Phân tích phần trích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

1. Tô Hoài (sinh năm 1920) là một cây đại thụ của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Sinh trưởng trong một gia đình làm nghề thủ công, owr quê ngoại - làng Nghĩa Đô (thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ), nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Quê nội ông ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội). Tô Hoài chỉ học hết bậc Tiểu học, rồi phải làm nhiều nghề trước khi cầm bút. Từ khoảng năm 1940 đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tô Hoài đã sáng tác khá nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại (truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện đồng thoại, hồi kí) với hai đề tài chính: truyện loài vật và truyện về cuộc sống của những người dân nghèo, thợ thủ công ở vùng quê ven thành. Năm 1943, ông gia nhập Hội Văn hoá cứu quốc do Đảng Cộng sản thành lập. Sau Cách mạng tháng Tám và trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông làm báo và hoạt động văn nghệ chủ yếu ở khu Việt Bắc. Năm 1957, khi Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập, ông làm Tổng thư kí, rồi Phó Tổng thư kí trong nhiều năm. Ông còn là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội (1966 - 1996).

Tô Hoài là nhà văn có sức sáng tạo rất dồi dào và bền bỉ. Đến nay, ông đã cho ra đời gần 200 đầu sách với nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí, hồi kí, truyện và kịch cho thiếu nhi, kịch bản phim, kinh nghiệm sáng tác,...

Ông là một trong những nhà văn hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Sáng tác của ông thể hiện vốn hiểu biết phong phú về đời sống, cả nông thôn, thành thị, miền núi, được tái hiện với cảm quan hiện thực đời thường, nghiêng về sinh hoạt, phong tục.

Tô Hoài được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật năm 1996.

Nhà văn Tô Hoài

2. Cuối năm 1952, nhà văn Tô Hoài đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Trong chuyến đi dài tám tháng, nhà văn đã sống với đồng bào các dân tộc ít người từ khu căn cứ du kích trên núi cao đến các bản làng mới giải phóng. Chuyến đi đã giúp cho nhà văn hiểu biết sâu hơn về cuộc sống và con người miền núi, đã để lại cho nhà văn những kỉ niệm sâu sắc, tình cảm thắm thiết với người và cảnh Tây Bắc. Tập Truyện Tây Bắc, mà Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn trong đó, là kết quả tốt đẹp của chuyến đi ấy. Tác phẩm đã được tặng giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955.

3. Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn đặc sắc nhất trong tập Truyện Tây Bắc, cũng là một trong những truyện ngắn hay nhất của văn xuôi Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác phẩm là bức tranh chân thực về cuộc sống và số phận đau khổ của người nông dân nghèo miền núi dưới ách áp bức của các thế lực phong kiến và thực dân, đồng thời là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do của con người miền núi, là hình ảnh con đường giải phóng và cuộc đổi đời của họ nhờ cách mạng.

Truyện kể về số phận của Mị và A Phủ với hai đoạn đời ở Hồng Ngài và ở Phiềng Sa, cũng là hai phần của tác phẩm (SGK chỉ đưa vào phần một, cũng là phần đặc sắc hơn cả của truyện).

Truyện Vợ chồng A Phủ giàu giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Giá trị hiện thực thể hiện tập trung ở sự tái hiện cuộc sống đầy đau khổ của những người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức của bọn chúa đất phong kiến. Tư tưởng nhân đạo thể hiện ở sự cảm thông với những khổ đau, trân trọng những vẻ đẹp cả thể chất và tinh thần, đặc biệt là khẳng định khát vọng sống, khát vọng tự do và sức sống mãnh liệt của những con người nghèo khổ dù bị đẩy vào cảnh ngộ đen tối, khôn cùng.

