Phân tích đoạn thơ sau: "Tây tiến đoàn binh không mọc tóc... Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây Tiến - Quang Dũng)

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã lùi xa chúng ta hôm nay hơn nửa thế kỉ, bụi thời gian đã xoá mờ lên biết bao nhiêu sự kiện, vấn đề, vậy mà hình ảnh:

“…Nhớ đêm ra đi khí trời bốc lửa

Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai trơ tráng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm…”

Cờ đỏ sao vàng

vẫn còn in hằn mãi trong tâm trí người yêu thơ. Đó là hình ảnh của những trang nam nhi lên đường vì nghĩa lớn không hẹn ngày về vào mùa xuân năm 1947. Văn học với chức năng phản ánh hiện thực cuộc sống đã khắc tạc lại hình ảnh này. Là một thư kí trung thành của thời đại, Quang Dũng đã ghi lại hình ảnh trong bài thơ “Nhớ Tây tiến”- tên ban đầu của bài thơ. 10 năm sau, Quang Dũng cắt bỏ đi chữ “nhớ”, bài thơ chỉ còn là “Tây tiến”. Khi tiếp cận bài thơ này, người yêu thơ vẫn nhận thấy bao trùm lên 34 câu thơ của bài là nỗi nhớ da diết của nhân vật trữ tình. Hiện lên trên nỗi nhớ ấy là hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc: dữ dội, khác thường nhưng cũng mỹ lệ, nên thơ; là hình ảnh của người lính Tây tiến- phần lớn xuất hiện từ thủ đô hoa lệ, những con người “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trích đoạn bình giảng gồm 8 câu thơ đã gói trọn nỗi nhớ ấy của người nghệ sỹ ở xứ Đoài “mây trắng bồng bềnh”:

“…Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”

Đoạn thơ bình giảng như một khúc nhạc hiện ra với hai lời cả. Bốn câu đầu là bức tượng đài của người lính Tây tiến:

“…Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”

Người xưa có câu “thi trung hữu hoạ” nên chăng ta chuyển thẳng đoạn thơ này thành một bức hoạ phẩm. Ở đó, hai câu thơ đầu Quang Dũng vẽ nên hình dáng bên ngoài của các anh, hai câu thơ sau ông đã lách sau ngòi bút để mô tả đời sống nội tâm của các anh:

“Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc kháng chiến trường kì gian khổ nhưng nhất định thắng lợi”(Trường Chinh). Các anh bộ đội cụ Hồ ra đi trong giai đoạn này phải chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn: những thiếu thốn về vật chất, họ lại phải hành quân nung nấu trong suốt những đêm dài thế nên người lính Tây tiến trong giai đoạn này thường bị sốt rét rừng – đây là hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh. Hiện thực cuộc sống bước vào văn chương như một quy luật tất yếu bởi “nhà văn là thư kí trung thành của thời đại” (Ban-dắc). Viết về các anh, văn nghệ sĩ trong giai đoạn này thường bị ám ảnh bởi căn bệnh sốt rét rừng. Nếu căn bệnh này được cảm nhận qua tâm hồn những nhà thơ hiện thực cách mạng thì người lính hiện ra thật đáng thương, làm sao ta có thể quên được những vần thơ của Chính Hữu trong bài thơ “Đồng chí”:

“…Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi…”

Có khi căn bệnh sốt rét rừng lại được hiện lên qua màu da vàng nghệ của anh vệ quốc quân trong bài “Cá nước” của Tố Hữu:

“…Giọt giọt mồ hôi rơi

Trên má anh vàng nghệ

Anh vệ quốc quân ơi! Sao mà yêu anh thế…”

