Phân tích vẻ đẹp con người, sông Hương trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Mỗi nhà văn thực sự có phong cách đều mang trong mình “thanh nam châm” riêng để hút những gì thích hợp vào nó. Nếu như Nguyễn Trung Thành gắn bó với con người và vùng đất Tây Nguyên. Nguyễn Thi tìm đến mảnh đất Nam Bộ thì “thanh nam châm” trong con người Hoàng Phủ Ngọc Tường lại hút ông về phía cảnh vật và con người xứ Huế. Ông viết về xứ Huế bằng một trái tim say đắm, một trí tưởng tượng phong phú, một vốn ngôn từ tinh luyện và một kho tri thức uyên bác để tạo nên những trang văn vừa đẹp vừa sang, vừa lấp lánh trí tuệ vừa chan chứa ân tình. Ai đã đặt tên cho dòng sông? là một trong số những trang văn như thế. Tác phẩm đã cho người đọc thấy sự khám phá độc đáo tinh tế vẻ đẹp về nhiều mặt của dòng sông Hương - một dòng sông gắn liền với xứ Huế mộng mơ.

Phân tích vẻ đẹp con người, sông Hương trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông

Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bài tuỳ bút được rút từ tập bút kí cùng tên xuất bản 1986 của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Giá trị của bài tuỳ bút nằm ở những phát hiện phong phú, độc đáo về vẻ đẹp nhiều mặt của sông Hương, nhờ một cái tôi tài hoa uyên bác, dạt dào tình cảm với cảnh vật và con người xứ Huế. Vẻ đẹp của dòng sông Hương được tác giả khám phá trên ba phương diện: Đó là vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, vẻ đẹp được khám phá ở góc độ văn hoá và vẻ đẹp gắn với những sự kiện lịch sử - “một vẻ đẹp sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”, ở góc độ nào, vẻ đẹp của sông Hương cũng hiện lên thật đằm thắm, trọn vẹn.

Vẻ đẹp của sông Hương trước hết được Hoàng Phủ Ngọc Tường khám phá ở vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên. Quan sát dòng sông tác giả phối hợp cùng một lúc nhiều điểm nhìn nghệ thuật khác nhau nhưng đều thống nhất trong một cái nhìn bao quát, toàn diện. Vẻ đẹp sông Hương luôn gắn liền với vẻ đẹp xứ Huế cố đô xưa của Tổ quốc. Tác giả đã khẳng định: Chỉ sông Hương thuộc về một thành phố duy nhất, và cảm nhận mối quan hệ giữa sông Hương và xứ Huế như “người tình” đến “đánh thức người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại”. Điểm nhìn nghệ thuật đó khiến sông Hương hiện lên để vừa khám phá vẻ đẹp của chính mình và vừa dâng hiến để làm nên vẻ đẹp của xứ Huế. Một điểm nhìn nghệ thuật độc đáo và lãng mạn!

Từ điểm nhìn nghệ thuật đó, cảnh sắc thiên nhiên của sông Hương hiện lên qua một sự miêu tả sông Hương ở thượng nguồn và ở vùng đồng bằng. Trước hết, ở thượng nguồn, sông Hương hiện lên vừa dữ dội, hùng vĩ, vừa dịu dàng nữ tính. Nét dữ dội, hùng vĩ của sông Hương được đặc tả qua nghệ thuật so sánh như một bản trường ca của rừng già. Nó khiến sông Hương hiện lên như ẩn chứa sự hùng vĩ, sức mạnh và cả bí ẩn của núi rừng. Một loạt từ ngữ “rầm rộ”, “mãnh liệt”, “cuộn xoáy” cùng sự liên tưởng độc đáo, sông Hương cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, càng làm tăng sự bí ẩn, hoang dã của sông Hương. Nghệ thuật so sánh kết hợp nhân hoá sông Hương như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại đã khiến sông Hương hiện lên như một sinh thể có hồn, có đời sống riêng, một đời sống rất sôi động mãnh liệt. Nói đến dòng sông Hương, người ta thường chỉ nghĩ đến vẻ đẹp dịu dàng thơ mộng nhưng ở đây Hoàng Phủ Ngọc Tường còn thấy đó là một dòng sông dữ dội, hùng vĩ - một phát hiện bất ngờ và sâu sắc về sông Hương. Nhưng dù mang trong mình sự dữ dội, hùng vĩ, con sông Hương vẫn ẩn chứa nét dịu dàng khi được “rừng già chế ngự bản năng”. Với những câu văn giàu hình ảnh, tác giả đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp phong phú, đa dạng của sông Hương ở thượng nguồn.

