Phân tích vẻ đẹp của sông Hương trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Mỗi dòng sông của đất nước đều có vẻ đẹp riêng và nhiều dòng sông đã trở thành hình tượng nghệ thuật như sông Đà của Nguyễn Tuân, sông Vàm cỏ Đông của Hoài Vũ... và sông Hương cũng “có một dòng thi ca”“không bao giờ lập lại ình trong cảm hứng của các nghệ sĩ”. Huế và dòng sông Hương là “vùng thẩm mĩ” (chữ dùng của Nguyễn Đăng Mạnh) của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sông Hương qua cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường có một vẻ đẹp không hề đơn điệu mà có biết bao vẻ đẹp lạ lùng đến bất ngờ.

Sông Hương được cảm nhận qua tâm hồn của một người con gắn bó với Huế, yêu Huế đắm say, một con người có vốn sống, vốn văn hóa phong phú, vốn ngôn ngữ dồi dào, tài hoa lịch lãm. Khi miêu tả vẻ đẹp của dòng sông, tác giả đã quan sát ở nhiều điểm nhìn khác nhau: theo cuộc thủy trình trong mối quan hệ với thiên nhiên, từ trên cao, từ trên sông, và nhìn dòng sông trong không gian văn hóa đặc thù của xứ Huế. Thể loại tùy bút tự do, phóng khoáng đã bộc lộ rõ cái tôi tài hoa của nhà văn. Giọng điệu chuyển đổi linh hoạt, khi thì tự sự, khi tưởng tượng bay bổng, khi im lặng đầy xúc động. Tác giả vừa kể, vừa tả vừa bình, vừa bộc lộ quan điểm riêng về nghệ thuật Huế và pha chút khảo cứu về dòng sông.

Phân tích vẻ đẹp của sông Hương trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông

Điểm độc đáo của sông Hương là thuộc về một thành phố giống như sông Xen của Pháp và sông Đa-nuýp của Hungari. Sông Hương còn là biểu tượng của Huế. Toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế được sinh thành trên mặt nước sông Hương và cả những câu hò mái nhì, mái đẩy và giọng mô tê của Huế. Vẻ đẹp của sông Hương dần dần được bộc lộ qua sự phát hiện của nhà văn.

Nếu ta chỉ hiểu sông Hương với nét đẹp dịu dàng thơ mộng thì hẳn ngạc nhiên khi nhà văn khám phá ra những vẻ đẹp lạ lùng, bất ngờ và thú vị. Đó là vẻ đẹp hoang dại của dòng sông trên thượng nguồn. Sông Hương bắt nguồn từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Dòng sông là bản trường ca của rừng già với nhiều tiết tấu hùng tráng dữ dội. Với những từ ngữ đầy ấn tượng như “rầm rộ’’, “mãnh liệt”, “cuộn xoáy” và cách so sánh hợp lí, tác giả đã nêu bật phần hồn sâu thẳm của nó. Đó là vẻ đẹp của phóng khoáng man dại như một cô gái Di gan. Vẻ đẹp toát ra từ toàn bộ bản năng tự nhiên vốn có của nó. Đây là phần hồn sâu thẳm của dòng sông. Rồi có lúc lại “dịu dàng say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Dòng sông đã chế ngự bản năng của mình đóng kín ở cửa rừng và ném chìa khóa đi. Quãng đời hoang dại đã được giấu kín đi càng kích thích sự khám phá. Với cách nói độc đáo và hình ảnh chiếc chìa khóa ném đi làm cho sông Hương thêm đậm màu huyền thoại. Tác giả cũng dặt ra giả thiết: nếu chỉ nhìn gương mặt “kinh thành” sang trọng quý phái, sắc đẹp dịu dàng của người mẹ phù sa thì không thể hiểu hết bản chất của sông Hương. Và vì thế, tác giả đã ngược lên thượng nguồn để khám phá nửa phần đời của dòng sông. Thật là một phát hiện mới mẻ và độc đáo!

