Phân tích Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải

Núi Ngự sông Hương là quê hương thân yêu của nhà thơ Thanh Hải. Ông là nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất và cũng là tác phẩm cuối cùng của ông. Được sáng tác vào tháng mười một năm 1980, trong khung cảnh hòa bình, xây dựng đất nước, bài thơ của ông viết về mùa xuân với tất cả những tình cảm thiết tha, nồng hậu, mang đến một bức tranh mùa xuân đầy độc đáo, ấn tượng. Đến với khổ cuối của bài thơ, tác giả thể hiện tiếng lòng thiết tha, yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời và thể hiện chân thành một ước nguyện hiến dâng.

Câu Nam ai, Nam bình

Bài thơ ít nói đến Huế nhưng người đọc vẫn nhận ra một điều, bài thơ vẫn đậm đà chất Huế. Chất Huế nằm trong cảnh sắc nên thơ trong tâm hồn dịu dàng, đằm thắm trong những bài thơ ngũ ngôn, trong những bài dân ca Huế. Và đặc biệt chất Huế đậm đà ở khổ cuối trong tiếng hát, tình yêu nước non, tình yêu quê hương đất nước. Đó là tiếng hát yêu thương nhà thơ ban tặng cho đất nước và dân tộc, như một sự hiến dâng cuối cùng cho quê hương đất nước:

“Mùa xuân - ta xin hát"

Khổ thơ mở ra mang đậm làn điệu dân ca xứ Huế. Câu thơ "Mùa xuân - ta xin hát" diễn tả niềm khao khát bồi hồi của nhà thơ đối với quê hương yêu dấu buổi xuân về. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, Thanh Hải muốn hát lại hai làn điệu dân ca quen thuộc của quê hương xứ Huế. Có lẽ trong những ngày tháng nằm trên giường bệnh, khi bị tử thần rình rập, nhà thơ lại thấy quê hương của mình đẹp hơn, bản sắc quê hương mình cũng đáng tự hào hơn.

"Câu Nam ai, Nam bình"

"Nam ai" và "Nam bình" là hai điệu dân ca Huế rất nổi tiếng mấy trăm năm nay, chất chứa âm điệu buồn ai oán, những cảnh đời buồn đau thất vọng, hoặc âm điệu trong trẻo yên bình của cuộc sống an lành. Qua những khúc “Nam ai”, “Nam bình” này thì nhà thơ đã bộc lộ tình yêu tha thiết của mình đối với quê hương, đất nước; thể hiện niềm tin yêu vào cuộc đời, vào đất nước với những giá trị truyền thống vững bền.

"Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình"

Quê hương đất nước trải dài ngàn dặm, chứa chan tình yêu thương. Đó là "ngàn dặm mình", "ngàn dặm tình" đối với non nước và xứ Huế quê mẹ thân thương! Điệp ngữ "nước non ngàn dặm" láy đi láy lại như phổ nhạc vào bài thơ. Không chỉ mở ra không gian, hai câu thơ còn mở ra cảm xúc: tự hào về giang sơn gấm vóc, tự hào về lối sống tình nghĩa của ông cha. Câu thơ của người con đất Huế quả là "dịu ngọt".

"Nhịp phách tiền đất Huế"

"Phách tiền" là một nhạc cụ dân tộc để điểm nhịp cho lời ca, tiếng đàn tranh, đàn tam thập lục, thường tấu lên nhạc điệu nhịp nhàng, rộn rã cho những bài ca Huế tươi vui. Dường như những âm điệu buồn của khúc "Nam ai", "Nam bình" và vui của nhạc cụ "phách tiền" rất đặc trưng Huế ấy đã “ăn” vào máu thịt, luôn thường trực trong nhà thơ. Mùa xuân đất Huế đã khơi dậy cảm hứng trào dâng bật lên thành tiếng hát tha thiết và sâu nặng tình yêu quê hương. Nhà thơ Thanh Hải đã gửi lại cho đời “Một mùa xuân nho nhỏ”, “một nốt trầm xao xuyến”, nhưng đó là mùa xuân còn mãi như ngọn lửa nhỏ sẽ mãi nhen lên, đó là một nốt trầm cứ vang ngân không dứt. Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc trở thành ca khúc vượt thời gian về mùa xuân của nền âm nhạc nước nhà. Quả là một sự tương ngộ như có duyên định của hai tâm hồn nghệ sĩ.

Đoạn thơ cho ta thấy rõ nhà thơ rất yêu mến quê hương thơ mộng của mình, có lẽ cũng từ đó mà nhà thơ có thể mở rộng tình cảm để yêu mến đất nước, mới có thể cống hiến cả cuộc đời cho nước nhà. Lời ca như vang vọng, gợi mở ra một cái tình nhỏ bé trong cái ngàn dặm rộng lớn, mênh mang nhưng vẫn rất gần gũi, tràn đầy yêu thương và ấm áp. Tiếng hát đằm thắm hiền hoà xen với những tiếng phách giòn giã, tươi vui đã kết lại bài thơ. Bài thơ khơi lên dòng sông là tiếng chim hót vang trời xứ Huế. Kết thúc lại là nước non và tiếng hát tươi vui cả tình yêu nước non ngàn dặm, tình yêu quê hương đất nước. Câu hát truyền thống ấy đi mãi cùng trái tim một người con đến giây phút cuối cùng vẫn còn mong mỏi mãnh liệt hơn bao giờ hết khát vọng cống hiến vẹn toàn cho quê hương đất nước.

Mùa xuân - ta xin hát

Đối với Thanh Hải, ông nguyện cống hiến hết mình cho đất nước "dù là tuổi hai mươi", "dù là khi tóc bạc", hay thậm chí là đến giấy phút cuối cùng cũng còn mong mỏi mãnh liệt hơn bao giờ hết khát vọng cống hiến vẹn toàn cho quê hương. Nhưng còn đối với một số người khác lại không như vậy, họ chỉ quan tâm đến cuộc sống cá nhân hay gia đình của họ mà thôi chứ không hề màng đến sự cống hiến cho đất nước. Qua đoạn cuối bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ", bản thân tôi cảm thấy chưa thể làm được gì cho đất nước, nhưng tôi sẽ cố gắng học hành thật tốt để góp một "mùa xuân nhỏ" của mình vào "mùa xuân lớn" của dân tộc.

Mùa xuân là đề tài truyền thống trong thơ ca dân tộc. Thanh Hải đã góp phần cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, cảm động. Đoạn thơ để lại trong lòng bao thế hệ trẻ những cảm xúc sâu lắng khó tả, khó phai mờ và mãi trường tồn cùng đất nước. Để rồi mỗi chúng ta biết sống đẹp hơn, làm nhiều điều có ý nghĩa cho cuộc đời để còn lại một dấu ấn đẹp dù khi chỉ còn là cát bụi. “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”. Hãy sống có trách nhiệm với quê hương, với đất nước, đặt trách nhiệm cao hơn quyền lợi của bản thân nhé mọi người!

Leave a Reply