Phân tích ý nghĩa chi tiết bức ảnh trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu

“Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu là tác phẩm có tính chất luận đề. Hệ thống thi pháp từ thời gian, không gian cho đến các chi tiết nghệ thuật đều làm nổi bật luận đề của tác phẩm. Các chi tiết nghệ thuật như những chiếc cửa sổ để người đọc tiếp cận, thâm nhập tác phẩm. Một trong những chi tiết quan trọng đó là chi tiết bức ảnh.

Phân tích ý nghĩa chi tiết bức ảnh trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”

Bức ảnh là một chi tiết có ý nghĩa sâu xa, là một chi tiết mang đậm tính ẩn dụ. Bức ảnh này Phùng đã may mắn chụp được sau nhiều ngày phục kích. Đó là một cảnh “trời cho" rất “dắt", một cảnh đơn giản nhưng lại rất toàn bích, nó khơi dậy ý niệm về đạo đức, về cái thiện trong vẻ đẹp của nghệ thuật. Với sự rung cảm và am hiểu về nghệ thuật nhiếp ảnh, Nguyễn Minh Châu đã miêu tả rất thành công giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ trước cái đẹp. Chụp được tấm ảnh là một sự “ăn may", như một cơ hội trời cho. Thế nhưng cảnh trời cho thì nhiều mà người nhận biết đâu có dễ. Phải có một tâm hồn tinh tế nhạy cảm, có bản lĩnh nghệ thuật, nghĩa là có “đôi mắt xanh” thì mới nắm bắt được những giây phút như thế.

Chi tiết bức ảnh khiến người đọc liên tưởng đến mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Lí luận văn học đã đưa ra vấn đề này từ xa xưa. Ai cũng biết rằng nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh cuộc sống thông qua lăng kính của người nghệ sĩ. Nhưng vấn đề cũng không đơn giản. Có những tác phẩm tô hồng hiện thực, lại có những tác phẩm bôi đen hiện thực. Có trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật, có trường phái nghệ thuật vị nhân sinh. Đã có những tuyên ngôn nghệ thuật của các nghệ sĩ nổi danh, và những quan điểm nghệ thuật đôi khi trái chiều nhau. Vấn đề này luôn là điều suy tư đối với các nghệ sĩ chân chính. Nguyễn Minh Châu đã một lần nữa thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này. Trong tác phẩm, ta thấy có sự đối lập giữa bức ảnh nghệ thuật và bức ảnh cuộc đời. Bức ảnh nghệ thuật thì toàn bích, bức ảnh cuộc đời lại xù xì góc cạnh. Bức ảnh nghệ thuật là “khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”, bức ảnh cuộc đời là sự tàn phá ghê gớm và sự đau khổ tận cùng. Phải chăng cái đẹp của nghệ thuật dễ tìm hơn cái đẹp của cuộc đời? Chiếc thuyền ngoài xa dễ liên tưởng đến chiếc thuyền ở gần. Ngay tựa đề của tác phẩm ta cũng thấy được vấn đề dặt ra là khoảng cách muôn thuở của nghệ thuật và đời sống. Tác phẩm chứa nhiều nghịch lí, phải chăng nghịch lí luôn là sự hấp dẫn của nghệ thuật? Nghĩa là có “chuyện", có cái để phản ánh. Điều này như là một sự nhắc nhở đối với nghệ sĩ: hãy đi vào những khuất lấp, góc cạnh của cuộc sống để phản ánh bản chất của đời sống. Nếu như không có con thuyền trên biển thì người nghệ sĩ có chất liệu cho tác phẩm tuyệt tác của mình không? Và nếu chỉ chụp cảnh bạo hành thì bức ảnh của nghệ sĩ Phùng có là tuyệt tác hay không?

Nghệ thuật đích thực sẽ tồn tại vĩnh hằng với thời gian

Khi bắt gặp cảnh “trời cho đắt giá" ấy, tâm hồn người nghệ sĩ bỗng trở nên “trong ngần" thánh thiện nhưng anh ta bất lực trước thực tế trần trụi của đời sống. Lí luận văn học vẫn cho là nghệ thuật cải tạo đời sống với những chức năng quan trọng của nó. Rõ ràng hình ảnh con thuyền phần nào ẩn dụ cho con thuyền nghệ thuật lênh đênh trên đại dương của cuộc sống. Nghệ thuật dù kì diệu đến đâu cũng khó mà thu vào ống kính của mình mọi khía cạnh phức tạp của đời sống.

Tờ lịch in tấm ảnh không chỉ có giá trị trong một năm mà nhiều người am hiểu về nghệ thuật đã lưu giữ nó. Như vậy nghệ thuật đích thực sẽ tồn tại vĩnh hằng với thời gian. Bức ảnh màu đen trắng, nhưng mỗi lần ngắm kĩ Phùng cứ thấy hiện lên, một màn sương màu hồng của ánh sương mai và nhìn lâu hơn thì thấy người đàn bà xấu xí thô kệch bước ra. Đó là cảm giác, của Phùng, nỗi ám ảnh của người nghệ sĩ. Phải chăng Nguyễn Minh Châu muốn nhắc nhở: nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, nhà văn cần phấn đấu để đào bới bản chất con người và các tầng sâu lịch sử.

Chi tiết nghệ thuật bức ảnh đã đặt ra nhiều vấn dề. Nhưng nhà văn không biến nó thành cái loa phát ngôn cho quan điểm nghệ thuật của mình. Trái lại nó mang chiều sâu tư tưởng về nghệ thuật và để người đọc suy tư và tự trả lời.

Leave a Reply