Nhân vật Mị

a. Số phận đau khổ của Mị và A Phủ trong nhà thống lí Pá Tra

Mị là cô gái trẻ, đẹp, yêu đời, đang trong những ngày xuân, khát khao tình yêu thì bị A Sử bắt về làm vợ, để trừ món nợ mà cha mẹ Mị khi cưới nhau đã vay của thông lí Pá Tra - bố của A Sử. Cuộc sống của Mị trong nhà thông lí Pá Tra là cảnh sống của một kẻ nô lệ cả về tinh thần và thể xác, chỉ có công việc nặng nhọc triền miên, không có tự do, không có tình yêu. Hình ảnh cô Mị lúc nào cũng cúi mặt, buồn rười rượi, không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa và hình ảnh căn buồng của Mị âm u, tăm tối chỉ có cái cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay trông ra củng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng, là những hình ảnh đầy sức ám ảnh về cuộc đời Mị trong nhà thống lí Pá Tra. Sự đầy ải triền miên lại cộng thêm với ách áp chế của thần quyền đã làm cho Mị tê liệt cả về tinh thần, không nghĩ ngợi gì nữa, kể cả việc nghĩ về quá khứ cũng như ý nghĩ về cái chết.

A Phủ cũng là một số phận có nhiều nét tương đồng với Mị là đứa trẻ mồ côi từ nhỏ lớn lên như cái cây rừng đầy sức sông. A Phủ khoẻ mạnh, cường tráng, lao động giỏi, ham thích tự do, thích làm những công việc khó khăn, nặng nhọc và nguy hiểm. Nhưng chàng trai nghèo ấy cũng không thoát khỏi ách áp bức của bọn chúa đất: chỉ vì dám đánh lại A Sử mà anh bị bắt về làm người ở suốt đời cho nhà thống lí Pá Tra. Cảnh xử kiện lạ lùng, tàn bạo, mà A Phủ phải quỳ suốt đêm để chịu đòn, và những lời chửi rủa; cảnh A Phủ bị trói đứng vào cọc trong bếp, suốt mấy ngày chờ chết chỉ vì khi đi chăn bò đã để hổ vồ mất một con bò, đó là những chi tiết có sức tố cáo mạnh mẽ ách áp bức tàn bạo mang tính chất trung cổ của thế lực thông trị ở miền núi trước đây.

b. Sức sống tiềm tàng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của khát vọng sống, khát vọng tự do ở Mị và A Phủ.

Không dừng lại ở sự tố cáo ách thống trị tàn bạo của thế lực phong kiến miền núi, ngòi bút của Tô Hoài còn tập trung, phát hiện, ca ngợi vẻ đẹp và sức sống của những người lao động cùng khổ ở miền núi, cùng với khát vọng tình yêu hạnh phúc, khát vọng tự do ở họ. Cô Mị khi mới bị bắt về nhà Pá Tra đã trốn về nhà mình, quyết ăn lá ngón tự tử chứ không chấp nhận việc bị ép làm vợ A Sử. Nhưng vì thương cha mẹ đã già, không thể trả được món nợ mà cô lại nuốt nước mắt trở lại nhà thông lí. Còn A Phủ, sức sống mạnh mẽ, tinh thần tự do cũng được bộc lộ ngay trong cảnh nhân vật xuất hiện, trong cuộc đánh lại A Sử. Sức sống ấy cũng được biểu lộ bằng sự gan góc, không kêu rên, im lìm như tảng đá trong suốt cái đêm chịu đòn của cuộc xử kiện ở nhà Pá Tra.

Sức sống tiềm tàng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của khát vọng sống, khát vọng tình yêu ở Mị được bộc lộ mãnh liệt trong một đêm mùa xuân. Khung cảnh mùa xuân với những sắc màu rực rỡ, tiếng trẻ con cười đùa, đặc biệt là tiếng sáo gọi bạn tình, rồi không khí bữa rượu ngày Tết ở nhà Pá Tra và nhất là tác động của men rượu: Mị lén lấy hủ rượu, cứ uống ực từng bát, rồi say, tất cả những tác nhân ấy đã đánh thức sức sống và khát vọng tưởng như đã lụi tàn trong cơ thể và tinh thần của Mị. Sự thức tỉnh của Mị giống như một sự sống lại, bắt đầu từ sự thức dậy trong tiềm thức những hồi ức, kỉ niệm quá khứ, rồi Mị sông với tiếng sáo trong lòng, ý thức về thời gian đã trở lại, cùng với nó là khát vọng sống và ý thức về thân phận của mình. Từ ý thức dẫn tới hành động: Mị xắn thêm miếng mỡ để thắp đèn, quân lại tóc, rút váy hoa đi chơi. Mị vẫn sống với những khát khao cháy bỏng theo tiếng sáo đưa mình đến những cuộc chơi, những đám chơi ngay cả khi thân xác bị A Sử trói đứng vào cột nhà.

