Tâm trạng của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc

Tâm trạng của người ra đi:

- Nỗi nhớ thiên nhiên:

+ Thiên nhiên Việt Bắc hiện về trong nỗi nhớ của người ra đi với vẻ đẹp êm đềm, thơ mộng. Trong kí ức của người đi còn in dấu từng khoảnh khắc thời gian: "Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương"; từng khoảng không gian của rừng cây, sông, suối: Nhớ từng rừng nứa bờ tre - Ngòi Thìa, sông Đáy, suối Lê vơi đầy... Vẻ đẹp nên thơ của núi rừng còn đọng mãi trong nỗi nhớ nhung: Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều - Chày đêm nện cối đều đều suối xa. Khả năng khái quát hoá của một ngòi bút giàu khuynh hướng sử thi đã giúp Tô' Hữu nắm bắt, tái hiện được khung cảnh thiên nhiên bốn mùa nơi đây chỉ bằng vài dòng thơ ngắn:

- Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

- Ngày xuân mơ nở trắng rừng

- Ve kêu rừng phách đổ vàng

- Rừng thu trăng rọi hoà bình.

Mỗi mùa, núi rừng Việt Bắc hiện lên với một nét đẹp riêng. Mùa đông, trên nền thẫm xanh của bạt ngàn cây lá nổi bật sắc đỏ tươi của những bông hoa chuối rừng. Mùa xuân, cả đất trời như bừng sáng trong màu hoa mơ trắng muốt - gợi không gian trong trẻo, tinh khiết của rừng xuân. Khi hè đến, những rừng cây phách trổ hoa vàng rực rỡ tạo nên vẻ đẹp riêng của núi rừng Việt Bắc. Cách nói "đổ vàng" khiến ta có cảm giác chỉ sau khoảnh khắc tiếng ve ngân lên là cả một rừng cây lá đột ngột thay đổi sắc màu... Bức tranh mùa hạ lộng lẫy bao nhiêu thì bức hoạ mùa thu lại êm đềm, thanh dịu bấy nhiêu: Rừng thu trăng rọi hòa bình. Cảnh rừng đêm mà chan hoà ánh sáng, thanh bình đến lạ lùng... Khoảng cách của thời gian, không gian đã chẳng thể làm phai nhạt hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc trong tâm hồn người ra đi.

Đường lên Việt Bắc

+ Thiên nhiên Việt Bắc còn được khắc họa với vẻ đẹp hùng dũng, hiên ngang:

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.

Núi giăng thành luỹ sắt dày,

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.

Hệ thống từ ngữ, hình ảnh nhân hoá được nhà thơ sử dụng để khắc hoạ vẻ đẹp hào hùng của thiên nhiên nơi đây. Núi rừng Việt Bắc như cũng có linh hồn, có khí phách - luôn kề vai sát cánh bên con người trong chiến đấu... ẩn trong những hình ảnh thơ này còn là niềm tri ân với núi rừng chiến khu - cái nôi chở che, bao bọc cho cả dân tộc trong suốt cuộc kháng chiến trường kì. Chiến khu Việt Bắc đã thực sự trở thành quê hương của tất cả những con người kháng chiến.

- Nỗi nhớ con người, cuộc sống nơi chiến khu cách mạng:

+ Trên nền khung cảnh thiên nhiên Việt Bắc, nhà thơ đã khám phá, khắc họa vẻ đẹp của con người và cuộc sống nơi đây. Người và cảnh hoà quyện cùng nhau trong nỗi nhớ, niềm thương tha thiết:

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên dầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Đây là nỗi nhớ nhung về một miền "đất lạ" đã "hoá quê hương" trong giây phút chia tay đầy lưu luyến: Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn (Chế Lan Viên). Thời gian, không gian đều gần gũi, thân thương như máu thịt. Phải gắn bó sâu sắc, phải yêu thương chân thành, đằm thắm mới có thể gìn giữ, nâng niu trong trái tim mình từng khoảnh khắc sống, từng nét đẹp của đời thường bình dị...

+ Song có lẽ, hình ảnh sâu đậm nhất trong nỗi nhớ của người đi vẫn là những con người trên mảnh đất này: bình thường, giản dị mà anh hùng, thuỷ chung, ân nghĩa. Họ hiện về trong nỗi nhớ qua hình ảnh người đan nón khéo léo tài hoa chuốt từng sợi giang, cô em gái chịu thương chịu khó hái măng một mình, người mẹ tần tảo: Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô... Bằng đôi bàn tay lao động cần cù sự nhẫn nại và đức hi sinh, người dân chiến khu đã trở thành điểm tựa vững chắc cho cách mạng và kháng chiến. Họ chính là lĩnh hồn của miền đất: Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son... Người ra đi sẽ mãi mãi không quên ân tình sâu nặng đó:

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Từ những chi tiết cụ thể, chân thực của cuộc sống gian khổ, thiếu thốn thời chống Pháp, Tố Hữu đã sáng tạo nên những hình ảnh thơ có sức khái quát lớn. Câu thơ gợi lại cả một quá khứ gian khổ, thiếu thốn mà thắm thiết ân tình giữa đồng bào chiến khu và cán bộ kháng chiến. Tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ ấy đã là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng. Đó cũng là vẻ đẹp của một nhân dân có truyền thống bao bọc, yêu thương, chia ngọt sẻ bùi.

Sông Đáy

+ Nhớ về Việt Bắc, người ra đi như được sống lại với những ngày tháng chiến đấu đầy gian nan, thử thách mà vẫn phơi phới niềm vui. Những lớp bình dân học vụ rộn rã tiếng "i tờ", những buổi liên hoan văn nghệ nơi "đồng khuya đuốc sáng", những khi vượt suối băng rừng: Gian nan dời vẫn ca vang núi đèo... Và đẹp nhất, vẫn là không khí hào hùng, sôi động của chiến khu cách mạng:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Ngòi bút giàu khuynh hướng sử thi của Tố Hữu đã khám phá, khắc hoạ được vẻ đẹp kì vĩ, phi thường của quân dân ta trên con đường ra trận. Nhà thơ sử dụng những điệp từ và hình ảnh so sánh quen thuộc để diễn tả sức mạnh lay trời chuyển đất và tầm vóc sánh ngang vũ trụ của con người Việt Nam.

- Trong hiện tại và tương lai của đất nước, Việt Bắc mãi là mảnh đất thiêng liêng, là nơi hội tụ của tình yêu và niềm tin của cả một dân tộc:

Ở đâu u ám quân thù,

Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi

Ở đâu đau đớn giống nòi

Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.

Mười lăm năm ấy, ai quên

Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hòa.

Leave a Reply