Rừng xà nu - Một hình tượng thẩm mĩ đặc sắc

Rừng xà nu được dùng đặt tên tác phẩm, xuất hiện ngay những dòng đầu, trở đi, trở lại nhiều lần theo sự biến diễn của câu chuyện và kết thúc bằng một hình ảnh dư ba, đầy ấn tượng: "Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời". Vào từng chi tiết, từng sự việc, từng đoạn của tác phẩm, hình tượng cây xà nu, rừng xà nu dần dần hiện lên biết bao vẻ đẹp, phẩm chất mang tính biểu tượng cao.

Rừng xà nu

Sau ba năm đi lực lượng, được trở về thăm quê hương, Tnú đứng ngắm cánh rừng xà nu "đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời"... Lúc chia tay dân làng trở về đơn vị, Tnú đứng lặng hồi lâu bên cụ Mết và cô Dít, nhìn ra xa cũng chỉ có rừng xà nu nối nhau đến tận chân trời. Rừng xà nu chiếm lĩnh tất cả mảnh đất, ngọn đồi và tâm tư, tình cảm con người. Rừng xà nu khiến con người bồi hồi, cảm động khi được gặp lại và lưu giữ biết bao bâng khuâng, lưu luyến lúc chia tay.

Nét đẹp đặc biệt của rừng xà nu được nhấn mạnh trong tác phẩm là sức sống kiên cường, bất khuất, bất diệt. "Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy", một cây bị đạn giặc bắn gục, có bốn năm cây con mọc lên. Bên cạnh một vài cây yếu, không chịu được vết thương trên mình, năm mười hôm, cây chết thì có nhiều cây khác vượt lên, những vết thương của chúng chóng lành. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Rõ ràng, cây xà nu, rừng xà nu tiềm tàng sức sống kì diệu mà bom đạn kẻ thù không thể tiêu diệt. Trái lại, rừng xà nu vẫn sinh sôi, nảy nở, vẫn lớn lên, hùng vĩ, đông đảo, điệp điệp trùng trùng như một đội quân hùng mạnh. Rừng cây đã trở thành tường đồng, vách sắt: "Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng".

Một nét đẹp nữa của rừng xà nu là "ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế". Cả cánh rừng, hàng vạn cây xà nu phóng lên, "ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời". Ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, tiếp sức cho cây vươn dậy, nở cành, xoè lá rồi tung những hạt bụi vàng từ nhựa cây lóng lánh, thơm mỡ màng. Nhờ ánh nắng mặt trời mà cây xà nu được lớn nhanh, mỗi lúc thêm tươi đẹp, duyên dáng. Nói cách khác, vì ham ánh nắng mặt trời, luôn luôn vươn thẳng lên bầu trời đầy ánh nắng mà mỗi cây xà nu, cả cảnh rừng xà nu được gia tăng sức sông, phô ra tất cả những vẻ đẹp của tầm vóc, của sắc màu và hương thơm.

Miêu tả vẻ đẹp tự nhiên của rừng xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã sử dụng một ngòi bút tài hoa, biến ảo linh hoạt. Ông dùng nhiều từ đặc tả, rất nhiều so sánh, ẩn dụ, đặc biệt là phép nhân hoá, nhờ đó hình tượng cây xà nu hiện lên sinh động, chân thực và lung linh.

Cuối cùng, hình tượng rừng xà nu còn đẹp ở sự lấp lánh sắc màu biểu tượng. Rừng cây trở thành tường đồng, vách sắt, hiên ngang trước bom đạn kẻ thù gợi ta nghĩ tới khôĩ đoàn kết, gắn bó của dân làng Xô Man trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Khi tên Dục bắt vợ con Tnú, đánh đập dã man, rồi bắt Tnú tra tấn, đốt mười ngón tay, phơi bày tất cả bộ mặt dã thú, mất hết nhân tính, thì cả làng Xô Man đã đốt đuốc xà nu, cầm gậy xà nu, gươm giáo, đoàn kết, phát huy sức mạnh cộng đồng chiến đấu và chiến thắng. Nếu hàng vạn cây xà nu đã "ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng", thì dân làng Xô Man đã đem tất cả tấm lòng yêu thương, căm thù và sức mạnh đoàn kết để che chở cho Tnú, cùng Tnú tiêu diệt kẻ thù.

Người dân làng Xô Man

Sức sống kiên cường bất khuất, bất diệt của cây xà nu gợi ta nghĩ tới sức sông anh hùng của mỗi người dân Xô Man. Bà Nhan, anh Xút xung phong vào rừng nuôi cán bộ, bị giặc giết, đã có ngay Tnú và Mai nối tiếp công việc ấy. Mai bị bọn ác ôn sát hại, thì có em gái Dít lớn lên tham gia chiến đâu, trả thù cho chị. Giống như rừng cây, người dân Xô Man, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, không ngừng lớn lên trong bom đạn quân thù để giữ làng, giữ cuộc sống.

Vẻ đẹp thứ ba của rừng cây là ham ánh sáng mặt trời, phải chăng cũng tượng trưng và gợi liên tưởng tới khát vọng lí tưởng, niềm tin, thái độ luôn hướng tới cách mạng, khao khát đi theo ánh sáng cách mạng của con người Tây Nguyên? Bà Nhan, rồi anh Xút và thế hệ trẻ sau này như Tnú, Mai, cùng biết bao người dân khác của Xô Man chính là những con người như thế. Họ khác nào những cây xà nu ham ánh sáng mặt trời, khao khát đón nhận ánh sáng cách mạng để toả ra vẻ đẹp của tâm hồn và lẽ sống.

Có thể nói, rừng xà nu, cây xà nu là một hình tượng thẩm mĩ đặc sắc, giàu ý nghĩa đã được nhà văn khắc hoạ bằng tất cả niềm thương yêu, trân trọng. Từ cảm hứng đẹp ấy, ngòi bút của nhà văn tung hoành, đầy sáng tạo trong cách dùng từ, các biện pháp tu từ, trong những biểu tượng gợi mở phong phú. Hình tượng rừng xà nu là một đôi tượng thẩm mĩ hấp dẫn và ám ảnh đôì với người đọc.

Leave a Reply