Phân tích bài "Tuyên ngôn độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh là đỉnh cao của văn chương chính luận Việt Nam. “Tuyên ngôn độc lập” được ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, sau hàng nghìn năm nhân dân Việt Nam sống dưới chế độ quân chủ, ngót một trăm năm sống dưới chế độ thực dân, 5 năm phát xít Nhật đô hộ, mùa thu năm 1945, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã làm cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 thắng lợi, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Tuy nhiên, chính quyền non trẻ của ta đang bị âm mưu quay trở lại xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Xâm lược Việt nam lần này, thực dân Pháp hòng núp dưới hai chiêu bài lừa bịp công luận quốc tế. Một là chúng có công bảo hộ, khai hoá làm văn minh đất nước ta ngót một thế kỉ qua. Hai là trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, Pháp đã đứng về phía quân Đồng minh Liên Xô để chống lại phát xít Nhật ở Châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, chúng có quyền thu hồi mảnh đất Việt Nam - mảnh đất đã từng nằm trong tay phát xít. Đứng trước tình hình ấy, nhất là ngày 19/8 chính quyền về đến Hà Nội, ngày 26/8 ta giải phóng đến Huế cũng là ngày Hồ Chí Minh soạn thảo bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tại số nhà 48 phố Hàng Ngang-Hà Nội. “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh nhằm xé toang hai chiêu bài lừa bịp của thưc dân Pháp. Bản tuyên ngôn được Bác đọc tại vườn hoa Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945 trước hơn 50 vạn đồng bảo cả nước với một cảm xúc đặc biệt. Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Sáng tháng 5” đã ghi lại xúc cảm của Người khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”:

“Giọng của Người đâu phải sấm trên cao

Ấm từng tiếng thấm vào lòng mong ước

Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước

Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”

“Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh là đỉnh cao của văn chương chính luận Việt Nam

“Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh là một tác phẩm có nhiều giá trị ở nhiều lĩnh vực. Nếu đứng về góc độ pháp lí thì bản “Tuyên ngôn độc lập” là văn kiện pháp lí đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên trường quốc tế. Nếu đứng từ góc độ ngoại giao, “Tuyên ngôn độc lập” cũng là văn bản ngoại giao đầu tiên đặt nền móng quan hệ ngoại giao giữ Việt Nam với các nước trên thế giới. Nếu đặt “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh trong dòng chảy lịch sử nước nhà thì đây là bản tuyên ngôn lần thứ ba của dân tộc Việt Nam. Nhớ lại bản tuyên ngôn đầu tiên của nước ta là “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt với lời khẳng định:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”

Vang vang đâu đây cùng lời thơ thần của Lý Thường Kiệt là Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi-được xem là bản tuyên ngon lần thứ hai của dân tộc Việt Nam với lời khẳng định:

“Như nước Đại Việt ta ngày trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác”

Kế thừa tinh thần yêu nước từ hai bản tuyên ngôn trên, “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh cũng khẳng định được tính thời đại mới mẻ bở lẽ “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh đã mở ra một kỉ nguyên mới-đó là kỉ nguyên độc lập dân tộc của một dân tộc thuộc địa như ở Việt Nam lần đâu tiên vùng dậy chặt đứt xiềng xích của thực dân giành chính quyền giải phòng cho mình. Đó là một dân tộc lầm than đã từng “giũ bùn đứng dậy sáng loà” như lời thơ của Nguyễn Đình Thi trong bài “Đất nước”:

“Xiềng xích chúng bay không khoá được.

Trời đầy chim và đất đầy hoa

Súng đạn chúng bay không bắn được

Lòng dân ta yêu nước thương nhà.”

Nếu đứng từ góc độ văn chương nghệ thuật thì “Tuyên ngôn độc lập” là đỉnh cao của văn chính luận đạt đến trình độ mẫu mực. Để làm sáng tỏ nhận định trên, ta tập trung tìm hiểu giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bản “Tuyên ngôn độc lập”.

