Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) để làm sáng tỏ chất sử thi trong văn học chống Mĩ

Nguyễn Trung Thành là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam thời chống Mĩ. Từ Đất nước đứng lên đến Rừng xà nu, chất sử thi dường như đã là đặc điểm quen thuộc của văn xuôi Nguyễn Trung Thành. Vì vậy, đến với Rừng xà nu, ấn tượng đọng lại sâu sắc nhất là chất sử thi trong văn học chống Mĩ.

Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu để làm sáng tỏ chất sử thi trong văn học chống Mĩ

Rừng xà nu được sáng tác vào hè năm 1965 - thời kì chiến tranh chống Mĩ diễn ra ác liệt ở miền Nam. Nhà văn đã từng gọi đó là thời mà ai cũng muốn viết một “Hịch tướng sĩ” của thời chống Mĩ. Rừng xà nu được hoàn thành và in trong tập truyện Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (1969). Truyện ngắn như một trường ca của Tây Nguyên với chất sử thi đậm nét. Sử thi là một thể loại của văn học dân gian, cũng là một đặc điểm của văn học. Tính sử thi trong văn học chỉ những tác phẩm đề cập đến những vấn đề lớn lao của cộng đồng trong mối quan hệ với dân tộc. Nhân vật sử thi tiêu biểu cho sức mạnh cộng đồng, kết tinh những vẻ đẹp của nhiều thế hệ. Trong văn học thời kì chống Pháp, chất sử thi đã được thể hiện trong Đất nước (Nguyễn Đình Thi) hay Việt Bắc (Tố Hữu). Nhưng có lẽ, đến văn học thời chống Mĩ, đặc điểm ấy mới được thể hiện rõ nét, đặc biệt là trong tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành). Kết tinh những đặc điểm của chất sử thi về đề tài, chủ đề, xây dựng những hình tượng kết tinh rõ nét chủ đề, tư tưởng tác phẩm, nghệ thuật trần thuật, ngôn ngữ và giọng điệu, Rừng xà nu xứng đáng là bản anh hùng ca của Tây Nguyên, của thời “Đất nước đứng lên”.

Trước hết, chất sử thi được thể hiện trong đề tài và chủ đề của tác phẩm Rừng xà nu. Truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh - là một trong những đề tài quen thuộc của văn học thời kì kháng chiến. Nhưng có lẽ, ít có tác phẩm nào lại thể hiện một cuộc đối đầu trực tiếp với nhân dân ta và giặc Mĩ xâm lược sống động như Rừng xà nu. Chất sử thi của tác phẩm được thể hiện trong cuộc đấu tranh của dân làng Xô Man với bọn tay sai của Mĩ ở Tây Nguyên đầy gian lao, thử thách. Đó là những sự việc có tính thời đại, tính dân tộc sâu sắc. Đúng như một nhà triết học đã từng nhận xét: Đề tài nổi bật nhất của sử thi hiện đại là chiến tranh. Không chỉ vậy, chủ đề của Rừng xà nu cũng kết tinh sâu sắc chất sử thi. Trước hết, tác phẩm khẳng định cuộc đấu tranh mà dân tộc ta đã lựa chọn. Không gian nghệ thuật của tác phẩm về cơ bản chỉ giới hạn trong một buôn làng nhỏ của Tây Nguyên nhưng cảnh sắc, con người đều mang đến cho người đọc những cảm giác mới mẻ. Tuy nhiên, tác phẩm không phải một bài thuyết minh cho cảnh sắc của xứ lạ, phương xa mà cảm hứng được khởi nguồn từ những vấn đề trọng đại nhất của lịch sử đất nước. Đó là cách mạng miền Nam phải làm gì trước sự điên cuồng khủng bố của giặc Mĩ? Vì vậy, tác phẩm là sự biểu dương bằng nghệ thuật cho chân lí mà dân tộc ta đã chọn: cầm vũ khí đứng lên giải phóng đất nước. Chân lí ấy đã được thể hiện trong câu nói của cụ Mết: “Chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo”. Đồng thời, chủ đề của tác phẩm còn được thể hiện ở việc ngợi ca vẻ đẹp của cảnh sắc và con người Tây Nguyên. Rừng xà nu kết tinh sâu sắc vẻ đẹp của một vùng miền, qua đó khẳng định ý chí, lòng dũng cảm, kiên cường của những con người đã ngã xuống bảo vệ Tổ quốc. Nó ngợi ca cuộc chiến tranh vì chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Cuộc đấu tranh của dân làng Xô Man với bọn tay sai của Mĩ

