Suy nghĩ về đoạn trích kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

I. GIỚI THIỆU

1. Tác giả

Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) quê gốc ở Đà Nẵng nhưng sinh ra ở Phú Thọ, tuổi thơ sống ở vùng trung du đất Tổ. Đến năm 1954, Lưu Quang Vũ về Hà Nội học. Kháng chiến chống Mĩ bùng nổ, ông vào bộ đội. Giải ngũ, ông làm nhiều nghề để sống.

Lưu Quang Vũ làm thơ khi còn là thiếu niên, nhiều bài thơ được bạn đọc yêu mến bởi cái chất ngang tàng tài hoa nhưng triết lí. Khoảng những năm 80 của thế kỉ XX, ông chuyển sang hoạt động sân khấu và viết kịch. Lưu Quang Vũ nhanh chóng trở thành hiện tượng sô" một của sân khấu kịch nói Việt Nam trong cả thế kỉ XX và đến tận bây giờ.

Trong khoảng 8 năm, ông viết khoảng 50 vở kịch lớn, hầu hết được dàn dựng và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Kịch Lưu Quang Vũ trở thành sự bùng nổ của sân khấu kịch nói Việt Nam bởi sự táo bạo, độc đáo, tài hoa. ông đề cập đến nhiều vấn đề xã hội một cách sắc sảo và dũng cảm.

Kịch Lưu Quang Vũ không chỉ hấp dẫn công chúng bằng những mâu thuẫn gay cấn, xung đột dữ dội mà còn đưa đến cho họ những quan niệm sống đúng đắn, những khát vọng chân chính, một niềm tin vững chắc vào tương lai.

Kịch Lưu Quang Vũ thể hiện sự tài hoa, tinh tế, độc đáo trong mọi mặt: sự nóng hổi cập nhật, tình huống li kì, ngôn ngữ giàu chất thơ. Mỗi vở kịch của ông hội tụ những quan điểm nhân sinh cao cả của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Theo nhà nghiên cứu văn học Phan Ngọc, "Lưu Quang Vũ là nhà soạn kịch lớn nhất Đông Nam Á trong thế kỉ XX".

Lưu Quang Vũ

2. Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Mượn một câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba, da hàng thịt nhưng Lưu Quang Vũ đã thay đổi gần như khá cơ bản nội dung câu chuyện. Câu chuyện kể lại tình huống bi đát của số phận một con người:

Trương Ba là một người làm vườn nho nhã, nhân hậu, yêu vợ, thương con cháu và cao cờ. Do làm việc tắc trách, hai vị quan coi trông hộ khẩu nhà trời là Nam Tào và Bắc Đẩu đã nhầm lẫn nên Trương Ba đang khoẻ mạnh bỗng chết oan. Đế Thích (thần cờ) do nể vì Trương Ba đã cho hồn ông sống vào thân xác kẻ hàng thịt. Và thế là hồn này xác kia khó lòng tồn tại trong cuộc sống ở cả hai gia đình, trở thành sự trớ trêu, nghịch cảnh. Nó trở thành điều bất hạnh cho cả hồn và xác, cho gia đình và xã hội. Cuối cùng Trương Ba đành phải xin Đế Thích cho mình được chết hẳn để thoát khỏi cảnh dở sống dở chết.

Vở kịch viết năm 1981, năm 1984 được công diễn và gây tiếng vang lớn trong đời sông nhân dân ta lúc đó. Từ một câu chuyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã đặt lại nhiều vấn đề vừa nóng hổi cho đời sông đất nước lúc đó vừa khái quát thành những triết lí nhân văn cao cả, sâu sắc.

Triết lí nhân văn cao cả nhất của vở kịch chính là quan niệm về lẽ sống và cái chết. Sống cho ra sống, sống rồi chết là một quy luật. Còn xấu xa, bẽ bàng, đáng xấu hể và bất hạnh nhất là "sống dở, chết dở". Đó là bài học cho mỗi người, cho mọi người và rộng lớn hơn là cho xã hội.

