Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên

I. Mở bài

Chế Lan Viên là một trong những nhà thơ kiệt xuất của phong trào thơ hiện đại Việt Nam. Trải qua 50 năm miệt mài lao động nghệ thuật và sáng tác, Chế Lan Viên để lại cho đời một kho tàng thơ đậm chất triết lý và có sự biến đổi qua nhiều giai đoạn. Nếu như trước cách mạng, thơ ông hướng về một thế giới siêu thực, bí ẩn và từ chối cuộc đời thì ánh sáng của cách mạng đã đưa ông trở lại với cuộc sống cùng những sáng tác hướng về cuộc đời, về nhân dân, về cách mạng. Đánh dấu cho sự thay đổi này là tập thơ “Ánh sáng và phù sa", mà “Tiếng hát con tàu" là một trong số những bài tiêu biểu cho tập thơ đó. 

Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên

Bài thơ là lời kêu gọi mọi người đi đến xây dựng những vùng đất xa xôi của Tổ quốc, cũng như thể hiện sâu đậm tình cảm của tác giả đối với quê hương nói chung, và miền đất Tây Bắc nói riêng.

II. Thân bài

1. Tác giả: 

Chế Lan Viên tên thật là Nguyễn Ngọc Hoan, ông sinh năm 1920 tại Quãng Trị, nhưng ông đã trải qua phần lớn thời ấu thơ và trưởng thành ở miền quê thứ hai, Bình Định. Ông làm thơ từ rất sớm. Tập thơ đầu tay “Điêu tàn" xuất bản khi ông vừa mười bảy tuổi, đạt thành công vang dội đã đưa ông vào hàng ngũ những nhà thơ tiêu biểu của phong trào mới. Ông từng tham gia kháng chiến, làm báo và đi khắp mọi miền đất nước. Trong suốt cuộc đời mình, ông nhiều năm ở cương vị ban lãnh đạo hội nhà văn Việt Nam, tham gia những diễn đàn quốc tế về văn học. Chế Lan Viên mất vào năm 1989. Sau đó bảy năm, tức năm 1996, ông được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật (đợt I ).

2. Hoàn cảnh sáng tác:

Trong những năm sáu mươi, miền Bắc tưng bừng không khí nhộn nhịp đi dựng xây những miền đất tươi đẹp của tổ quốc, đặc biệt là miền Tây Bắc. Trên tinh thần đó, nhà thơ sáng tác nên “Tiếng hát con tàu".

3. Ý nghĩa tựa đề:

Thực ra, vào thời điểm ấy thì vẫn chưa có con tàu nào để lên Tây Bắc. Do đó," con tàu" ở đây là hình ảnh lãng mạn, tượng trưng cho ý nguyện đi đến dựng xây Tây Bắc cùng mọi miền đất nước. “Tíếng hát" ở đây có thể là bài vè, câu hò, bài thơ mang âm điệu tươi vui, giục giã mọi người lên đường về Tây Bắc.

4. Phân tích:

Khổ đề từ: Lời đề từ cho một tác phẩm , ngoài việc mở đầu cho tác phẩm thì nó còn nêu bật nội dung ẩn chứa bao quát trong bài. Và “khổ đề từ" trong “Tiếng hát con tàu" cũng không phải là ngoại lệ: 

“Tây Bắc ư, có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu"

Khổ thơ bắt đầu bằng một câu hỏi tu từ “Tây Bắc ư, có riêng gì Tây Bắc", mà nội dung là khẳng định tấm lòng yêu nước của tác giả hướng về khắp mọi miền đất xa xôi, hẻo lánh của tổ quốc, chứ nào có riêng gì Tây Bắc.

Mạch thơ tiếp tục bằng hai sự hóa thân của chủ tể tác giả:

“Khi lòng ta đã hóa những con tàu"

và “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu"

“Con tàu", như đã nói ở trên, là hình ảnh lãng mạn, tượng trưng cho ước nguyện đi khắp mọi miền của tổ quốc. Và một khi “Tâm hồn ta là Tây Bắc", tức là tác giả đã tự khẳng định mục tiêu đến của mình là những miền đất xa xôi của tổ quốc-Tây Bắc. Cả hai sự hóa thân này đều làm toát lên một điều rằng: tác giả-, đại diện cho cả một thế giới trẻ thanh niên và văn nghệ sĩ đều đang hướng về những miền đất xa xôi diệu vợi của quê nhà. 

