Phân tích cảnh phố huyện lúc chờ tàu của chị em Liên qua tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Thạch Lam là một cây bút tài hoa, xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Truyện của Thạch Lam luôn có sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn. “Hai đứa trẻ” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Thạch Lam. Trong đó bức tranh phố huyện khi chờ tàu đã thể hiện khát vọng cao đẹp của con người.

“Hai đứa trẻ” đã thể hiện được đặc trưng của giọng văn Thạch Lam. Truyện như bài thơ trữ tình đượm buồn về số phận của những con người nơi phố huyện nhỏ. Cuộc sống con người nơi đây được dựng lên bằng những nét vẽ rất đỗi chân thực, xúc động qua cái nhìn của chị em Liên. Cuộc sống của con người nơi phố huyện nhỏ tưởng chừng như chìm trong tăm tối, bế tắc nhưng đến cuối tác phẩm lại sáng lên niềm tin và hi vọng khi chuyến tàu đêm đi qua. Nhờ có chuyến tàu mà phố huyện như được đánh thức sau một giấc ngủ dài và thoát khỏi nhịp điệu buồn tẻ, chán trường.

cảnh phố huyện lúc chờ tàu của chị em Liên

Khi tàu chưa đến chị em Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn cố thức để chờ tàu, bác phở Siêu thì nghến cổ ra phía ga, họ mong chờ chuyến tàu đến mòn mỏi, khắc khoải, bền bỉ. Người dân phố huyện kiên định chờ chuyến tàu để bán hàng nhưng có lẽ quan trọng hơn, họ chờ đợi vì chỉ muốn nhìn chuyến tàu như nhìn thấy một cuộc sống mới náo nhiệt và sáng sủa hơn cuộc sống thường nhật của họ. Và đối với chị em Liên thì chuyến tàu còn có ý nghĩa đặc biệt hơn, nó gợi nhắc về quá khứ tươi đẹp đã mất, gợi về Hà Nội hoa lệ khi cha còn chưa mất việc ở thành phố, chị em Liên được đi bờ hồ và uống những cốc nước mát lạnh xanh đỏ. Miền kí ức xa xôi ấy gắn với khát vọng về một thế giới mới khác hẳn cuộc sống tù đọng của hại chị em ở nơi phố huyện nhỏ.

Chuyến tàu đêm qua phố huyện mang theo ánh sáng rực rỡ của ngọn lửa xanh biếc, của làn khói trắng bừng lên từ đằng xa, đồng và kền sáng lấp lánh, các toa xe sáng trưng chiếu cả xuống mặt đường. Ánh sáng ấy khác hẳn với những “chấm sáng, quầng sáng, hột sáng” leo lét ở phố huyện về đêm. Và cùng với ánh sáng là âm thanh vang động, ồn ào của tiếng còi rít lên, vang xa trong đêm, tiếng ồn ào của hành khách. Đó là những âm thanh huyên náo đối lập với âm thanh nhạt nhòa của tiếng trống thu không, tiếng côn trùng trong đêm tối. Con người hiện lên khi tàu đến bỗng trở nên náo nhiệt, rầm rộ, trên những toa hạng sang thì lố nhố người. Chuyến tàu mang ý nghĩa biểu trưng cho cuộc sống mới, cho khát vọng đổi đời của người dân phố huyện. Và tác giả Thạch Lam không chỉ xót thương cho số phận nghèo khổ, tăm tối mà còn trân trọng, mong muốn thay đổi cuộc sống của họ. Chuyến tàu đến và đi trong chốc lát và khuất sau rặng tre trả lại cho phố huyện không gian tối tăm, tĩnh lặng và mọi người lại chìm vào giấc ngủ. Chuyến tàu- khát vọng đổi thay của người dân phố huyện dù là mãnh liệt nhưng không thể trở thành hiện thực bởi đây là cuộc sống cố hữu của nước ta trước cách mạng.

Truyện “Hai đứa trẻ” đã miêu tả một cách tinh tế sự biến đổi sắc thái của cảnh vật và lòng người, sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, âm thanh và sự tĩnh lặng của phố huyện. Bên cạnh đó Thạch Lam còn thành công trong việc kết hợp giữa bút pháp hiện thực và trữ tình.Tất cả nghệ thuật đặc sắc ấy đồng loạt vẽ lên bức tranh phố huyện buồn tẻ, đói nghèo quẩn quanh, bế tắc của những con người nơi đây.Qua hình ảnh chuyến tàu đêm đã cho thấy khát vọng đổi đời của những con người nhỏ bé, khổ đau, mong ước một cuộc sống hạnh phúc hơn.Đây cũng chính là cảnh làng quê Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám. Đặc biệt, “Hai đứa trẻ” cũng đã cho thấy tấm lòng nhân đạo, cảm thương đối với con người, thiết ta gắn bó với quê hương của tác giả Thạch Lam, đồng thời trân trọng khát vọng đổi đời dù mơ hồ của con người nơi phố huyện nhỏ. Chính điều đó đã làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn “Hai đứa trẻ”

“Hai đứa trẻ” của Thạch Lam đã vẽ lên những số phận nghèo khổ, bế tắc với khát vọng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp. Và qua đó,tác phẩm còn cho thấy ngòi bút tinh tế của Thạch Lam khi miêu tả thiên nhiên và con người cũng như giúp người đọc nhận ra tình cảm xót thương mà Thạch Lam đã dành cho những kiếp người ấy.

Leave a Reply