Phân tích hiệu quả nghệ thuật của các câu hỏi tu từ được sử dụng trong bài Đây thôn Vĩ Dạ

Bài thơ này chỉ có 12 dòng nhưng có đến ba câu hỏi, phân đều cho ba khổ thơ. Một câu mở đầu và hai câu đứng ở vị trí kết thúc. Chính những câu hỏi đã liên kết những hình ảnh bề mặt của bài thơ thành một thể thống nhất.

3 câu hỏi tu từ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Câu hỏi đầu tiên thực chất là một lời tự vấn, tuy nhiên, tác giả đã mượn lời của khách thể – một cô gái thôn Vĩ – tạo nên một cái cớ rất thơ để nhập cuộc trọn vẹn cảm xúc. Điều này giải thích vì sao thôn Vĩ có thể hiện lên với một loạt chi tiết hết sức gợi cảm và tập trung ở phía sau. Câu hỏi ở đây đóng vai trò gợi mở kỉ niệm và gọi dậy hình ảnh nhờ quan hệ hô ứng của lời hỏi đáp. Tuy nhiên, cái cách tác giả giấu mặt sau lời của người khác cũng bộc lộ một cái gì đó như nỗi e dè kín đáo. Câu hỏi thứ hai nối kết những hình ảnh rời rạc ở bề mặt câu thơ trong một mối liên hệ ngầm, và vì vậy từ một câu hỏi vu vơ, không ăn nhập gì với ngoại cảnh, nó đã hé lộ một nội tâm đầy bất an của tác giả. Chính câu hỏi này đã cho thấy sự hiện diện rõ hơn của chủ thể trữ tình (cho đến trước đó, anh ta vẫn còn giấu mặt sau những hình ảnh của thiên nhiên). Tuy nhiên, nỗi xúc động thực của tác giả vẫn bị che đậy khá kĩ lưỡng sau một loạt những hình ảnh mơ hồ, bóng bẩy. Phải đến câu hỏi kết thúc, cái nỗi nấu nung khiến xui tác giả phải cầm bút mới thực sự lộ diện: Ai biết tình ai có đậm đà? Như vậy, càng ngày, cùng với sự xuất hiện của những câu hỏi, tiếng nói của chủ thể trữ tình càng vang lên rõ rệt hơn, và vì vậy, cũng xúc động hơn. Điều đó diễn ra song song với quá trình nhoè mờ đi trên bề mặt những hình ảnh của thôn Vĩ. Nói cách khác, những hình ảnh cụ thể càng ngày càng mơ hồ hơn, như tự che giấu ý nghĩa của chúng, nhưng những câu hỏi càng ngày càng bộc lộ nội dung một cách trực tiếp hơn, mạnh mẽ hơn. Đó Là sự giằng co giữa Tình cảm và Lí trí: Tình cảm thì muốn thổ lộ, muốn giãi bày, nhưng lí trí thì ngại ngùng, gìn giữ; Tình cảm thì muốn chọn con đường phô bày một cách trực tiếp, nhưng lí trí lại mách bảo nên giấu mặt sau những hình ảnh gián tiếp; tình cảm thì chỉ muốn theo con đường ngắn nhất, nhưng lí trí lại đi đường vòng của những ẩn ngữ… Sự giằng co vô thức này đã chi phối rất rõ kết cấu nội tại của thi phẩm: Cứ một câu hỏi tưởng chừng hé lộ một điều gì đó, lại đến một loạt hình ảnh mơ hồ như chỉ chực xoá đi những gì quá rõ ràng mà câu hỏi đã đem lại. Ngay trong một câu hỏi cũng vậy: những hình ảnh vừa như hết sức xác định, lại vừa như hết sức vu vơ, không nhằm vào một ai, một cái gì thực cụ thể cả. Sự song hành của hai quá trình diễn biến ngược chiều ấy thiết lập nên mối quan hệ đan chéo giữa cái đã biết và cái bị che giấu, tạo nên tính chất vừa khép vừa mở, vừa thực vừa ảo, vừa hướng nội vừa vọng ngoại, vừa đẩy độc giả ra xa, vừa kéo lại thật gần trong sự hỗn mang cảm xúc… của Đây thôn Vĩ Dạ.

Leave a Reply