Tâm trạng này rất khác so với tâm trạng tự cô lập mình trong những tác phẩm trước đây của tác giả Chế Lan Viên, khi mà ông tuyệt vọng thốt lên rằng: 

“Với tôi tất cả đều vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau" 

Tác giả đã nhìn thấy trong đất nước một tương lai tươi sáng hơn, với tiếng hát vang khắp “tổ quốc bốn bề".

Lời kêu gọi lên đường: 

Và để biến suy nghĩ thành hành động thực tế, ông đã mời gọi rằng:

“Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng"

Sau đó ông lại thuyết phục rằng:

“Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội

Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi

Ở ngoài kia, tàu đối những vành trăng"

Dường như, ông tự hỏi và cũng tự động viên mình, nhân vật “anh" lên đường về Tây Bắc. Và lý do lớn nhất để đi là do “tàu đói những vành trăng", tức là ông muốn ra đi để tìm cảm hứng nghệ thuật.

Mạch thơ lại tíếp tục với:

“Đất nước mênh mông, anh nhỏ hẹp.

Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi"

Một lý lẽ mới được đưa ra, đó là “ảnh" nên đi để nhìn thấy đất nước, để nhìn thấy những miền đất lạ trước đây chưa biết đến. Ý tưởng này y hệt với ý đưa ra trong:

“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con"

( Người đi tìm hình đất nước) - của chính tác giả.

Và một lần nữa, nguyện vọng ra đi tìm cái đẹp của nghệ thuật chân chính lại được nhắc đến:

“Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép

Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia"

Kết hợp với những câu ở khổ trên, hai câu thơ này đã cho ta thấy nhận thức của tác giả về cái đẹp nghệ thuật&vẻ đẹp của sự lao động, hy sinh, cống hiến, giống như Bác đã từng nói: “Lao động là vinh quang".

* Nỗi nhớ của tác giả:

Tâm hồn ta là Tây Bắc

· Mìền núi Tây Bắc:

Mạch thơ đột nhiên chuyển sang trầm lắng, nhớ nhung, đầy sự hoài cảm:

“Trên Tây Bắc, ôi mười năm Tây Bắc,

Xứ thiêng liêng, rừng núi đã anh hùng"

Hai câu thơ tồn tại song hành với nhau thành một cặp câu cảm thán, không thể tách rời nhau, hệt như hai chiếc của một đôi đủa vậy. “Mười năm" ở đây là chỉ thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong tâm trí tác giả, Tây Bắc là miền đất linh thiêng, rừng núi Tây Bắc, tượng trưng cho chính con người Tây Bắc cũng thật anh hùng. Tây Bắc tồn tại trong hồn Chế Lan Viên, hệt như là một miền đất với nhiều giá trị thiêng liêng, cao quý. Nếu Chế Lan Viên nhớ Tây Bắc bằng nỗi nhớ da diết, nể trọng thì Quang Dũng lại nhớ rừng với những hồi ức đẹp:

“Sài khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lái hoa về trong đêm hơi"

( Tây tiến )

Mạch thơ tiếp tục với:

“Nơi máu rỏ, tâm hồn ta thấm đất

Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân"

Chế Lan Viên nhớ Tây Bắc vì đây là nơi “máu rỏ", tức là nơi mà ông và đồng đội đã từng chiến đấu. Và mảnh đất bị tàn phá ngày xưa đã tự hồi phục lại, khi mà nó “chín trái đầu xuân".

Nhớ về cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ, nhà thơ lại xúc động, bồi hồi thổ lộ:

“Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa

Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường"

Tác giả tự ví cuộc kháng chiến rực rỡ, sục sôi như “ngọn lửa"- ngọn lửa 

niềm tin sắt đá của người chiến sĩ vào chiến thắng ngày mai, ngọn lửa yêu nước bừng cháy trong lòng của mỗi con người Việt Nam. Và sức mạnh của ngọn lửa đó đủ soi đường cho bao thế hệ mai sau, hệt như kim chỉ nam của chân lý lòng yêu nước, hệt như Tố Hữu đã nói “Mặt trời chân lý chói qua tim” ( Từ ấy ).

· Nỗi nhớ người dân Tây Bắc:

Hai câu thơ chuyển ý:

“Con đã đi nhưng con cần vượt nữa,

Cho con về gặp lại mẹ yêu thương"

đã sử dụng cách xưng hô mới, thân mật hơn bằng từ “con" và “mẹ".

Ở đây, “con" và “mẹ" đều là nhân vật trữ tình, khi tác giả bày tỏ tình cảm của mình qua đoạn đối thoại. “Mẹ", theo cảm nhận của một số người, là đại diện cho cả mìền núi và nhân dân Tây Bắc yêu thương của tác giả.