Quang Dũng cũng viết về căn bện này nhưng ông đã cảm nhận bằng tâm hồn của một nhà thơ lãng mạn, đây là nghệ thuật nhất quán của nhà thơ Quang Dũng, nhân đây ta cũng nhắc qua nghệ thuật lãng mạn của Quang Dũng. Đó không phải là thứ lãng mạn tô hồng, bôi đen cuộc sống, thứ lãng mạn thoát li của nhóm Tự Lực Văn Đoàn trước cách mạng tháng 8 (với những cây bút Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo và Thạch Lam). Nam Cao đã kịch liệt phê phán trong tác phẩm “Trăng sáng” năm 1943:”Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là anh trăng lừa dối! Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than!”. Quang Dũng đã lãng mạn hoá hiện thực là thứ lãng mạn cách mạng và lí tưởng. Hiện thực là những người linh Tây tiến vì mắc căn bệnh sốt rét rừng nên các anh đã bị rụng tóc. Hiện thực này tái hiện qua tâm hồn lãng mạn của Quang Dũng, nay được thể hiện trên trang thơ là hình ảnh:” Đoàn binh không mọc tóc”. Cách viết này, Quang Dũng đã làm toát lên tư tế chủ động của người lính Tây tiến. Vẫn biết rằng căn bệnh sốt rét làm cho da dẻ người lính xanh xao, vàng vọt. Qua tâm hồn lãng mạn của Quang Dũng, nó không còn là màu vàng nghệ, nó là màu xanh của lá nguỵ trang, màu xanh của cánh rừng bạt ngàn… . Nhờ có nghệ thuật lãng mạn, Quang Dũng viết về cái bi của hiện thực chiến tranh nhưng thơ của Quang Dũng không hề bi quan, bi luỵ trái lại là bi hùng, bi tráng. Nhưng điều quan trọng hơn với cách viết này, Quang Dũng đã làm tái hiện trước mắt chúng ta bức chân dung của những anh vệ trọc oai phong như mãnh hổ: dữ oai hùm, ngự trị giữa chốn rừng thiêng làm cho quân thù phải khiếp sợ. Hai câu thơ sau, Quang Dũng tập trung bú lực để miêu tả vẻ đẹp của người lính:

“…Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”

Ra đi theo tiếng gọi của lí tưởng, các anh bộ đội cụ Hồ đến từ mọi phương trời:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau…”

Họ bỏ lại đằng sau quê hương, nơi ấy có “giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính”; họ còn bỏ lại sau lưng hà thành mĩ lệ:

“…Người ra đi đầu không ngoảnh lại,

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…”

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Đi sâu vào cuộc chiến tranh trường kì, giản khổ, từ trong sâu thẳm các anh bộ đội cụ Hồ thường nhớ về quê nhà. Nếu người lính xuất thân từ nông dân thì nỗi nhớ của họ chân chất, ngai ngái mùi lúa gạo, ta nhớ đến tứ thơ hay trong bài thơ “Nhớ” - Hồng Nguyên:

“…Ba năm rồi gửi lại quê hương

Mái lều gianh tiếng mõ đêm trường

Luống cầy đất đỏ, ít người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya…”

Cũng có khi họ nhớ về cảnh tiễn đưa:

“…Xóm dưới, làng trên

Con trai, con gái

Xôi năm, cơm đùm

Ríu rít theo nhau…”

