Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Xuân Quỳnh. Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ được thể hiện qua bài thơ

I. TÌM HIỂU ĐỀ

1. Đề bài yêu cầu phân tích hình tượng sóng, từ đó nêu lên cảm nhận của người viết về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ (thực ra là của nhà thơ) được thể hiện qua bài thơ này. Đây cũng chính là hai luận điểm chính của bài viết.

2. Khi phân tích hình tượng sóng phải chú ý đến mốì quan hệ giữa "sóng" và "em". Chỉ trong tương quan ấy mới thấy hết vẻ đẹp của hình tượng này.

Sóng

II. DÀN BÀI CHI TIẾT

1. Mở bài

- Sóng (được viết cuối 1967, in trong Hoa dọc chiến hào, 1968) là một tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu cho vẻ đẹp của hồn thơ Xuân Quỳnh: chân thực, đôn hậu, thiết tha, vẻ đẹp của bài thơ gắn với hình tượng trung tâm: Sóng.

- Đây là một ẩn dụ nghệ thuật nhằm biểu đạt sự mạnh mẽ, dạt dào, nồng thắm của tình yêu. Qua hình tượng sóng, người đọc nhận thấy vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ được thể hiện một cách sinh động và sâu sắc.

2. Thân bài

a. Vẻ đẹp hình tượng sóng

- Dùng sóng để biểu hiện vẻ đẹp của tình yêu không phải là một thủ pháp nghệ thuật mới. Nguyễn Du, Xuân Diệu... đã từng nói đến tình yêu qua sóng. Nhưng nét độc đáo của Xuân Quỳnh là ở chỗ tạo ra sự quấn quýt giữa sóng và em để từ đó trực tiếp bày tỏ những khát vọng chân thành về tình yêu của người phụ nữ. Con sóng trong thơ Xuân Quỳnh vì thế vừa nồng nàn vừa đậm đà nữ tính.

Tựa vào sóng để xây tứ, bài thơ như những lớp sóng cảm xúc gối nhau không dứt. Với Xuân Quỳnh, tình yêu vừa trần thế, vừa trường cửu muôn đời. Âm điệu thơ và thể thơ năm chữ rất phù hợp với dòng cảm xúc tuôn chảy tự nhiên của bài thơ.

Hai dòng thơ đầu tập trung nói đến những đối cực trong tính cách của sóng:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Một bên nói về sự nồng nàn, cháy bỏng; một bên nói về sự dịu dàng, thiết tha. Cách nói của nhà thơ khiến người đọc nhận thấy những đợt sóng kế tiếp nhau.

Nhưng những đối cực ấy trong tính cách của sóng là sự thất thường của em. Đơn giản, em đang yêu. Mà khi yêu thì 'Vỉ tình yêu muôn thuở - Có bao giờ đứng yên" (Thuyền và biển).

Điều đáng nói là ở chỗ, vẻ đẹp và sự huyền diệu của sóng - em chủ yếu nằm ở cực dịu êm và lặng lẽ. Đây là điểm cốt yếu tạo nên vẻ đẹp "thiên tính nữ" của hình tượng thơ Xuân Quỳnh.

- Tình yêu bao giờ cũng hướng về những chân trời cao rộng. Đó là nhu cầu tự nhận thức, khám phá của sóng: Sông không hiểu nỗi mình - Sóng tìm ra tận bể. Chỉ có biển khơi rộng lớn, sóng giữa muôn trùng sóng bể sóng mới thể hiện được toàn bộ vẻ đẹp của nó. Tìm ra tận biển vì thế là một lựa chọn tự nhiên, không thể khác.

Tờ sóng (ở khổ 1), nhà thơ nói đến em (khổ 2) một cách tự nhiên. Hai câu thơ: Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ diễn tả rất đúng "lửa" tình yêu. Hai chữ bồi hồi đặt đầu câu nói lên được những xôn xang, rạo rực của yêu đương (Ca dao: Nhớ ai bổi hổi bồi hồi - Như đứng đống lửa như ngồi đống than). Điều đó như là một quy luật muôn đời (ngày xưa - ngày sau vẫn thế). Xuân Quỳnh viết bài thơ này khi chị mới 25 tuổi nên những câu thơ kia không cần đến "trang sức", nó là sự thốt bật của con tim, là lời tự hát chân thành của một "tín đồ" thờ phụng Tôn giáo tình yêu!

