Từ khao khát hạnh phúc của chị em Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam) bàn về mối quan hệ giữa hoàn cảnh và khát vọng của con người

Tôi rất thích câu nói của Ha-dơ-lít: “Sự thịnh vượng là một ông thầy lớn nhưng nghịch cảnh lại là bậc thầy vĩ đại hơn. Sự đầy đủ mơn trớn lòng ta, sự thiếu thốn tôi luyện và làm cho lòng ta cứng cỏi”. Và đến khi bắt gặp sự khát khao hạnh phúc của chị em Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam), tôi lại càng thấu hiểu thêm một lẽ sống tưởng chừng giản đơn mà vô cùng ý nghĩa: trong những hoàn cảnh khó khăn của cuộc đời, con người ta vẫn luôn hi vọng, khát khao vươn tới một cuộc sống hạnh phúc hơn. Những khát vọng ấy thật đáng trân trọng và cảm phục biết bao!

Hoàn cảnh là thực tại cuộc sống. Thực tại có thể tốt đẹp, sung sướng; có thể đau khổ, nghiệt ngã, cũng có thể phũ phàng... nhưng ước mơ thì luôn luôn đẹp, luôn chắp cánh cho con người đến sự thành công và hạnh phúc. Mơ ước đem lại cho ta niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống. Thật buồn chán nếu như cuộc sống thiếu vắng ước mơ, khát vọng, lúc ấy tâm hồn con người trở nên băng giá, sự bi quan, thất vọng sẽ trùm phủ trong lòng mỗi con người. Ước mơ không phải là bông hoa hồng chỉ sống trong những mảnh vườn màu mỡ, nó là hoa xương rồng có thế nảy nở, sinh sôi ngay trên miếng đất khô cằn. Nó có thể nảy sinh từ mảnh đất chết. Chính vì thế mà ước mơ của mỗi người đều đáng được nâng niu, trân trọng.

Bàn về Mối quan hệ giữa hoàn cảnh và khát vọng của con người

Và ước mơ, khát vọng của chị em Liên và An trong truyện ngắn Hai đứa trẻ cũng như vậy. Nơi chị em Liên đang sống là một phố huyện nghèo khó, hai chị em trông coi “một cửa hàng tạp hoá nhỏ xíu, mẹ Liên dọn ngay từ khi cả nhà bỏ ra Hà Nội về quê ở, vì thầy Liên “mất việc”. Còn ít tuổi nhưng Liên và An đã sớm biết lo toan, phụ giúp mẹ trong cuộc mưu sinh vất vả này. Phố huyện nghèo nàn, buồn bã càng trở nên tiêu điều, xơ xác hơn khi mỗi buổi chiều ùa về. Nỗi buồn man mác bâng khuâng thấm đẫm vào tâm hồn non nớt, ngây thơ của Liên và cuộc sống phố huyện, những thân phận con người cứ nối nhau đi qua trước mắt Liên như cái vòng đời quẩn quanh, mòn mỏi: mẹ con chị Tí, bà cụ Thi điên, gia đình bác xẩm, bác phở Siêu vẫn đang tiếp tục cuộc “sống mòn” của họ - một cuộc sống quẩn quanh, tẻ nhạt, lay lắt bị chôn vùi dần trong bóng tối. Liên đã thấy cái vòng đời luẩn quẩn, chật chội, tù đọng ấy và chị hiểu rằng nếu không làm gì để thay đổi thì cuộc đời Liên sẽ diễn ra y như vậy. Hoàn cảnh sống khó khăn ở phố huyện nghèo đã trói buộc Liên vào bóng tối, vào sự tẻ nhạt, chậm chạp nhưng vẫn không thể vùi lấp được khát khao cháy bỏng được sống hạnh phúc, sống ý nghĩa của Liên. Cuộc sống hiện tại có nhiều khó khăn, vất vả nhưng không khiến được con người ta thôi mơ ước, hi vọng. Ước mơ ấy sẽ dẫn dắt ta vượt qua mọi trở ngại của cuộc đời. Liên cũng mơ ước, khao khát. Liên nhớ về Hà Nội “với một vùng sáng rực và lấp lánh. Hà Nội nhiều đèn quá”. Liên sống với quá khứ, khát vọng và chị thực sự được sống, được trở về tuổi thơ khi nhìn thấy đoàn tàu.