Tác giả còn khảo cứu dòng sông trong cuộc thủy trình, trong cái nhìn của người nghệ sĩ, dưới con mắt của tình yêu. Từ góc nhìn này, tác giả đã có những liên tưởng bất ngờ thú vị. Trước khi về với Huế, sông Hương như một người đẹp ngủ giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Và người tình mong đợi đã đến đánh thức nàng. Chi tiết tưởng tượng thơ mộng này làm cho sông Hương như một người tình chung thủy, một câu chuyện tình nhuốm màu cổ tích. Cuộc hành trình về với Huế là một cuộc tìm kiếm có ý thức, về đến đồng bằng, sông Hương vẫn còn đi trong dư vang của Trường Sơn và dài dòng liên tục: có những khúc quanh đột ngột, có những đường cong mềm mại. Dòng sông đi qua những điện, những cồn, đền đài lăng tẩm để về với Huế thân yêu. Cuộc thủy trình chẳng khác nào bước chân của người con gái khao khát tình yêu, đi theo tiếng gọi của trái tim. Cuộc thủy trình về với đồng bằng được tác giả vẽ nên như một bức tranh có thời gian, không gian, đường nét, màu sắc với cách phối cảnh tài hoa làm cho bức tranh thêm kì thú hài hòa.

Sông Hương thật sâu lắng trữ tình, mang đầy tâm trạng

Khi về đến thành phố cũng được tác giả vẽ nên một bức tranh hài hòa về văn hóa Huế. Tác giả đã phô diễn tất cả những ngôn từ độc đáo và nhân hóa hợp lí với cảm xúc trào dâng mãnh liệt. Khi tìm đúng đường về, sông Hương như vui tươi hẳn lên rồi kéo một đường thẳng yên tâm theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Nét thẳng lại được phối bởi các đường cong: cầu Tràng Tiền như những vành trăng non. Sông uốn một cánh cung rất nhẹ làm cho dòng sông mềm hẳn đi như một tiếng “vâng” không nói của tình yêu. Đi giữa thành phố còn nguyên dạng của một đô thị cổ, sông Hương được ví như một mặt hồ yên tĩnh. Nét độc đáo đó đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử với vẻ đẹp hiu hắt, xa vắng, mênh mang: “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay’’. Người ta không phải khóc vì sông chảy đi quá nhanh và cũng không giống tàu tốc hành như sông Nê-va. Sông Hương tại Huế có nét quyến rũ riêng. Đó là điệu slow tình cảm dành cho Huế mà tác giả lại cảm nhận được bằng thị giác và thính giác. Rồi bỗng chốc dòng sông trở thành người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya.

Qua điệu chảy “ngập ngừng vấn vương”, ta thấy sông Hương thật sâu lắng trữ tình, mang đầy tâm trạng. Rồi khi giã biệt kinh thành, sông Hương “sực nhớ ra một điều gì chưa kịp nói, đột ngột đổi dòng rẽ ngoặt sang hướng Đông Tây để gặp lại thành phố lần cuối”. Đây là chỗ chia tay xa mười dặm trường đình. Một khúc quanh đột ngột biết bao! Một khúc quanh, một bước rẽ chẳng phải vô tình! Lí giải hướng chảy, khúc ngoặt của dòng sông, tác giả không giải mã như nhà khoa học mà qua cái nhìn của tình yêu. Vì thế dòng sông như một cô gái Huế vừa mãnh liệt vừa tha thiết chung tình và có chút lẳng lơ kín đáo. Đặc biệt thú vị khi tác giả trên tường đến bước chân “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của nàng Kiều trở lại với Kim Trọng trong đêm tình tự.

Sự gắn bó của sông Hương với Huế được nhà văn lí giải rất tinh tế: đó là sự gắn bó của một cặp tình nhân chung thủy. Đó là vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo của dòng sông.

Sông Hương còn là dòng sông của thơ ca, nhạc họa. Sông Hương tô điềm cho thành phố Huế thêm thơ mộng và ngược lại, thành phố lại đem lại cho dòng sông một vẻ đẹp dịu dàng trầm mặc. Những địa danh mà sông Hương uốn lượn chảy qua khiến ta cảm nhận được cái không gian văn hóa cổ kính nên thơ với đền đài, lăng tẩm, thành quách và những xóm làng trù phú. Những địa danh ấy là nguồn cảm hứng của thi ca và Huế có cả một dòng thi ca không bao giờ lặp lại mình, vẻ đẹp âm u, trầm mặc ấy được ví như triết lí, như cổ thi, một vẻ đẹp đã được hình thành từ xa xưa và lưu truyền bảo tồn cho đến tận ngày nay. Tác giả đã dùng một loạt từ Hán Việt tạo thêm không khí cổ kính, uy nghi. Tác giả đã làm sống dậy cả một mạch thơ về sông Hương từ tha thiết mơ màng bỗng trở nên hùng tráng như kiếm sắc dựng trời xanh trong thơ Cao Bá Quát. Từ tâm trạng hoài cổ trong bóng chiều bảng lảng trong thơ Bà Huyện Thanh Quan nó vụt trở thành sức mạnh phục sinh trong cô gái sông Hương của Tố Hữu. Tác giả còn phát hiện ra mối quan hệ giữa sông Hương và Kiều của Nguyễn Du: “Sông Hương quả thật là Kiều, rất Kiều”. Đây là một điều thật bất ngờ thú vị làm cho ta cảm nhận được chất thơ, hồn thơ của sông nước. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến dòng sông thi ca của Nguyễn Tuân trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà”. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng từng có những câu thơ thật hay về sông Hương:

“Con sông Hương dùng dằng, con sông Hương không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.

