Tác giả đã suy ngẫm như thế nào về những gì còn lại sau cái chết của Lor-ca

- Đánh dấu phần cảm nghĩ là câu thơ vừa đối thoại vừa độc thoại: "không ai chôn cất tiếng đàn". Là đối thoại vì đó là hồi âm về lời trăng trối của Lor-ca: "Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn". Còn tự thoại vì đây chính là một chân lí tự khuyên mình, hay nhà thơ tự nói với mình về chân lí ấy. Nhưng tại sao khi đã thừa nhận cái chân lí vĩnh hằng về cái đẹp, nhà thơ lại viêt: "tiếng đàn như cỏ mọc hoang"? Câu thơ này cần hiểu như một lời tưởng niệm với công lao của người đã mất. Nghịch cảnh này là do thiếu vắng một bàn tay chăm sóc thiếu người kế tục. Khi cây đại thụ Lor-ca ngã xuống, đời sông tinh thần và đời sống nghệ thuật của đất nước Tây Ban Nha thấy sự trông trải biết bao. Tổn thất này cho bây giờ và cũng là cho mãi mãi. Hình ảnh "giọt nước mắt vầng trăng" chính là vĩnh cửu hoá nỗi đau thương. Nhưng đau thương mà không bi luỵ, hoài cổ mà chẳng ngậm ngùi, giọt nước mắt "long lanh" toả ra một vầng ánh sáng. Vì một lẽ đương nhiên: cái đẹp không bao giờ bị huỷ diệt. Cách nghĩ ấy là rất lạc quan ngay cả khi nói về cái chết.

Dòng sông rộng mênh mông

Tiếp theo cảm nghĩ, hay là chính từ cảm nghĩ mà hình tượng nhân vật Lor-ca một lần nữa hiện lên như vẫn còn đang sống. Hai yếu tố trữ tình và tự sự đã lồng ghép vào nhau tạo nên một Lor-ca trong một vùng hào quang. Yếu tố trữ tình gửi vào hai câu thơ như tiếng thở dài:

Đường chỉ tay đã đứt

dòng sông rộng vô cùng.

Cái hữu hạn của số phận con người làm sao có thể vượt qua cái vô hạn của dòng sông oan nghiệt? Dòng sông ấy là thử thách, là những chông gai. Nó thừa khả năng nhấn chìm mọi khát vọng con người. Lor-ca đã bị dồn vào cái thế cùng đường. Chàng quyết vượt sông với tinh thần tử vì đạo. "Lor-ca bơi sang ngang" chính là ý chí vượt qua con sông định mệnh ấy. Còn chiếc phao cứu sinh của kẻ lữ hành là chiếc ghi ta màu trắng bạc. Tin vào cái đẹp vì cái đẹp có khả năng cứu rỗi con người như ý nghĩ cao cả của Đô-xtôi-ép-xki. Thanh Thảo cũng tin vào Lor-ca như Lor-ca tin vào chiếc ghi ta màu trắng bạc có phép lạ của mình. Hình ảnh ấy thật lãng mạn mà cũng quá bi thương. Nó lãng mạn ở chỗ lưỡi hái tử thần chẳng đe doạ được Lor-ca. Còn bi thương ở chỗ: hành vi tử vì đạo của Lor-ca chỉ là ảo tưởng. Lor-ca phải trả giá cho sự điên rồ. Đến đây, cái chết hiện ra mới thật là vĩnh viễn:

Chàng ném lá bùa cô gái Di-gan

vào xoáy nước

chàng ném trái tim mình

vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la

Không thể vượt qua dòng sông cuộc đời, Lor-ca cảm thấy mình đuối sức. Cả trên hai phương diện cơ thể lẫn tinh thần. Lor-ca phải dứt bỏ hai điều mà nếu không có nó không còn là Lor-ca nữa. Điều thứ nhất là niềm tin (lá bùa cô gái Di- gan), còn điều thứ hai là trái tim chứa đầy khát vọng. Hình ảnh "xoáy nước" gợi đến những tai hoạ khôn lường. Còn cái không gian "lặng im" chính là một không gian chết. Nó hoá đá mọi thứ buồn vui mà con người, nhất là những con người như Lor-ca cần có nó để trở thành nghệ sĩ. Như thế là Lor-ca từ bỏ tất cả, từ bỏ cả bản thân vì trong "cuộc đấu bò tót" về mặt tinh thần, ông đã là người thua cuộc. Từ cái chết có thật ở ngoài đời đến cái chết cả trong tâm tưởng của người đang sống, nhất là ở thế hệ mai sau, Thanh Thảo muốn phác hoạ cuộc đấu tranh giữa sự sông với cái chết dữ dội biết chừng nào! Nhưng nếu không có nó, con người sẽ rơi vào địa ngục. Bởi thế cái chết của Lor-ca ở đây không chỉ có ý nghĩa bi quan. Nó báo hiệu những giông bão cuộc đời sẽ nối lên sau cái "lặng im bất chợt" ấy.

Lor-ca và cây đàn ghi-ta

- Để diễn tả sinh động cái chết của Lor-ca trong tâm tưởng này, cần chú ý đến hai bút pháp độc đáo sau đây. Thứ nhất, Thanh Thảo sử dụng nhuần nhuyễn các yếu tố vô thức, ảo giác - vốn là không gian của chủ nghĩa siêu thực để dẫn chúng ta vào một giấc mơ, một cơn ác mộng dữ dằn. Thế giới này vôh không có thực, tuy chỉ do trạng thái mê sảng mà ra nhưng ấn tượng về cái chết của Lor-ca thật nặng nề khủng khiếp. Thứ hai, tiếng nhạc đệm trở lại lần thứ hai. Nếu lần đầu (ở phần trên) nó mới chỉ như một dự báo. Lúc ấy tai hoạ còn chưa xảy ra. Cái chết mới lơ lửng trên đầu. Nhưng sự sống và cái chết đã ở vào thế song hành. Đó là lộ trình của định mệnh. Trở lại lần thứ hai sau cái chết của nhân vật trong thơ, nó kết thúc một quy luật: ấy là cái đẹp hay ước mơ về cái đẹp sẽ bị săn đuổi đến cùng. Kết thúc khúc đoản ca, bài thơ rơi vào im lặng. Nhưng cái im lặng lại không chấm dứt bài thơ. Bởi sau đó là những gì mọc lên từ nấm mồ của một nhà thơ chiến sĩ, đã chiến đấu đến cùng cho quyền sống con người, quyền được tự do và nhất là sẵn sàng xả thân cho cái đẹp lên ngôi. Một chương lịch sử mới đang hiện hình trong tiếng ca vui vẻ ấy.

Leave a Reply