Trong bài thơ Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên có viết một đoạn thơ hay và xúc động về nhân dân: "... Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ... Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi..." (Ánh sáng và phù sa, NXB Văn Học, Hà Nội, 1960). Phân tích đoạn thơ trên

Trong bài thơ Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên có viết một đoạn thơ hay và xúc động về nhân dân:

... Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa

Con nhớ anh con, người anh du kích

Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn

Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách

Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con.

Con nhớ em con, thằng em liên lạc

Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ

Sáng bản Na chiều em qua bản Bắc

Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư

Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc

Năm con đau, mế thức một mùa dài.

Con với mế không phải hòn máu cắt

Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi...

(Ánh sáng và phù sa, NXB Văn Học, Hà Nội, 1960)

Phân tích đoạn thơ trên.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích

- Từ “Điêu tàn” đến “Ánh sáng và phù sa” là hành trình tư tưởng thơ Chế Lan Viên đi “Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”, “từ chân trời của một người đến chân trời của mọi người”.

- Bài thơ “Tiếng hát con tàu” (1960) là bài thơ hay, cảm hứng được gợi từ một sự kiện kinh tế - xã hội từ 1958 - 1960 - cuộc vận động nhân dân miền xuôi lên Tây Bắc góp phần xây dựng đất nước. Đoạn thơ là niềm hạnh phúc, nỗi nhớ, tình yêu của tác giả dành cho nhân dân Tây Bắc

Niềm hạnh phúc khi gặp lại nhân dân

- Ý nghĩa sâu xa, niềm hạnh phúc bình dị mà lớn lao khi trở về và gặp lại nhân dân. Về với nhân dân là về với ngọn nguồn thiết yếu của sự sống, với suối nguồn yêu thương vô tận.

Hình ảnh nhân dân - “Mẹ yêu thương”

- Một loạt hình ảnh so sánh (5 hình ảnh) kết hợp với hoán dụ được sáng tạo để mở rộng, khơi sâu ý nghĩa của sự trở về.

Hình ảnh nhân dân - “Mẹ yêu thương” sống lại trong dòng hoài niệm của nhân vật trữ tình với nỗi nhớ tha thiết, xúc động và sâu sắc

- Đó là hình ảnh người anh du kích, thằng em liên lạc, là bà mẹ Tây Bắc lần lượt hiện về trong nỗi nhớ và những kỉ niệm được khắc sâu, với những phẩm chất, tâm hồn cao đẹp của những con người đã hi sinh thầm lặng, lớn lao, và sự chở che, đùm bọc trọn vẹn. Hình ảnh nhân dân cần lao nghèo khổ mà giàu nghĩa tình với cách mạng và đất nước được tái hiện thật xúc động.

- Tình cảm dành cho nhân dân không chỉ là nỗi nhớ mà còn sự kính trọng, và lòng biết ơn vô hạn. Sự hoà quyện giữa những kỉ niệm với tình cảm cách mạng lớn lao đã tạo nên sức truyền cảm cho những câu thơ viết về nhân dân.

- Chủ thể trữ tình nói với nhân dân bằng cách xưng hô chân tình, ruột thịt. Việc sử dụng liên tiếp những điệp ngữ đã tạo được một giọng thơ tha thiết, đầy ắp ân tình. Khái niệm nhân dân vốn trừu tượng đã trở thành những hình ảnh chân thực, gần gũi nhờ những chi tiết cụ thể, gợi cảm và khả năng sáng tạo hình ảnh thơ có khi theo lối tả thực, cụ thể, khi lại tạo ra những liên tưởng bất ngờ.

Leave a Reply