Phân tích văn bản Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của Phạm Văn Đồng

I. GIỚI THIỆU

1. Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc ta trong thời cận đại (nửa cuối thế kỉ XIX). Ông là một nhà nho, một nhà giáo, một thầy thuốc suốt đời tôn thờ đại nghĩa. Khi Tổ quốc lâm nguy, Nguyễn Đình Chiểu đã đem hết sức mình để cứu nước, cứu dân.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã trở thành một gương sáng về khí phách Nam Bộ. Thơ văn ông đã có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt đối với người dân Nam Bộ. Khi ông mất, "cả cánh đồng Ba Tri (quê ông) trắng khăn tang".

2. Từ sau hiệp định Giơ-ne-vơ, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trở thành ranh giới phân chia hai miền Bắc - Nam. Miền Nam "đi trước về sau"; là "máu của máu Việt Nam" đang đứng trước nguy cơ xâm lược ồ ạt của đế quốc Mĩ. Cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam còn phải kinh qua nhiều hi sinh khốc liệt. Việc truyền bá, phổ biến những giá trị văn chương của Nguyễn Đình Chiểu về tinh thần đại nghĩa, tinh thần quật khởi, đánh giặc chống xâm lăng là điều có ý nghĩa lớn đối với cuộc chiến đấu chống Mĩ.

3. Phạm Văn Đồng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng về đạo đức, tài năng và học thuật. Tiếng nói của Phạm Văn Đồng về Nguyễn Đình Chiểu trong tình hình đất nước lúc ấy (1963) có một giá trị không chỉ về mặt nghiên cứư văn học mà còn có ý nghĩa chính trị và đời sống rất lớn.

Nguyễn Đình Chiểu

II. PHÂN TÍCH

1. Cảm nhận chung về văn bản

(1) Bài viết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về sự nghiệp thơ văn của một nhà thơ yêu nước lớn nhất trong hoàn cảnh Tổ quốc trước hoạ xâm lăng của thực dân Pháp.

(2) Bài viết là một văn bản nghị luận văn học. Văn bản có 3 phần:

a. Đặt vấn đề:

Nêu lí do của vấn đề:

- Nguyễn Đình Chiểu - ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ của dân tộc, đáng lẽ phải sáng hơn nữa nhất là trong lúc này.

- Một số đánh giá thiên lệch về Nguyễn Đình Chiểu.

b. Giải quyết vấn đề. (có hai luận điểm chính)

- Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ yêu nước.

- Nguyễn Đình Chiểu với tác phẩm Lục Vân Tiên.

c. Kết thúc: Khẳng định lại vị trí về đời sống và sự nghiệp văn chương lớn lao của Nguyễn Đình Chiểu, đặc biệt là bộ phận thơ văn yêu nước.

2. Phân tích các hệ thống luận điểm, cách lập luận

Phần 1: Đặt vấn đề

a. Ngay phần đặt vấn đề, tác giả đã khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là một ngôi sao "đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc".

b. Tác giả ví Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao "có ánh sáng khác thường", phải nhìn chăm chú mới thấy.

Nhận xét:

- Cách đặt vấn đề vừa trực tiếp nêu ra vấn đề vừa gián tiếp phê phán cách tiếp nhận thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, "nhất là trong lúc này" - khi mà nhân dân miền Nam đang chuẩn bị bước vào cuộc chiến chông Mĩ quyết liệt nhất trong lịch sử dân tộc.

- Cách đặt vấn đề này của tác giả đã có ý thức tỉnh về hai phương diện: văn học và cuộc sống.

Phần 2: Giải quyết vấn đề

a. Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ yêu nước lớn:

- Trong sự nghiệp thơ văn của mình, phần thơ văn chống giặc và yêu nước được Nguyễn Đình Chiểu viết sau nhưng trong bài viết này, tác giả đưa lên trước và khẳng định tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu "là những trang bất hủ". Đây là một cấu trúc có dụng ý. Cả hai lần nhân dân miền Nam đều đi đầu đánh giặc (Pháp và Mĩ). Cả hai lần, cuộc chiến đấu đều hết sức gay go và quyết liệt bởi sự tương quan lực lượng. Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu có một vai trò rất lớn đốì với lịch sử lúc bấy giờ.

- Tác giả chú ý tới hoàn cảnh xuất thân, xuất thế của Nguyễn Đình Chiểu: cảnh đất nước lâm nguy, vua chúa cầu an bán nước, cuộc đời một nho sĩ thất thế gánh trên vai cả một trời bất hạnh. Nhưng vượt lên tất cả, Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành một nhà văn, nhà thơ - người chiến sĩ trên mặt trận tinh thần, là một "tấm gương anh dũng".

