Phân tích bố cục, nghệ thuật lập luận, hình tượng tác giả, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của văn bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh

1. Bố cục của bản Tuyên ngôn Độc lập

Bố cục của bản Tuyên ngôn Độc lập phục vụ cho nhiệm vụ chung của toàn tác phẩm. Toàn văn bản có thể chia thành 3 đoạn:

- Đoạn 1 (từ đầu đến "Đó là nhưng lẽ phải không ai chối cãi được"): Trích dẫn hai bản tuyên ngôn nổi tiếng thế giới là Tuyển ngôn Độc lập của Mĩ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 về quyền con người được hưởng tự do và độc lập để từ đó suy rộng ra quyền tự do, độc lập của các dân tộc. Đoạn này thể hiện nghệ thuật lập luận và sự uyên bác của tác giả. Để khẳng định tính chân lí của độc lập dân tộc, không gì tốt hơn là dựa vào những tuyên bố mang tính chân lí của các văn kiện nổi tiếng thế giới như hai bản tuyên ngôn đã được dẫn. Bởi lẽ chúng là tiếng nói chân lí khách quan, đã quen thuộc với nhiều người, nhất là đối với người phương Tây. Mặt khác, để có được nghệ thuật lập luận này, tác giả phải có học vấn uyên bác, đọc rộng, biết nhiều. Tác giả rõ ràng thể hiện không chỉ là một vị lãnh tụ có lòng yêu nước, thương dân mà còn có cả trí tuệ sắc sảo học vấn uyên bác..

- Đoạn 2 (tiếp theo đến "lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà": Lên án tội ác nhiều mặt của thực dân Pháp xâm lược đã gây ra đối với nhân dân ta trong hơn 80 năm, tố cáo sự bất lực, vô trách nhiệm của Pháp trước đế quốc Nhật khi Nhật xâm chiếm Việt Nam năm 1940. Hai mạch lập luận này dẫn đến kết luận tất yếu là nhân dân ta đứng lên lấy lại đất nước từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp và tuyên bố "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị", nhân dân ta "đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm" (tức Pháp, Nhật) và "đánh đổ chế đổ quân chủ nhiều thế kỉ. Bản Tuyên ngôn Độc lập vừa khẳng định nền độc lập, tự do dân tộc vừa nêu tính chất của cuộc cách mạng "Dân chủ Cộng hoà".

- Đoạn 3 (phần còn lại): Tuyên bố độc lập hoàn toàn đối với thực dân Pháp và tinh thần quyết tâm đấu tranh để chống lại mọi âm mưti của thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Tác giả đã khẳng định vấn đề độc lập của Việt Nam là phù hợp với nguyên tắc bình đẳng dân tộc mà cộng đồng thế giới đã khẳng định qua các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn - Xan Phran-xi-xcô.

Nhìn chung, mỗi đoạn giải quyết một vấn đề riêng, nhưng đều khẳng định quyền tất yếu được hưởng tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam và quyết tâm bảo vệ nền độc lập ấy của cả dân tộc.

Bác Hồ và bản tuyên ngôn độc lập

2. Nghệ thuật lập luận

Một văn kiện có ý nghĩa chính trị trọng đại được xây dựng trên cơ sở những lập luận vững chắc, đanh thép, có sức thuyết phục; thể hiện trí tuệ sâu sắc và tình cảm yêu nước nồng nàn của tác giả.

a. Kết tội thực dân Pháp

Chú ý sơ đồ hình cây của lập luận về tội ác của thực dân Pháp. Mô hình lập luận này nêu lên nhận định tổng quát sau đó phát triển những lí lẽ chứng minh. "Bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa". Nhận định buộc tội này được làm rõ bằng phương diện chính trị, kinh tế. Trong các phương diện này, lại có những ý nhỏ, cụ thể hoá.

- Về chính trị: Tác giả vạch trần bản chất chính trị phản động của thực dân Pháp: "chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào, "luật pháp dã man", "lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc" hòng ngăn cản việc thống nhất nước ta, "lập ra nhà tù nhiều hơn trường học", "thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta", "thi hành chính sách ngu dân", "dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giông ta suy nhược".

- Về kinh tế: "Chúng bóc lột dân ta đến xương tuỷ" khiến cho nước ta nghèo nàn, lạc hậu; "Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng"; "Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí" làm cho dân ta bần cùng; "Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên".