Tâm hồn người phụ nữ

- Yêu bao giờ cũng gắn với nhớ. (Nguyễn Bính: Nắng mưa là bệnh của trời - Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng).

Xuân Quỳnh đã diễn tả những cung bậc khác nhau của nỗi nhớ: Con sóng dưới lòng sâu — Con sóng trên mặt nước. Song điều quan trọng hơn là cường độ và trường độ nhớ:

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được.

Nỗi nhớ vượt qua không gian (nhớ bờ), vượt qua thời gian (ngày đêm không ngủ được). Một nỗi nhớ khắc khoải đến tận cùng.

Nhưng từ sóng, Xuân Quỳnh nói đến em qua sự so sánh có tính đòn bẩy:

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.

Đây có thể là hai câu thơ hay nhất toàn bài. Hơn cả sóng, nỗi nhớ của em không chỉ vượt qua không gian và thời gian mà còn ăn sâu vào cả vô thức, tiềm thức. Nói khác đi, anh luôn hiện hữu trong em, toàn bộ, sâu sắc, khắc khoải. Nó là hiện thân của một tình yêu tuyệt đốì, cao cả, đầy hi sinh. Cũng bởi thế, giữa bao xuôi ngược của đời, em chỉ có một phương duy nhất: phương anh! Đây là lòng thuỷ chung như nhất của em dành cho anh.

- Ba khổ thơ cuối nói về khát vọng của sóng và khát vọng của em. Có thể nhận thấy ở đây triết lí tình yêu của Xuân Quỳnh: Tình yêu bao giờ cũng gắn liền với khao khát, gặp gỡ đoàn tụ (Mây vẫn bay về xa - Con nào chẳng tới bờ).

Đỉnh cao của khát vọng tình yêu là khổ thơ cuối:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

Tan ra là khát vọng hoà nhập, hoá thân vĩnh viễn, tuyệt đối. Hai chữ ngàn năm đẩy khát vọng hoà nhập ấy đến độ vĩnh cửu. Vỗ là biểu hiện sức sông muôn đời. Đây là những khát khao của một trái tim nhân hậu, đằm thắm và nồng nàn đầy nữ tính. Khát vọng ấy có tên là dâng hiến. Sự dâng hiến thánh thiện nhưng cũng rất đời. Vì thế, hình tượng sóng của Xuân Quỳnh hiện lên chân thực như một "cây đời", thức dậy những khát vọng cao cả, đắm say.

b. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ

- Là người phụ nữ thời hiện đại, Xuân Quỳnh luôn chủ động bày tỏ tình yêu một cách trực tiếp. Thực ra, trong thơ ca trung đại cũng từng có những "yểu điệu thục nữ" dám đến với tình yêu một cách chủ động (Kiều: Xăm xăm băng lối vườn khuya một minh; nàng Ngọc Hoa trong Phạm Tải Ngọc Hoa cũng là người chủ động trong tình yêu). Nhưng với Xuân Quỳnh, chủ động mạnh bạo là một nét tính cách nhất quán, nổi trội (chứ không nằm ở cấp "yếu tố" như thơ ca xưa).

- Tình yêu không bao giờ nửa vời, nó đòi hỏi đắm say đến hết mình. Với Xuân Quỳnh, tình yêu đồng nghĩa với sự dâng hiến và bao dung.

- Không chỉ hiện đại, táo bạo, tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh bao giờ cũng gắn với khát vọng được hoà nhập, đoàn tụ, sẻ chia. Tình yêu của người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh bao giờ cũng là tình yêu chung thuỷ. Đây là một quan niệm gắn chặt với truyền thống. Vì thế, nó có sức đồng vọng sâu xa.

Thuyền và biển

3. Kết bài

- Cùng với Thuyền và biển, Sóng là một trong những khúc tình ca hay nhất của Xuân Quỳnh. Đó là những lời ca ngọt ngào, say đắm nhưng cũng đầy tinh thần trách nhiệm, bao dung. Nó như một "truyền thuyết về tình yêu đôi lứa".

- Với Xuân Quỳnh, tình yêu không chỉ gắn bó keo sơn giữa hai cá nhân mà hơn thế, nó tượng trưng cho cái đẹp, cái cao cả, tượng trưng cho "niềm khao khát tự hoàn thiện mình).

Leave a Reply