Trước hết là giá trị nội dung, “Tuyên ngôn độc lập” được Bác Hồ viết dưới hai nguồn cảm hứng chính - ấy là cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân văn. Nếu cảm hứng yêu nước là tiếng nói của một nhà ái quốc vĩ đại thì cảm hứng nhân văn là tiếng nói của một nhà nhân đạo cộng sản đã hi sinh cả cuộc đời mình để đấu tranh vì quyền con người, trong khi đó cảm hứng yêu nước như một sợi chỉ đó xuyên suốt cả ba phần của “Tuyên ngôn độc lập”.

Phần I của bản tuyên ngôn Hồ Chí Minh khẳng định quyền độc lập của dân tộc trên cơ sở lí lẽ không ai có thể chối cãi được. Ở phần này, Bác dẫn lời bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ ngày 4/7/1776, ở đó có đoạn viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bác còn dẫn lời bản “Tuyên ngôn nhân quyền dân quyền” của cách mạng Pháp năm 1791. Trong 17 điều của bản “Tuyên ngôn nhân quyền dân quyền” Bác có dẫn đoạn: “Người ta sinh ra tự do, bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do, bình đẳng về quyền lợi”. Có thể khẳng định đây là những lẽ phải, những chân lí mà thế giới đã từng công nhận. Từ những lẽ phải và chân lí này, Bác suy ra một chân lí thứ ba buộc mọi người phải thừa nhận: “Suy rộng ra câu ấy nghĩa là: tất cả dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Cách lập luận của Hồ Chí Minh trong bản “Tuyên ngôn độc lập” vừa tỏ ra khôn khéo, lại vừa tỏ ra kiên quyết. Khôn khéo bởi lẽ người dung lời lẽ của bản “Tuyên ngôn nhân quyền dân quyền” của cách mạng Pháp để so sánh việc làm đồi bại của chúng trên đất nước Việt Nam ngót một thế kỉ qua. Từ đo nhằm mục đích xé toang hai chiêu bài lừa bịp của thực dân Pháp trên trường quốc tế. Ở đây Người dùng nghệ thuật gậy ông đập lại lưng ông nghĩa là Bác dung cây gậy độc lập dân tộc để đánh vào lưng kẻ chuyên mang quân đi xâm lược mà miệng lại luôn nói về quyền tự do, bình đẳng, bác ái – trong tranh luận , không gì sung sướng và thú vị bằng việc lấy lời lẽ của đối phương để khoá lại miệng đối phưong. Hồ Chí Minh đã làm tốt nghệ thuật này ngay trong phần I của “Tuyên ngôn độc lập”.

Cách lập luận của Hồ Chí Minh trong phần I của bản “Tuyên ngôn độc lập” còn tỏ ra kiên quyết. Kiến quyết bởi lẽ Người ngầm cảnh cáo với nước Pháp rằng:”Nếu thực dân Pháp quyết đem quân đi xâm lược Việt Nam lúc này thì chúng sẽ vấy lên là cờ tự do, bình đẳng, bác ái mà cha ông họ đã giương cao từ thế kỉ trước; chúng sẽ chà đạp lên truyền tốt đẹp mà cha ông họ đã dày công vun đắp”. Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh trong phần I của bản “Tuyên ngôn độc lập” đã đặt ngang hàng bản “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam với bản tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp nghĩa là Người đặt ngang hang thành quả của cuộc cách mạng tháng 8 ở Việt Nam với thành quả cách mạng của nước Pháp trong khi thực dân Pháp đang phủ nhận lại thành quả của cuộc cách mạng tháng 8 của ta, lẽ dĩ nhiên chúng sẽ phủ nhận thành quả cách mạng của chúng. Khi đó, thực dân Pháp đang đi ngược lại bánh xe của lịch sự. Phần I của bản “Tuyên ngôn độc lập” vẻn vẹn chỉ có mươi dòng nhưng cách lập luận của Người vô cùng sắc sảo, đanh tháp, Hồ Chí Minh xứng đáng là nhà văn của nhân loại như lời của Muyđenstande.

