Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận

HƯỚNG DẪN

I. MỞ BÀI

Cách 1: (giới thiệu tác giả)

Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm!

Nỗi nhớ thương không biết đã tan chưa.

Đó là Huy Cận của “thuở xưa” khi đang là một nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới. Thơ ca của tác gia chất chứa nỗi u hoài cho kiếp nhân sinh. Nỗi buồn đó đã lan tỏa, tràn ngập vũ trụ, thiên nhiên. Cách mạng tháng Tám là sự tái sinh nhiệm màu cho nhà thơ, thổi một luồng sinh khi mới vào hồn thơ của Huy Cận. Những áng thơ của ông trở nên “tươi nhạc, tươi vần”, cất cao lời ngợi ca quê hương, nhịp điệu lao động của cuộc sống mới trên miền Bằc những buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhân chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Hòn Gai năm 1958, Huy Cận cho ra đời bài thơ Đoàn thuyền đánh cá thật đặc sắc.

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Cách 2: (giới thiệu chủ đề)

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

(Quê hương - Tế Hanh)

Thế giới hải hà mênh mông, bao la thật kì vĩ, đẹp đẽ biết bao! Đại dương là nơi con người lao động, đem đến bao nguồn lợi cho họ. Hình ảnh những con thuyền vùn vụt tiến ra khơi đã chắp cánh cho bao ước mơ bay bổng của con người, gợi lên bao cảm xúc mạnh mẽ, gieo bao thi hứng cho các nhà thơ. Huy Cận cũng thế, nhân chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Hòn Gai, Quảng Ninh năm 1958, thời kì miền Bắc đang sôi nổi lao động xây dựng đất nước, nhà thơ đã bị cuốn hút, hấp dẫn bởi thiên nhiên, cuộc sống nơi đây và cho ra đời bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.

II. THÂN BÀI

Khổ 1: Mở đầu bài thơ là những nét phác họa thật đặc sắc về cảnh vật Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Một quang cảnh thật bao la, hoành tráng. Nghệ thuật so sánh “mặt trời như hòn lửa” sử dụng thật khéo léo, báo hiệu hoàng hôn đã buông xuống. Mặt trời khổng lồ đỏ rực thả những tia sáng loang loáng và chìm dần vào đại dương mênh mông. Chỉ bằng vài nét phác thảo, Huy Cận đã vẽ nên một bức tranh rực rỡ, hùng vĩ về biển khơi lúc chiều tà. Khi những tia nắng cuối cùng lịm tắt thì bóng đêm lan tỏa, ngự trị khắp đại dương:

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Câu thơ là một liên tưởng thật độc đáo: vũ trụ là một ngôi nhà vĩ đại với đêm là cửa và sóng là then. Cơn sóng, bóng đêm ấy lại được nhân hóa như con người đang cài then, sập cửa để nghỉ ngơi. Nhịp thơ mạnh mẽ, dứt khoát kết hợp với vần trắc “lửa, cửa”, âm thanh tắt lại như nhấn mạnh thời khắc chấm dứt mọi hoạt động của thiên nhiên, vũ trụ.

Thật bất ngờ, đối lập với trạng thái tĩnh lặng của thiên nhiên là hoạt động của con người:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Ra khơi không phải chỉ một chiếc thuyền lẻ loi, đơn độc mà là cả một “đoàn thuyền” đông đảo làm xao động, nhộn nhịp cả không gian. Từ “lại” khẳng định đây không phải là một chuyến đi đột xuất mà đã trở thành một công việc thường xuyên có mục đích. Khi đêm xuống họ ra khơi, khi vũ trụ nghỉ ngơi thì họ lao động. Thái độ tự nguyện, nhiệt tình lao động của họ thật đáng trân trọng, quý mến.

Đoàn thuyền đánh cá ra khơi

Người ngư dân ra đi với tiếng hát rộn rã, sôi nổi. Tiếng hát xua tan màn đêm, phá tan không khí im lìm của đêm tối. Tiếng hát vang lên từ bầu nhiệt huyết yêu cuộc sống, yêu lao động, niềm tin yêu, lạc quan của họ với cuộc đời. Trước kia mất nước, ta chỉ là thân nô lệ, nay đất nước đã về tay ta, người lao động đã ở tư thế làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời của chính mình, đúng như lời thơ của Tố Hữu:

Đời vui đó, tiếng ca đoàn kết

Ta nắm tay nhau xây lại đời ta.