Bên cạnh đó, việc xây dựng hình tượng kết tinh sâu sắc chủ đề tư tưởng của tác phẩm cũng là một biểu hiện của chất sử thi trong Rừng xà nu. Đầu tiên, đó là việc xây dựng hình tượng cây xà nu, rừng xà nu. vị trí trung tâm của tác phẩm: Cây xà nu, rừng xà nu làm nền cho câu chuyện làng Xô Man đánh Mĩ. Hình ảnh của nó đã trở đi trở lại trong tác phẩm. Đối với kết cấu của truyện, hình ảnh mở đầu và kết thúc chính là: “Những cây xà nu nối tiếp nhau đến tận chân trời”. Sự bạt ngàn, sinh sôi nảy nở của cây xà nu, rừng xà nu là sự tiếp nối bản hùng ca của đất Tây Nguyên. Hình ảnh cây xà nu, rừng xà nu và những biến thể của nó xuất hiện đến hơn hai mươi lần trong tác phẩm đã khẳng định vị trí trung tâm của rừng xà nu. Đồng thời, cây xà nu, rừng xà nu được xem như một nhân vật trong tác phẩm. Cây xà nu, rừng xà nu được miêu tả qua các thế hệ như những sinh thể sống động, có hồn. Từ đó, nó không chỉ mang ý nghĩa tả thực cho sức sống, vẻ đẹp lãng mạn thi vị của thiên nhiên Tây Nguyên mà còn mang ý nghĩa ẩn dụ cho số phận con người Tây Nguyên. Cuộc chiến đấu ác liệt của dân làng Xô Man được ghi lại qua hình ảnh cây xà nu, rừng xà nu với nhiều đau thương, mất mát. Từng giọt nhựa ứa ra từ thân cây xà nu như bằng chứng tố cáo về tội ác của kẻ thù. Đó cũng chính là nỗi đau mà con người Tây Nguyên phải gánh chịu. Cây xà nu, rừng xà nu còn là biểu tượng cho vẻ đẹp của con người Tây Nguyên với sức sống mãnh liệt dẻo dai, khát vọng tự do và ý chí kiên cường, bất khuất.

Bên cạnh hình tượng thiên nhiên là hình tượng con người thể hiện sâu sắc chất sử thi của Rừng xà nu. Nguyễn Trung Thành đã xây dựng thành công chân dung của một tập thể anh hùng. Đọc truyện ngắn, người đọc vô cùng ấn tượng với nhân vật anh Quyết. Anh là một hình tượng đẹp về người chiến sĩ cách mạng, mang trong mình lí tưởng sống cao đẹp và gìn giữ ngọn lửa đấu tranh cho dân làng Xô Man nói riêng và người Tây Nguyên nói chung. Hình tượng anh Quyết như Anh Thể trong Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc) hay A Châu trong Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài). Bên cạnh đó, hình ảnh cụ Mết cũng là một trong những hình ảnh làm nên bức tượng đài anh hùng của người Tây Nguyên. Cụ Mết như nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giáo dục cho con cháu những bài học đấu tranh. Ở phương diện nghệ thuật, cụ Mết là biểu tượng của Tây Nguyên. Hình ảnh của cụ mỗi khi xuất hiện đều gắn liền với cây xà nu. Cụ Mết là nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, tạo màu sắc Tây Nguyên đậm đà trên từng trang viết và góp phần làm nên âm hưởng trầm hùng, vang vọng rất sử thi.