Nhớ Tây Bắc, trước tiên là nhớ đến người dân nơi đây:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ,

Cỏ gặp giêng hai, chim én gặp mùa"

Niềm vui trùng phùng của tác giả được so sánh với những hoàn cảnh vô cùng quen thuộc của núi rừng, nơi thân thương gắn liền với cuộc sống của người Tây Bắc: nai, cỏ, chim én. Tất cả chúng đều đang ở trạng thái phát triển tốt nhất, mạnh mẽ nhất, sung mãn nhất. Bởi vì nơi nào trong rừng có thể làm nai ta thảnh thơi, thoải mái bằng suối cũ. Cỏ trên đồi có bao giờ xanh hơn cỏ “giêng hai", và đàn én nào vui vẻ, ríu rít bằng đàn én “gặp mùa". Rõ ràng, tâm hồn nhà thơ chỉ thực sự nẩy nở khi ông về với nhân dân. Hơn thế nữa, tác giả tự xem nhân dân như nguồn sống duy nhất của mình:

“Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa,

Chiếc nôi ngừng bỗng cánh tay đưa"

Nhân dân là nguồn sống chủ yếu của tác giả, giống như một đứa trẻ con thì không thể nào lớn lên mà thiếu sữa mẹ. “Chiếc nôi" cuộc đời tác giả chợt như ngừng lại, không vận động nữa thì nay lại gặp một động lực mới: “cánh tay đưa" để nó lại tiếp tục lắc lư, vận động, đóng góp cho đời. Tác giả tự nhận ra được sự khác biệt trong hồn mình từ trước và sau khi giác ngộ cách mạng. Nếu như trước đó, ông, đại diện cho cả một thế hệ văn nghệ sĩ đương thời lâm vào tình trạng:

“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp,

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con"

( Người đi tìm hình đất nước-Chế Lan Viên )

bị tù túng trong một lối sống khuôn khổ, chật hẹp, không tự tìm ra được con đường giải thoát cho mình; thì giờ đây, ánh sáng cách mạng chiếu sáng hồn ông, định hướng cho ông đi. Cái cảm giác nhận thức ra được chân lý cách mạng đó hệt như Tố Hữu đã viết:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim" 

( Từ ấy)

Sau khi nhận thức được tầm quan trọng của nhân dân đối với cuộc đời mình, tác giả dần trở nên yêu mến nhân dân hơn. Đầu tiên, tác giả nhớ đến người anh miền núi làm nhiệm vụ du kích." Anh" của tác giả sáng bừng lên trong chiếc áo nâu sòng của gia đình nghèo khó:

“Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn,

Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách

Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con"

Thông thường chiếc áo nâu này được xem như là vật tùy thân của bác nông dân cực khổ bên con trâu và những luống cày. Nhưng ở đây, áo nâu là của anh du kích miền núi. Nó đã rất cũ, được “vá rách" nhiều lần chứ cũng không phải là chiếc áo mới còn thơm mùi thuốc nhuộm. Thậm chí, nó còn là chiếc áo của người anh miền núi nghèo. Nhưng đằng sau cái vẻ nghèo tồi tàn đó là cả một vẻ đẹp ngời sáng của tình người. Chiếc áo là bạn đồng hành của anh khi anh “công đồn", bảo vệ buôn làng, hoặc khi anh lên nương cày cấy, làm việc… Và chiếc áo cũ kỹ ấy rực sáng tình người khi nó được trao cho tác giả vào đêm cuối cùng trước ngày ông lên đường, bởi người anh nghèo, anh dũng của ông đã trao cho ông món tài sản lớn nhất, giá trị nhất của mình. 

Con người Tây Bắc

Nếu anh của tác giả là một người dân quân trung nghĩa, thì “con" của ông lại là một đứa trẻ anh dũng, dù còn nhỏ tuổi nhưng “con" đã vô cùng gan dạ khi nhận nhiệm vụ giao liên: 

“Con nhớ em con, thằng em du kích"

trong chính hoàn cảnh khó khăn, giặc bắt bớ lung tung, để mỗi bước chân con là mỗi bứoc cân trọng:

“Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ",

ấy thế mà em vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao:

“Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc,

Mười năm tròn, chưa mất một phong thư".

Chính tác giả Chế Lan Viên còn cảm thấy thán phục vô cùng khi nói về người em của mình với những đức tính: gan dạ, thông minh trốn tránh kẻ thù, và trên hết là một tinh thần trách nhiệm bền bỉ, khi em đã làm tròn nhiệm vụ suốt mười năm, một khoảng thời gian không ngắn trong quãng đời thơ ấu của em. Nếu phải so sánh thì em còn gan dạ hơn cả chú bé trong bài thơ:

“Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh…."

khi vào nhiệm vụ trong hoàn cảnh hiểm nghèo:

“Đường quê vắng vẻ,

Đạn bay vèo vèo,

Ba lô chú bé,

Nhấp nhô trên đồng". 

