Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân và trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ

- Sự thức tỉnh tâm hồn và ý thức của Mị trước hết là nhờ tác động của ngoại cảnh - đấy là mùa xuân về trên miền núi cao Tây Bắc. Mùa xuân gợi dậy ở con người và thiên nhiên sức sống tiềm tàng và những khát vọng. Người Mông ăn Tết khi ngô lúa đã gặt xong, mùa xuân có thêm niềm vui thu hoạch mùa màng. Sự sống của tạo vật và con người như được mùa xuân khơi dậy, làm bừng tỉnh với những sắc màu sặc sỡ của những chiếc váy hoa được đem ra phơi trên các tảng đá, xoè như những con bướm sặc sỡ, với tiếng trẻ con chơi quay đợi Tết, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Và ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng sáo ai thổi rủ bạn đi chơi, thời điểm để ngọn lửa sống trong lòng Mị bừng lên đã đến. Đấy là một đềm tình mùa xuân, mà dấu hiệu đặc trưng và lôi cuốn nhất của nó là tiếng sáo - Tiếng sáo gọi bạn tình cứ thiết tha, bồi hồi, tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Với Mị, tiếng sáo gọi bạn là biểu tượng lôi cuốn nhất của mùa xuân, của khát vọng hạnh phúc: Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Cái nồng nàn của đêm xuân lại được tăng thêm bởi bữa rượu ngày Tết, trong tiếng chiêng đánh ầm ĩ và những người lên đồng, người hát: Ngày Tết, Mị cũng uống rượu, Mị lén lấy hủ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say.... Chính trong một trạng thái đã được kích thích bởi men rượu, bởi những âm thanh náo động của bữa cơm cúng trong nhà Pá Tra và sự lôi cuốn của tiếng sáo gọi bạn ngoài đường Mị đa vượt ra khỏi tâm trạng thờ ơ, nguội lạnh lâu nay của mình. Dấu hiệu đầu tiên là Mị sống lại với những hồi tưởng về những ngày xuân quá khứ, những kỉ niệm đẹp về ngày trước những ngày hạnh phúc ngắn ngủi của tuổi trẻ. Bằng việc nhớ lại quá khứ, Mị đã vượt qua tình trạng sống "phi thời gian", sống mà như đã chết bấy lâu nay, rồi Mị sống lại với niềm ham sống của tuổi trẻ: Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đềm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Sức sống bấy lâu nay bị đè nén, tưởng đã tắt lịm, thì nay bỗng bật trào dậy. Phản ứng đầu tiên đến với Mị là ý nghĩ: Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Ý nghĩ về cái chết lúc này là sự phản kháng với hoàn cảnh, nó chứng tỏ rằng Mị đã ý thức lại được tình cảnh đau xót dai dẳng của mình. Trong khi ấy thì tiếng sáo - biểu tượng của khát vọng tình yêu và tự do - cứ theo sát diễn biến tâm trạng của Mị. Nó là ngọn gió thổi bùng lên đốm lửa trong lòng Mị. Tiếng sáo từ chỗ là một hiện tượng ngoại cảnh đã xâm nhập thế giới nội tâm của Mị trở thành một hiện hữu ở trong tâm thức nhân vật: Trong đầu Mi đang rập rờn tiếng sáo.

Nhân vật Mị

Đến đây đã xảy ra bước phát triển quyết định: từ những sôi sục trong tâm tư Mị bước tới hành động. Đầu tiên là một hành động có nhiều ý nghĩa: Mị đến góc nhà, lấy ông mỡ, xắn một miếng bỏ thềm vào đĩa đèn cho sáng. Đấy là một hành động của sự thức tỉnh. Mị thắp sáng ngọn đèn trong căn phòng vốn âm u, mờ Mịt, cũng tức là Mị thắp lên một ánh sáng trong cuộc đời tăm tối triền miên của mình trong nhà Pá Tra. Và hành động này thúc đẩy hành động tiếp theo, như những đợt sóng tiếp nhau. Dường như không đếm xĩa gì đến những trói buộc khắt khe của nhà Pá Tra, đến A Sử, Mị tự mình hành động như một con người tự do, theo tiếng gọi của lòng mình: quấn lại tóc, rút lấy cái váy hoa, sửa soạn đi chơi Tết.

