Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật để thấy được nét đặc sắc về ngôn ngữ và giọng điệu

I. MỞ BÀI

1. Cách 1: (Giới thiệu tác giả)

Phạm Tiến Duật là một nhà thơ trẻ xuất thân từ quân đội trong những năm chống Mĩ ác liệt, gian khổ. Hoạt động trong đơn vị vận tải trên con đường Trường Sơn lịch sử, nhà thơ đã hiểu biết và cảm nhận được cuộc sống người lính với những nét riêng của tuổi trẻ. Chính hiện thực cuộc chiến đấu cam go, anh dũng đó đã là nguồn cảm hứng bất tận, chắp cánh cho hồn thơ của tác giả bay cao. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một tác phẩm độc đáo và nhà thơ đã sáng tác trong thời kì máu lửa, anh hùng đó:

Không có kính... trái tim.

Phân tích bài thơ, ta sẽ cảm nhận, hiểu biết đầy đủ hơn về người lính đồng thời thấy được nét đặc sắc về ngôn ngữ và giọng điệu.

2. Cách 2: (Giới thiệu chủ đề)

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai.

Trong cuộc chiến tranh thần thánh chống đế quốc Mĩ để giải phóng quê hương, người chiến sĩ đã trở thành nhân vật trung tâm. Đó là lớp người có lí tưởng cao cả, có nhiệt tình sôi nổi, đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Hình ảnh người chiến sĩ đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào, là đề tài bất tận cho các nhà thơ, nhà văn. Chính từ hiện thực cuộc sống, chiến đấu của người chiến sĩ thuộc đơn vị vận tải trên con đường Trường Sơn khói lửa, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã sáng tác một bài thơ hay và xúc động là Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Không có kính... trái tim

Phân tích bài thơ sẽ giúp ta cảm nhận đầy đủ hơn về người chiến sĩ, đồng thời thấy được những nét đặc sắc về ngôn ngữ và giọng điệu.

Chỉ cần trong xe có một trái tim

II. THÂN BÀI

1. Chủ đề: Nhắc đến người chiến sĩ là nhắc đến những con người đầy ý chí, dũng cảm. Người chiến sĩ thời chống Mĩ ngoài tinh thần ấy còn mang nét sôi nổi, nhiệt tình. Điều đặc biệt độc đáo ở đây là nhà thơ viết về những người lính thuộc binh chủng vận tải trên con đường Trường Sơn với một phong cách hết sức độc đáo:

2. Phăn tích:

Khổ 1: Không có kính, không phải vì xe không có kính.

Câu thơ mở đầu thoạt như một lời kể lể, giãi bày của người chiến sĩ, với ngôn ngữ giản dị, đơn sơ. Câu thơ thật giản dị với lời nói bình thường của người chiến sĩ với chiếc xe yêu quý mà họ đang sử dụng. Chi tiết “Không có kính” là một thực tế nhưng vế thơ tiếp theo lại là một từ phủ định khác “không phải vì xe không có kính”. A, thì ra trước kia chiếc xe vẫn nguyên vẹn, lành lặn với đầy đủ các bộ phận đấy chứ.

Khổ 2: Do chiếc xe không còn bộ phận che chắn nên giờ đây anh đã tiếp xúc trực tiếp với không gian bên ngoài, khi chiếc xe lao đi, anh đã cảm nhận “nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng”.

Cảm giác về cơn gió mạnh đã trực diện, anh không chỉ cảm thấy “gió vào xoa mắt đắng” mà đã “nhìn thấy” cơn gió vô hình? Cảm giác ấy càng trở nên mạnh mẽ hơn khi anh “nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim”. Câu thơ diễn tả chiếc xe đang tiến tới với vận tốc cao để đến đích.

Nhưng cách diễn tả độc đáo này như khẳng định: người chiến sĩ điều khiển chiếc xe tiến lên vói tất cả tâm tư, nhiệt tình, với trái tim đầy yêu thương con đường, mảnh đất quê hương. Trước mặt người chiến sĩ là một quang cảnh hết sức sinh động và gần gũi.

Khổ 3: vẫn là điệp ngữ “không có kính” nhưng ở đây tác giả lại nhấn mạnh đến nguyên nhân dẫn đến hậu quả “Ừ thì có bụi”. Từ ngữ “ừ thì” thật giản dị, nôm na phù hợp với thái độ bất chấp của người lính trước những gian lao, thử thách. Trường Sơn vào mùa khô đã gây không ít vất vả, khô sở cho người lính. Thật vậy điệp từ “bụi” kết hợp từ “phun” như muốn nhấn mạnh, ở đây có rất nhiều bụi, mù mịt cả không gian mỗi lần xe chạy qua. Bụi ùa vào xe, phủ đầy mặt mũi, thân mình người lái. Hình ảnh so sánh “tóc trắng như người già” là hình ảnh tả thực diễn tả nỗi vất vả, khó nhọc của người lính.

Khổ 4: Với cấu trúc được lặp lại “không có kính”, “ừ thì”, và ngôn ngữ bình dị, giọng điệu ngang tàng lại một lần nữa thể hiện thái độ bất chấp tất cả của người lính. Chiếc xe không kính ấy đi vào mùa nào, thời tiết nào đều gian khổ cả. Điệp ngữ “mưa” kết hợp với những từ gợi tả “tuôn, xối” gợi lên những cơn mưa rừng thật dữ dội, khiến người lính bị “ướt áo”. Thái độ của người lính được thể hiện dứt khoát “chưa cần thay”. Họ mặc kệ cái ướt át, lạnh giá để tiếp tục nhiệm vụ “lái trăm cây số nữa”. Lời nói giản dị nhưng đơn sớ thể hiện quyết tam lớn của người chiến sĩ: lái xe thật mau mắn để đến tới đích, ý thức được nhiệm vụ, đóng góp của họ thật đẹp, thật đáng quý biết bao. Họ lái xe cho đến khi “mưa ngừng”, và trong suy nghĩ của họ, chuyện ấy cũng thật đơn sơ, bình dị:

Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi

Rõ ràng người lính đã biết quên mình vì nhiệm vụ, với một ý thức tự nguyện và một tâm hồn sôi nổi, yêu đời.