Bằng sự liên tưởng của bút pháp lãng mạn, Huy Cận lại tưởng chừng như “câu hát căng buồm” chứ không còn phải gió căng buồm nữa. Sự liên tưởng ấy càng làm đẹp thêm ý thơ, diễn tả khí thế, sự phấn khởi đang ngập tràn tâm hồn người lao động. Câu thơ với vần bằng “khơi - khơi” thật êm, thật nhẹ như cùng với sức gió, câu hát đẩy thuyền ra khơi.

Khổ 2: Người ngư dân vẫn tiếp tục cất cao những câu hát vui tươi:

Hát rằng cá bạc biển Đông lặng,

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!

Bài hát ngợi ca biển Việt Nam có nguồn hải sản thật dồi dào, phong phú. Biện pháp liệt kê “cá bạc, cá thu” kết hợp với nghệ thuật so sánh “cá thu... như đoàn thoi” đã biến những chú cá như những con thoi lao nhanh, tạo thành đoàn thoi dệt biển. Càng sinh động hơn khi trên biển xanh, vẩy cá ánh bạc chuyển động, dọc ngang không ngừng nghỉ. Đoàn cá lại được nhân hóa trở thành những người thợ đang miệt mài dệt lưới.

Lời hát gọi cá thể hiện một ước vọng chân thành, giản dị của người ngư dân: đánh bắt được thật nhiều cá ngon. Lời hát ấy cũng là một khát vọng được cống hiến thật nhiều, thật hữu ích cho đất nước.

Khổ 3: Việc đánh cá ban đêm đầy vất vả, khó nhọc bỗng trở nên đầy chất thơ trong suy tưởng của người ngư dân:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Vẫn với bút pháp lãng mạn bao trùm, xuyên suốt khắp bài thơ, Huy Cận lại đưa ta đến một liên tưởng thật thi vị, đẹp đẽ: chiếc thuyền “lai gió” ấy chở theo cả một “buồm trăng”. Gió, trăng đã chan hòa khắp đại dương, khắp con thuyền, biến chiếc thuyền đánh cá thành một “thuyền tiên, thuyền thơ” giữa một không gian thơ mộng, huyền ảo. Những hình ảnh kì vĩ “mây cao, biển bằng” tuy mang phong vị thơ cổ nhưng vẫn đậm chất hiện thực đã nâng con người lên ngang tầm vũ trụ, thiên nhiên, sống chan hòa với cảnh trời nước bao la, tuyệt vời. Công việc đánh cá nặng nhọc sao giờ bỗng trở nên nhẹ nhàng, nên thơ quá. Đó chính là tâm trạng của con người khi được sống, được cống hiến, được làm chủ biển khơi, đất nước nên luôn lạc quan, yêu đời.

Lãng mạn, bay bổng với dòng cảm xúc nhưng họ lại rất thực tế khi trở về với công việc:

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Bằng vài nét chấm phá, Huy Cận đã biến đoàn thuyền thành đoàn thám hiểm đại dương để tìm ra nguồn tài nguyên quý giá. Chỉ trong hai câu thơ nhưng tác giả lại sử dụng liên tiếp hàng loạt động từ "... đậu... dò... dàn đan... vây giăng”, phải chăng tắc giả đã muốn diễn tả được nhiệt tình lao động, sự khẩn trương, hối hả của đoàn thuyền trong công việc. Họ làm việc với tất cả sức lực, kinh nghiệm, tài năng, trí tuệ để đem lại kết quả cao nhất. Hình ảnh “dàn đan thế trận” khắc họa một nét đẹp nữa của ngư dân: họ đang hiệp đồng, trợ lực nhau để lao vào một “trận đánh” thực sự với khát vọng giành thắng iợi.

Khổ 4: Lời thơ lại tiếp tục ngân vang những giai điệu ca ngợi biển quê hương:

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.