Sông Hương còn là dòng sông của thơ ca, nhạc họa

Vẻ đẹp quyến rũ của sông Hương còn được khám phá qua dòng chảy của dòng sông. Ở thượng nguồn sông Hương mang âm hưởng của một bản trường ca hùng tráng. Khi về thành phố lại có nhịp điệu êm đềm, lặng lẽ, ngập ngừng. Liên tưởng với dòng chảy băng băng của sông Neva, liên tưởng đến câu nói của triết gia Hi Lạp, tác giả càng thêm yêu quý điệu slow êm đềm của sông Hương. Từ đó, tác giả phát hiện ra sông Hương giống như một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Một phát hiện mới mẻ nữa là tác giả cho rằng toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế được sinh ra trên dòng sông. Có lẽ vì quá yêu sông Hương mà tác giả đã ước đoán như thế. Điều đó chưa hẳn là đúng nhưng lại có cái đúng của nghệ thuật. Chưa hết, tác giả còn khẳng định sông Hương đã ấp ủ hồn thơ Nguyễn Du để ông sáng tác ra những bản đàn đi suốt đời Kiều. Qua những phát hiện mới mẻ thú vị, người đọc còn nhận ra sông Hương còn là dòng sông nhạc. Nghe nhạc Huế phải nghe trên thuyền mới thấy hết được cái hay của nó. Đến mức nghe Kiều mà người ta còn khằng định là Tứ đại cảnh.

Dòng sông thơ, dòng nhạc đã tạo nên một bức tranh thơ. Bức tranh thơ được phối cảnh tài hoa để tạo nên không gian văn hóa đặc thù của Huế và văn hóa sông Hương.

Sông Hương dịu dàng thơ mộng nhưng ít ai biết rằng sông Hương lại là “thiên sử thi viết giữa màu xanh”, nghĩa là nó vừa trữ tình lại vừa hào hùng. Với vốn kiến thức uyên thâm, uyên bác, tác giả đã điểm qua dòng chảy của lịch sử và luôn luôn đề cao vai trò của sông Hương. Từ thời các vua Hùng, sông Hương là dòng sông biên thùy xa xôi. Dòng sông đã chứng kiến lịch sử bi tráng của thời Trung đại. Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì nó lại là một dòng sông thiêng, rồi thời Nguyễn Huệ, Cách mạng tháng Tám, Tết Mậu Thân, Tổng tiến công thống nhất đất nước năm 1975... Thời đại nào, chiến công nào cũng có công lao của dòng sông. Dòng sông như một nhân chứng của lịch sử, sẵn sàng tấu lên bản anh hùng ca của dân tộc dù có mất mát đau thương. Điều đó đã còn được thể hiện qua sự dánh giá, kính trọng, ngưỡng mộ đối với Huế trong phút im lặng đầy cảm động của vị đại tướng huyền thoại. Lời khẳng định của vị đại tướng về sự cống hiến của thành phố Huế cho Tổ quốc cũng chính là khẳng định vai trò của sông Hương - một dòng sông đã viết nên thiên sử thi của thời đại mới. Những câu văn mang âm vang của lịch sử, có sự hòa quyện giữa cảm hứng lịch sử và cảm xúc về vẻ đẹp của dòng sông. Niềm tự hào thật tha thiết mà lại kín đáo đã tạo nên nét đặc sắc trong tình cảm yêu nước của nhà văn.

Sông Hương là dòng sông của xứ Huế và đã trở thành hình tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mĩ. Dòng sông đã gợi cảm hứng cho nhà văn, là một cơ hội để ông thể hiện cái tài của mình trên nhiều phương diện: cái nhìn đầy tính phát hiện, sự am hiểu sâu sắc và sự hiểu biết về nhiều ngành khoa học, nghệ thuật, lối viết tinh tế... Và trên hết là tấm lòng yêu quê hương tha thiết và niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Có thể nói Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người vừa có tài vừa có tâm.

Leave a Reply