Đoàn tàu đã chở đến cho hai chị em một thế giới đầy sự sống, thế giới của âm thanh, ánh sáng của niềm vui và hạnh phúc. Rõ ràng hình ảnh đoàn tàu xuất hiện nơi phố huyện đã đem đến cho mảnh đất như đã bị quên lãng này cái không khí ồn ào sôi động cùng những luồng ánh sáng khác lạ. Con tàu như đã đưa đến một thế giới khác đi qua. Nó là hòn sỏi ném xuống cái “ao đời bằng phẳng” khuấy động mặt nước tĩnh lặng. Đoàn tàu đến trong sự mong mỏi, chờ đợi, háo hức của chị em Liên và ra đi trong sự tiếc nuối lưu luyến đến tội nghiệp. Liên và An và cả những người dân nơi đây phải sống trong một phố huyện nghèo nàn, lam lũ, bao bọc là bóng tối, là sự tẻ nhạt vô nghĩa nhưng họ vẫn luôn mong mỏi tha thiết, âm thầm khao khát được sống ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn. Đó là một khát khao âm thầm, cháy bỏng, dai dẳng, quyết liệt. Khát vọng đó là ngọn lửa luôn âm ỉ cháy chỉ chờ có dip là bùng lên mạnh mẽ. Trong cuộc sống vất vả khó khăn con người vẫn không thôi ước mơ hi vọng. Họ biến khát khao sống của mình thành động lực để tự cố gắng.

Chị em Liên và An trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Hoàn cảnh có mối quan hệ mật thiết với những niềm khát khao ấy. Hoàn cảnh sống tốt là một nền tảng vững chắc cho những ước mơ. Ngược lại, hoàn cảnh xấu làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn mỗi con người.

Thế nhưng đừng vội đổ lỗi hoàn toàn cho hoàn cảnh: chỉ có hoàn cảnh tốt mới tạo nên con người tốt, hoàn cảnh xấu chỉ tạo nên con người xấu. Cuộc đời này, ở đâu đó, vẫn còn nhiều lắm những bông sen ngát thơm “Gần bùn mà chăng hôi tanh mùi bùn”. Nghịch cảnh đã làm những con người ấy trở nên rắn rỏi, mạnh mẽ thêm. Dù trong hoàn cảnh nào họ cũng vẫn luôn khát khao để sống ý nghĩa hơn “vì đời là một câu chuyện, nên điều cần thiết không phải là nó dài hay ngắn mà hay hay dở” (Se- ne-ca). Cuộc đời không mấy khi bằng phẳng và hoàn cảnh không phải lúc nào cũng tốt đẹp, điều cốt yếu là phải biết làm sao khắc phục được những khó khăn ấy để vươn tới khát vọng của chính mình:

Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả

Anh hùng hào kiệt có hơn ai?

(Phan Bội Châu)

Hạnh phúc và thành công không bao giờ từ bỏ con người nếu như họ vẫn luôn khát khao vươn tới. Bác Hồ kính yêu của chúng ta không thể tìm ra con đường giải phóng dân tộc nếu như Bác cho rằng không có tiền để ra đi. Nguyễn Ngọc Kí cũng sẽ không thể trở thành một nhà văn, một nhà giáo ưu tú nếu như ông cho rằng mình không có một đôi tay lành lặn. Gần đây, tôi biết đến một con người với một câu chuyện, một cuộc đời làm xúc động cả thế giới - siêu người mẫu Waris trước khi nổi tiếng đã phải sống cuộc đời khổ cực của dân du mục, chịu mọi nỗi đau về thể xác và linh hồn, chống chọi với sư tử một mình giữa sa mạc để giành giật sự sống. Anh Ngô Văn Định bị dị tật bẩm sinh nhưng anh vẫn cố gắng để thi đỗ đại học và bây giờ ước mơ trở thành bác sĩ của anh sắp trở thành hiện thực... Còn nhiều lắm những tấm gương như thế trong cuộc đời này. Họ sống hết mình, sống đầy nhiệt huyết vì lí tưởng. Lí tướng là khát vọng cháy bỏng mãnh liệt mà họ muốn đạt được: “lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống (L.Tôn-xtôi).

