và tình cảm tha thiết nhất. Mẹ là duy nhất đối với mỗi người, như Đỗ Trung Quân đã từng cảm nhận:

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi.

Sự hi sinh của mẹ là bất tận, vô biên. Lúc còn nhỏ “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”. Khi trưởng thành bao lần con vấp té, sa ngã mẹ sẵn sàng đón nhận những lần con trở về, mẹ đánh đổi tất cả để có được nụ cười và hạnh phúc của con “Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con” là như thế! Những lời thơ đậm chất triết lí của Chế Lan Viên nhằm tôn vinh hình ảnh người mẹ. Hình ảnh ấy mãi mãi sống động, hấp dẫn con suốt cả cuộc đời như một nhà thơ đã viết:

Cổ tích là chuyện con người

Mẹ là cổ tích suốt đời theo con.

C. KẾT BÀI

- Có thể nói, bất cứ bài thơ nào viết về mẹ đều là những sáng tác tuyệt vời nhất. Bài thơ Con cò của Chế Lan Viên là bài thơ đậm dấu ấn bởi âm điệu lời ru mênh mang dạt dào cảm xúc; đặc biệt là đoạn thơ trên. Đoạn thơ khái quát được tình mẹ yêu con tha thiết sâu nặng, một tình cảm cho đi mà không tính toán với giọng thơ giàu sức biểu cảm mà vẫn chứa đầy triết lí nhân sinh.

Hình ảnh con cò, lời ru và tình mẹ vẫn cứ theo em trên cuộc hành trình lắm chông gia thử thách: "... Dù ở xa con. Cò sẽ tìm con. Cò mãi yêu con...”

Leave a Reply