Sông Hương và cái tôi nghệ sĩ tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường

CÁC Ý CHÍNH

Như đã nói, để mô tả được mọi vẻ đẹp của sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã quan sát dòng sông từ nhiều điểm nhìn khác nhau: khi thì theo hành trình của nó mà di chuyển điểm nhìn từ ngọn nguồn xuôi ra biển; khi thì đứng trên cao, từ đồi Tam Thai, Vọng Cảnh, ngắm nhìn dòng sông phản quang ánh sáng bầu trời “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”; khi lại đặt mình vào lòng sông, tự làm một tấm gương soi chiếu những cảnh vật mà nó đi qua: những lăng tẩm đồ sộ uy nghiêm ẩn mình trong những rừng thông u tịch - “Bốn bề núi phủ mây phong - Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”; đồi Thiên Mụ với tiếng chuông chùa trầm mặc dường như lan toả mãi rất xa, rất xa trên mặt nước phẳng lặng; những xóm làng trung du nằm êm đềm trong tre trúc, bên những cánh đồng phù sa yên ả...

Sông Hương và cái tôi nghệ sĩ tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhưng quan sát từ điểm nhìn nào thì vẫn là con mắt của một nghệ sĩ tài hoa đã vờn vẽ nên một bức tranh liên hoàn về mọi phương diện của phong cảnh sông Hương - một bức tranh màu sắc tươi tắn nhưng thanh thoát nhẹ nhàng. Một cặp mắt quan sát tinh tế, một trí tưởng tượng phong phú và một tấm lòng đầy ân tình với Huế, đã giúp Hoàng Phủ Ngọc Tường có những so sánh, liên tưởng thần tình: “Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên [...] nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non”.

Quả là một so sánh tuyệt vời: vừa đúng với màu sắc của những vành cung nhịp cầu Tràng Tiền, vừa hợp với ánh sáng bầu trời, vừa dịu dàng duyên dáng như cô gái Huế, vừa là một nét bừng sáng phía chân trời xa nhưng không chói chang, vui tươi đấy mà không ồn ào...

“Giáp mặt thành phố ở cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dùng tiếng nói riêng của tình yêu để tả cảnh. Tình yêu không bao giờ thích cao giọng ồn ào và thường không cần nói bằng lời. Một cái chớp mắt, một cái cúi đầu có thể thay cho một tiếng “vâng”. Nhưng phải nói đây là ngôn ngữ tình yêu cúa cô gái Huế nên mới có cái e lệ, kín đáo và duyên dáng như vậy. Diễn tả cái uốn mình âu yếm và mềm mại của dòng Hương bằng một so sánh như thế thì quả là tinh tế, tài hoa, mà cũng thật là tình tứ.

Phong cảnh sông Hương - một bức tranh màu sắc tươi tắn nhưng thanh thoát nhẹ nhàng

“[...] sông Hương toả đi khắp phố thị, với những cây đa, cây của cổ thụ toả vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập loè trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được”.

Có thể nhận xét này của tác giả đã nảy sinh từ một liên tưởng đầy chất thơ đến một hình ảnh cổ điền rất quen thuộc của Đường thi:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hoả đối sầu miên.

(Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.)

(Phong Kiều dạ bạc - Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều,

thơ Trương Kế, K. D dịch)

Trong nền văn học hiện đại Việt Nạm, nói đến những người viết bút kí, tuỳ bút có thực tài, người ta thường nghĩ đến Nguyễn Tuân trước hết, sau đó đến Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nếu bắc cân lên so sánh thì Nguyễn Tuân phong phú hơn, đa dạng hơn, sự nghiệp đồ sộ hơn. Cả hai đều say mê cái đẹp, suốt đời đi tìm và diễn tả cái đẹp. Nhưng nếu với Nguyễn Tuân, cái đẹp phải là những hiện tượng đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ, gây ấn tượng khác thường, thậm chí dữ dội - người đẹp thì phải là cái đẹp đổ quán xiêu đình, nghiêng thành nghiêng nước, còn thiên nhiên thì phải là đèo cao, thác dữ, là gió cuồng, bão táp; thì với Hoàng Phủ Ngọc Tường, cái đẹp phải thơ mộng, dịu dàng, là dòng sông Hương trôi trong sương mờ, là cô gái Huế tình tứ mà kín đáo, e lệ và nếu là sử thi thì là “sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”.

Leave a Reply