Tây Bắc cho Chế Lan Viên một người anh trung nghĩa, một người em gan dạ và cả một người mẹ nuôi quân dạt dào tình cảm yêu thương tác giả:

“Con nhớ mế, lửa hồng soi tóc bạc,

Năm con đau, mế thức một mùa dài"

Người mẹ miền núi này đã đem hơi ấm của tình mẫu tử ruột thịt mà ấp ủ, chở che cho người con không huyết thống Chế Lan Viên một cách tận tình. Chính tình yêu cao cả, bao dung nhu lòng mẹ của “mế" đã giúp Chế Lan Viên và bao nhiêu chiến sĩ cách mạng khác vượt qua những khó khăn, những chặng đường gian khổ, những phút giây hoạn nạn, đau đớn. Cảm động trước ân tình đó, nhà thơ đã thốt lên rằng:

“Con với mế không phải hòn máu cắt,

Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi" 

Đó là lời nói đầy tình cảm của người con đối với “mế", người mẹ nuôi, người ân nhân của mình. Nhưng đó cũng đồng thời là một lời thề, một lời hứa báo đền ơn đức, công lao của “mế".

Xuyên suốt ba khổ thơ trên, tác giả đã dùng giọng văn tự nhiên hệt như lời người con kể chuyện cho mẹ Tây Bắc nghe. Những đại từ nhân xưng được sử dụng một cách thân mật, chứng tỏ người dân Tây Bắc như chính những thành viên trong gia đình mình:

“Con nhớ anh con, người anh du kích"

“Con nhớ em con, thằng em liên lạc";

hay như “Con nhớ mế, lửa hồng soi tóc bạc…’’

Điệp từ “con nhớ" cùng kết hợp với giọng thơ tha thiết cùng cách xưng hô thân mật tạo nên một âm điệu, một tiết tấu ngân nga làm rung động hàng triệu con tim đọc giả của bao thế hệ. Đồng thời, những trạng ngữ chỉ thời gian, chỉ sự bền vững, dài lâu và có ý nghĩa ngày một thăng tiến hơn “suốt một đời", “mười năm tròn", “trọn đời" như tô đậm thêm tình cảm của tác giả. Nhịp thơ cứ thế mà tăng dần lên, đưa cảm xúc của tác giả ngày một thăng hoa đến đỉnh cao của xúc cảm. Ta dễ dàng nhận thấy được một sự tương đồng trong việc xây dựng cảm xúc thăng hoa như trên qua bài “Giải đi sớm" thứ II của Hồ Chí Minh.

“Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng, 

Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không,

Hơi ấm bao la toàn vũ trụ,

Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng"

Trích “Nhật ký trong tù"

* Nỗi nhớ miền núi Tây Bắc:

Nỗi nhớ miền núi Tây Bắc

Dịch học nói rằng: “Theo lẽ tự nhiên của trời đất, cái gì cực thịnh rồi cũng sinh biến”. Do đó, khi tình cảm của tác giả đối với nhân dân đã lên đến đỉnh điểm rồi thì bây giờ, ông bắt đầu nhớ đến cảnh vật miền núi Tây Bắc:

“Nhớ bản sương giàng, nhớ đèo mây phủ"

Hình ảnh buôn làng mờ ảo, ẩn hiện trong làn sương sớm, hay những ngọn núi thấp thoáng sau bóng mây là những hình ảnh đẹp, nên thơ, hữu tình. Vẻ đẹp của nó thấm vào trong chính tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ.

Thế rồi, giọng thơ trở nên đậm tính triết lý, theo đúng phong cách thơ của Chế Lan Viên:

“Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương,

Khi ta ở, chỉ là nơi đến ở, 

Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn"

Đó là một trong những câu thơ được đánh giá là hay nhất của Chế Lan Viên khi đã làm toát lên được quy luật tất yếu của cuộc sống: những miền đất nơi ta từng đi qua, ở đó, sinh hoạt, làm việc tại đó đều là một phần quan trọng của tâm hồn ta, là một mảng tình yêu thương không bao giờ chia cắt được. 

Khi ta đến, đất lạ lẫm, khắc nghiệt. Khi trong quá trình sinh hoạt, làm việc, ta dần gắn bó với đất qua những hoạt động thường ngày, để rồi tất cả những cái bình thường ấy chợt cộng hưởng thành Nỗi nhớ da diết cào xé tâm hồn khi ta rời xa đất.

