Phân tích nhân vật Mị, nhân vật A Phủ, nhân vật cha con Pá Tra, đôi nét về phong tục và phong cảnh thiên nhiên Tây Bắc trong phần trích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

I. KIẾN THỨC CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1. Tác giả

Tô Hoài sinh năm 1920 trong một gia đình thợ thủ công. Ông từng phải lăn lộn kiếm sống qua nhiều nghề. Chính những năm tháng đó góp phần tạo cho ông vốn sống phong phú để hình thành nên nhiều tác phẩm xuất sắc, đưa ông trở thành một nhà văn lớn trong đội ngũ nhà văn hiện đại Việt Nam. Ông đã viết gần 200 đầu sách thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí, hồi kí, tự truyện, tiểu luận... trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật.

2. Tác phẩm

Vợ chồng A Phủ được rút trong tập Truyện Tây Bắc, tác phẩm được trao giải Nhất - Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955. Đó là thành quả của nhà văn sau 8 tháng cùng bộ đội tiến vào giải phóng Tây Bắc. Ông sống gắn bó và tình nghĩa với đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Hmông ở các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu. Thấu hiểu, chia sẻ với những cuộc đời đau khổ và cảm động, mến yêu những vẻ đẹp tâm hồn con người nơi đây, nhà văn đã viết tập Truyện Tây Bắc vào năm 1953 với một phong cách nghệ thuật đặc biệt: màu sắc dân tộc đậm đà, vừa hiện thực vừa trữ tình, ngôn ngữ gợi cảm, đẫm chất thơ.

Dân tộc HMông

II. PHÂN TÍCH

1. Nhân vật Mị

a. Bản chất tốt đẹp nhưng số phận cay đắng

- Mị tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ lao động Tây Bắc.

+ Mị là cô gái trẻ trung, xinh đẹp, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó.

+ Mị có tài thổi sáo, thổi kèn lá khiến nhiều trai làng say đắm. Vào những đêm mùa xuân, trai làng đứng mòn nhẵn cả vạt đất đầu hồi nhà Mị.

+ Mị là người con hiếu thảo, thương bố, vì bố mà chấp nhận hi sinh hạnh phúc của mình.

- Nhưng Mị có số phận thật cay đắng:

+ Mị là cô gái nhà nghèo. Bố mẹ Mị phải vay tiền nhà Pá Tra để lo đám cưới cho mình. Món nợ 20 đồng bạc trắng đeo đẳng suốt mười mấy năm trời. Mị sinh ra, lớn thành cô thiếu nữ mà món nợ ấy, bố Mị vẫn chưa trả hết. Vì món nợ truyền kiếp của gia đình, Mị đã bị bắt về nhà Pá Tra làm con dâu trừ nợ.

+ Ở nhà Pá Tra, cảnh ngộ cô thật vồ cùng đau khổ. Mị phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối khuya: nấu cơm, đốt lửa, xe đay, cõng nước, làm nương, hái củi, hầu hạ cha con Pá Tra. Tuy danh nghĩa là vợ A Sử - con trai của thông lí - nhưng Mị bị đối xử tàn nhẫn. A Sử sẵn sàng bỏ mặc cô trong căn buồng tối tăm, nhỏ hẹp, kín mít, đánh đập, hành hạ cô. Mị bị bóc lột, đày đoạ về thể xác, bị khinh rẻ về tinh thần, khiến tâm hồn cô khô héo, chai lì, vô cảm: "ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi [...]. Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Đồng tiền, cường quyền và thần quyền của gia đình Pá Tra đã tước đoạt mọi quyền sông của một cô gái Mèo tài năng, nhan sắc.

Viết về cảnh ngộ của nhân vật Mị, ngòi bút Tô Hoài trĩu nặng xót thương và căm giận. Giọng văn kể chuyện và những dòng phân tích tâm trạng nhân vật của ông thấm đẫm cảm hứng nhân đạo, nhân văn cao cả.

b. Sức sống tiềm tàng

- Vào những đêm mùa xuân, niềm vui sống, khát vọng hạnh phúc của Mị trỗi dậy:

+ Chứng kiến cảnh thiên nhiên mùa xuân tràn trề sức sống, cảnh trai gái vui xuân, nghe tiếng sáo dập dìu, âm điệu những bài ca gọi bạn tình vang vọng Mị thấy vui trở lại. Mị hồi tưởng những kỉ niệm tươi đẹp ngày xưa của mình, lòng bồi hồi, xao xuyến.