Nhận xét: Điều đáng chú ý là người viết đã đề cập đến tội ác của thực dân Pháp đối với tất cả mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam: từ dân cày, dân buôn, các nhà tư sản, công nhân cho đến trí thức (khi viết "nhà tù nhiều hơn trường học", "ràng buộc dư luận", "chính sách ngu dân").

Một tội ác khác của thực dân Pháp bị vạch trần: Chúng tuyên bố "bảo hộ", nước ta nhưng đã đầu hàng phát xít Nhật, trong thời gian 5 năm, "chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật". Bản tuyên ngôn chỉ rõ, từ năm 1940, "nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa".

Tóm lại, ba lí lẽ vạch tội chính: tội ác chính trị, kinh tế và tội bán nước ta cho Nhật đưa đến kết luận thuyết phục "dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp". Chúng ta có đầy đủ căn cứ "tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam".

b. Tuyên bố độc lập

Đoạn thứ ba khẳng định lại bản chất của cuộc đấu tranh giành độc lập này là giành độc lập từ thực dân Pháp. Lời tuyên bố độc lập được khẳng định từ nhiều chiều. Trước hết là từ ý chí của nhân dân Việt Nam: "Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưư của bọn thực dân Pháp". Rồi nhìn từ phía cộng đồng quốc tế: khẳng định sự công nhận tất yếu của cộng đồng quốc tế vì các tổ chức quốc tế đã công nhận các nguyên tắc bình đẳng dân tộc; tổng hợp lại, dân tộc Việt Nam đã đấu tranh suốt hơn 80 năm chống thực dân Pháp (khẳng định lại quyết tâm giành độc lập của nhân dân Việt Nam), lại đã đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm (láy lại ý Việt Nam đứng trong trào lưu tiến bộ của cộng đồng quốc tế), "dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập".

Câu kết của bản Tuyên ngôn Độc lập cũng tổng hợp các lí lẽ khác nhau: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Dinh Độc Lập

3. Hình tượng tác giả

Chủ tịch Hồ Chí Minh bộc lộ tình yêu nước, thương dân nồng nàn trong những dòng văn kết tội thực dân Pháp, nhất quán với tinh thần Người đã viết trong Bản án chế độ thục dân Pháp. Các từ ngữ nhăn dân ta, đồng bào ta, nước nhà của ta, những người yêu nước thương nòi của ta, nòi giống ta, đồng bào ta nói rõ tình yêu nhân dân, đất nước vô bờ của Người. Mặt khác, lòng căm thù thực dân Pháp xâm lược cũng là một tình cảm mạnh mẽ, dứt khoát của tác giả. Bản Tuyền ngôn Độc lập được viết không chỉ với trí tuệ sắc sảo mà còn với tình cảm mãnh liệt, chân thành.

4. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ

Phần lớn các câu văn trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn, chắc nịch; sáng rõ, thích hợp với tinh thần khẳng định. Có những câu văn tự sự ngắn mà gợi không khí lịch sử khẩn trương: "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị". Những câu bình luận chọn lọc, gọn gàng mà đanh thép: "Đó là những lẽ phải không ai chòi cãi được". Bản Tuyên ngôn cũng sử dụng thủ pháp liệt kê tạo ra lời buộc tội đanh thép nhiều chiều, toàn diện: chúng không cho..., chúng lập ra..., chúng ràng buộc..., chúng dùng..., chúng giữ... Chủ tịch Hồ Chí Minh phần lớn dùng mẫu câu khẳng định trực tiếp như: "... dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!". Tuy nhiên, khi cần thay đổi để các mẫu câu đa dạng hoá, phù hợp với đốì tượng như khi hướng tới các nước Đồng minh, tác giả có thể dùng cách khẳng định bằng hai lần phủ định: không thể không công nhận - một cách nói khá phổ biến của người phương Tây,... Từ ngữ được sử dụng cũng mang cảm hứng khẳng định kiên quyết như: lẽ phải, sự thật, tuyệt đối thẳng tay, kiên quyết, quyết không thể không công nhận, phải,...

Bản Tuyên ngôn Độc lập là mẫu mực hoàn chỉnh của văn bản chính luận.

Leave a Reply