Gìn giữ ngọn lửa đấu tranh cho dân làng Xô Man

Song có lẽ, nhân vật kết tinh sâu sắc tính sử thi nhất trong Rừng xà nu là Tnú. Anh mang trong mình vẻ đẹp kiên cường, bất khuất của một người chiến sĩ cộng sản và vẻ đẹp nghĩa tình sâu nặng của một con người yêu quê hương, gia đình tha thiết. Hai vẻ đẹp kết tinh trong một con người đã trở thành truyền thống cao đẹp của con người Tây Nguyên. Nếu như trong văn học thời kháng chiến, các nhà thơ, nhà văn thường né tránh khi nói về tình cảm riêng tư thì ở Tnú, Nguyễn Trung Thành đã khéo léo hoà quyện tình yêu đất nước, tình yêu quê hương với tình cảm gia đình thiêng liêng. Tình cảm nhỏ làm nền tảng cho những tình cảm lớn và những tình cảm lớn làm nghị lực đấu tranh cho những tình cảm nhỏ bé. Đó chính là nguồn cội của chất sử thi. Cùng với Tnú, các thế hệ như Mai, Dít, Heng góp phần làm hoàn thiện bức tượng đài về một tập thể anh hùng. Nếu Mai là một người bạn, một người vợ trưởng thành cùng Tnú thì Dít, Heng là những thế hệ đi sau. Họ sẽ gánh vác trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ quê hương, ở mỗi nhân vật có một nét cá tính khác nhau nhưng họ đều gặp nhau ở tình yêu quê hương, đất nước, ở ý chí kiên cường, bất khuất, những vẻ đẹp giàu sức sống của con người Tây Nguyên.

Đồng thời, chất sử thi trong Rừng xà nu còn được thể hiện ở nghệ thuật trần thuật. Trước hết, cốt truyện của tác phẩm rất đặc biệt. Rừng xà nu kể về hai câu chuyện: Chuyện về lịch sử nổi dậy của dân làng Xô Man và chuyên kể về cuộc đời Tnú. Hai câu chuyện lồng vào nhau, chỉ được kể trong một đêm và qua lời của một già làng với giọng kể trang trọng như truyền cho các thế hệ con cháu lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Cách trần thuật gợi cho người đọc nhớ tới cách kể “khan” của dân tộc Tây Nguyên và hình ảnh xa xưa khi các thế hệ người dân Tây Nguyên ngồi bên bếp lửa kể cho nhau nghe những câu chuyện sử thi huyền thoại. Nếu văn học dân gian kể về lịch sử mang màu sắc huyền thoại thì truyện Rừng xà nu là câu chuyện thời hiện đại được kể mang màu sắc lịch sử. Đó là chất sử thi đậm nét trong tác phẩm. Trong nghệ thuật trần thuật, kết cấu của tác phẩm cũng thể hiện chất sử thi sâu sắc. Mở đầu và kết thúc chuyện đều là hình ảnh cây xà nu, rừng xà nu. Những hình ảnh ây mở ra một không gian hùng vĩ, hoành tráng, tạo nên kết cấu trùng điệp là một biểu hiện của tính sử thi.

Cuối cùng, giọng điệu và ngôn ngữ của tác phẩm Rừng xà nu mang dấu ấn đậm nét của chất sử thi. Giọng điệu phong phú, khi ngợi ca, thành kính trước vẻ đẹp của những anh hùng, khi bi tráng trước những đau thương mất,mát, lúc lại hào hùng trước sự vùng lên của quần chúng cách mạng Rừng xà nu mang những đặc sắc của chất sử thi. Bên cạnh đó, ngôn ngữ truyện giàu tính tạo hình, giàu nhạc điệu, sử dụng sáng tạo các biện pháp tu từ đã tạo ra âm vang sử thi sâu sắc.

Qua sự kết hợp của các yếu tố như đề tài, chủ đề, cách xây dựng các hình tượng, nghệ thuật trần thuật, ngôn ngữ và giọng điệu, Rừng xà nu xứng đáng là một tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi trong văn học thời chống Mĩ. Đó cũng là nét riêng độc đáo trong nghệ thuật truyện ngắn của Nguyễn Trung Thành. Nếu như cùng thời kì đó, Nguyễn Minh Châu có những tác phẩm thể hiện đậm nét cảm hứng lãng mạn, hướng đến những Mảnh trăng cuối rùng xa xôi để thi vị hoá cuộc đấu tranh của dân tộc thì Nguyễn Trung Thành gắn những sáng tác của mình với khuynh hướng sử thi - một trong những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam 1945 - 1975 để tái hiện chân thực và ngợi ca một thời chiến đấu gian khổ, oanh liệt của nhân dân ta.

Đúng như bút danh mà Nguyễn Văn Báu đã chọn - Nguyễn Trung Thành phải chăng đó là sự gắn bó với văn chương, với chất sử thi đầy độc đáo mà ông đem lại cho văn học Việt Nam!

Leave a Reply