Vẻ đẹp êm đềm thơ mộng xinh xắn của sông Hương

Bên cạnh việc miêu tả vẻ đẹp sông Hương ở thượng nguồn, cảnh sắc thiên nhiên sông Hương còn được khắc họa ở hình ảnh con sông Hương khi về đồng bằng. Đó là một vẻ đẹp “dịu dàng, trí tuệ” như những gì vốn có của nó. Qua việc sử dụng ngôn ngữ hết sức tài hoa tinh tế, tác giả đã thâu tóm được những nét đẹp nổi bật làm nên sức hấp dẫn mê hồn của sông Hương - “người mẹ phù sa của nền văn hoá xứ sở”. Bằng nghệ thuật nhân hoá “người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng” quen thuộc nhưng được soi chiếu dưới một điểm nhìn nghệ thuật mới lạ đã làm nổi bật sự gắn bó của sông Hương với xứ Huế trong hành trình lịch sử, đồng thời cũng làm nổi bật vẻ đẹp lâu đời mang đậm dấu ấn văn hoá tinh thần của xứ Huế. Nét đẹp dịu đàng của sông Hương còn được Hoàng Phủ Ngọc Tường nhẹ nhàng vẽ nên bằng những câu văn miêu tả hành trình của sông Hương như “cuộc kiếm tìm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó”. Nghệ thuật nhân hoá đã làm nổi bật dáng vẻ uốn lượn hoà lẫn trong đó là vẻ đẹp nữ tính của sông Hương khi tìm về với thành phố Huế. Bên cạnh nghệ thuật nhân hoá, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn rất tài hoa khi sử dụng hàng loạt hình ảnh so sánh “Dòng sông mềm như tấm lụa, thuyền trên sông thì chỉ bé bằng con thoi,...” Tất cả đã làm nổi bật vẻ đẹp êm đềm thơ mộng xinh xắn của sông Hương, qua đó còn cho ta thấy sự trân trọng, nâng niu của tác giả đối với cảnh sắc thiên nhiên. Hoàng Phủ Ngọc Tường đặc biệt tài hoa khi so sánh “chiếc cầu trắng của thành phố nhỏ nhắn như những vành trăng non”. Biện pháp so sánh này đã làm nổi bật hình dáng xinh xắn, thanh tú của những nhịp cầu ở Huế, đồng thời cũng nổi bật vẻ đẹp thấp thoáng, gợi sự khám phá kiếm tìm. Hình ảnh so sánh độc đáo “nhỏ nhắn như vành trăng non” đã tô đậm vẻ đẹp được nhìn từ nhiều góc độ, trong đó có cả màu sắc của cầu, ánh sáng của bầu trời và có cả nét đẹp dịu dàng duyên dáng của những cô gái Huế. Một nét bừng sáng ở phía chân trời xa mà không chói chang, thể hiện một niềm vui, sự ngỡ ngàng mà không ồn ào. Một nét rất Huế trong cảm nhận của một con người rất yêu Huế. Nét dịu dàng, trữ tình đó của dòng sông Hương tiếp tục được khám phá trong hình ảnh so sánh: “sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến, đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Tác giả đã rất tài khi sử dụng một hình ảnh so sánh độc đáo đến vậy. Ông đã so sánh sông Hương - một vật thể hữu hình với tiếng “vâng không nói ra của tình yêu” - một điều vô hình dường như còn rất mơ hồ. Hình ảnh so sánh này thống nhất trong điểm nhìn nghệ thuật về sự gắn bó giữa sông Hương và xứ Huế - sự gắn bó bằng một tình yêu, đồng thời cũng là một cách diễn đạt rất tinh tế về vẽ đẹp tình tứ kín đáo của sông Hương - điều tạo nên nét thâm trầm duyên dáng riêng của Huế.

Như vậy, khám phá từ góc độ cảnh sắc thiên nhiên, tác giả dã khắc họa vẻ đẹp rất phong phú của một dòng sông thiên nhiên: vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, vừa đằm thắm trữ tình. Đặc biệt hơn, tác giả nhận ra vẽ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Hương đã trở thành niềm thơ, nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo nghệ thuật. Đây là cơ sở dẫn đến những khám phá vẻ đẹp sông Hương ở góc độ thứ hai - góc độ văn hoá.