Phần II, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định quyền độc lập của dân tộc trên cơ sở tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Ở phần này, “Tuyên ngôn độc lập” chẳng khác nào như một bản cáo trạng đanh thép nhằm kết tội tội ác của thực dân Pháp với hai tội trạng:” Tội xâm lược Việt Nam gây bao đau khổ cho đồng bào Việt Nam và tội bán Việt Nam cho Nhật”.

Phân tích bài Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước hết là tội xâm lược Việt Nam. Thực dân Pháp bắt đầu đặt chân xâm lược nước ta từ 1858 với sự kiện nổ sung ở cảng Đà Nẵng. Sau khi bình định được nước ta, chúng tập trng khai thác tài nguyên, thiên nhiên, vật liệu để làm giàu cho chính quốc. Để vạch trần tội ác này, Hồ Chí Minh đã tập trung tố cao trên nhiều phương diện. Trươc hết là phường diện chính trị. Thực dân Pháp dùng chính sách “chia để trị”. Chúng chia nước ta ra làm ba kì với ba hình thức cai trị khác nhau. Chúng còn dùng chính sách chia rẽ đồng bào, dân tộc ta. Chúng thi hành lụât pháp dã man. Chúng không cho dân ta môt chút quyền tự do dân chủ nào. Chúng thẳng tay đàn áp, chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng dìm các cuộc khởi nghĩa của ta trong biển máu,… Về kinh tế, chúng cướp không ruộng đất của nhân dân ta để lập đồn điền, hầm mỏ. Chúng độc quyền in giấy bạc. Chúng thiết lập một hàng rào thuế quan nghiêm ngặt, không cho hàng của Việt Nam ra nước ngoài cũng như hang của nước ngoài vào Việt Nam nhằm độc quyền chiếm giữ thị trường Việt Nam. Chúng đặt ra những thứ thuế dã man, vô lí làm cho mọi giai tầng của ta không thể ngóc đầu lên được. Về văn hoá-xã hội, thực dân Pháp mở nhà tù nhiều hơn trường học rồi dung chính sách nhồi sọ ngu dân để dễ bề cai trị. Chúng còn đầu độc dân ta bằng rượu cồn, thuốc phiện để dân ta bị suy kiệt về nòi giống… Chính sách xâm lược của thực dân Pháp kết hợp với phát xít Nhất từ mùa thu năm 1940 đã dẫn đến hậu quả cuối 1944 - đầu 1945, hơn 2 triệu đồng bào Việt Nam bị chết đói từ Quảng Trị trở ra Bắc Kì. ới cách tố cáo này, thực dân Pháp không phải là kẻ bảo hộ nước ta, khai hoá làm văn minh nước Việt Nam như luận điệu chúng đang lừa bịp công luận quốc tế. Thực chất, thực dân Pháp là kẻ xâm lược Việt Nam gây bao đau khổ cho đồng bào Việt Nam. Chiêu bài bảo hộ của thực dân Pháp đã bị Hồ Chí Minh xé toang trên trường quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở đó, lời văn sâu cay của Hồ Chí Minh còn vạch trần tội ác thứ hai của kẻ thù. Đó là tội dã tâm bán Việt Nam cho phát xít Nhật. Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật tràn qua biên giới Việt – Trung vào Việt Nam để mở rộng căn cứ đánh Đồng minh. Vì quá bất ngờ nên thực dân Pháp đã mở cửa nước ta rước Nhật. Bắt đầu từ đây nhân dân Việt Nam sống cuộc đời “1 cổ 2 tròng”: thực dân Pháp và phát xít Nhật. Đã nhiều lần Việt Minh kêu gọi thực dân Pháp đứng về phía Việt Minh để chống Nhật. Thực dân Pháp chẳng những không nghe mà còn tiếp tục chem. giết những người yêu nước thương nòi của ta. Trong vòng 5 năm trời(từ mùa thu 40 – 19/3/1945) thực dân Pháp đã hai lần nhục nhã bán Việt Nam cho Nhật. Điều này chứng tỏ rằng thực dân Pháp không hề đứng về phía Đồng minh chống Nhật mà là kẻ đầu hàng phát xít Nhật một cách nhục nhã. Với cách tố cáo này, chiêu bài thứ hia của thực dân Pháp đã bị xé toang trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh còn dựng lên trước mắt bạn đọc tư thế ngời sáng chủ nghĩa của nhân dân Việt Nam. Chỉ có nhân dân Việt Nam mới đứng về quân Đồng minh Liên Xô để chống Nhật nhất là sau ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, Đảng ta đã ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị đã chỉ rõ rằng: Kẻ thù của Việt Nam lúc này là phát xít Nhật. Vì vậy, cần phải tập trung lực lượng chống Nhật cứu nước. Khi quân Đồng minh Liên Xô tiến vào Châu Á-Thái Bình Dương để đánh Nhật thì nhân dân Vịêt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chớp cơ hội ngàn năm có một để giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Như vậy, nhân dân Việt Nam hoàn toàn độc lập. Để chứng minh ta độc lập, lời văn của tuyên ngôn phải phủ nhận mọi sự dính líu của ta với thực dân Pháp và phát xít Nhật. Ta không còn là thuộc địa của Pháp nữa vì thực dân Pháp đã bán ta hai lần cho phát xít Nhật. Nhân dân Việt Nam có quyền thoát li mọi sự lệ thuộc, dính líu với thực dân Pháp. Việt Nam có thể xoá bỏ tất cả các Hiệp ước mà Pháp đã kí về Việt Nam. Ta không còn là thuộc địa của Nhật nữa vì nhân dân Việt Nam đã cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Hơn thế nữa, ta đã có Chính phủ lâm thời đại diện cho nước Việt Nam mới đủ sức lãnh đạo cách mạng Viêt Nam tới ngày Tổng tuyển cử trong cả nước.

