Phân tích đoạn thơ sau đây trong bài Sóng của Xuân Quỳnh: “Con sóng dưới lòng sâu... Hướng về anh - một phương” (Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2013, tr.229)

Phân tích đoạn thơ sau đây trong bài Sóng của Xuân Quỳnh:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

 

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương”

(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2013, tr.229)

BÀI LÀM

Tình yêu là một đề tài quen thuộc trong thơ ca, nhưng không vì thế mà nó trở nên nhàm chán. Ta đã bắt gặp trong làng thơ tình Việt Nam ông hoàng của tình yêu Xuân Diệu, kẻ vẫn tự coi mình là “uống tình yêu dập cả môi” hay tình yêu tha thiết của “Sóng” của chị. Đến “Sóng” của Xuân Quỳnh có lẽ người ta mới thấy được tâm hồn khao khát được yêu đến cháy bỏng, tha thiết của một người phụ nữ. Đúng là Xuân Quỳnh đã nói những điều mà người phụ nữ truyền thống chưa dám nói. Khổ thơ sau đây của bài thơ “Sóng” nói thật tuyệt vời về điều đó.

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

...

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương...”

(Sóng - Xuân Quỳnh)

Tâm hồn khao khát được yêu đến cháy bỏng

Mượn hình ảnh của những con sóng vô hạn, vô hồi ngày ngày vẫn hát ca nơi biển cả, Xuân Quỳnh đã diễn tả tâm hồn người con gái đang yêu “em”“sóng” có lúc như song hành, có lúc hoà vào làm một, có sự chuyển đổi cho nhau. Tình yêu dài, rộng biết đâu là bến bờ, vậy mà nhà thơ vẫn cố khám phá, tìm hiểu vượt qua cái giới hạn chật hẹp để đi tới cái rộng lớn bao la hơn. Còn gì sâu sắc hơn là nhập thân vào sóng để nói được lòng mình.

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được"

Dù là “dưới lòng sâu” hay “trên mặt nước” nghĩa là ở bất cứ nơi đâu trên cái mênh mông của biển cả thì sóng vẫn mang trong mình nỗi nhớ. Bởi lẽ có ai yêu mà không có được tâm trạng đó. Ca dao cưa đã từng có “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi. Như đứng đống lửa như ngồi đống than” hay Tố Hữu cũng xác định “Nhớ gì như nhớ người yêu”. Người con gái trong thơ Xuân Quỳnh cũng “Ngày đêm không ngủ được”. Tình yêu phải thật nồng nàn, tha thiết thì tình cảm con người mới sinh ra những trạng thái như thế. Cái hay của Xuân Quỳnh là chị không diễn đạt nó một cách đơn thuần

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Còn điều gì tinh tế và sâu sắc hơn hai câu thơ trên? Vâng tình yêu không cần biết đến “giới hạn và bờ cõi”. Nỗi nhớ cũng thế “cả trong mơ còn thức”, nghĩa là nó choáng ngợp cả cái vô thức trong cõi tâm linh tâm hồn con người. Độ sâu xa của nỗi nhớ phải bắt nguồn từ tình yêu rộng lớn, cao cả. Xuân Quỳnh không giấu diếm lòng mình, chị muốn bày tỏ với người đọc những diễn biến rất tinh vi trong tâm hồn chị. Giọng thơ như lắng lại, không ồn ào, sôi nổi mà chất đầy trong nỗi nhớ mênh mông. Điều này làm cho ta hiểu thêm về Xuân Quỳnh đã yêu ai thì yêu hết lòng và tình yêu ấy cũng thật da diết, cháy bỏng

Dầu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương

Tình yêu cần chân thật, có nỗi nhớ và đặc biệt là lòng chung thuỷ “Dẫu xuôi dẫu ngược” đó là sự xa cách. Nhưng có xa cách bao nhiêu, Bắc - Nam cách trở thì rõ ràng là tình yêu vẫn bền vững. Ngây ngất trong men say của tình yêu, nhà thơ vẫn không quên về những trắc trở của nó. Lấy bốn phương tám hướng cái vời vợi của không gian và thời gian để đo lòng người.

Hướng về anh - một phương

Sóng là tâm hồn của người con gái đang yêu

Nữ sĩ đã rất dụng ý khi gắn liền “anh một phương’’ và điều đó đã có hiệu quả nghệ thuật nhất định. Người đọc thấy cái dài cái rộng, song hơn hết vẫn thấy sự quy tụ rõ ràng một phương trời duy nhất. Bởi vì phương trời đó có hình ảnh của anh. Ngày xưa các cụ lấy áo gấm xông hương đôi lại với cái áo rách để nói đến lòng chung thuỷ. Còn lòng chung thuỷ trước sau như một của người con gái - “em” trong thơ Xuân Quỳnh thì không cần đến điều đó, nhưng người đọc vẫn cảm thấy tính bền vững của nó. Phải chăng đây là lời tự bạch, thổ lộ chân thành của chính nữ sĩ với người yêu. Ở phần đầu bài thơ người đọc thấy âm hưởng của con “sóng” vô hạn vô hồi đang vỗ nhịp, đến những câu thơ trên, con “sóng” ấy đang lắng xuống để khẳng định và tự nhủ lòng mình. Tình yêu đã đạt đến độ bền sâu sắc tuyệt vời. Đoạn thơ như lời thì thầm của “sóng”, của “em” và của tất cả bền sâu tuyệt vời. Đoạn thơ như lời thì thầm của “sóng”, của “em” và của tất cả những người đang yêu trên trái đất này.

Bài thơ “Sóng” và đặc biệt là đoạn thơ trên đã diễn tả thật đúng tâm hồn, tình cảm của Xuân Quỳnh. Sau này khi gặp phải nhiều cay đắng trong tình yêu lời thơ của chị không còn được bốc men say phơi phới như trước nữa. Nhưng thi phẩm “Sóng” mà thi sĩ đã tạo ra thì còn có giá trị mãi với thời gian. Sóng là tâm hồn của người con gái đang yêu, nhưng hơn hết là của một người phụ nữ, một người lúc nào cũng khao khát về hạnh phúc đời thường. Phải chăng tất cả những điều bình dị ấy, tất cả những vẻ đẹp đơn sơ mà lộng lẫy ấy đã làm nên một hồn thơ, hồn thơ của Xuân Quỳnh. Ta hãy đọc lại đoạn thơ để cảm nhận sâu sắc hơn về tình yêu:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

...

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương...”

(trích Sóng, Xuân Quỳnh)

Chỉ tiếc rằng Xuân Quỳnh ra đi khi tài năng đang độ chín. Nhưng những gì chị đã làm cho tình yêu thì còn nguyên giá trị.

Leave a Reply