Chính Nguyễn Khoa Điềm cũng đã thừa nhận rằng tình yêu đất nước, cái tạo nên đất nước là những thứ bình dị nhất, bình thường nhất của cuộc sống hàng ngày:

"Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể 

Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn:

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giả, giần sàng"

( Đất nước )

* Nỗi nhớ nguời yêu:

Trong tâm trạng xúc động đó, tác giả chợt nhớ người yêu:

“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến, chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương"

Cảm giác nhớ em, người con gái miền Tây Bắc, được tác giả thể hiện như là một điều tất yếu của cuộc sống, hợp quy luật vô cùng. Anh không thể không có em, như mùa đông không thể không rét, như cánh kiến không rời hoa vàng, và như một quy luật tất yếu, chim rừng thay lông ngày đầu xuân.

Tình yêu ấy thiết tha, mặn nồng và bền bỉ. Cô gái là lẽ sống của chàng trai và ngược lại, họ cùng xây một chuyện tình đẹp như chuyện cổ tích. Tình yêu nồng thắm của họ sẽ không bi lụy như bản tình ca buồn “Romeo và Juliet" Nổi tiếng của Shakespeare, mà tràn đầy nhựa sống, khát vọng xây dựng, cải tạo những miền đất mới, bởi tác giả đã một lần nữa khẳng định triết lý:

“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương"

như để định hướng cho cuộc tình mình, khẳng định lòng mình luôn trung thành với cách mạng, với nhân dân, với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó cho mình cùng đồng đội.

Mạch thơ tiếp tục với những hồi tưởng về cô gái:

“Anh nắm tay em giữa mùa chiến dịch

Vắt xôi nuôi quân em dấu giữa rừng

Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

Bữa xôi đầu còn còn tỏa nhớ mùi hương"

Người yêu của tác giả là cô sơn nữ dịu dàng, yêu cách mạng, chịu thương chịu khó băng rừng để tiếp tế lương thực cho bộ đội. Có thể nói đây là hình mẫu lý tưởng về người yêu, người vợ của đại đa số tầng lớp thanh niên thời bấy giờ.

* Không khí lên đường rộn rã:

Người ta thường nói “học phải đi đôi với hành". Ở đây tác giả vừa thể hiện tình cảm thắm thiết của mình đối với Tây Bắc và biến suy nghĩ thành hành động: ông lên đường về Tây Bắc. 

Hai khổ thơ kế cho ta về một hình ảnh về một sân ga tấp nập người lên xuống, khi mà tiếng còi tàu trong gió nghe như lời giục giã:

“Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?

Tình em đang mang tình mẹ mong chờ"

Thế rồi con tàu dần chuyển bánh, để lại bao người vụt qua làn gió rúc mạnh bên tai:

“Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng"

và những cảnh quen thuộc dần vụt đi:

“Mùa nhân dân giàng lúa chín rì rào

Kẻ người mà đi, vịn tay mà đến

Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao"

Khổ thơ kế tiếp:

“Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ

Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ

Mười năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa 

Nay trở về, ta lấy lại vàng ta"

Hai từ “nhựa nóng", “vàng ta" được lặp lại liền mạch hai lần tạo mọi sự nối tiếp dài trong dòng tư tưởng, gợi cho ta cảm giác sự nối tiếp nhau lên đường của con tàu về Tây Bắc, đi xây tổ quốc.

Khổ thơ cuối là một chuỗi những hình ảnh lãng mạn: cơn mơ, con tàu mộng tưởng, uống trăng…., thể hiện một quan niệm mới về vẻ đẹp nghệ thuật của tác giả. Chính ông đã nhận ra rằng vẻ đẹp thực sự của cuộc sống là vẻ đẹp của lao động, của sự cống hiến cho quê hương, nước nhà. Đó là bước chuyển đổi lớn của hồn thơ Chế Lan Viên nói riêng, và cả giới văn nghệ sĩ đương thời nói chung.

III. Kết bài

“Tiếng hát con tàu" trích từ tập “Ánh sáng và phù sa" của Chế Lan Viên vừa đóng vai trò như một câu hò giục giã kêu gọi mọi người lên đường xây dựng những miền đất xa xôi của tổ quốc như Tây Bắc, đồng thời cũng là bản tình ca nồng nàn về tình người, tình yêu miền đất Tây Bắc của tác giả. Được viết dựa trên những rung động cảm xúc thật sự của tác giả, bài thơ đã trở thành một hành khúc bất tử trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta.

Leave a Reply