Phân tích đoạn văn sau trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh: “Hỡi đồng bào cả nước,... Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”

Phân tích đoạn văn sau trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh:

“Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1716 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

“Người ra sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”

(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2012, tr.39)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Yêu cầu chung

- Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học về một đoạn văn trong tác phẩm văn xuôi thuộc thể chính luận: bố cục rõ ràng, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

+ Làm rõ giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm được thể hiện trong phần mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập.

+ Nắm vững kiến thức cơ bản phần mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập gắn với yêu cầu nội dung của đề; huy động hợp lí kiến thức có liên quan (tác giả, tác phẩm, hệ thống tác phẩm cùng đề tài,...).

Tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập

2. Yêu cầu cụ thể

Có thể trình bày, diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng BÀI LÀM cần đảm bảo các ý chính sau:

a) Giới thiệu chung

- Hồ Chí Minh không chi là một nhà thơ trữ tình lớn mà còn là một cây bút chính luận tài năng.

- Tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập:

+ Được đánh giá là áng văn chính luận “mẫu mực” của văn chương chính luận Việt Nam thời hiện đại.

+ Tác phẩm ra đời vào thời điểm đặc biệt của lịch sử dân tộc: chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới thành lập đã phải đối mặt với những thử thách nghiệt ngã. Các thế lực phản động trong và ngoài nước đang cấu kết với nhau hòng tước đoạt thành quả cách mạng mà cả dân tộc vừa giành lại bằng xương máu của bao thế hệ. Vì vậy, Tuyên ngôn Dộc lập được viết ra không chỉ nhằm tuyên bố nền độc lập dân tộc trước quốc dân đồng bào mà còn để vạch trần, bác bỏ nhưng luận điệu xảo trả, những âm mưu đen tối của các thế lực xâm lược cũ và mới.

+ Là một văn bản chính luận “mẫu mực”, Tuyên ngôn Độc lập đã thực sự phát huy được sức mạnh nghệ thuật riêng của thể loại ở cách lập luận chặt chẽ, khoa học; khả năng lí lẽ sắc bén; hệ thống dẫn chứng xác đáng kết hợp giọng văn chính luận linh hoạt phù hợp từng đối tượng.

* Đoạn văn thuộc phần mở đầu một văn bản chính luận đã thể hiện tài năng chính luận xuất chúng của người viết.

b) Phân tích đoạn văn

- Áng hùng văn của thời đại cách mạng vô sản Việt Nam được mở đầu bằng một câu văn ngắn gọn, giọng văn tha thiết: “Hỡi dồng bào cả nước”.

+ Xác định đối tượng trực tiếp mà bản tuyên ngôn hướng tới là quốc dân đồng bào.

+ Tạo được tâm thế giao tiếp gần gũi, cởi mở giữa người nói - một lãnh tụ với người nghe - toàn thể nhân dân.

+ Vẫn giữ được không khí trang nghiêm, trang trọng cần thiết của buổi lễ mừng độc lập.

- Sau đó, Bác trích dẫn nguyên văn một đoạn trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

+ Đây là đoạn văn kết tinh tư tưởng chủ đạo của bản tuyên ngôn nước Mĩ: khẳng định quyền bình đẳng của con người. Tư tưởng tiến bộ này đã được thừa nhận như một chân lí. Chính Bác cũng đã nhấn mạnh đó là “Lời bất hủ”.

Tuyên ngôn Độc lập trở thành bản “Thiên cổ hùng văn”

+ Bác coi đó là nên tảng pháp lí để nâng cao, phát triển, mở rộng thành luận điểm “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”'. khẳng định quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên phạm vi toàn thế giới. Đây là một trong những quyền chính đáng của mỗi dân tộc.

* Luận điểm này là sản phẩm tư duy lí luận sáng tạo, sắc bén của Bác khi thay thế cụm từ “mọi người” bằng “các dân tộc trên thế giới”.

* Là một đóng góp có ý nghĩa lớn lao của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc thế giới.

* Điều quan trọng hơn, khi khẳng định tất cả các dân tộc trên trái đất này đều “có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Bác đã cất lên tiếng nói dõng dạc, dứt khoát, đầy tự tin: dân tộc Việt Nam cũng “có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

+ Tiếp theo, Bác lại trích dẫn nguyên văn một đoạn trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách Mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

* Đây cũng là đoạn văn hội tụ được tinh thần cơ bản của bản tuyên ngôn nước Pháp: khẳng định quyền sống hạnh phúc và tự do của con người.

* Sự sắp xếp trình tự trích dẫn hai bản tuyên ngôn không chỉ vì lí do thời gian mà chủ yếu là bởi người viết đã hiểu sâu sắc mối quan hệ biện chứng, hữu cơ giữa quyền bình đẳng của dân tộc và quyền tự do hạnh phúc của con người, trong đó có quyền bình đẳng dân tộc mới có quyền tự do hạnh phúc của cá nhân. Cách lập luận như vậy là rất khoa học. Vì thế, có tính thuyết phục cao.

- Cuối cùng, Bác khẳng định bằng giọng văn đanh thép “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi dược”.

+ Câu văn ngắn gọn này đóng vai trò xác định, khẳng định những nguyên tắc, chuẩn mực có giá trị như những chân lí vĩnh cửu để đối chiếu, so sánh nhằm chỉ ra và phê phán những biểu hiện phi nguyên tắc, phi nhân tính mà thực dân Pháp đã thực hiện, thi hành ở Việt Nam trong hơn 80 năm đô hộ.

c. Đánh giá chung

- Phần mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã đặt cơ sở chính nghĩa nền tảng pháp lí vững chắc cho toàn bộ tác phẩm (liên hệ cách dùng từ thiên thư trong Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt; câu văn “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” của Nguyễn Trãi ở Bình Ngô đại cáo).

- Đoạn văn mở đầu này vừa thể hiện sự khéo léo, thái độ kiên quyết trong cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao vừa bộc lộ tình cảm yêu thương nước và niềm tự hào dân tộc sáng suốt, đầy trí tuệ của Bác (liên hệ Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo).

- Cũng ở phần mở đầu đã cho thấy tài năng chính luận của Hồ Chí Minh: lập luận khoa học, dẫn chứng không ai chối cãi, lí lẽ sắc sảo, giọng văn linh hoạt. Những đặc sắc nghệ thuật này đã góp phần làm cho Tuyên ngôn Độc lập trở thành bản “Thiên cổ hùng văn” thứ hai của dân tộc sau Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Leave a Reply