Biết vượt lên hoàn cảnh khó khăn, hướng tới những điều tốt đẹp

Trong hoàn cảnh khó khăn họ biến những khó khăn thành động lực để tiếp tục cố gắng. Và chính khát vọng là sức mạnh để con người có thêm nghị lực vượt qua mọi thử thách của cuộc đời. Nếu không có khát khao vươn tới ước mơ ấy, chắc chắn con người sẽ gục ngã và hai chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ sẽ tiếp tục sống uể oải, mòn mỏi mãi nơi phố huyện nghèo nàn buồn tẻ. Biết vượt lên hoàn cảnh khó khăn, hướng tới những điều tốt đẹp. Đó là điều ta trân trọng ở họ. Nhưng đừng để họ phải chống chọi một mình với sự khó khăn bê tắc ấy như hai chị em Liên, như Chí Phèo mà hãy giúp đỡ họ, tiếp thêm nghị lực để họ có thể thực hiện những khát vọng đẹp đẽ của mình. Có lẽ đó là điều mà Thạch Lam và Nam Cao mơ ước chăng?

Xung quanh ta có biết bao nhiêu người biết mơ ước và thực hiện mơ ước của mình nhưng đâu dó cũng có những người đầu hàng số phận, đầu hàng hoàn cảnh. Họ buông xuôi tất cả và đổ lỗi cho cuộc đời mà không chịu cố gắng. Có một số người có hoàn cảnh sống tốt mà vẫn sống một cách vô nghĩa, lãng phí tuổi trẻ, tiền bạc vào lối sống hưởng lạc. Không tìm cho mình một con đường đúng đắn, một ước mơ để vươn tới những con người ấy sẽ chìm dần trong sự buồn tẻ, chán nản, thất vọng. Xã hội có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ mỗi con người thực hiện ước mơ, khát vọng của mình. Những tác động của mọi người trong xã hội sẽ làm nên những thay đổi lớn trong mỗi con người, cổ vũ hay thờ ơ với những khát vọng chính đáng của con người? Câu trả lời đó dã thực sự rõ ràng nhưng để thực hiện thì không phải dễ dàng. Làm sao để mọi người không kì thị, xa lánh những người bị nhiễm HIV? Làm sao để những người lầm đường lỡ bước hoà nhập với cộng đồng?... Những câu hỏi đó vẫn đang trăn trở trong mỗi con người, mỗi đất nước. Để thực hiện được những ước mơ, khát vọng của mình, mỗi chúng ta đều phải cố gắng giữ gìn, vun đắp cho ước mơ và khát vọng chiến thắng hoàn cảnh.

Trong cuộc sống, có đôi lúc tôi cũng thấy chán nản thất vọng khi gặp khó khăn. Tôi cũng biết đôi lần mình chưa dám sống hết mình, sống ý nghĩa nhưng tôi sẽ cố gắng để đạt tới khát vọng mà tôi đang khát khao, cho đến một ngày tôi đủ tự tin đề khẳng định rằng: “Đời phải trải qua dông tố nhưng không được cúi đầu trước dông tố” (Đặng Thuỳ Trâm).

Hoàn cảnh là một yếu tố để tạo nên đạo đức của con người nhưng điều quan trọng là dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn không thôi ước mơ. Biết khát khao hạnh phúc như chị em Liên đâu phải điều ai cũng làm được. Mỗi chúng ta phải biết cố gắng, quyết tâm để chiến thắng hoàn cảnh, vươn tới khát vọng chân chính của mình.

Tôi cũng muốn học tập L.Rích-hen: “Với những vận đen của mình, tôi đã học cách vượt qua những thử thách, trưởng thành trong khốn khó và vượt lên rất nhanh trong sự nghiệp. Tôi không sâu sắc như các nhà văn, nhà thơ hay các danh nhân nhưng tôi vẫn muốn gửi thông điệp nhỏ của tôi tới mọi người: Hãy sống và hãy ước mơ”.

Leave a Reply