Sông Hương và xứ Huế, cuộc kì ngộ hữu tình

Một trong những nét đẹp của sông Hương qua trí tưởng tượng đa tình của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? là vẻ đẹp nữ tính duyên dáng, trữ tình, ở thượng nguồn, sông Hương là cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại, rồi hoá thành "người mẹ phù sa của một vùng văn hoá". Xuống đồng bằng, dòng sông mang hình hài "người con gái đẹp nằm mơ màng..." và khi vào thành phố, xứ Huế mộng và thơ...? Có lẽ đến đây dòng sông mới thực sự khoe ra đầy đủ nhan sắc, tâm hồn của một... giai nhân đa tài, đa tình. Bởi vì sông Hương - dòng sông mang cái tên dịu mềm như gió thoảng, thơm nhẹ như hương bay - đã gặp thành Huế, một cuộc gặp gỡ kì diệu như môi lương duyên mà đất trời tổ quốc đã se kết nên...

Nét đẹp sông Hương

Bắt đầu vào thành phố, vừa gặp ngoại ô Kim Long, "sông Hương vui tươi hẳn lên" kéo một nét thẳng yên tâm để nhìn chiếc cầu trắng (cầu Tràng Tiền) nhỏ nhắn như một vầng trăng non. Vậy là cuộc gặp gỡ giữa người con gái đẹp và người tình trông đợi nghìn năm đã trở thành hiện thực. Vì vậy, nhà văn nhìn thây "sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ, làm cho dòng sông mềm hẳn đi như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu". Qua cái nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương hiện rõ dáng hình, tiếng nói và tâm hồn cô gái Huế hiền dịu, kín đáo. Chảy giữa lòng thành phố Huế, sông Hương toả thành nhiều nhánh như những cánh tay ôm ấp các phố thị. Toàn bộ mặt sông "trôi đi chậm, thực chậm cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh". Đó là "điệu chảy lặng lờ, là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế...". Tác giả mơ màng, đắm say mường tượng những gợn sóng chao nhẹ trên mặt nước trong những đêm hoa đăng hội rằm tháng Bảy trên sông Hương, như thế, sông Hương đúng là một mĩ nhân không chỉ đa tình mà còn đa tài. Sau những phút giây chập chờn, lung linh khiêu vũ, vào đêm khuya, trong khoảng khắc chùng lại, sông Hương bỗng "trở thành một người tài nữ đánh đàn". Nghe những tiếng đàn ấy nhà văn đã cho rằng: "toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này". Ông nhớ tới Nguyễn Du bao năm lênh đênh trên quãng sông này, viết ra những câu Kiều tuyệt bút: "Trong như tiếng hạc bay qua - Đục như nước suối mới sa nửa vời"...

Leave a Reply