Tục ngữ có câu: "Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn". Em hiểu câu tục ngữ này như thế nào? Hãy nói lên suy nghĩ của em về câu tục ngữ ấy

Triết lí sống của nhân dân thật sâu sắc. Câu tục ngữ sau đây là một ví dụ:

"Đi cho biết đó biết đây,

Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn".

Câu tục ngữ được diễn đạt dưới hình thức thơ lục bát; các chữ: đi, biết, khôn là linh hồn, là ý tưởng kết tinh triết lí đó.

Đi để làm gì? "Đi cho biết đó biết đây", đi ra ngoài là để "biết" để mở rộng tầm mắt đó, đây, để thấy được nhiều cái tốt đẹp của mọi miền quê, mọi xứ sở, mọi chân trời xa xôi, để học hỏi những điều hay, điều mới lạ của thiên hạ. Đi để biết cái văn minh, tiến bộ của xứ người, để học hỏi cách làm ăn, đặng làm cho trí tuệ, tâm hồn, cuộc sống của mình trở nên phong phú, giàu có.

Đi cho biết đó biết đây

"Đi cho biết đó biết đây" là để tự cởi trói, thoát ly cuộc sống chật hẹp, quẩn quanh ru rú nơi xó bếp, trong luỹ tre làng, "chỉ biết ở nhà với mẹ", không dám đi đâu xa, khác nào "Gà cồ ăn quẩn cối xay", thì "biết ngày nào mới khôn"!

Sống bảo thủ, sống chật hẹp, sống tù túng mãi như thế thì làm sao có thể theo kịp thiên hạ, khó mà làm nên sự nghiệp gì to tát, làm cho dân giàu nước mạnh.

Câu tục ngữ đối lập giữa "đi" với "ở nhà với mẹ" giữa "biết" với "ngày nào khôn", qua đó nêu lên bài học về sống năng động, cách học tập mở mang tầm mắt để làm người, để xây dựng sự nghiệp; đồng thời phê phán tư tưởng bảo thủ, lối sống chật hẹp, quẩn quanh của những kẻ tầm thường.

"Đi cho biết đó biết đây" để thấy được cái hay, cái tốt đẹp của mọi miền quê gần, xa, để biết giang sơn gấm vóc, nước ta giàu tài nguyên, rừng vàng biển bạc, đồng bào ta cần cù, nhân ái, giàu lòng yêu nước.

Có đi mới biết: "Đường vô xứ Huế quanh quanh - Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ", mới hay, mới rõ: "Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh - Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm", v.v... để nâng cao lòng tự hào dân tộc.

Nếu chỉ quẩn quanh xó bếp "ở nhà với mẹ" thì làm sao có thể phát triển tài năng, đua tranh với đời, thoả chí nam nhi: "Làm trai cho đáng nên trai - Phú xuân dã trải, Đồng Nai cũng từng".

Với tuổi trẻ "Đi cho biết đó biết đây", để trang trải món nợ tang bồng như Nguyễn Công Trứ đã nói:

"Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,

Nợ tang bồng vay giả, giả vay

Chí làm trai nam bắc đông tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể".

(Chí anh hùng)

Đất nước ta đang trên đà đổi mới và phát triển. Thế kỉ 21 là thế kỉ tri thức. Phong trào đi du học sang các nước Âu - Mĩ đã cổ vũ hàng nghìn, hàng vạn thanh niên ưu tú lên đường. Đi đổ học hỏi khoa học kĩ thuật, phát triển trí tuệ tài năng để trở về phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước như giáo sư, tiến sĩ Ngô Bảo Châu.

Cỏ hồng ở Đà Lạt

Trước khi đi ra bốn bể năm châu, ai cũng vậy, phải chuẩn bị vốn ngoại ngữ, nêu cao ý chí tự lập tự cường, bản lĩnh dân tộc, chứ không đi dể trở thành kẻ mất gốc!

Câu tục ngữ: "Đi cho biết đó biết đây - Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn" đã nêu lên cho mỗi chúng ta bài học về cách sống, cách học tập để phát triển tài năng. Ta càng hiểu rõ xã hội rộng lớn là trường học vô cùng quan trọng đối với mọi người, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam chúng la hãy chuẩn bị hành trang và chí khí trước lúc bước vào đời, sẵn sàng đi tới mọi chân trời mơ ước với niềm tin và khát vọng.

Câu tục ngữ trên nhắc nhở mọi người hãy xoá bỏ tư tưởng tự cao, tự đai, tự ru ngủ mình, tự cho mình là "nhất thiên hạ". Câu tục ngữ sau đây chắc nhiều người trong chúng ta đều nhớ: "Ở nhà nhất mẹ nhì con - Ra đường còn lắm kẻ giòn hơn ta".

Leave a Reply