Khổ 5: Chiếc xe cũng có lúc ngừng chạy, nghỉ ngơi. Đó là khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ. Lúc này ta bat gặp một nét đẹp khác nơi họ. Đó chính là tình đồng đội, đồng chí. Trong cuộc sống, giữa chiến trường ác liệt, gian khổ họ không cảm thấy buồn chán, cô độc vì quanh họ còn có biết bao đồng đội gần gũi, yêu thương. Trong cuộc hành trình vất vả đó họ đã “gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới” đem đến cho họ sự vui tươi, thân ái. Từ “họp, gặp” diễn tả những cuộc hội ngộ của những người lính trẻ trung, cùng chí hướng thì hình ảnh "bắt tay nhau” thật đẹp đẽ, biểu hiện sự đồng cảm, thân ái, yêu thương của những người chiến.

Khổ 6: Họ đã chiến đấu, công tác trên con đường Trường Sơn thì khi nghỉ ngơi họ lại lấy con đường thân yêu ấy làm nhà. Họ trò chuyện, cười đùa với nhau thật thoải mái, thân mật. Họ “dựng bếp Hoàng Cầm giữa trời”. “Võng mắc chông chênh” để nghĩ ngơi, ăn uống sau những giờ phút căng thẳng với công việc. Một gia đình vui tươi, trẻ trung gom toàn những người lính trẻ đã thành hình khi họ “chung bát đũa”. Nhưng chỉ trong một thoáng chốc, để rồi sau đó người chiến sĩ lại tiếp tục vào cuộc chiến đâu, hành quân:

Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Lại đi, lại đi trời xanh thêm

Điệp ngữ “lại đi” đã diễn tả một công việc quen thuộc của người lính nhưng đồng thời cũng biểu lộ nhiệt tình, khí thế khẩn trương sôi nổi của họ. Trước mắt họ “trời xanh thêm” như báo hiệu một ngày công tác, chiến đấu đẹp trời nhưng lại phù hợp với tầm hồn tre trung, yêu đời của người lính cũng như niễm lạc quan, tin tưởng của họ vào tương lai, vào cuộc sống.

Khổ 7: Khổ thơ cuối có ngôn ngữ giản dị, đơn sơ như lời nói hằng ngày. Điệp ngữ “không có” như nhấn mạnh, làm rõ những khó khăn, trở ngại dồn dập, liên tiếp. Những bộ phận cần thiết của chiếc xe đã bị bom đạn làm hư hại. Cái “không có” là kính, đèn, mui xe, còn cái “có” lại là “thùng xe có xước”. Chiếc xe trở nên trần trụi, kì dị và “độc đáo” quá! Thế mà người chiến sĩ vẫn tiếp tục điều khiển cho xe tiến tới “xe vẫn chạy” chứ không chịu ngừng nghỉ, nằm yên. Điều gì đã thôi thúc người chiến sĩ tận tụy, quên mình vì nhiệm vụ, coi thường những gian khổ, vất vả? Tất cả là bởi một mục đích, lí tưởng cao cả “vì miền Nam phía trước”. Lòng yêu nước nồng nàn, ý thức căm thù giặc cao độ đã giúp cho người chiến sĩ sẵn sàng quên mình vì nhiệm vụ. Ước mong cao đẹp nhất của họ là giành được độc lập, tự do cho Tổ quốc, mang lại hòa bình độc lập cho dân tộc. Cội nguồn sức mạnh của người chiến sĩ lái xe, sự dũng cảm kiên cường của người chiến sĩ được diễn tả thật bất ngờ, sâu sắc:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Thì ra “trái tim” cháy bỏng tình yêu thương Tổ quốc, đồng bào miền Nam ruột thịt đã khích lệ, động viên người chiến sĩ vượt qua bao gian khổ, luôn lạc quan bình tĩnh để cầm chắc tay lái đưa xe mau tới đích. Hình ảnh bất ngờ câu cuối đã lí giải tất cả mọi vấn đề. Ngữ điệu câu thơ bình dị như lời nói nhưng lại ẩn chứa một ý tưởng sâu sắc về một chân lí thời đại, sức mạnh để chiến thắng không phải là vũ khí hiện đại, phương tiện tối tân, đầy đủ tiện nghi mà chính là con người với trái tim nồng nàn yêu thương đất nước nhân dân, sôi sục lòng căm thù quân giặc. Ý chí bất khuất, kiên cường ấy giúp cho con người lướt thắng mọi khó khăn trở ngại.

III. KẾT BÀI

Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một bài thơ hay, đặc sắc của Phạm Tiến Duật. Ngon ngữ bình dị, đơn sơ như lời nói, giọng điệu trẻ trung, ngang tàng mang đậm chất lính của bài thơ đã khắc họa được hình ảnh người chiến sĩ chống Mĩ anh hùng, bất khuất và rất lạc quan, yêu đời. Đó là những con người đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Cám ơn nhà thơ đã cho ta cảm nhận sâu sắc về người chiến sĩ thời chống Mĩ, những con người đã không tiếc thân mình hi sinh cho Tổ quốc. Phải sống sao cho xứng đáng để không phụ tấm lòng của cha ông. Đó là tâm niệm của mỗi người chúng ta khi đọc xong bài thơ này.

Leave a Reply