Nhà thơ đã liệt kê những loài cá ngon được kể trong câu thành ngữ “chim, thu, nhụ, đé”. Vâng, biển Việt Nam không chỉ đẹp mà còn giàu nữa. Những loại hải sản dồi dào, quý giá đó là một nguồn lợi lớn mà thiên nhiên ban tặng cho con người Việt Nam. Giờ đây, biển cả hiện ra như một bức tranh sơn mài điểm tô bởi những màu sắc tươi sáng “vàng chóe, đen hồng”. Và cũng thật kì diệu, tất cả màu sắc ấy xuất phát từ cái đuôi chú cá “quẫy” làm xao động mặt nước, từ thân mình chú cá song đang tung tăng bơi lội. Chính từ cảm xúc say mê, ngây ngất trước vẻ đẹp giàu của biển cả, nhà thơ đã gọi cá bằng “em”. Cách gọi ấy thể hiện tình cảm trìu mến, thái độ trân trọng những sản vật của biển khơi và sự gắn bó, yêu mến mà tác giả dành cho thiên nhiên, biển cả. Trong sự tĩnh lặng của vũ trụ, Huy Cận chợt nghe:

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Chất lãng mạn đã tạo nên một liên tưởng hết sức độc đáo: đêm như một sinh vật với hơi thở của sự sống. Nhịp thở của đêm chính là nhịp sống đang nhấp nhô. Thật là một sáng tạo nghệ thuật đầy thi vị làm gợi nhớ đến lời thơ:

Nghe hơi thở của đồng quê mộc mạc

Bãi phù sa xanh mượt ngô non.

Phải lắng tâm hồn lại, phải hiểu biết và yêu mến thiên nhiên thì mới có thể cảm nhận được điều đó.

Chính gió tạo nên sóng và những ngọn sóng ấy đang lùa muôn vì sao phản chiếu trên mặt nước chuyển động, tan biến. Nhưng với tâm hồn lãng mạn của người thi sĩ, Huy Cận đã diễn tả đến một hình ảnh thật gợi cảm: hòa trong nhịp sóng có trăng vàng, sao lấp lánh huyền ảo. Những vì sao “không ngủ” ấy đang “lùa nước Hạ Long”. Thật là một hên tưởng bất ngờ diễn tả vẻ đẹp sinh động, lung linh của biển cả. Khi đã yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời tha thiết thì hồn thơ của tác giả mới khai mở những từ thơ đẹp, đầy ngẫu hứng như thế.

Khổ 5: Lời hát đưa thuyền ra khơi thì cũng chính là lời hát lại vang lên trong nhịp điệu lao động của người ngư dân:

Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng sao.

Tiếng hát xua tan bao vất vả, mệt nhọc, thể hiện ngọn lửa nhiệt tình không hề tắt trong tâm hồn người ngư dân. Họ vẫn thiết tha yêu đời, yêu lao động. Lời hát gọi cá chính là một ước vọng, khát khao được cống hiến thật tốt, thật nhiều cho xã hội, đất nước, hòa nhịp vào không khí chung những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nếu hình ảnh “buồm trăng” là một liên tưởng độc đáo, sáng tạo thì càng thú vị hơn khi nhà thơ nghe “trăng gõ nhịp” trong bản hùng ca lao động của đoàn thuyền. Từ hiện thực ánh trăng in trên mặt nước được sóng xô vào mạn thuyền bút pháp lãng mạn của tác giả chấp cánh làm đẹp thêm công việc đánh bắt cá.

Cảm nhận của nhà thơ về biển vừa thân thương lại vừa mang tính triết lí, suy tư:

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Câu thơ khiến ta nhớ đến suy nghĩ của nhạc sĩ Y Vân:

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bỉnh dạt dào.

đây nhà thơ đảo ngược lại sự vật, hình ảnh khi so sánh “biển... như lòng mẹ”. Có gì bao dung, nhân hậu hơn tấm lòng của mẹ. Mẹ cho con dòng sữa ngọt ngào, lời ru êm ái, mẹ sẵn sàng quên mình hi sinh vì con. Biển như lòng mẹ vì đã nuôi đàn con khôn lớn bằng nguồn hải sản dồi dào, đã vỗ về, an ủi những ưu phiền của con bằng lời ru muôn thuở của sóng, chấp cánh cho bao ước mơ bay bổng của đàn con.

Khổ 6: Cả bài chỉ có một chi tiết tả thực, đó là cảnh kéo lưới nhưng chi tiết này cũng nằm trong mạch cảm xúc lãng mạn:

Sao mờ kẻo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.