cần phải mở ngoặc đơn để nói với nhau rằng: đối tượng ra lính trong bài thơ này là những trí thức hà thành. Tâm hồn họ đã thấm nhuần áng văn chương cổ, họ xếp bút non nghiên lên đường vì nghĩa lớn. Nhớ về hà thành mĩ lệ, họ xem Hà Nội như một dáng kiều thơm là hoàn toàn hợp lí chứ sao?! Tiếc rằng, có thời kì người ta coi câu thơ này thể hiện rõ sự mộng rớt của tầng lớp tiểu tư sản vì vậy bài thơ này vắng bóng nhà trường 40 năm trời. Khoảng thời gian này không ít lớp bụi thời gian có thể phủ mờ lên biết bao nhiêu sự kiện, vấn đề nhưng thời gian lại bất lực trước vẻ đẹp của một thi phẩm nghệ thuật, càng đi vào lớp bụi thời, “Tây tiến” – Quang Dũng lại ngời lên những vẻ đẹp vốn có. Nhắc đến nghệ thuật của đoạn thơ bình giảng, ta không thể bỏ qua nghệ thuật đối lập qua hình ảnh thơ:” Mắt trừng gửi mộng…” . Mắt “trừng” trong câu thơ này nghĩa là các anh đang trừng về phía quân thù để canh chừng, để nêu cao quyết tâm chiến đấu và tinh thần cảnh giác đồng thời họ vẫn gửi mộng qua biên giới về hà thành mĩ lệ. Chữ “mộng” trong câu thơ này phải hiểu theo nghĩa hàm ẩn, là mộng lí tưởng, là khát vọng lên đường, chính nó đã thôi thúc người lính Tây tiến lên đường vì nghĩa lớn và chính nó đã giúp cho người lính Tây tiến vượt qua những chặng đường gian khổ, chẳng thế mà trong bài “Nhớ” - Nguyễn Đình Thi có viết:

“…Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh

Soi sang đường chiến sĩ giữa đèo mây…”

còn Vũ Cao trong bài “Núi đôi’ có viết:

“…Anh đi bộ đội sao trên mũ

Mãi mãi là sao sáng dẫn đường…”

Đoạn thơ khép lại, Quang Dũng dựng lên bức tượng đài của người lính Tây tiến: oai phong, lẫm liệt khác hoàn toàn với hiện thực nhưng ẩn chứa bên trong là một tầm hồn khao khát yêu thương, là một trái tim biết căm thù quân xâm lược, một trái tim rực lửa anh hùng.

Viết về chiến tranh, nhà thơ Quang Dũng không hề ngần ngại né tránh viết về những hi sinh, mất mát bởi sung đã nổ người Việt Nam cũng đổ máu. Nhưng cái hay của người nghệ sĩ tài ba này là ở chỗ: xuyên suốt bài thơ, khi đề cập đến cái chết, nhà thơ Quang Dũng không phải sử dụng đến từ “mất”, “chết”, “hi sinh”. Thay vào đó là hình ảnh:

“…Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời…” 

Và ở đoạn thơ bình giảng là hình ảnh:

“…Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiều anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”

Viết về cái bi nhưng trong thơ Quang Dũng cái bi đã giảm đi đáng kể bởi ở đây tác giả liên tục sử dụng những từ Hán Việt: 

“…Rải rác biên cương mồ viễn xứ…”

Câu thơ gồm bảy âm tiết, ở đó đã có năm âm tiết “biên cương mồ viễn xứ” vốn là những từ Hán Việt dùng để chỉ những nấm mồ nơi rừng sâu biên giới. Nhờ đó mà Quang Dũng viết về cái bi thơ không hề bi luỵ, bi quan trái lại là bi hùng, bi tráng. Vẫn viết về cái chết ở nơi chiến trường biên ải trong “ Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm - Đặng Trần Côn, cảnh tượng hiện ra rùng rợn, ảm đạm và thê lương hơn nhiều:

“…Hồn tử sĩ gió ù ù thổi

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi…”

Hai chữ “rải rác” trong câu thơ này, Quang Dũng đã thể hiện rõ với người yêu thơ: đoàn binh Tây tiến năm xưa họ bị chết bệnh nhiều hơn chết trận. Đặc biệt, câu thơ tiếp sau cái bi không còn nữa bởi khát vọng lên đường đầy cao đẹp của các anh:

“…Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh…”

bức tượng đài người lính Tây tiến còn sống mãi

Ấn tượng của bạn đọc khi tính chất câu thơ này là nghệ thuật đảo ngữ ở hình ảnh:”Chiến trường đi”. Xưa nay, người ta thường nói “đi chiến trường”, ở đây Quang Dũng đặt hai chữ “chiến trường”, tác giả khẳng định đây là một cuộc chia li đã xác định được lí tưởng cũng như mục đích lên đường. Đó là một cuộc chia li chói ngời sắc đỏ đã làm nên “Sao chiến thắng” của Chế Lan Viên. Ta liên tưởng tới cuộc chia li trong bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm:

“…Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giớ nói trở lại

Ba năm mẹ già cũng đừng mong…”

Tuy nhiên, trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân lại khẳng định: đây là nỗi bâng khuâng khó hiểu của thời đại, một cuộc chia li không rõ rang mục đích của một thế hệ nhà thơ: “Tôi buuồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu).

Đọc câu thơ: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, ta nhận thấy sức nặng của thơ ca lại dồn vào hai chữ “chẳng tiếc” làm ta liên tưởng tới hai chữ “mặc kệ” trong thơ Chính Hữu: “Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”. Ta còn nhớ đến chữ “thà” trong tứ thơ đẹp của Thâm Tâm trong “Tống biệt hành” khi tác giả khẳng định sự quyết tâm của trang nam nhi lên đường vì nghĩa lớn không hẹn ngày về:

“…Người đi ừ nhỉ người đi thực

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say…”

Hai chữ “đời xanh” ở cuối câu thơ đã gợi lên cái tuổi với bao mộng đẹp, hoài bão vậy mà các anh cũng chẳng tiếc, chẳng màng tới, các anh đã hi sinh cả cuộc đời cho Tổ quốc, vậy thì thử hỏi có sự hiến dân nào cao hơn sự hiến dâng này?! Hai chữ “đời xanh” trong câu thơ còn giúp cho bạn đọc liên tưởng tới tứ thơ đẹp trong “Trường ca đất nước hình tia chớp” của Trần Mạnh Hảo:

“…Thế hệ chúng con ra đi như gió thổi

Áo quân phục xanh đồng sắc với chân trời

Chưa kịp yêu một người con gái

Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai…”

Đó là những con người sống giản dị, bình tâm nhưng chính họ đã âm thầm ngã xuống vì ngày mai độc lập để đất nước Việt Nam mang dáng hình các anh. Là một người chiến sĩ làm thơ, bước chân của Nguyễn Khoa Điềm in hằn trên dải đất hình tia chớp. Sau khi đi dọc dải đất Việt Nam thân yêu, Nguyễn Khoa Điềm khẳng định:

“…Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi đất nước! Sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”

Thơ của Quang Dũng bùng lên với khát vọng, lí tưởng thì lại bị trùng xuống bằng một hiện thực khốc liệt. Đoạn thơ này không nằm ngoại lệ. Câu thơ mô tả một hiện thực khó khăn mà người lính Tây tiến phải đối mặt “Áo bào thay chiếu anh về đất”. Người yêu thơ thường bị ám ảnh bởi “Áo bào thay chiếu”. Thứ nhất, theo cách hiểu của Trần Lê Văn - người bạn thân của Quang Dũng thì đây là hình ảnh chiếu thay áo bào, đó là những chiếc chiếu được đồng bào dân tộc đan tặng người lính Tây tiến, thể hiện tình quân dân cá nước, nếu hiểu theo cách này thì nhà thơ Hoàng Lộc trong bài “Viếng bạn” đã khẳng định:

“…Ở đây không gõ ván

Vùi anh trong tấm chăn

Của đồng bào Cửa Ngăn

Tặng tôi ngày phân tán…”

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh đầy thiếu thốn ấy, những chiếc chiếu để khâm liệm các anh cũng không còn vì vậy để thể hiện sự trân trọng của mình trước sự ra đi đầy cao đẹp của người lính Tây tiến, Quang Dũng đã thay bằng hình ảnh “Áo bào thay chiếu”. Áo bào chỉ có ở vua chúa, quan trường ngày xưa còn ở đây trong cuộc chiến tranh thiếu thốn này, áo bào chả qua là những chiếc áo các anh mặc ra trận. Suy đến cùng thì nó là những chiếc áo được Chế Lan Viên ghi lại trong “Tiếng hát con tàu”:

“…Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn

Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách

Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con…”

Đó là những chiếc áo đã đi vào trong thơ ca truyền thống từ “Ngoài cật có một manh áo vải” (Nguyễn Đình Chiểu) cho đến “Mà nay áo vải cờ đào” (Quang Trung - Nguyễn Huệ). Như vậy, các anh ra đi như thế nào thì khi trở về với đất mẹ lại vẫn giản dị như thế. Tuy nhiên, ở đây Quang Dũng lại viết “anh về đất”, với động từ “về” trong câu thơ này chứng tỏ rằng cái chết của người lính Tây tiến năm xưa không phải là chấtm hết mà mở ra một cuộc sống mới. Cái chết ấy làm cho đồn đội của mình “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” (Lê Anh Xuân):

“…Mai mốt bên cửa rừng 

Anh có nghe súng nổ

Là chúng tôi đang cố

Tiêu diệt kẻ thù chung…”

Đất mẹ mở rộng lòng mình để ôm các anh vào lòng và dệt nên truyền thống của một dân tộc không bao giờ khất phục trước kẻ thù mà Nguyễn Đình Thi đã tự hào trong bài “Đất nước”:

“…Nước chúng ta!

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về…”

Cái chết của người lính Tây tiến năm xưa làm đoá tự do luôn được nở, quả độc lập được kết trái, chẳng thế mà trong bài “Mồ anh hoa nở” nhà thơ Thanh Hải có viết:

“…Mồ anh trên đồi cao

Bông hồng nở và nở

Hương thơm bay và bay

…Lũ chúng nó qua đây

Mắt diều không dám ngó…”

Tiễn biệt các anh về với đất mẹ, bên cạnh đồng đội của mình còn có một nhân vật nữa là dòng sông Mã “sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Ai đã từng đọc thơ Quang Dũng dễ dàng nhận thấy sông Mã đã trở thành một ám ảnh nghệ thuật. Trong bài thơ này, tác giả đã nhiều lần nhắc đến sông Mã, không phải ngẫu nhiên một biểu chiều mưa ở Phù Lưu Chanh, khi những kỉ niệm của một thời trận mạc ùa về trong tâm hồn mình, nốt nhạc đầu tiên ngân vang trong khúc độc hành ca của một thời ấy, Quang Dũng lại đến dòng sông Mã:

“Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!...”

Và cùng không phải ngẫu nhiên ngày tiễn biệt Quang Dũng, người bạn than trong bản điếu văn đã thốt lên rằng:

“Sông Mã gầm lên sông Mã ơi,

Người yêu sông Mã đã qua đời”

còn ở đây, Sông Mã đã thay mặt đất trời gầm lên những khúc bi ai để tiễn biệt các anh về với đất mẹ.

Sự rung động của thơ ca bao giờ cũng được đo bằng nhịp đâu của con tim. Trích đoạn bình giảng tác động nhiều vào xúc cảm của bạn đọc đó là bức tượng đài của người lính Tây tiến - những con người đẹp như chân lí sinh ra. Bởi lẽ chính thời đại đã sinh ra những anh hung; chính thời đại đã làm nên những tên tuổi. Đoàn binh Tây tiến năm xưa góp phần viết nên huyền thoại của Việt Nam ở thế kỉ XX, đó là huyền thoại của những con người đáng quý, đáng yêu hơn một lần đi vào trong thơ:

“…Ôi Tổ quốc bốn nghìn năm sừng sững

Lưng đeo gươm tay mềm mại vuốt hoa

Trong và thực giữa đôi bờ suy tưởng

Mà hiên ngang, nhân ái, chan hoà…”

Leave a Reply