Tiếng "mình - ta" trong đoạn thơ, tiếng "nhớ" - tiếng của niềm hội ngộ và nghệ thuật của bài thơ Việt Bắc

1. Cảm nhận chung về bài thơ

Bài thơ được viết theo thể lục bát. Đây là thể thơ truyền thống của dân tộc, rất phù hợp với những tác phẩm thơ dài. Cả bài thơ là hai tiếng nói nhưng cùng một nghĩ suy của Ta và Mình. Hai tiếng nói ấy trong hành trình xuyên suốt của bài thơ làm hiện lên chân dung của Việt Bắc, của kháng chiến, của nghĩa tình. Hai âm vang ấy trở thành thế giới hình tượng của bài thơ.

2. Thế giới hình tượng của bài thơ

а. Tiếng "mình - ta" trong đoạn thơ

- Mình và ta vốn là đại từ ngôi thứ nhất số nhiều nhưng trong gia đình người Việt Nam truyền thống nó trở thành đại từ ngôi thứ nhất số ít của những đôi vợ chồng gọi nhau một cách âu yếm. Mượn hai tiếng mình - ta để chở nghĩa tình của kẻ đi người ở lúc này, nhà thơ đã gần như "đắc địa" hồn thơ của mình.

- Dễ dàng nhận ra: xuyên suốt cả bài thơ là hai tiếng mình và ta. Hai tiếng ấy như tiếng thoi đưa tí tách trên chiếc khung cửi của thời gian và bằng sợi chỉ nhiệm màu về nỗi nhớ, tác giả dệt nên tấm thảm nhung của lòng hoài niệm: hoài niệm về 15 năm ân tình ân nghĩa, về một vùng đất thánh địa của đất nước, về kháng chiến, về những gian khổ, khó khăn được sẻ chia đùm bọc...

- Tiếng mình - tiếng ta vang lên khắp mọi nẻo đường của hoài niệm. Nó làm cho sự chia li ấy thành sự hội ngộ, nó làm cho tình cảm xuôi ngược trở thành một thiên tình sử diễm lệ mang vẻ đẹp ngàn đời của con người Việt Bắc đối với Bác Hồ, với Đảng.

Việt Bắc

b. Tiếng "nhớ" - tiếng của niềm hội ngộ

- Nỗi nhớ bao giờ cũng là gam chủ của bản tình ca chia li. Việt Bắc và miền xuôi hát lên bản tình ca của mình bằng những nỗi nhớ để khắc sâu và nhắc nhở; để thấu hiểu và cảm thông, để trở về quá khứ, để đi tới tương lai.

- Hàng trăm tiếng nhớ vang lên trong bản tình ca đã trở thành một điệp khúc trữ tình huyền diệu. Nhưng trong cái điệp khúc tưởng như rất khó diễn tả thành lời ấy, đã chảy ra bao nhiêu cảnh vật, tình người.

- Buổi miền xuôi "Về lại thủ đô" có không biết bao nhiêu cảnh vật, kỉ niệm của tình người Việt Bắc xôn xao hiện về. Chỉ có tiếng nhớ, điệp khúc về nỗi nhớ mới làm thành dòng chảy của thời gian chở hết cái không gian Việt Bắc lúc ấy.

Trong dòng chảy của nỗi nhớ mênh mông, có những điều rất cụ thể: "Nhớ người mẹ nắng cháy lưng - Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô"; có những nỗi nhớ rất mơ hồ khó tả: "Nhớ gì như nhớ người yêu"; có nỗi nhớ sự việc: "Trung ương Chính phủ luận bàn việc công"; có nỗi nhớ tình yêu đôi lứa: "Nhớ cô em gái hái măng một mình". Nỗi nhớ có sắc màu, có góc cạnh: "Nhớ người đan nón, chuốt từng sợi giang". Nỗi nhớ theo 4 mùa: Xuân với "Mơ nở trắng rừng", Hạ với "ve kêu rừng phách đổ vàng", Thu với "Trăng rọi hoà bình" và Đông với "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi"...

- Nỗi nhớ trở thành một không gian nghệ thuật: có nắng sớm mưa chiều; có đèo cao suối đổ, ánh nắng, sương mù. Nỗi nhớ này mang đặc thù của Việt Bắc, với Việt Bắc. Có những nỗi nhớ đẹp, huyền diệu đến vô cùng mà không phải ai cũng viết ra thành lời được:

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa.

Tóm lại: Nỗi nhớ trong đoạn thơ chính là dòng chảy hội tụ, hợp lưư tất cả nghĩa tình "mười lăm năm" của Việt Bắc với kháng chiến. Nó là dòng chảy hai chiều đưa ta về quá khứ, cho ta tới tương lai.

c. Nghệ thuật của bài thơ

- Diễn tả một tâm thế đa phức, đa chiều với trăm ngàn biến thái của tình cảm, Tố Hữu đã chọn câu thơ lục bát để viết bản tình ca chia li.

- Chọn thể thơ này Tố Hữu đã nói hộ được tiếng nói đầy khó khăn lúc này bằng một cách nói rất dân gian, dễ hiểu, gần gũi với tất cả mọi người. Câu lục bát là tiếng ru, tiếng hát giao duyên, dặn dò, gửi gắm. Nó là tiếng của non sông, là hồn đất nước.

- Ta nghe trong bài thơ Việt Bắc có tiếng hát then Cao Bằng, có câu hát xoan Phú Thọ, có câu hát quan họ Bắc Ninh, có câu hát về sông Chu, sông Mã, có tiếng đò đưa của sông Lam, sông Hương... Dân ca mọi miền của đất nước chảy vào trong câu lục bát bởi tiếng mình, tiếng ta, tiếng nhớ...

Mình về mình có nhớ ta

- Ngôn ngữ thơ của bài thơ: Ngôn ngữ thơ thường phải hàm súc, dồn nén. Nhưng để chở cả một cuộc chia li, chở cả một trời kỉ niệm trong 15 năm chung sống với bao nhiêu đắng, cay, bùi, ngọt,... Tố Hữu đã chọn một lối ngôn ngữ diễn ca để thể hiện. Đây là tiếng của tất cả mọi người, tiếng của khúc tráng ca mang tính cộng đồng lớn lao, Tố Hữu đã rất thành công khi viết nên thiên tình ca diễm lệ này bằng ngôn ngữ của tình ca:

- Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bổn chồn bước đi

- Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô

- Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

- Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Những câu thơ với ngôn ngữ thơ giản dị là tiếng người ra đi, người ở lại, là tiếng lòng đồng vọng trong nhau. Ngôn ngữ, hình ảnh của thơ như ngôn ngữ tình ca của người Tày, người Thái, như khúc hát giao duyên của người Việt.

Việt Bắc là bản tình ca của một cuộc đại chia li lịch sử. Bài thơ hay ở giọng thơ tâm huyết, ở đôi thể chia li là "Ta" và "Mình"; ở tấm lòng thuỷ chung son sắt của con người Việt Nam, ở cái không gian nghệ thuật vừa rất lớn lao vừa rất sâu sắc của lòng hoài niệm.

Bài thơ chở cả một thời lịch sử đau thương nhưng oanh liệt của đất nước, nhưng hơn thế nó là dâu ấn không bao giờ nhạt phai của tấm lòng hai miền xuôi ngược, của dân với Đảng, Bác Hồ, của con người Việt Nam với kháng chiến, với dân tộc.

Leave a Reply