II. SUY NGHĨ

1. Trích đoạn thuộc cảnh cuối cùng của vở kịch diễn tả sự dằn vặt, đau đớn của hồn Trương Ba khi phải sống nương nhờ vào xác kẻ hàng thịt. Cuối cùng hồn Trương Ba xin được thoát khỏi nghịch cảnh một cách cao thượng: Xin chết hẳn cho hết duyên nợ cuộc đời.

2. Đoạn cuối cùng của vở kịch thường được gọi là thắt nút và giải quyết cởi nút của xung đột.

Xung đột chính của đoạn trích là xung đột giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt; xung đột giữa xác này hồn kia với hai gia đình và cuộc sống xung quanh.

Cuối cùng, xung đột được giải quyết bằng ý nguyện cao thượng của hồn Trương Ba với Đế Thích: cho cu Tị và anh hàng thịt sống lại còn mình thì chết hẳn.

Hồn Trương Ba

3. Xung đột của xác và hồn ở phần đầu của đoạn trích là một cuộc đối thoại giàu ý nghĩa nhân văn.

Kịch được đẩy đến cao trào khi xác kẻ hàng thịt, một thân xác thô ráp, xấu xa, vụng về, thô bạo lại tỏ ra được thời, lấn lướt trước một linh hồn thanh cao, cả nghĩ. Đó là hai phạm trù về thể xác và linh hồn con người. Cuộc đối thoại ấy mang ý nghĩa triết học thuần tuý: Chỉ cần được sống, còn xác ai hồn ai cũng được.

Trên một phương diện nào đó, xác đã đúng. Xác có sự độc lập tương đối, có tiếng nói, có đòi hỏi được sông. Hơn thế, xác còn là nơi trú ngụ của linh hồn, xác có quyền đòi hỏi linh hồn đáp ứng những nhu cầu để hoàn thiện con người.

4. Xung đột giữa hồn này xác kia với xung quanh

- Trú ngụ trong xác thô của anh hàng thịt, hồn Trương Ba trở nên thô kệch, vụng về. Hồn và xác không tương hợp trong nhau đã trở thành sự trớ trêu.

- Hỗn hợp lố bịch ấy trở nên xa lạ với những người xung quanh, với gia đình, vợ, con, cháu. Hồn Trương Ba "mất mát" dần những cử chỉ thanh cao, nhẹ nhàng.

- Cuối cùng, hồn Trương Ba cũng cảm thấy, nhận ra một điều: "Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta... Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?".

- Hồn Trương Ba đã đi đến quyết định: không mượn xác ai cả (kể cả xác cu Tị): "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". Ông chấp nhận cái chết vĩnh viễn.

- Nhưng khi Trương Ba chết, hình ảnh ông lại nguyên vẹn hơn bao giờ hết. Đoạn cuối của vở kịch đã đề cao một cái chết cao thượng như thế. Hồn Trương Ba còn mãi trong đời sống của gia đình: "Tôi đây bà ạ. Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà rẫy cỏ... Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời...".

Đó là sự sống thanh cao, bất diệt của cái chết với những con người đúng nghĩa. Đó cũng là bài học cho cái chết đúng nghĩa. Trương Ba đã "thoát khỏi nghịch cảnh trớ trêu" của cuộc đời.

Ngôn ngữ kịch giàu chất thơ, tình huống kịch nhiều xung đột đa chiều, cấu trúc của kịch nhiều tình tiết. Trích đoạn không dài nhưng là sự dồn nén toàn bộ ý tưởng của tác giả. Thắt nút dữ dội và giải quyết cởi nút rất nhân văn, đoạn trích đưa đến cho người đọc những suy nghĩ rất sâu về cuộc sống.

Hồn Trương Ba da hàng thịt

5. Kết luận

Hồn Trương Ba da hàng thịt là vở kịch mang thông điệp về đạo sống chết của con người.

- Được sống làm người thật là quý. Nhưng cuộc sống chỉ có ý nghĩa đích thực khi con người được sống đúng với bản thân mình và như thế sẽ là một sự sống cho xã hội.

- "Không thể sống với bất cứ giá nào được... Có những cái giá đắt quá, không thể trả được" (lời Trương Ba).

- Con người không thể bất tử về thể xác nhưng có thể trường tồn về linh hồn. Chết đúng nghĩa, có ý nghĩa cũng là sự trường tồn, bất tử.

Leave a Reply