Phần III, Hồ Chí Minh khẳng định quyền độc lập dân tộc trên trường quốc tế. Ở phần này, Người đã khẳng định: Nếu công luận quốc tế thừa nhận nguyên tắc độc lập của các nước thành viên tại hai hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn thì không thể không thừa nhận nguyên tắc độc lập của dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn còn được bằng lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: “Toàn thể dân tộc Vịêt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”

“Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa tinh thần yêu nước từ các bản tuyên ngôn trong lịch sử mà còn kế thừa tinh thần nhân văn, nhân đạo. Đó là tinh thần của một dân tộc “Thương người như thể thương than”. Điều này được thể hiện rõ trong bản “Tuyên ngôn độc lập”. Mặc dù thực dân Pháp xâm lược thế Việt Nam gây bao đau khổ cho đồng bào Việt Nam nhưng không phải vì thế mà nhân dân Việt Nam không đối xử khoan hồng, nhân đạo với người Pháp. Nhất là đêm 9/3/1945 khi Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, Việt Minh đã giúp cho những người lính Pháp vượt qua biên giới rồi trốn khỏi nhà giam của phát xít Nhật nhằm bảo toàn tính mạng cho họ. Nêu cao tinh thần nhân đạo, nhân văn, một lần nữa thông qua “Tuyên ngôn độc lập” Hồ Chí Minh muốn khẳng định trước công luận thế giới rằng: đây là tinh thần nhân đạo của một dân tộc:

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo”

Nhân văn, nhân đạo hiểu nôm na là tình yêu thương con người. Điều này chỉ thể hiện rõ trong bản “Tuyên ngôn độc lập” khi Hồ Chí Minh tố cáo tội ác của kẻ thù. Bác không chỉ đứng trên lập trường dân tộc mà còn đứng trên quyền con người để tố cáo. Vì vậy, “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh là bản tuyên ngôn nhân quyền mang sắc thái quốc tế.

Leave a Reply