Quan sát sông Hương ở góc độ văn hoá, trước hết tác giả nhận ra: sông Hương bao giờ cũng gắn liền với nền âm nhạc cổ điển Huế. Tác giả phát hiện sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya để đi tới khẳng định “toàn bộ nền âm nhạc cổ điển của Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này”. Có lẽ bởi vậy mà ca Huế trên sông Hương luôn là nét văn hoá hấp dẫn bất cứ du khách nào lần đầu mới đến với Huế. Nghĩ đến nền âm nhạc cổ điển Huế, tác giả đã liên tưởng đến “tiếng nước rơi bán âm” của những mái chèo khuya. Nó cho ta thấy độ nhạy về thẩm âm và sự hiểu biết sâu sắc về âm nhạc xứ Huế của tác giả. Điều này thể hiện rất rõ sự tài hoa uyên bác - một trong những nét phong cách rất đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường - một cây bút có những hiểu biết phong phú và sâu sắc về lịch sử, văn hoá và thiên nhiên xứ Huế. Tìm đến sông Hương trong vẻ đẹp gắn liền với nền âm nhạc cổ điển, tác giả còn liên tưởng đến Nguyễn Du “đã bao năm lênh đênh trên quãng sông này, với một phiến trăng sầu”, liên tưởng đến bản đàn đã đi suốt cuộc đời Kiều. Một liên tưởng bất ngờ như một bằng chứng về sự gặp gỡ tâm hồn nghệ sĩ cổ kim trên dòng sông Hương Giang. Điệu hò dân gian vang lên khi “Sông Hương chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả: “còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ,...””. Nó cho thấy đạo lí sông thuỷ chung son sắt của người Huế được gửi gắm qua những điệu hò dân gian - những điệu hò được lưu truyền vang vọng trên khắp dòng sông Hương.

Có một dòng sông thi ca về sông Hương

Khám phá sông Hương từ góc độ văn hoá, tác giả không chỉ nhận ra sông Hương gắn với nền âm nhạc cổ điển Huế mà nó còn gắn liền với thơ ca. Tác giả đã khẳng định “Có một dòng sông thi ca về sông Hương”. Dường như vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Hương đã tạo nên một cảm hứng nghệ thuật bất diệt đối với các nhà thơ. Điều đặc biệt hơn sông Hương “không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ”. Có rất nhiều khám phá về sông Hương nhưng mỗi khám phá lại gắn liền với một vẻ đẹp độc đáo của dòng sông thơ mộng này. Tản Đà thì khám phá đó là “dòng sông trắng - lá cây xanh”, Cao Bá Quát lại đến với sông Hương trong cảm nhận “như kiếm dựng trời xanh”, còn ở Bà Huyện Thanh Quang nó lại là “nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều lảng bảng”. Ở thơ Tố Hữu nó là sức mạnh phục sinh của những kiếp giang hồ “Trên dòng Hương Giang”. Và sông Hương cũng chính là nơi sản sinh ra Ai đã đặt tên cho dòng sông? - một tác phẩm xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Không chỉ gắn bó với nền âm nhạc cổ điển Huế, gắn với thơ ca, vẻ đẹp sông Hương được khám phá từ góc độ văn hoá còn có sự gắn bó với những phong tục tập quán, bản sắc văn hoá độc đáo của xứ Huế. Đó là màu của áo điều lục mà thuở ấy các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương giáng, được tác giả cảm nhận “cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương”. Đó là “điệu chảy lặng tờ” của dòng sông được cảm nhận qua “trăm nghìn ánh hoa đang bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng bảy từ điện Hòn Chén trôi về” Tất cả đều là những nét riêng rất Huế được lưu giữ trên sông Hương.

Như vậy, qua cảm nhận về sông Hương gắn liền với âm nhạc, với thi ca và với phong tục tập quán, bản sắc văn hoá độc đáo của xứ Huế, tác giả đã khám phá trọn vẹn sông Hương ở góc độ văn hoá. Cùng là những vẻ đẹp vĩnh hằng nhưng nếu vẻ đẹp của cảnh đẹp thiên nhiên là do tạo hoá ban tặng thì vẻ đẹp Sông Hương từ góc độ văn hoá lại do con người xứ Huế từ bao đời nay đã tồn tại trên dòng sông Hương. Nếu vẻ đẹp thiên nhiên là vẻ đẹp hiện hữu thì vẻ đẹp văn hoá của sông Hương lại là một vẻ đẹp tiềm ẩn mà chỉ đến với Huế, đến với sông Hương, sông cùng nó thì người ta mới hiểu được nó, mới biết trân trọng nét văn hoá từ bao đời nay của Huế được hình thành và gắn bó trên sông Hương.

