Thuyết minh về một cảnh đẹp trên đất nước ta

Hồ Thác Bà

Hồ Thác Bà là một viên ngọc quý của miền Tây Bắc nước ta. Năm 1961, công trình thuỷ điện Thác Bà bắt đầu được xây dựng, đến năm 1971 mới hoàn thành, hồ Thác Bà có từ đấy. Nó nằm trong lưu vực sông Chảy thuộc hai huyện Yên Bình và Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Đây là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất của Việt Nam, rộng gần 20.000 ha, với trên 80km chiều dài, chiều rộng từ 8-10km, có chỗ sâu tới 45m. Hồ Thác Bà có tới 1331 hòn đảo lớn nhỏ, xen kẽ những dãy núi đá vôi xanh thẫm, trong đó có khá nhiều đảo trồng cây ăn quả như bưởi, quýt, hồng... Cảnh quan thiên nhiên vừa kì vĩ vừa thơ mộng.

Hồ Thác Bà

Ai đã một lần lên Tây Bắc và ghé chơi hồ Thác Bà? Từ cảng Hương Lý, sau khoảng một giờ ngồi ca nô, du khách đã tới nhà máy thuỷ điện Thác Bà rồi lên thắp hương cầu may tại đền Thác Ông, lần lượt vào thăm các hang động đá vôi như động Thuỷ Tiên, động Xuân Long, động Bạch Xà...

Động Thuỷ Tiên hun hút dài khoảng 100m, nhũ đá lấp lánh muôn hồng nghìn tía, đặc biệt có hình tiên nữ trong bộ xiêm y lộng lẫy thướt tha đang múa hát, mỗi nàng một vẻ, gắn với cổ tích li kì. Động Xuân Long nằm ẩn trong dãy núi đá trập trùng; càng đi sâu vào khách tham quan không khỏi ngỡ ngàng trước những tượng đá, nhũ đá có màu sắc và hình dáng kì lạ. Núi Cao Biền là dãy núi lớn và dài nhất của thắng cảnh hồ Thác Bà. Những buổi sáng sớm hay buổi chiều mùa hè, những đêm trăng thu, du khách leo lên đỉnh núi, phóng tầm mắt ngắm cảnh hồ bao la, mênh mông trong màn sương với vẻ đẹp lung linh huyền ảo; càng ngắm càng đắm càng say.

Ngược dòng sông Chảy, du khách tới thăm khu di tích lịch sử đền Đại La, hang Hùm, chùa Lãi, núi Vua áo Đen; nơi đây còn lưu giữ bao dấu vết văn hoá thuộc nền văn hoá Bắc Sơn của người Việt cổ. Câu ca ngày xửa ngày xưa còn vọng theo thời gian làm bồi hồi xao xuyến du khách gần xa:

''Nhiều tiền chợ Ngọc, chợ Ngà,

Không tiền lơ lừng Thác Bà, Thác Ông

Xung quanh hồ Thác Bà nhấp nhô những mái nhà lá, nhà sàn của đồng bào Dao, Tày, Nùng, Mông, Mán, Phù Lá, Cao Lan. Tiếng mõ rừng chiều, tiếng cá đớp mồi vẫy trăng, tiếng máy ca nô, tiếng thuỷ điện rì rầm, tiếng gió lồng hang động, tiếng sóng vỗ, tiếng rít của đàn vịt trời, cái hợp âm trầm hùng ấy càng lắng nghe càng thú vị.

Đúng như dân gian đã nhắc: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn Đến thăm hồ Thác Bà, lúc trở về xuôi, ta khẽ nhẩm lời ca:

"Ai về ai có nhớ không?

Ta về ta nhớ Thác Ông, Thác Bà

Nhớ Xuân Long, nhớ Bạch Xà

Chợ Ngọc, chợ Ngà nhớ mãi không nguôi... ”

Leave a Reply