Giữa lúc lòng ham sống trỗi dậy mạnh mẽ thì nó bị dập xuống phũ phàng: Sử bước vào, thản nhiên, lầm lì, trói đứng Mị vào cây cột nhà: tóc Mị xoã xuống, A Sử cuốn luôn tóc lên cột, rồi y tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại. Cái kĩ càng, rành rẽ của từng động tác biểu hiện một sự tàn ác đến thản nhiên của A Sử.

Suốt cái đêm bị trói vào cột ấy, Mị đã sống trong sự giằng xé giữa niềm khao khát sống tự do và thực tại nghiệt ngã. Ban đầu, Mị như quên những vòng dây trói và những đau đớn thể xác mà vẫn sông với tiếng sáo, tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi ở ngoài kia, đến nỗi Mị vùng bước đi. Nhưng rồi những vòng dây trói thít chặt và nỗi đau đớn đến tê dại toàn thân đã kéo Mị trở về với thực tại. Thay thế cho tiếng sáo gọi bạn, chỉ còn tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn dứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa. Thực tại phũ phàng đã bóp chết những khao khát tự do và hạnh phúc ở Mị.

Vợ chồng A Phủ

- Mị và A Phủ cùng cảnh nô lệ trong nhà Pá Tra, nhưng không phải họ đã gặp gỡ nhau ngay được. Nhưng rồi một cảnh ngộ xảy đến với A Phủ. A Phủ đi chăn bò để hổ bắt mất một con. Pá Tra trói đứng A Phủ vào cọc ở giữa nhà, một tình cảnh bị trói chờ chết như năm nào Mị đã phải chịu. Lúc đầu, nhìn A Phủ bị trói, Mị vẫn thản nhiên. Nào phải đâu Mị là người nhẫn tâm, chỉ vì những hành động tội ác trong nhà Pá Tra là chuyện diễn ra hằng ngày và Mị cũng chỉ là một nạn nhân bất lực mà thôi. Hơn nữa, Mị vẫn đang chìm trong trạng thái sống gần như vô cảm. Nhưng đến một đêm, khi trở dậy thổi lửa sưởi, Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Chính dòng nước mắt ấy của A Phủ, dòng nước mắt tuyệt vọng, đau đớn của người trai Mông gan góc quả cảm đã đánh thức ý thức và tình cảm ở Mị. Mị bừng tỉnh, thoát khỏi tình trạng "vô cảm", mà dấu hiệu đầu tiên của sự thức tỉnh ấy cũng lại là sự hồi tưởng. Kí ức sống dậy, Mị nhớ lại những nỗi đau đớn khi bị trói đứng vào cột. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Mị nhớ đến một người đàn bà khác đã từng bị trói đến chết ở trong nhà Pá Tra. Từ sự xót thương người đồng cảnh ngộ, ở Mị đã hình thành mối đồng cảm giai cấp tự nhiên. Ý nghĩ cứu A Phủ đã mạnh hơn cả nỗi lo sợ cho chính mình. Từ tình cảm và ý nghĩ ấy, dẫn tới hành động quyết định của Mị: cắt dây trói cứu A Phủ. A Phủ khuỵu xuống, rồi lại quật sức vùng đứng dậy chạy. Sức sống quật cường của chàng trai Mông trong hành động ấy đã như một tia chớp làm cháy bùng lên khát vọng sống và tự do trong Mị: Mị đứng lặng trong bóng tối. Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ. cắt dây trói cứu A Phủ, Mị cũng đã tự cắt sợi dây vô hình trói buộc đời mình với nhà Pá Tra.

Leave a Reply