- Tác giả rất chú ý khẳng định cái nghĩa khí của Nguyễn Đình Chiểu, cái nghĩa khí ấy đã trở thành những quan điểm văn chương tiến bộ, đặc biệt trong hoàn cảnh ấy: Đó là một quan điểm "cao cả, rạng rỡ".

- Phần chính của luận điểm này, tác giả khẳng định: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu làm sống lại một thời kháng Pháp khó khăn nhưng oanh liệt. Tác giả dẫn nhiều dẫn chứng tiêu biểu về thơ văn chống Pháp, ca ngợi những nghĩa cử đánh Pháp của Nguyễn Đình Chiểu với một tấm lòng trân trọng, mến yêu và cảm phục. Điều này chứng tỏ tác giả rất am hiểu và trân trọng đối với những trang viết của một "hiệp sĩ mù".

b. Nguyễn Đình Chiểu với "Lục Vân Tiên":

- Lục Vân Tiên là sáng tác ở thời kì đầu của Nguyễn Đình Chiểu. Tác phẩm như một tự truyện về bản thân. Với truyện thơ này, Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện những quan điểm rất tiến bộ về "đạo nghĩa". Bởi vậy, nhân dân Nam Bộ thời ấy đã xem Lục Vân Tiên như một Truyện Kiều của họ.

- Nhận xét, đánh giá không dài nhưng tác giả bài viết đã tóm lược được cái "thần" của một tác phẩm lớn. Bài viết đã gần như nhận xét được một cách toàn diện về quan điểm, đạo lí, tài năng và tấm lòng Nguyễn Đình Chiểu kí thác vào truyện thơ Lục Vân Tiên.

- Trên một phương diện nào đó, cũng có thể xem Lục Vân Tiên là những tiền đề, tiền thân cho thơ văn yêu nước chông Pháp của Nguyễn Đình Chiểu. Bởi cái "nghĩa khí của dân Nam Bộ" chính là cái gốc của tinh thần đánh Pháp trong suốt gần 20 năm của nhân dân miền Nam. Nó cũng chính là cái gốc cho Nguyễn Đình Chiểu chòi từ bổng lộc để đến với Phan Tòng - Trương Định.

Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

Phần 3: Kết thúc vấn đề

Tác giả nêu 2 ý:

a. Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn.

b. Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng về vị trí, tác dụng của văn học, về việc nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng.

Nhận xét: Kết luận như vậy, mặc nhiên tác giả đã nêu lên một định hướng lớn cho người nghệ sĩ của đất nước trong thời kì mới:

- Nguyễn Đình Chiểu là chiến sĩ chiến đấu bằng thơ văn.

- Thơ văn trong hoàn cảnh đất nước có giặc phải là một mặt trận và người nghệ sĩ phải là người chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Tóm lại:

1. Giá trị nội dung: Năm 1963 là thời kì chiến trường đánh Mĩ ở miền Nam đang có những chuyển biến lớn, cuộc chiến bắt đầu cam go, phức tạp, quyết liệt. Vì vậy bài viết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chứa một ẩn ý sâu xa: Dĩ nhiên, Nguyễn Đình Chiểu đã là một nhà thơ lớn của dân tộc. Nhưng, bài viết này chỉ lấy Nguyễn Đình Chiểu làm một nguyên cớ để người viết với tư cách là một nhà lãnh đạo đề xuất những ý kiến định hướng:

- Phải nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu một cách toàn diện và chú trọng hơn phần thơ văn yêu nước chống giặc.

- Biết sử dụng thơ văn Nguyễn Đình Chiểu như một vũ khí tinh thần cho nhân dân Miền Nam đánh Mĩ, phải biết phát huy tinh thần vì đại nghĩa của nhân dân Nam Bộ.

2. Thể loại văn bản: Nếu Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh là một kiểu mẫu về văn bản nghị luận chính trị xã hội thì Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc có thể xem như một kiểu mẫu về thể loại nghị luận vãn học: cách nhìn, cách nghĩ mới mẻ, sâu rộng, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, dẫn chứng hùng hồn. Đặc biệt tình cảm của người viết thể hiện trong tác phẩm rất rõ bằng một lớp ngôn ngữ truyền cảm.

Nhưng hơn thế, bài viết thể hiện một cảm xúc dâng trào, một tấm lòng thành kính, một thái độ nghiêm túc nên có tác dụng lôi cuốn mạnh mẽ, có sức lay động lớn đối với người đọc.

Leave a Reply