Phân tích đoạn trích kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

I. NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI TIẾP CẬN VĂN BẢN

1. Xác định mâu thuẫn cơ bản để hiểu được diễn biến và sự phát triển của hành động kịch: từ mâu thuẫn giữa Hồn và Xác mà phát triển thành mâu thuẫn giữa Trương Ba và gia đình, giữa Trương Ba và Đế Thích về quan niệm sống. Cuối cùng dẫn đến sự từ chối của Trương Ba nhập vào xác cu Tị để chấp nhận cái chết.

2. Từ đó, khái quát lên chủ đề của vở kịch (đoạn trích) và tìm những câu nói của Hồn Trương Ba để chứng minh cho chủ đề đó.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

II. TÌM HIỂU VĂN BẢN

A. TÁC GIẢ

Lưu Quang Vũ (1948 - 1988), quê gốc ở Đà Nẵng, sinh tại Phú Thọ trong một gia đình trí thức; cha là nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật sớm bộc lộ từ nhỏ, Lưu Quang Vũ làm thơ và sau đó, viết kịch. Với những vở kịch gây chấn động dư luận như: Sống mãi tuổi 17, Nàng Si-ta, Hẹn ngày trở lại, Nếu anh không đốt lửa, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta,... Lưu Quang Vũ không chỉ trở thành một hiện tượng đặc biệt của sân khâu kịch trường những năm 80 của thế kỉ XX mà còn được coi là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. (Xem thêm về tác giả trong Tiểu dẫn của SGK).

Hai lớp kịch:

- Lớp kịch "Cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác".

+ Vai Hồn Trương Ba: đọc với giọng của con người cao khiết, muốn giữ mình được trong sạch, nhưng sau đó lại đau khổ đến cực độ và thấy không thể chịu đựng được nữa. (Có lúc như tuyệt vọng).

+ Vai Xác hàng thịt: đọc với giọng của con người trần tục, đời thường, nhưng tỏ ra lấn lướt hồn Trương Ba, sỉ nhục hồn Trương Ba, rồi lại an ủi hồn Trương Ba.

- Lớp kịch "Hồn Trương Ba và Đế thích"

Thực chất của màn đối thoại này là sự đấu tranh trong quan niệm của Trương Ba và Đế Thích về ý nghĩa sự sống, mang tính triết lí sâu sắc. Cách đọc giọng đọc của từng vai phải toát lên điều đó.

B. PHÂN TÍCH

1. Qua đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, tìm hàm ý mà nhà viết kịch muốn gửi gắm

Ý nghĩa của đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt: Hành động kịch đẩy mâu thuẫn, xung đột tới cao trào. Một đoạn văn sinh động đầy ý nghĩa triết lí. Xác hàng thịt tỏ ra lấn lướt hồn Trương Ba, sỉ nhục hồn Trương Ba. Hồn Trương Ba đau khổ đến cực độ và thấy không thể chịu đựng được nữa.

- Xác hàng thịt: ẩn dụ về thể xác của con người.

- Hồn Trương Ba: ẩn dụ về linh hồn của con người.

Cuộc đối thoại giữa xác hàng thịt và hồn Trương Ba là cuộc đấu tranh giữa thể xác và linh hồn trong một con người. Thể xác và linh hồn là hai thực thể có quan hệ hữu cơ với nhau. Thể xác có tính độc lập tương đối của nó, có tiếng nói của nó, có khả năng tác động vào linh hồn; linh hồn phải đấu tranh với những đòi hỏi không chính đáng của thể xác để hoàn thiện nhân cách.

Hàm ý mà nhà viết kịch muốn gửi gắm chính là: trong một con người hồn và xác không thể tách rời (lời Xác hàng thịt: "Đã bảo chúng ta tuy hai mà một!") và giữa hai phần ấy càng không thể thiếu sự hài hoà; vì vậy việc hồn Trương Ba phải trú ngụ trong xác hàng thịt là một bi kịch, một mâu thuẫn đòi hỏi phải có cách giải quyết.

2. Nguyên nhân đã khiến cho người thân của Trương Ba và cả chính Trương Ba rơi vào bất ổn và phải chịu đau khổ

- Nguyên nhân đã khiến cho người thân của Trương Ba và cả chính Trương Ba rơi vào bất ổn là do hồn Trương Ba đã phải sống trong xác hàng thịt, và chính cái xác hàng thịt đó đã làm thay đổi con người của Trương Ba làm cho hồn Trương Ba giờ đây không còn là của Trường Ba trước kia nữa:

+ Mang xác hàng thịt, hồn Trương Ba trở nên thô vụng hơn (làm gãy cây trong vườn, gãy diều của cu Tị,... ), bởi bây giờ "ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa" (lời vợ Trương Ba).