Sông Hương - “một thiên sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”

Không chỉ được khám phá ở vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, vẻ đẹp từ góc độ văn hoá mà con sông Hương còn được khám phá ở vẻ đẹp nhìn từ góc độ lịch sử Sông Hương được coi là “dòng sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”. Nói đến sông Hương xứ Huế, người ta thường chỉ thấy “Huế đẹp và thơ” (Nam Trân) hoặc “Đây xứ mơ màng đây xứ thơ” (Tố Hữu). Nhưng ở Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông còn phát hiện ra vẽ đẹp hùng tráng của dòng sông thơ mộng này gắn bó với những thăng trầm của lịch sử đất nước. Tác giả đã lược thuật lại một loạt sự kiện lịch sử gắn với dòng sông Hương. Đó là “dòng sông biên thuỳ xa xôi của Tổ quốc thời vua Hùng”, là “dòng viễn châu” đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ Tổ quốc Đại Việt qua những thế kỉ trung đại. Nó đã “soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ” trong những năm của thế kỉ XVIII, nó đã “sống hết mình với lịch sử bi tráng”, với “máu của những cuộc khởi nghĩa” trong thế kỉ XIX, “nó đi vào thời đại cách mạng bằng những chiến công rung chuyển”. Tất cả những sự kiện đó đã làm nổi bật một nét đẹp khác của sông Hương: sông Hương không chỉ có vẻ đẹp mộng mơ, dịu dàng mà nó còn mang trong mình nét trầm mặc của một dòng sông thiêng liêng cổ kính. Thêm vào đó, tác giả còn so sánh sự mất mát các di sản ở Huế với “sự mất mát xảy ra với nền văn minh Châu Âu khi một số công trình của nền văn minh Hi Lạp và La Mã cổ đại bị đổ nát vì các nhà thờ bị phá hoại”. Sự so sánh này càng làm tôn lên vẻ đẹp tinh thần của Huế, của sông Hương - “một thiên sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”.

Như vậy, bằng một “cái tôi” uyên bác và dạt dào tình yêu với sông Hương và xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc họa vẻ đẹp của dòng sông Hương ở cảnh sắc thiên nhiên, khám phá sông Hương từ góc độ văn hoá và góc độ lịch sử mà ở góc độ nào vẻ đẹp ấy cũng trọn vẹn mà đầy bất ngờ, mới mẻ. Dưới ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương không tách rời với văn hoá, lịch sử của cố đô. Nó không chỉ tạo nên vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên nơi sông Hương núi Ngự mà còn là niềm tự hào của người Huế, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, vẻ đẹp của con người Huế. Một dòng sông thật đẹp, thật chan chứa xiết bao tình cảm và lòng yêu mến!

Qua việc miêu tả rất thành công vẻ đẹp sông Hương, người đọc còn nhận ra vẻ đẹp văn phong Hoàng Phủ Ngọc Tường với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trí tuệ và cảm xúc, chủ quan và khách quan. Người đọc nhận ra phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường qua sự uyên bác, có những hiểu biết phong phú về cảnh vật và con người xứ Huế, qua sự tinh tế, tài hoa trong dụng bút như một nhà thơ văn xuôi viết về sông Hương, xứ Huế, qua một tâm hồn giàu trí tưởng tượng và đặc biệt là qua một trái tim dạt dào tình yêu với Huế, với sông Hương. Tất cả làm nên một phong cách một cái tôi rất riêng của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Đất nước Việt Nam có biết bao con sông đã tràn chảy qua bao nỗi niềm nhung nhớ. Ta từng gặp hình ảnh con sông Đà vừa hung bạo vừa trữ tình nơi trang văn Nguyễn Tuân và giờ đây lại là một sông Hương rất dịu dàng đằm thắm với ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cả hai đều là những ngòi bút tài hoa khi lưu lại trong văn học, trong đất trời những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp như vậy.

Leave a Reply