Khi “sao mờ” cũng là lúc một đêm sắp tàn. Đoàn thuyền đã lao động miệt mài suốt đêm mà giờ đây khí thế nhịp điệu chẳng những không suy giảm mà còn được đẩy lên cao, cao mãi. Điệp từ “kéo” diễn tả động tác liên tiếp, thuần thục của ngư dân “kéo xoăn tay” gợi lên hình ảnh người ngư dân với những cơ bắp cuồn cuộn đem hết sức lực để kéo những mẻ lưới lên. Chỉ với chi tiết, hình ảnh gợi tả trên, Huy Cận đã “tạc” bức tượng người ngư dân tràn trề sức sống. Biển cả đã không phụ lòng người khi những mẻ lưới đầy ắp cá, nhũng mẻ lưới được thi vị như những “chùm” quả sai trái, ngon lành.

Bóng đêm dần tàn đi để bức tranh đại dương chỉ còn lại những gam màu tươi sáng.

Vảy bạc, đuôi vàng lóe rạng đông

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Thật bất ngờ, kì diệu khi rạng đông lại “lóe” nên từ “vẩy bạc, đuôi vàng” của những chú cá. Tất cả màu sắc tươi tắn, đẹp đẽ ấy là của cá, từ cá mà có. Người ngư dân đã tìm thấy nơi lao động ý nghĩa của cuộc sống, nhận ra nơi thành quả lao động một niềm vui sướng, hạnh phúc lớn lao.

Người ngư dân “lưới xếp, buồm lên” để chuẩn bị ra về. Họ chờ đón “nắng hồng” của ngày mới hay chờ đón niềm vui, niềm hạnh phúc, hi vọng vào cuộc sống đang đến với họ?

Khổ 7: Đoàn thuyền kết thúc buổi lao động để trở về với những hình ảnh lao động thật gợi cảm:

Câu hát căng buồm với gió khơi.

Đây chính là câu thơ được lặp lại, tạo nên một âm hưởng hào hùng, sôi nổi của điệp khúc lao động. Ra đi với câu hát phấn khởi, lao động bằng bài hát nhiệt tình thì họ đã trở về với câu hát đầy hạnh phúc, vui sướng vì kết quả thắng lợi tốt đẹp của chuyến đi biển.

Điệp từ “hát” cho ta cảm nhận được niềm lạc quan, yêu đời của người lao động. Bên cạnh những hình ảnh quen thuộc lại xuất hiện những hình ảnh mới lạ, gợi cảm khi đoàn thuyền trở về:

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Bình minh trên đại dương thật đẹp đẽ, kì vĩ! Hình ảnh “mặt trời đội biển” không chỉ là ý niệm về thời gian mà còn diễn tả sự vận động mạnh mẽ của mặt trời, đi lên từ lòng sâu đại dương. Cả thiên nhiên như bừng dậy sau một đêm dài. Con người nào có chịu kém, hình ảnh “đoàn thuyền chạy đua...” diễn tả sự khẩn trương của ngư dân, muốn mau chóng về bến trước khi trời sáng hẳn. Đặc biệt là hình ảnh “mắt cá huy hoàng” mang ý nghĩa ẩn dụ làm liên tưởng đến muôn ngàn mặt trời nhỏ bé đang tỏa sáng niềm vui, niềm hạnh phúc. Đoàn thuyền trở về trong không gian chan hòa màu sắc của thiên nhiên và cả màu sắc của thành quả lao động. Cả một mạch thơ như đang tuôn chảy, một mạch thơ của niềm vui xốn xang như Xuân Diệu đã viết:

Muốn chùm hạnh phúc giữa trời xanh

Có lẽ lòng tôi cũng hóa thành ngói mới.

III. KẾT BÀI

Đoàn thuyền đánh cá thật là một tác phẩm nổi bật, thành công về nội dung và nhất là nghệ thuật của thơ ca hiện đại Việt Nam. Bằng nét bút tài hoa, sắc sảo, bằng tâm trạng ngây ngất “say cảnh, say người”, Huy Cận đã giúp ta khám phá vẻ đẹp, giàu của biển cả, thiên nhiên, nét đẹp rực sáng trong tâm hồn người lao động. Chất lãng mạn, trữ tình của bài thơ lan truyền, thổi bùng trong trái tim mỗi người nguồn cảm xúc dạt dào, thêm yêu đời, yêu cuộc sống, thể hiện thiết tha ước vọng đóng góp bàn tay, khối óc để xây dựng quê hương Việt Nam ngày thêm giàu mạnh.

Hai bàn tay ta hãy làm tất cả!

Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai.

Leave a Reply