Sức sống và niềm khao khát hạnh phúc, tình yêu, tự do ở Mị trong cái đêm tình mùa xuân ấy đã bị A Sử dập tắt một cách phũ phàng. Nhưng rồi một dịp khác, nó lại bùng lên mạnh mẽ, trong hành động táo bạo cắt dây trói giải thoát cho A Phủ và giải thoát cho chính mình khỏi kiếp sông nô lệ ở nhà Pá Tra. Lúc đầu, A Phủ bị trói, Mị vẫn thản nhiên như một người đã quá quen với những cảnh ngang trái trong nhà Pá Tra. Nhưng rồi một đêm, qua ánh lửa bếp, nhìn sang thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm mả đã xám đen lại - biểu hiện của sự đau đớn tuyệt vọng của chàng trai gan góc, khoẻ mạnh, thì Mị chợt xúc động, trào lên một nỗi đồng cảm với thân phận của A Phủ, rồi tình thương đã thắng mọi nỗi sợ hãi ở Mị, kể cả ý nghĩ nếu mình cứu A Phủ, sáng mai ra có thể Mị bị trói thay vào đó, cũng không làm cho cô thấy sợ. Tình thương và sự đồng cảm giai cấp đã dẫn đến hành động táo bạo: MỊ cắt dây trói cứu A Phủ và khát vọng sống đã bùng lên ở Mị, cô đã chạy theo A Phủ để giải thoát cuộc đời mình.

Vợ chồng A Phủ

4. Thành công của tác phẩm gây được ấn tượng sâu sắc là ở nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nhân vật vừa mang tính tiêu biểu cho tầng lớp giai cấp vừa có được những nét cá tính khá rõ. A Phủ thì mạnh mẽ, gan góc mà bộc trực, cả tin, chất phác. Mị giàu sức sống nhưng trầm lắng hơn, có một đời sống nội tâm sôi nổi dưới vẻ ngoài lặng lẽ.

Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo, tinh tế, nhất là ở nhân vật Mị. Những đoạn miêu tả diễn biến trong tâm hồn Mị, sự thức tỉnh của lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc của Mị, là những đoạn văn đặc sắc. Điều này càng có ý nghĩa khi đặt trong tình hình chung của văn xuôi thời kháng chiến chông thực dân Pháp, mà nghệ thuật miêu tả tâm lí chưa phải đã được chú ý đúng mức. Nghệ thuật trần thuật của Tô Hoài trong Vợ chồng A Phủ cũng rất thành công. Mặc dù sử dụng cách trần thuật từ ngôi thứ ba, nhưng ở nhiều đoạn, người trần thuật đã nhập vào tâm trạng, ý nghĩ, ngôn ngữ của nhân vật, chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong (tiêu biểu là ở hai cảnh: đêm xuân Mị - muốn đi chơi và cảnh đêm Mị cắt dây trói cứu A Phủ). Sự kết hợp các phương thức kể với miêu tả, biểu cảm một cách tự nhiên và thích hợp, giúp cho tác giả vừa mở rộng được thời gian, sự kiện tái hiện được quá khứ của nhân vật, đồng thời lại dựng được nhiều bức tranh sinh hoạt, phong tục và làm hiện lên cả thế giới nội tâm của nhân vật. Nghệ thuật tự sự của Tô Hoài còn tạo sức hấp dẫn ở việc sáng tạo tình huống và sử dụng những chi tiết nghệ thuật đặc sắc (chẳng hạn như tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân, dòng nước mắt của A Phủ trong đêm MỊ cắt dây trói cứu A Phủ).

Vợ chồng A Phủ còn lôi cuốn người đọc bởi chất thơ trong sáng vời vợi. Chất thơ ấy toát lên từ chủ đề của tác phẩm, từ tâm hồn đôn hậu, chất phác của hai nhân vật chính và thấm đượm trong những bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc và đường nét uyển chuyển, hài hoà những cảnh sinh hoạt, phong tục giàu chất trữ tình của đồng bào miền núi,...

Leave a Reply