Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

DÀN Ý

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật

- Kim Lân là nhà văn thành công trong lĩnh vực viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông viết chân thật và xúc động về cuộc sống và con người ở nông thôn, những con người gắn bó tha thiết với quê hương, với cách mạng và luôn có niềm tin vào cuộc sống.

- “Vợ nhặt” là truyện ngắn được xây dựng trên cái nền của nạn đói năm 1945. Lúc đầu là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” viết ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn dang dở và bị mất bản thảo. Sau hoà bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào phần một cốt truyện cũ và viết truyện ngắn “Vợ nhặt”, được in trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Truyện tập trung thể hiện niềm khao khát cuộc sống gia đình hành phúc của người lao động, người nông dân nghèo khổ. Bà cụ Tứ tiêu biểu cho vẻ đẹp của người mẹ nghèo khổ trong xã hội bị áp bức, nghèo khổ.

2. Phân tích nhân vật bà cụ Tứ

a. Thể hiện tính cách bà cụ Tứ, Kim Lân đặt bà cụ Tứ trong một tình huống độc đáo

- Bà cụ Tứ là một bà mẹ nghèo, goá chồng, sống ngụ cư. Cảnh hai mẹ con sống nghèo khổ, có nguy cơ chết đói. Bà cụ Tứ không làm gì ra cái ăn, già, ốm yếu. Anh Tràng, con trai bà chỉ làm nghề kéo xe thóc thuê kiếm sống qua ngày, lại xấu trai, ế vợ.

- Cả xóm ngụ cư đang sống trong cảnh chết đói, ai lấy lo phận mình qua cơn chết đói như ngả rạ, sáng ra gặp vài ba xác người nằm còng queo bên đường. Mùi thịt người chết thật ghê sợ.

- Giữa tình cảnh chết đói như vậy, anh Tràng đưa một người đàn bà cũng trong tình trạng sắp chết đói về làm vợ, thật là éo le, lo lắng, suy nghĩ trăm bề đối với bà cụ Tứ.

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt

b. Vẻ đẹp tâm hồn và tính cách bà cụ Tứ được bộc lộ trong hoàn cảnh anh Tràng – có vợ - “vợ nhặt”

- Lúc đầu, bà cụ Tứ sững sờ, ngạc nhiên và băn khoăn khi thấy trong nhà có người đàn bà lại chào mình: “U đã về ạ?”. Được anh Tràng giới thiệu: “Kìa nhà con nó chào u” thì bà “cúi đầu nín lặng”. Rồi bà hiểu ra với biết bao tủi khổ, mừng vui.

+ Trước hết, bà ai oán, xót thương cho số phận đứa con mình và bản thân mình. “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn lên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…”

+ Bà nghĩ không biết “chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”.

+ Bà hiểu cơ sự con mình có vợ được là do “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ…”, “bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con…”

- Sau những giây phút ai oán, xót thương số phận của mẹ con, bà cụ Tứ có cảm nhận mới mẻ: vui, tin tưởng và lo toan cho hạnh phúc của con cũng như gia đình của bà.

+ Bà đã nhẹ nhàng bộc bạch: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”

+ Bà khuyên bảo con trai, con dâu: “Nhà ta nghèo con ạ. Vợ chồng mày liệu mà bảo nhau làm ăn”.

+ Bà nghĩ lại cuộc đời mình cùng chồng khổ cực “nỗi khổ dài dằng dặc”, bà đặt những câu hỏi lo toan cho con “Chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?”

+ Bà an ủi các con vui với cuộc sống chồng vợ không có cheo cưới vì nghèo khổ: “Kể làm được dăm ba mâm cỗ thì phải đấy nhưng nhà mình nghèo (…). Cốt làm sao chúng mày hoà thuận là u mừng rồi”.

+ Vui với các con, bà hi vọng vào tương lai hạnh phúc của con cái và gia đình. Bà vui có ánh đèn anh Tràng thắp lên trong tối tân hôn. Bà nhắc con trai mua nứa ngăn căn nhà cho có buồng mẹ, buồng con. Sáng hôm sau ngày anh Tràng có vợ, bà dậy sớm thu dọn nhà cửa. “Cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Bà nhắc con nuôi gà, hình ảnh của cuộc sống gia đình đầm ấm trong tương lai. Bà kể toàn chuyện vui với các con trong bữa ăn quá khổ chỉ có cháo cám mà bà gọi là “chè khoán” và cháo loãng.

- Hình ảnh bà cụ Tứ là hình ảnh của những bà mẹ khổ đau trong quá khứ vì bị áp bức, bóc lột trong xã hội thuộc địa, phong kiến; song ở họ vẫn mang những phẩm chất đẹp đẽ: giàu tình thương yêu con, luôn lo toan và hi vọng vào hạnh phúc gia đình ở tương lai.

3. Kết luận

- Kim Lân rất thành công với truyện ngắn “Vợ nhặt”, trong đó có thành công trong việc xây dựng hình tượng bà cụ Tứ. Bà cụ Tứ hiện ra chân thật, sinh động hấp dẫn với những chi tiết miêu tả hình dáng, nội tâm, ngôn ngữ, hành động.

- Thể hiện hình tượng bà cụ Tứ, Kim Lân thể hiện một thái độ nâng niu, trân trọng, yêu thương người lao động, đặc biệt là con người lao khổ. Qua đây, ông cũng thể hiện tư tưởng nhân vật khá sâu sắc.

Leave a Reply