+ Mị uống rượu, chuẩn bị váy áo, sửa sang đầu tóc để đi chơi xuân, cô thấy mình còn trẻ. Với một người phụ nữ, khi ý thức về sự trẻ đẹp trỗi dậy nghĩa là sức sống, sự yêu đời trong họ chưa cạn kiệt.

- A Sử nhận ra ở Mị sự vui vẻ, thấy Mị định đi chơi xuân, hắn đã trói đứng cô vào cột nhà. Trong khi bị trói đứng, Mị vẫn bồi hồi, náo nức nghe tiếng sáo, tiếng hát gọi bạn. Tâm hồn cô gái không chết, sức sống trong cô không thể bị dập tắt. Nó vẫn tiềm tàng để đợi dịp bùng lên.

- Chứng kiến cảnh A Phủ bị trói đứng, sức sống tiềm tàng trong tâm hồn Mị thực sự đã bùng lên mãnh liệt.

2. Nhân vật A Phủ

a. Xuất thân và bản chất

- A Phủ là đứa trẻ mồ côi, lớn lên trong sự cưu mang của dân làng, trở thành chàng trai khoẻ mạnh, chăm chỉ lao động. A Phủ biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc lại cày giỏi, săn bò tót rất bạo. Anh chạy nhanh như ngựa, sức lực cường tráng, con gái trong làng nhiều người mê. Họ ao ước "đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy lúc mà giàu".

- A Phủ bộc trực, thẳng thắn, ghét bọn người cậy quyền, cậy thế làm điều ngang trái. A Phủ dám đánh lại con của thông lí - một thế lực mà không ai muốn động tới. A Phủ cương trực đứng về phía lẽ phải, về phía sự công bằng.

b. Cảnh ngộ khổ đau

- Sau vụ gây gổ với A Sử, A Phủ bị bắt, bị trói gô cả hai chân, hai tay, bị xử tội bị ép vay tiền. Cuối cùng, A Phủ trở thành một nô lệ cho nhà thông lí Pá Tra.

- A Phủ bị phạt trói đứng vì để mất một con bò. Anh phải đào hố, chôn cột, rồi lấy dây mây đế tự trói mình. A Phủ bị bỏ đói, bị tra tấn dã man.

- Đối mặt với cái chết, A Phủ dường như ý thức được rõ hơn về thân phận, cuộc sông qua ánh mắt trừng trừng, qua giọt nước mắt đắng cay. Trước ranh giới của sự sống và cái chết, A Phủ được Mị giải thoát. A Phủ cùng Mị lao chạy xuống dốc núi. Họ tới vùng đất cách mạng, được giác ngộ và tìm được lí tưởng, cuộc sống tự do.

Núi rừng Tây Bắc

3. Ngoài hai đối tượng chính cần khám phá, giải mã như trên, ta có thể tìm hiểu, phân tích thêm

а. Nhân vật cha con Pá Tra: điển hình của giai cấp thông trị miền núi Tây Bắc thời phong kiến: nham hiểm và tàn bạo, vô nhân tính.

b. Đôi nét về phong tục và phong cảnh thiên nhiên Tây Bắc: lạ kì và thật thơ mộng.

Truyện Vợ chồng A Phủ - nhất là ở đoạn trích được học, vừa giàu giá trị hiện thực, vừa thấm đẫm cảm hứng nhân văn. Nhà văn đã phản ánh chân thực những mâu thuẫn giai cấp căng thẳng ở miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị phong kiến, đồng thời khẳng định, ngợi ca những vẻ đẹp tâm hồn của người dân nơi đây. Ở một chiều sâu nừa, qua sự đổi thay tính cách của hai nhân vật chính, nhà văn gợi ra trong người đọc sự suy ngẫm về quy luật xã hội: có áp bức thì có đấu tranh, khi bị đè nén, ức hiếp đến cùng kiệt, những người nô lệ sẽ vùng lên, bột phát nhưng thật mạnh mẽ, dũng cảm để giải thoát, đi tìm cuộc sống mới.

4. Về nghệ thuật

- Tác phẩm được kết cấu hấp dẫn bởi các tình huống chặt chẽ, hợp lí.

- Nhà văn khắc hoạ được các nhân vật sinh động, có chiều sâu tâm lí, tính cách diễn biến logic.

- Ngôn ngữ giàu chất thơ, đậm đà phong vị miền núi, rất phù hợp với cảnh và người Tây Bắc.

Leave a Reply