+ Trương Ba ngày càng xa lạ hơn với những người thân: vợ muôn bỏ đi để "ông được thảnh thơi... với cô vợ người hàng thịt"; cháu gái nội không nhận ông vì "ông nội đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy", mà còn rủa ông và đuổi ông: "ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!": ngay cả con dâu, người thông cảm với hồn Trương Ba hơn cả, cũng thấy bố "chồng mỗi ngày một đổi khác dần, mất mát dần". Đây chính là diều đau đớn nhất của hồn Trương Ba, là bi kịch lớn, là mâu thuẫn đã được đẩy tới cao trào.

- Thái độ của Trương Ba: Hồn Trương Ba cũng nhận ra những điều đó ông thây không thể sống như thế được nữa, không thể khuất phục trước thể xác và tự đánh mất mình. Thái độ của hồn Trương Ba lúc này thật rõ ràng, dứt khoát, quyết liệt: "Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? "Chẳng còn cách nào khác!" Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!". Và ông quyết định thắp hương gọi Đế Thích xuống để bàn chuyện này.

Hồn Trương Ba và Đế Thích

3. Sự khác nhau trong quan niệm của Trương Ba và Đế Thích về ý nghĩa sự sống

- Đế Thích quan niệm về sự sống còn đơn giản: sống chỉ là để dược sống với hàm nghĩa là không chết', cho nên Đế Thích mới cho nhập hồn Trương Ba vào xác anh hàng thịt để sống, và bây giờ lại muốn giúp Trương Ba lần thứ hai: nhập hồn Trương Ba vào xác cu Tị để sống. Sự sống như thế còn có ý nghĩa gì?

- Chính vì Đế Thích quan niệm hời hợt về ý nghĩa sự sống nên Trương Ba mới trách Đế Thích: "ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết. Lời trách đã nói lên một quan niệm đúng đắn về ý nghĩa sự sống: Sống không phải là để tồn tại (không chết) mà phải để được sống trong một cuộc sống có ý nghĩa: "sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt"; "Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ? Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi!". Chính vì thế mà Trương Ba muốn trả thân xác này cho anh hàng thịt để không còn cái vật quái gỡ mang tên "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" nữa.

4. Trương Ba kiên quyết đòi trả xác cho anh hàng thịt và từ chối nhập vào xác cu Tị

Trước khi kết thúc, tác giả còn đưa nhân vật vào cuộc thử thách cuối cùng, lúc đối mặt với cái chết, trước một sự lựa chọn: nhập vào xác cu Tị, một em hàng xóm vừa chết. Hồn Trương Ba rất thương cu Tị vì đó là một đứa bé ngoan, bạn thân của cái Gái, cháu nội yêu quý của ông. Nhưng ông không thể tái diễn bi kịch sống trong thân xác mượn của người khác: "Không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". Vì thế ông đã xin cho cu Tị được sống lại, còn mình thì xin được chết.

Hành động chấp nhận cái chết, trả lại xác cho anh hàng thịt của hồn Trương Ba là một hành động đúng đắn, dũng cảm và đạo đức. Từ tư tưởng triết lí về quan hệ giữa thể xác và linh hồn, Lưu Quang Vũ đã đi đến một quan niệm đúng đắn về cách sống: Sống chân thật, sống vì mọi người, vì hạnh phúc và sự tốt đẹp của con người. Trương Ba chết nhưng hồn Trương Ba vẫn sống, sống trong tình cảm của mọi người, sống trong sự sống mà không cần mượn đến thân xác của ai.

5. Cảm nghĩ về đoạn kết

Trương Ba chết, nhưng hồn ông vẫn còn đó, "giữa màu xanh cây vườn": "Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà rẫy cỏ... Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu..

Đó là sự bất tử của linh hồn trong sự sống, trong lòng người, tô đậm thêm nhân cách cao thượng của Trương Ba và khắc sâu thêm tư tưởng nhân văn cao cả của tác phẩm. Đây là một đoạn kết đầy chất thơ và có dư ba với hình ảnh của sự sống vẫn nảy nỡ trong "vườn cây rung rinh ánh sáng", "hai đứa trẻ cùng ăn na ngon lành" và "gieo hạt na xuống đất cho nó mọc thành cây mới...".

Leave a Reply