Trong một bức thư bàn về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết: “Văn chương có loại đáng thờ... Có loại không đáng thờ...”. Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên. (Yêu cầu viết bài văn)

Trong một bức thư bàn về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết: “Văn chương có loại đáng thờ... Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên.

(Yêu cầu viết bài văn)

BÀI THAM KHẢO

Trên bầu trời có muôn vàn vì sao nhưng không phải vì sao nào cũng sáng lấp lánh. Trong văn chương cũng như vậy, có những tác phẩm hay đáng đọc, nhưng cũng có rất nhiều tác phẩm dở, không đáng đọc. Vì vậy người đọc cần có thái độ rõ ràng trước những tác phẩm văn chương. Trong một bức thư luận bàn về văn chương, Nguyễn Văn Siêu đã viết về vấn đề đó như sau: “Văn chương có loại đáng thờ... Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”.

Văn chương có loại đáng thờ Có loại không đáng thờ

Đọc những lời thư ấy, tôi hiểu rằng Nguyễn Văn Siêu bàn về thái độ của người đọc với văn chương. Ông đã thẳng thắn nêu quan niệm rất sáng suốt của mình bằng cách chỉ cho mọi người thấy hai loại văn chương: loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương các tác phẩm chỉ chuộng về hình thức với những câu văn dài, hào nhoáng, từ ngữ được đánh bóng nhưng lại không chú trọng đến nội dung, không gắn bó với cuộc sống con người thì là loại văn không đáng thờ. Cũng có loại văn viết về tình cảm con người, về tình yêu đôi lứa nhưng lại có cách viết sáo rỗng, lối mòn thì đó cũng là loại văn “không đáng thờ”. Đối với loại văn này, ta nên phủ nhận, phê phán, bác bỏ. Còn loại văn chương thứ hai là “loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Các tác phẩm chuyên chú con người là những tác phẩm có giá trị nội dung cao, phản ánh cuộc sống con người, giáo dục con người về điều thiện, cái đẹp thì ta nên coi trọng, nên đọc để học cách làm người. Một tác phẩm văn chương cũng giống như một điệu múa mà các nhà văn, nhà thơ sẽ là các diễn viên múa. Nếu diễn viên múa chỉ chú trọng các động tác khó, kĩ thuật cao để phô diễn tài năng của mình mà quên đi những cảm xúc thăng hoa của điệu múa thì nó sẽ không có hồn. Người diễn viên phải thổi hồn mình vào điệu múa cũng như các nhà văn, nhà thơ cần thổi hồn mình vào các tác phẩm văn chương. Có thể nói đây là một ý kiến đúng, xác đáng, giúp người đọc biết chọn những tác phẩm văn chương chân chính để thưởng thức, phát hiện những tác phẩm văn chương không chân chính để bác bỏ.

Tại sao các tác phẩm văn chương chuyên chú ở con người lại rất đáng thờ? Các tác phẩm này dạy cho ta cách làm người, viết về những tình cảm thiêng liêng cao quý của con người. Có rất nhiều bài văn thơ đáng thờ như bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo); Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm,... Tác phẩm Đàn ghi ta của Lor-ca viết về một nghệ sĩ tiên phong trong công cuộc cách tân sáng tác văn học nghệ thuật đấu tranh vì tự do dân chủ ở đất nước Tây Ban Nha. Người anh hùng ấy dù bị giết hại về cả thể xác và tinh thần nhưng bọn phát xít không thể giết được tiếng đàn của anh. Đọc bài thơ, ta xót thương trước cái chết bi thảm của Lor-ca, nhưng thầm cảm phục và học tập ở người anh hùng một tình yêu với nghệ thuật, với đất nước và tinh thần bất diệt quả cảm chống phát xít. Bài thơ ca ngợi con người chân chính đã dạy cho tôi cách làm người. Các tác phẩm đáng thờ không chỉ viết về con người mà còn có thể viết về những điều gần gũi với con người như thiên nhiên đất nước. Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một ví dụ điển hình. Qua tác phẩm này, ta hiểu về sông Hương - một nét đẹp của xứ Huế mộng mơ. Dòng sông Hương khi ở thượng lưu mang một vẻ đẹp tự nhiên, phóng khoáng man dại nhưng khi về châu thổ thì mềm mại như tấm lụa, còn khi qua lăng mộ thì trầm mặc, triết lí, áng văn ấy giúp ta hiểu và yêu một nét đẹp của Việt Nam - dòng sông Hương, mặc dù có thể ta chưa một lần đến đó. Tác phẩm còn cung cấp cho ta những kiến thức về văn hoá, lịch sử của Huế từ đó ta càng thêm tự hào về truyền thống dân tộc càng thêm yêu tổ quốc và thiên nhiên đất nước. Như vậy, các tác phẩm văn chương đáng thờ đã dạy cho ta rất nhiều điều, đặc biệt là dạy cho ta cách làm người.

Cũng như đã nói ở trên, trên bầu trời văn học đầy sao, có rất nhiều vì sao mờ. Đó là các tác phẩm không đáng thờ. Hiện nay, nền văn học hiện đại Việt Nam xuất hiện rất nhiều bài văn, thơ như vậy. Một số tác giả trẻ hiện nay viết văn thơ chỉ quan tâm đến tình yêu đôi lứa với những lối mòn, lời văn sáo rỗng hay đề cập vấn đề nhạy cảm như “sex”, tình dục nhưng viết một cách thô thiển và lệch lạc. Vì vậy, người đọc nhất là giới trẻ hiện nay cần phát hiện và tránh xa những loại văn chương như vậy. Nó không mang lại lợi ích gì cho ta mà ngược lại còn đầu độc đầu óc của chúng ta. Ta cần có một sự lựa chọn đúng đắn khi đọc văn để đọc sách trở thành một cách giải trí bổ ích, mang lại cho ta nhiều điều tốt đẹp.

Thái độ của người đọc đối với văn chương

Có thể nói thái độ của người đọc đối với văn chương là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Nó đòi hỏi mọi người trước hết là học sinh chúng ta lựa chọn những tác phẩm hay để đọc, mang lại cho chúng ta hiểu biết, kiến thức và cách sống, cách làm người. Chính thái độ của người đọc cũng giúp cho các nhà văn, nhà thơ nâng cao chất lượng sáng tác. Nếu người đọc biết chọn lọc, bác bỏ những tác phẩm không đáng đọc thì khiến cho các tác giả nhận ra cái sai, thiếu sót để sửa chữa. Chính thái độ của người đọc sẽ thanh lọc dần những tác phẩm dở để nền văn học Việt Nam và thế giới hiện đại càng đi lên với những tác phẩm để đời được mọi người yêu quý, nâng niu.

Mặt khác, các nhà văn, nhà thơ cũng nên chú ý đến việc sáng tác văn chương để vươn đến một nghệ thuật đích thực, chứ không phải chạy theo thị trường, sáng tác ra loại văn chương “không đáng thờ”.

Vậy đấy, qua ý kiến của Nguyễn Văn Siêu tôi học được rất nhiều điều cho bản thân. Đọc sách, đọc các tác phẩm văn chương là rất tốt, mang đến cho tôi kiến thức, những tình cảm thiêng liêng như tình yêu đất nước, con người, khát vọng sống chân, thiện, mĩ... Mỗi khi đọc văn, tôi thường tự nhủ hãy chọn lọc để tìm những tác phẩm hay, đừng đọc và bác bỏ những loại văn chương không đáng đọc...

Leave a Reply