Sự gắn bó giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc được thể hiện sâu sắc và cảm động qua đoạn: “Cúng mẹ và cơm nước xong,... Còn mối thù thằng Mỹ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai...”

Sự gắn bó giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc được thể hiện sâu sắc và cảm động qua đoạn:

“Cúng mẹ và cơm nước xong, mấy chị em, chú cháu thu xếp đồ đạc dời nhà. Chị Chiến ra đứng giữa sân, kéo cái khăn trên cổ xuống, cũng xắn tay áo để lộ hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dang cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mỹ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai...”. (Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi - Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập hai, tr.63). Phân tích đoạn văn trên để làm sáng tỏ điều đó.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

- Nguyễn Thi là nhà văn của những người của nông dân Nam Bộ. Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” được viết trong những ngày ác liệt (2.1966). Tác phẩm là bài ca ca ngợi: lòng yêu nước, căm thù giặc, vẻ đẹp tâm hồn của người dân Nam Bộ. Nguyễn Thi có biệt tài phân tích tâm lí, thâm nhập sâu vào nội tâm nhân vật.

Sự gắn bó giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước

- Đoạn văn trên nằm ở gần cuối tác phẩm. Đoạn văn xoay quanh một tình tiết lạ và thiêng liêng: miêu tả cảnh chị em Việt thu xếp việc nhà, khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm trước ngày đi bộ đội. Đoạn văn thể hiện sự trưởng thành của 2 chị em Việt và Chiến.

- Hình ảnh chị Chiến: Mang dáng vóc của má, đó là vẻ đẹp của những người con sinh ra để gánh vác, để chống chọi, để chịu đựng và chiến thắng (chú ý phân tích câu 2 và 5 trong văn bảng trích dẫn)

- Hình ảnh Việt: Không khí thiêng liêng đã biến Việt thành người lớn; biết sống với nội tâm của mình, bỗng nghe được lòng mình và thấy “thương chị lạ”.

- Chi tiết nào “Đưa má sang ở tạm nhà chú ... má về” như một lời hứa; một lời chào từ biệt má. Chứng tỏ: Người mẹ ngã xuống nhưng dòng sông truyền thống vẫn chảy.

- Chi tiết: “Nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên” - cho thấy: thế hệ sau đã cứng cáp, trưởng thành. Việt và Chiến đang đi tiếp con đường cách mạng mà má đã đi để viết tiếp thêm những trang mới trong cuốn sổ truyền thống của gia đình

- Lối kể, tả tỉ mỉ, từ ngữ màu sắc Nam Bộ, giọng văn trìu mến thiết tha thế hiện tấm lòng của những đứa con. Đoạn văn là sự giao hòa trò chuyện bằng một thứ tiếng nói bên trong giữa em với chị, giữa những đứa con với người má quá cố.

Đoạn vàn dường như không viết bằng lời văn thông thường mà được viết bằng một thứ tiếng nói tâm linh.

Leave a Reply